Trong cuộc chiến tranh vệ quốc, đồng bào các dân tộc thiểu số đã kề sai sát cánh với dân tộc Kinh làm nên những thành tích "chấn động địa cầu". Những năm tháng kháng chiến gian khổ mà hào hùng ấy, quân và dân huyện Trần Văn Thời vẫn nhớ về Đại đức Hữu Nhem - đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam đã chiến đấu anh dũng và hy sinh tại chùa Tam Hiệp; Anh hùng liệt sĩ Danh Thị Tươi - người dẫn đầu cuộc đấu tranh chính trị trực diện với kẻ thù làm cho chúng khiếp sợ; đồng chí Lâm Thị Hoa đã phát động 178 cuộc biểu tình rầm rộ. Đồng chí được Đảng phân công vào Nghị viện Sài Gòn để đấu tranh với địch…
Và còn nhiều tập thể, cá nhân đã anh dũng chiến đấu với kẻ thù, nuôi dưỡng, che chở cán bộ hoạt động cách mạng như: chùa Tam Hiệp (xã Trần Hợi), chùa Rạch Cui (xã Khánh Bình Đông)…
Phát huy truyền thống yêu nước Đồng chí Lưu Minh Nhựt, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Trần Văn Thời cấp mùng cho người dân tộc nghèo ở ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi. Ảnh: CHÍ THANH
Đồng chí Lưu Minh Nhựt, Ủy viên thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Trần Văn Thời khẳng định: "Đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Trần Văn Thời luôn phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường. Không chỉ chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, bà con còn thi đua thực hiện tốt các phong trào trên các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, xóa đói giảm nghèo, thực hiện cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, đặc biệt là cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
Qua cuộc vận động lớn, xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu học tập và làm theo gương Bác. Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Trần Văn Thời lần thứ nhất năm 2009 (diễn ra ngày 24/11/2009) có sự tham gia của 150 tập thể, cá nhân được bình chọn qua các phong trào: giúp đỡ phát triển kinh tế gia đình, công tác từ thiện xã hội, thực hiện tốt chương trình, dự án hỗ trợ và bảo tồn văn hóa dân tộc…
Bác sĩ Diệp Sa Ly, Trưởng Khoa phụ sản Bệnh viện đa khoa khu vực Trần Văn Thời là một tấm gương tận tâm với công việc, tận tụy với nhân dân. Trong công tác, Bác sĩ Sa Ly luôn cống hiến hết mình cho sự nghiệp y tế, tuyệt đối trung thành với Đảng, có ý thức kỷ luật, có bản lĩnh chính trị vững vàng.
Bên cạnh đó, có rất nhiều mô hình sản xuất kinh doanh giỏi có hiệu quả cần được biểu dương và nhân rộng. Điển hình như ông Nguyễn Hoàng Sang, ấp 5, xã Khánh Bình Đông với nghề kinh doanh, dịch vụ xay xát lúa gạo, tạp hóa và sửa máy nổ, trừ chi phí còn lợi nhuận trên 150 triệu đồng/năm. Lãnh đạo huyện Trần Văn Thời trao học bổng cho học sinh Trường Trung học dân tộc Danh Thị Tươi, xã Khánh Bình Tây. Ảnh: C.THANH
Ông Thạch Sol nhờ Nhà nước đầu tư vốn, thực hiện mô hình sản xuất có hiệu quả thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Hay ông Huỳnh Mác, người dân tộc Khmer ấp Kinh Đứng B, xã Khánh Hưng là nông dân sản xuất giỏi, thực hiện tốt cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư". Năm 2009, gia đình ông được công nhận gia đình văn hóa tiêu biểu.
Cùng chung sức xây dựng quê hương giàu đẹp
Truyền thống yêu nước và tinh thần đại đoàn kết chính là những tài sản quý báu để đưa một huyện vùng sâu không ngừng phát triển, đi lên. Đồng bào dân tộc Khmer vốn có truyền thống yêu nước, đức tính cần cù, chịu khó trong lao động để phát triển kinh tế gia đình.
Trên địa bàn huyện có 3 chùa Phật giáo Nam tông Khmer với 7 sư sãi. Tại các chùa này đều thành lập Ban quản trị chùa.
Nhiều năm qua Ban quản trị chùa cũng như phật tử chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực hiện tốt các chương trình, dự án hỗ trợ đồng bào dân tộc nghèo…
Đồng bào người Hoa từ lâu đã cùng với các dân tộc anh em góp sức xây dựng huyện Trần Văn Thời nói riêng và vùng đất U Minh Hạ nói chung. Bà con người Hoa có đức tính cần cù, có ý thức cộng đồng, đoàn kết giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn để xây dựng cuộc sống ổn định, phát triển.
Đồng bào dân tộc Chăm, Mường, Tày, Thái, Lào cũng gắn bó đoàn kết với đồng bào Kinh, Khmer, Hoa, tích cực phát triển sản xuất và tham gia các phong trào cách mạng ở địa phương.
Bên cạnh những nỗ lực của đồng bào dân tộc thiểu số, Đảng và Chính phủ tạo rất nhiều điều kiện để bà con vươn lên trong cuộc sống và đóng góp vào công cuộc đổi mới đất nước như: Chương trình 134, 135. Được biết, huyện đã xây dựng 7 chương trình, dự án hỗ trợ cho đồng bào dân tộc như: xây dựng 1.449 căn nhà, giải quyết hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, đầu tư vốn phát triển sản xuất hàng tỷ đồng để giải quyết việc làm, đầu tư trường, lớp cho con em người dân tộc học hành, vui chơi…
Huyện Trần Văn Thời có 44.523 hộ với hơn 184.000 khẩu. Người dân tộc thiểu số chiếm gần 18%, trong đó dân tộc Khmer 2.076 hộ với 9.619 khẩu; dân tộc Hoa có 123 hộ, với 589 khẩu, còn lại các dân tộc khác. 52 thương binh, 63 liệt sĩ, 4 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 2 anh hùng lực lượng vũ trang là người dân tộc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét