Thứ Hai, 25 tháng 1, 2010

Khởi động ngày hội VHTTDL Khmer Nam Bộ 2010

(VH)- Ngày hội VHTTDL vùng đồng bào Khmer Nam Bộ lần 5-2010 do UBND tỉnh An Giang đăng cai tổ chức vào tháng 4.2010 tới tại huyện Tịnh Biên.

Với chủ đề “Đặc trưng VHTTDL vùng đồng bào Khmer Nam Bộ-hành trang hội nhập và phát triển”, ngày hội năm nay quy tụ các đoàn văn hoá nghệ thuật, thể thao và du lịch của các tỉnh, thành khu vực Nam Bộ tham dự với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng như: hội chợ triển lãm thành tựu VHTTDL, liên hoan nghệ thuật quần chúng, trình diễn trang phục truyền thống, lễ hội dân gian, giới thiệu văn hoá ẩm thực và giao lưu văn hoá...

Đây là hoạt động VHTTDL mang tính truyền thống dành cho đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ do Bộ VHTTDL phối hợp với các Bộ, ngành TƯ và UBND các tỉnh, thành có đông đồng bào dân tộc Khmer tổ chức định kỳ hai năm một lần, luân phiên tại các địa phương trong khu vực. (Theo Báo văn hóa )

Thanh Triều

Thứ Tư, 13 tháng 1, 2010

Nơi đào luyện những nhân tài Phật học

Việc xây dựng và phát triển các Học viện Phật giáo ở Việt Nam không chỉ đơn thuần để phục vụ nhu cầu tu học đang ngày càng tăng nhanh của đông đảo chúng tăng ni sinh trong cả nước mà còn là nơi để Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đào luyện và tuyển chọn ra những nhân tài Phật học có đủ đức, đủ tài gánh vác được công việc của Phật sự và thế gian trong thời đại mới.

Từ "Tuyển Phật trường” phương Bắc

Có người ví Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội (HVPG-HN) là một “Tuyển Phật trường”, tức là ngôi trường đào tạo và tuyển chọn nên những người đảm trách Phật sự trong tương lai. Toạ lạc uy nghiêm dưới tán rừng thông xanh ngút ngàn của ngọn Sóc Sơn (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội), Học viện được thừa hưởng một không gian trong lành thoáng đãng, xa nơi ồn ào của phố thị nên rất thích hợp cho môi trường tu trì và rèn luyện của tăng ni.

Theo Đại đức Thích Minh Tiến, Trợ lí Viện trưởng kiêm Thư kí Hội đồng điều hành Học viện: “Học viện là một ngôi trường dành riêng cho giới tăng ni cho nên việc giáo dục tăng ni không chỉ đơn thuần là việc học mà còn giáo dục cả nhân cách làm người xuất gia. Vì vậy, việc đào tạo ở HVPG-HN vừa nghiêm khắc nhưng cũng phải vừa khoan dung, nhân hòa”.

Tại đây, mọi thứ dường như đều được đặt vào khuôn khổ của giới luật. Từ chuyện giao tiếp, ăn ở, sinh hoạt, học hành cho đến tu tập… của tăng ni sinh nhất nhất đều được Ban quản chúng của Nhà trường đốc thúc và để ý đến. Cuộc sống tu học ở đây bốn mùa nắng cũng như mưa. Sáng 4 giờ đã thức dậy tụng kinh niệm Phật, ngày ba bữa rau dưa đạm bạc, trưa và chiều lên giảng đường ngồi trang nghiêm nghe thầy giảng đạo, chiều vãn lại lên chùa lễ Phật, tối về tăng xá tiếp tục mở sách ôn bài… Không những thế, mỗi ngày các tăng sinh còn phải học và tự răn 250 điều giới luật, còn ni sinh là 348 điều để sửa mình. Giới luật nghiêm minh nhưng xem ra ai nấy đều tự nguyện bảo ban nhau chấp hành tốt môn quy.

Lại nói đến chuyện học ở “Tuyển Phật trường”, ngoài đời học một, ở đây các tăng ni sinh phải học mười. Một học kì các sinh viên ở ngoài đời chỉ học từ 6 đến 9 môn còn học viên của Học viện phải học từ 17 đến 19 môn. Ngoài những môn nội điển thuộc về giáo lí nhà Phật có đến thiên kinh vạn quyển, các học viên còn phải học thêm cả những môn ngoại điển, tức là những môn học của người đời chẳng mấy khi liên quan đến chuyện giáo lí như kinh tế học, xã hội học, triết học, logic học, ngoại ngữ, vi tính… cho nên đã khó càng khó thêm.

Tuy nhiên, tiếng là học ở trường tu nhưng các học viên bây giờ hầu như ai cũng đã biết cập nhật với những tiện nghi của thời hiện đại, cũng máy tính xách tay, cũng đài, cũng đĩa… Chính vì vậy việc học hành và tham khảo cũng nhờ đó mà phát triển hơn lên. Bên cạnh đó, ngoài giờ học chính khóa, các học viên còn thành lập được Câu lạc bộ (CLB) thư pháp, CLB văn hóa văn nghệ và CLB võ thuật giúp cho họ có thêm được sân chơi bổ ích trong việc tu dưỡng thêm về đạo tâm và rèn luyện về thể lực cũng như trí lực.

Có thể nói, HVPG-HN xứng đáng là một “Tuyển Phật trường”, nơi đào luyện nên những nhân tài Phật học có đủ đức tài gánh vác được trọng trách của Phật sự và xã hội trong tương lai.


Giờ học Hán cổ của lớp tăng I khóa V do GS. Nguyễn Tá Nhí (Viện Hán Nôm) giảng dạy.


Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tới dự
Đại lễ Phật Đản tại HVPGVN.


Những hoạt động như vui chơi kéo co đem
lại cho học viên niềm vui, phấn khởi
sau những giờ tu học.


Luyện thư pháp đem lại phấn khởi
sau những giờ tu học.


Tham gia lao động tăng gia sản xuất
sau những giờ tu học.


Phút giải trí sau những giờ tu học.

Đến trường Phật học phương Nam

Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh (HVPG-HCM) cũng là một trung tâm nghiên cứu và đào tạo Phật học lớn của cả nước. Theo Hòa thượng Tiến sĩ (TS) Thích Minh Châu, Viện trưởng HVPG-HCM cho biết: “Nội dung và chương trình đào tạo Cử nhân Phật học ở đây không đào tạo việc tu hành mà đào tạo những kiến thức Phật học và văn hóa dân tộc cùng một số ngành học liên quan theo tiêu chuẩn của bậc đại học”.

Với mục tiêu đào tạo như vậy cho nên HVPG-HCM đã xây dựng được một đội ngũ đông đảo các giảng sư có trình độ chuyên môn cao, tốt nghiệp các học viện nổi tiếng ở trong nước và trên thế giới. Hiện tại, Học viện có hơn 60 giảng sư, trong đó có 50 tiến sĩ và gần 10 thạc sĩ, ngoài ra còn có các giáo sư thỉnh giảng đến từ các học viện trong nước và trên thế giới.

Nói đến thành quả của Học viện, TS Thích Tâm Đức, Trưởng Phòng Đào tạo của Học viện cho biết: “Từ năm 1985 tới nay Học viện đã đào tạo được 5 khóa Cử nhân Phật học với hơn nghìn tăng ni sinh đã tốt nghiệp. Hai khóa VI và VII hiện đang được đào tạo với số lượng học viên tăng lên gấp bội. Nếu như khoá I chỉ có 60 học viên thì khóa VII đã có tới 1.017 học viên theo học. Đặc biệt, bằng Cử nhân Phật học của Học viện hiện đã được nhiều nước trên thế giới công nhận. Nhờ đó mà hàng trăm học viên tốt nghiệp của Học viện có thể tiếp tục theo học chương trình đào tạo Thạc sĩ và Tiến sĩ tại các trường quốc tế như Đại học Quốc gia Dehli, Đại học Pune (Ấn Độ), Đại học Quốc gia Đài Loan, Đại học Bắc Kinh, Đại học Thượng Hải (Trung Quốc), Đại học Tokyo (Nhật Bản), Đại học Berkeley (Hoa Kỳ)… Và trong tương lai, với năng lực của mình HVPG-HCM cũng sẽ tiến hành tổ chức đào tạo bậc Thạc sĩ và Tiến sĩ Phật học ở trong nước.

Với phương châm “Nghiên cứu Phật học Việt Nam không thể tách rời với với việc nghiên cứu văn hoá Việt Nam”, HVPG-HCM đang ngày càng khẳng định được vai trò và vị thế của mình trong hệ thống giáo dục Phật học tiên tiến của cả nước. Tại đây, những giá trị truyền thống và hiện đại luôn được khơi dậy góp phần xây dựng một nền Phật giáo Việt Nam theo tinh thần nhập thế.


Nữ Tiến sĩ Phật học đầu tiên ở Việt Nam – Thích Nguyên Hương trên giảng đường HVPG-HCM.


Tăng sinh tìm tài liệu tham khảo
tại thư viện HVPG-HCM.


Trong lớp học tại HVPG-HCM.


Học viện Phật giáo Việt Nam
tại Tp. Hồ Chí Minh.

Và Học viện của vùng sông nước Cửu Long

Học viện Phật giáo Nam Tông Khmer (HVPG-NTKM) là ngôi trường có tuổi đời trẻ nhất trong số 3 Học viện Phật giáo của Việt Nam. Đây là ngôi trường Phật học cao cấp của đồng bào Phật tử Khmer vùng sông nước Cửu Long vừa được Chính phủ và GHPGVN đầu tư xây dựng. Mặc dù mới ra đời không lâu (06/02/2006) nhưng HVPG-NTKM có trụ sở tạm thời tại chùa Pôthisomron, quận Ô Môn, Tp. Cần Thơ đã bước đầu chính thức đi vào hoạt động bằng việc chiêu sinh khoá I với gần 70 tăng ni sinh theo học bậc đại học.

Phật giáo Nam Tông Khmer là một hệ phái có lối tu hành riêng và có kho tàng kinh sách cổ được truyền bá bằng một thứ ngôn ngữ riêng, đó là ngôn ngữ Pali. Chính vì vậy, việc tu học của các tăng ni sinh Phật giáo Nam Tông Khmer cũng có nhiều nét khác biệt so với Phật giáo Bắc Tông, đặc biệt là việc học chữ Pali để phục vụ cho việc dịch và đọc kinh sách.

Trước đây, khi chưa có sự ra đời của HVPG-NTKM, các tăng ni sinh của Phật giáo Nam Tông Khmer được Giáo hội tổ chức theo học tại các lớp sơ cấp và trung cấp về Vini và Pali. Ngoài ra, các học viên còn được học thêm một số môn ngoại điển như Anh văn và tin học. Từ những lớp học như thế này, hàng nghìn tăng ni sinh đã được đào tạo một cách cơ bản về ngôn ngữ Pali cũng như kiến thức Phật giáo Nam Tông. Bên cạnh đó, đa số các chùa Nam Tông Khmer cũng đều có tổ chức những lớp dạy tiếng dân tộc cho con em người dân tộc ở độ tuổi từ 8 đến 15 tuổi. Ngoài việc học ở các lớp, hiện nay người dân Khmer vẫn còn giữ được tục gửi các bé trai lên chùa để học tập chừng đôi ba năm để làm quen với việc kinh sách, tu hành. Tuy nhiên, nhìn về tương lai, những lớp học như thế này vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu tu học, nhất là việc tu học bậc cao của tăng ni sinh trong thời đại mới.

Chính vì vậy, việc thành lập HVPG-NTKM là bước phát triển toàn diện mang tính chiến lược của GHPGVN, trong đó có hệ phái Phật giáo Nam Tông Khmer, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo đồng bào Phật tử Khmer tại đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam Bộ cũng như cho cả hệ phái Nam Tông khu vực Châu Á.

Do mới thành lập cho nên Nhà trường vẫn đang ở trong giai đoạn xây dựng và kiện toàn trường lớp cũng như các chương trình đào tạo. Hiện nay, Học viện đã có 7 giảng sư có trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ và 2 giảng sư thỉnh giảng từ HVPG-HCM. Dự kiến khoảng 3 năm nữa Học Viện sẽ chính thức hoạt động tại cơ sở mới được quy hoạch trên diện tích 11,3 ha ở quận Ô Môn, Tp. Cần Thơ.

Với những kết quả như vậy, hi vọng trong tương lai không xa, HVPG-NTKM sẽ trở thành một trung tâm đào tạo Phật học lớn của cả nước, góp phần hoàn thiện hệ thống chương trình giáo dục và đào tạo tăng tài của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong thời kì mới.


Ngoài giờ trên lớp của các tăng sinh.


Tăng sinh trong lớp học tại HVPG-NTKM.


Du khách nước ngoài đến thăm, tiếp xúc
với các tăng sinh tại chùa Phothisomron,
nơi đặt HVPG-NTKM.


Tăng sinh trong lớp học tiếng Anh
tại HVPG-NTKM.

Bài: Thịnh Phát, Thanh Hòa - Ảnh: Minh Quốc, Trọng Chính

Ông Sơn Song Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ Đoàn kết, cùng hướng đến xây dựng cuộc sống ấm no

Trong 5 ngày (từ ngày 7 đến 11-12-2009), Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đến làm việc tại tỉnh Hậu Giang về đợt tổ chức tuyên truyền, phản tuyên truyền trong đồng bào dân tộc Khmer. Kết thúc đợt tuyên truyền, ông Sơn Song Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, cho biết:

- Công tác tổ chức trong đợt tuyên truyền và phản tuyên truyền lần này được tỉnh Hậu Giang chuẩn bị rất chu đáo. Được sự quan tâm đặc biệt của Tỉnh ủy, Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh biểu diễn 9 đêm (kế hoạch chỉ có 6 đêm) phục vụ cho bà con Khmer. Đặc biệt, Đài PT-TH Hậu Giang còn phát sóng trực tiếp cho bà con dân tộc Khmer trong và ngoài tỉnh thưởng thức văn nghệ. Qua đó cho thấy, công tác tuyên truyền được lan tỏa rộng rãi, thu hút đông đảo nhân dân quan tâm, góp phần quan trọng vào sự thành công của đợt tuyên truyền.

* Thưa ông, những nội dung nào đã được tuyên truyền đến đồng bào dân tộc Khmer ?

- Trong các cuộc họp mặt cán bộ, sư sãi và đồng bào dân tộc Khmer ở tỉnh Hậu Giang, chúng tôi đề cập đến nhiều vấn đề như: những chủ trương, chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta dành cho đồng bào dân tộc Khmer; lịch sử vùng đất Nam bộ và những cơ sở pháp lý khẳng định vùng đất Nam bộ thuộc chủ quyền của Việt Nam; giáo dục ý thức chấp hành pháp luật; phát huy truyền thống yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội; cảnh giác âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch, nhất là bọn phản động “Khmer Campuchia Krôm”;...

* Trong các nội dung tuyên truyền, ông muốn nhấn mạnh với đồng bào dân tộc Khmer điều gì, thưa ông ?

Đợt tuyên truyền vừa qua, có trên 1.600 cán bộ, sư sãi và đồng bào là người dân tộc Khmer tham dự. Trong đó, cán bộ và đảng viên là 162 đồng chí; học sinh, giáo viên Trường Dân tộc nội trú 255 người; sư sãi 22 vị; Ban Quản trị chùa Phật giáo Nam Tông Khmer 41 vị. Còn lại là đồng bào dân tộc Khmer đang sinh sống trên địa bàn tỉnh.

- Theo quan điểm mà bọn phản động là: “Mỗi đất nước chỉ có một dân tộc” là hoàn toàn sai. Ngày nay, trên thế giới có đến trên 3.000 tộc người sinh sống, nhưng chỉ có khoảng 200 quốc gia. Điển hình như: đất nước Lào có 5,2 triệu người, với 52 dân tộc; Campuchia có 13 triệu người, với 33 dân tộc; Trung Quốc 1,3 tỉ người, với 56 dân tộc; Liên Xô có đến 105 dân tộc;... Còn ở nước Mỹ, hầu hết các dân tộc trên thế giới đều có sinh sống trên đất nước này. Quá trình di dân không những từ vùng này sang vùng khác, mà có thể di dân vượt qua lãnh thổ quốc gia. Điều này cho thấy, mỗi quốc gia có nhiều dân tộc sinh sống.

Nói như thế để thấy rằng, nước Việt Nam chúng ta cũng là một đất nước đa dân tộc, với 54 dân tộc anh em. Một đất nước mà có nhiều dân tộc thì cũng là một điều hiển nhiên. Mỗi một tộc người đều có nguồn gốc lịch sử và những đặc trưng riêng về văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán. Người Khmer sinh ra trên đất nước Việt Nam thì phải xem đất nước Việt Nam là Tổ quốc của mình. Vì vậy, đồng bào dân tộc Khmer phải xem mình chính là chủ nhân của đất nước này. Khi các dân tộc đã tồn tại trên một đất nước, thì tất cả đều có quyền bình đẳng và nghĩa vụ như nhau.

Bên cạnh đó, tôi muốn nhấn mạnh với đồng bào Khmer rằng: Vùng đất Tây Nam bộ là thuộc lãnh thổ của đất nước Việt Nam. Lãnh thổ này không có thế lực nào chia cắt được. Chủ quyền này đã được công nhận và có từ thời xa xưa. Hơn 300 năm trước, người Việt đã cai quản vùng đất này và được các nước khác công nhận.

* Ông đánh giá thế nào về tinh thần đoàn kết dân tộc thời gian qua ?

- Trên thế giới, hầu như đất nước nào cũng có các thế lực thù địch. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Bọn phản động “Khmer Campuchia Krôm” dùng mọi âm mưu thủ đoạn để lôi kéo, dụ dỗ đồng bào dân tộc Khmer. Chúng lợi dụng những vấn đề do lịch sử để lại, lợi dụng việc tranh chấp đất đai giữa đồng bào Khmer và đồng bào Kinh để xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Mục đích của chúng là nhằm tách vùng đất Tây Nam bộ khỏi lãnh thổ Việt Nam, chia rẽ các dân tộc. Tuy nhiên, với tinh thần đoàn kết, ý thức cảnh giác cao của đồng bào dân tộc Khmer nói riêng và của các dân tộc anh em khác nói chung, trong thời gian qua thì những âm mưu này không thể nào thực hiện được. Đó cũng là kết quả của sự đoàn kết dân tộc. Từ hàng trăm năm trước, đặc biệt là trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đồng bào dân tộc Khmer đã anh dũng đứng lên sát cánh cùng các dân tộc anh em chiến đấu giải phóng quê hương, đất nước. Ngày nay, tinh thần đoàn kết và truyền thống yêu nước của các dân tộc ngày càng được phát huy.

* Qua chuyến làm việc tại tỉnh Hậu Giang lần này, ông có nhận xét gì về đời sống đồng bào dân tộc Khmer ở đây ?

- Tỉnh Hậu Giang không có đông đồng bào dân tộc Khmer như các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng... Tuy nhiên, nhờ Đảng và Nhà nước làm tốt các chính sách, nên đời sống bà con dân tộc Khmer ngày càng được nâng lên rõ rệt. Trong 5 năm qua, tỉnh Hậu Giang đã đầu tư trên 200 tỉ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà ở, nước sạch, hỗ trợ vốn sản xuất, giải quyết việc làm... cho hộ đồng bào dân tộc trên địa bàn. Đến nay, tỉnh đã giải quyết cơ bản về nhà ở cho hộ Khmer nghèo. Đây là một thành tích đáng ghi nhận mà tỉnh Hậu Giang đã thực hiện, nhằm góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer. Bên cạnh đó, văn hóa dân tộc luôn được gìn giữ và phát huy. Thời gian qua, tỉnh cũng đầu tư xây dựng Trường Dân tộc nội trú, hỗ trợ kinh phí đóng ghe ngo; tổ chức tốt các lễ hội của đồng bào dân tộc Khmer; xây dựng và sửa chữa các chùa chiền; tặng cho các chùa nhiều giàn nhạc ngũ âm;... Nhìn chung, đời sống vật chất tinh thần của đồng bào dân tộc được nâng lên rõ rệt. Đồng bào sư sãi Khmer trong tỉnh phát huy tốt nội lực, tăng gia lao động sản xuất, chấp hành và thực hiện tốt những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Những năm gần đầy, tuy tỷ lệ hộ Khmer thoát nghèo có cao hơn trước, nhưng tình trạng tái nghèo vẫn còn diễn ra. Tôi nghĩ, đây là một khó khăn cần phải quan tâm hơn nữa.

* Để công tác dân tộc tốt hơn nữa trong thời gian tới, ông có ý kiến chỉ đạo gì ?

- Mặc dù thời gian qua, Hậu Giang là một trong những tỉnh làm tốt chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, để phát huy những mặt tốt đẹp đó, tôi đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách hiện hành của Đảng và Nhà nước như: Quyết định 135 (giai đoạn 2), Quyết định 74, Quyết định 167,... Trước mắt, là giải quyết dứt điểm nhà ở cho những hộ Khmer nghèo. Nhân đây, tôi kêu gọi toàn thể đồng bào, cán bộ, chiến sĩ nói chung, đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ nói riêng, hãy cùng chung tay tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, khắc phục khó khăn, hướng đến xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đặc biệt, phải luôn luôn đề cao cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, nhất là bọn phản động “Liên đoàn Khmer Campuchia Krôm”.

* Xin cảm ơn ông !


DUYÊN HẢI thực hiện

HƯỚNG TỚI ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ VIỆT NAM TỈNH CÀ MAU LẦN THỨ I: Tân Lộc bước qua gian khó

Cách đây không lâu, Tân Lộc (huyện Thới Bình) còn là xã nghèo, xã thuộc vùng khó khăn trong Chương trình 135 của Chính phủ. Nhưng nay, những con lộ đất đen lầy lội ngày nào đã được bê-tông hóa; điện lưới quốc gia được phủ rộng phục vụ sản xuất, sinh hoạt; người dân có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe…

Điều làm nên những đổi thay của một xã nghèo, ngoài sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành còn có sự tự lực vươn lên của đảng bộ và nhân dân nơi đây.

Giai đoạn năm 2001-2005, xã Tân Lộc có 2.395 hộ dân, trong đó có 164 hộ người Khmer, 14 hộ người Hoa, số hộ nghèo là 329 hộ, chiếm tỷ lệ 14,7% (trong đó có 74 hộ dân tộc Khmer nghèo, tỷ lệ 45,79%).

Tuy là xã có nền sản xuất đa dạng: nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, tiểu thủ công nghiệp, buôn bán nhỏ; thế nhưng đời sống của đại bộ phận nhân dân, nhất là bà con dân tộc Khmer còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do sản xuất lúa một vụ với giống kém chất lượng, những tiến bộ khoa học - kỹ thuật chưa được áp dụng phổ biến, dân trí thấp, thu nhập thấp, theo đó số hộ nghèo cao.

Những cơ hội đổi đời

Thực hiện Chương trình 135, xã Tân Lộc được đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu về điện, đường, trường, trạm y tế, hệ thống nước sạch. Các cơ sở phục vụ nhu cầu tôn giáo của người dân cũng được đầu tư xây mới như: tháp Hữu Nhem, chùa Cao Dân. Bên cạnh đó, việc đầu tư cho sản xuất của xã cũng được chú trọng, hệ thống thủy lợi, thủy nông nội đồng được nạo vét.

Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lộc, cho biết, ngoài những hỗ trợ từ Chương trình 135, đồng bào dân tộc Khmer còn được Nhà nước hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định 134 của Chính phủ. Từ năm 2001 đến nay đã có 133 hộ được nhận nhà mới, tổng trị giá trên 1,3 tỷ đồng. Từ sự hỗ trợ này xã đã cơ bản đáp ứng nhu cầu nhà ở, góp phần tạo điều kiện để người dân "an cư - lạc nghiệp".

Song song với chương trình hỗ trợ về nhà ở, từ Quyết định 134, những hộ đồng bào dân tộc cũng được hỗ trợ về giống cây trồng, vật nuôi. Các chính sách miễn giảm học phí, cấp học bổng, chế độ hỗ trợ cho con em người dân tộc được địa phương quan tâm thực hiện kịp thời góp phần nâng cao dân trí.

Đảng ủy, UBND xã còn phối hợp với các ban, ngành ở địa phương phát động phong trào khuyến học, khuyến tài. Hiện nay, toàn xã có 14 con, em người dân tộc đang theo học các lớp đại học, 25 em học cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, hơn 10% gia đình người dân tộc đạt danh hiệu "gia đình hiếu học".

Cùng với việc hướng dẫn, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, Đảng ủy, UBND xã còn đặc biệt chú trọng đến công tác trợ giúp pháp lý, nâng cao trình độ pháp luật cho nhân dân, nhất là đồng bào người dân tộc. Nhờ vậy đã hạn chế đến mức thấp nhất các vụ tranh chấp, mâu thuẫn, tạo không khí đoàn kết trong nhân dân.

Cần trợ lực để phát triển

Hiện nay, Tân Lộc được đánh giá là một trong những xã phát huy được hiệu quả từ các Chương trình 135, Quyết định 134 của Thủ tướng Chính phủ. Số hộ nghèo của xã giảm còn 139 hộ chiếm tỷ lệ 5,8%, trong đó có 30 hộ nghèo là người dân tộc, chiếm tỷ lệ 14,9% tổng số hộ dân tộc trong xã.

9/9 ấp có lộ bê-tông nối với trung tâm xã và đấu nối ra các trục lộ chính. Hơn 95% hộ dân sử dụng điện phục vụ sinh hoạt, 100% hộ dân sử dụng nước sạch và phương tiện nghe nhìn. Toàn xã có 3 điểm trường với 50 phòng học.

Trạm y tế của xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia năm 2003. Đây là điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận được với các dịch vụ y tế một cách tốt nhất.

Từ Chương trình 135, xã được đầu tư xây dựng chợ nông sản thực phẩm và bách hóa tổng hợp. Có hơn 200 hộ dân trong xã đến đây giao lưu buôn bán, trao đổi hàng hóa.

Ông Từ Biên Hòa, cán bộ hưu trí ấp 7, phấn khởi: "Đời sống của nhân dân Tân Lộc đã có những bước tiến quan trọng. Điện, đường, trường, trạm được đầu tư, xây dựng tạo điều kiện thuận lợi để người dân nâng cao đời sống vật chất, tinh thần".

Đảng ủy, UBND xã đã xây dựng đề án về nâng cao năng suất tôm - lúa và được triển khai trong các cấp, các ngành đến nhân dân. Theo đó, định hướng đến năm 2012, diện tích, sản lượng tôm - lúa tăng từ 8-14%, sau đó tăng lên 24%. Tạo điều kiện để người dân tiếp cận và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất và sản lượng cây trồng, vật nuôi.

Trong quá trình phát triển đi lên, Đảng bộ và nhân dân xã Tân Lộc vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Vấn đề bức xúc nhất hiện nay là toàn xã vẫn còn khoảng 27.000 m lộ đất đen chưa được bê-tông hóa; trên 35 cầu nông thôn cần bắc mới để nối liền xóm, ấp, đồng thời rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn./.

Phương Lài


Chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam huyện Trần Văn Thời lần thứ I Sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết

Trong cuộc chiến tranh vệ quốc, đồng bào các dân tộc thiểu số đã kề sai sát cánh với dân tộc Kinh làm nên những thành tích "chấn động địa cầu". Những năm tháng kháng chiến gian khổ mà hào hùng ấy, quân và dân huyện Trần Văn Thời vẫn nhớ về Đại đức Hữu Nhem - đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam đã chiến đấu anh dũng và hy sinh tại chùa Tam Hiệp; Anh hùng liệt sĩ Danh Thị Tươi - người dẫn đầu cuộc đấu tranh chính trị trực diện với kẻ thù làm cho chúng khiếp sợ; đồng chí Lâm Thị Hoa đã phát động 178 cuộc biểu tình rầm rộ. Đồng chí được Đảng phân công vào Nghị viện Sài Gòn để đấu tranh với địch…

Và còn nhiều tập thể, cá nhân đã anh dũng chiến đấu với kẻ thù, nuôi dưỡng, che chở cán bộ hoạt động cách mạng như: chùa Tam Hiệp (xã Trần Hợi), chùa Rạch Cui (xã Khánh Bình Đông)…

Đồng chí Lưu Minh Nhựt, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Trần Văn Thời cấp mùng cho người dân tộc nghèo ở ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi. Ảnh: CHÍ THANH
Phát huy truyền thống yêu nước

Đồng chí Lưu Minh Nhựt, Ủy viên thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Trần Văn Thời khẳng định: "Đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Trần Văn Thời luôn phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường. Không chỉ chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, bà con còn thi đua thực hiện tốt các phong trào trên các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, xóa đói giảm nghèo, thực hiện cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, đặc biệt là cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

Qua cuộc vận động lớn, xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu học tập và làm theo gương Bác. Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Trần Văn Thời lần thứ nhất năm 2009 (diễn ra ngày 24/11/2009) có sự tham gia của 150 tập thể, cá nhân được bình chọn qua các phong trào: giúp đỡ phát triển kinh tế gia đình, công tác từ thiện xã hội, thực hiện tốt chương trình, dự án hỗ trợ và bảo tồn văn hóa dân tộc…

Bác sĩ Diệp Sa Ly, Trưởng Khoa phụ sản Bệnh viện đa khoa khu vực Trần Văn Thời là một tấm gương tận tâm với công việc, tận tụy với nhân dân. Trong công tác, Bác sĩ Sa Ly luôn cống hiến hết mình cho sự nghiệp y tế, tuyệt đối trung thành với Đảng, có ý thức kỷ luật, có bản lĩnh chính trị vững vàng.

Lãnh đạo huyện Trần Văn Thời trao học bổng cho học sinh Trường Trung học dân tộc Danh Thị Tươi, xã Khánh Bình Tây. Ảnh: C.THANH
Bên cạnh đó, có rất nhiều mô hình sản xuất kinh doanh giỏi có hiệu quả cần được biểu dương và nhân rộng. Điển hình như ông Nguyễn Hoàng Sang, ấp 5, xã Khánh Bình Đông với nghề kinh doanh, dịch vụ xay xát lúa gạo, tạp hóa và sửa máy nổ, trừ chi phí còn lợi nhuận trên 150 triệu đồng/năm.

Ông Thạch Sol nhờ Nhà nước đầu tư vốn, thực hiện mô hình sản xuất có hiệu quả thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Hay ông Huỳnh Mác, người dân tộc Khmer ấp Kinh Đứng B, xã Khánh Hưng là nông dân sản xuất giỏi, thực hiện tốt cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư". Năm 2009, gia đình ông được công nhận gia đình văn hóa tiêu biểu.

Cùng chung sức xây dựng quê hương giàu đẹp

Truyền thống yêu nước và tinh thần đại đoàn kết chính là những tài sản quý báu để đưa một huyện vùng sâu không ngừng phát triển, đi lên. Đồng bào dân tộc Khmer vốn có truyền thống yêu nước, đức tính cần cù, chịu khó trong lao động để phát triển kinh tế gia đình.

Trên địa bàn huyện có 3 chùa Phật giáo Nam tông Khmer với 7 sư sãi. Tại các chùa này đều thành lập Ban quản trị chùa.

Nhiều năm qua Ban quản trị chùa cũng như phật tử chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực hiện tốt các chương trình, dự án hỗ trợ đồng bào dân tộc nghèo…

Đồng bào người Hoa từ lâu đã cùng với các dân tộc anh em góp sức xây dựng huyện Trần Văn Thời nói riêng và vùng đất U Minh Hạ nói chung. Bà con người Hoa có đức tính cần cù, có ý thức cộng đồng, đoàn kết giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn để xây dựng cuộc sống ổn định, phát triển.

Đồng bào dân tộc Chăm, Mường, Tày, Thái, Lào cũng gắn bó đoàn kết với đồng bào Kinh, Khmer, Hoa, tích cực phát triển sản xuất và tham gia các phong trào cách mạng ở địa phương.

Bên cạnh những nỗ lực của đồng bào dân tộc thiểu số, Đảng và Chính phủ tạo rất nhiều điều kiện để bà con vươn lên trong cuộc sống và đóng góp vào công cuộc đổi mới đất nước như: Chương trình 134, 135. Được biết, huyện đã xây dựng 7 chương trình, dự án hỗ trợ cho đồng bào dân tộc như: xây dựng 1.449 căn nhà, giải quyết hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, đầu tư vốn phát triển sản xuất hàng tỷ đồng để giải quyết việc làm, đầu tư trường, lớp cho con em người dân tộc học hành, vui chơi…

Huyện Trần Văn Thời có 44.523 hộ với hơn 184.000 khẩu. Người dân tộc thiểu số chiếm gần 18%, trong đó dân tộc Khmer 2.076 hộ với 9.619 khẩu; dân tộc Hoa có 123 hộ, với 589 khẩu, còn lại các dân tộc khác. 52 thương binh, 63 liệt sĩ, 4 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 2 anh hùng lực lượng vũ trang là người dân tộc.

Minh Kha - Chí Thanh - Tiệp Khắc

Khởi sắc ở vùng đồng bào dân tộc

Huyện U Minh hiện có 1.063 hộ dân tộc Khmer với 5.825 nhân khẩu, sống tập trung nhiều ở 3 xã: Khánh Hòa, Khánh Lâm và Nguyễn Phích. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đồng bào Khmer ở U Minh sát cánh cùng với đồng bào Kinh một lòng theo Đảng, tham gia kháng chiến.

Những cống hiến to lớn của đồng bào dân tộc Khmer trong huyện đã được Đảng và Nhà nước tôn vinh, ghi nhận. Toàn huyện có 28 gia đình Khmer có công với cách mạng, trong đó có 19 thương, bệnh binh và 9 liệt sĩ.

Ổn định đời sống người dân tộc

Cùng với cả nước, những năm qua, huyện U Minh thực hiện khá tốt các chương trình, dự án ưu đãi đối với đồng bào dân tộc. Chỉ tính riêng trong 5 năm qua, huyện đã xây dựng 705 căn nhà theo Quyết định 134, cấp trên 37 ha đất ở và đất sản xuất cho 25 hộ dân tộc Khmer nghèo, vận động nhân dân cho 115 hộ Khmer mượn đất để cất nhà ở và hỗ trợ nước sinh hoạt cho 358 hộ.

Qua đó, nhiều làng xóm mới có đông đồng bào Khmer như tuyến dân cư T29 - 89, T93… được hình thành. Bà con bắt tay vào khai phá, cải tạo đất đai, biến vùng rừng rậm hoang vu trở thành vùng đất phì nhiêu, dân cư đông đúc.

Sinh hoạt văn hóa, văn nghệ tại Salatel, ấp 6, xã Khánh Hòa.
Huyện U Minh có 4 xã được hưởng lợi từ Chương trình 135 của Chính phủ. Trong đó, xã Khánh Hòa đã được đầu tư xây dựng cụm xã theo tinh thần Quyết định số 648 của Chủ tịch UBND tỉnh với quy mô gần 27 ha.

Hiện đã triển khai xây dựng 25 công trình như: chợ xã, trường học, trạm y tế, đường giao thông… với tổng kinh phí trên 71 tỷ đồng. Ngoài ra, bà con trong xã còn được trợ giá, trợ cước, hỗ trợ cây, con giống trên 1,5 tỷ đồng; hỗ trợ vốn vay gần 50 tỷ đồng.

Bà con dân tộc Khmer của các xã còn lại cũng được hưởng nhiều ưu đãi về vốn vay, cây, con giống, hỗ trợ kiến thức khoa học - kỹ thuật trong sản xuất.

Phát triển đời sống văn hóa tinh thần

Phát triển đời sống văn hóa tinh thần cho bà con dân tộc Khmer là một trong những mục tiêu lớn mà huyện U Minh đang hướng đến. Ngôi Salatel được xây dựng khang trang tại ấp 6, xã Khánh Hòa với hàng trăm triệu đồng, là công trình sinh hoạt văn hóa đầu tiên trong huyện dành cho đồng bào dân tộc Khmer.

Vào những ngày lễ, Tết, bà con Khmer trong huyện tụ hội về đây thực hiện các nghi lễ tôn giáo, sinh hoạt, giao lưu văn hóa, văn nghệ. Cũng tại nơi đây đã vinh dự đón tiếp đồng chí Sơn Song Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cùng với nhiều đồng chí lãnh đạo của Trung ương về thăm hỏi, nói chuyện với đồng bào.

Ngoài công trình Salatel, huyện còn đầu tư xây dựng con lộ bê-tông dài trên 2 km tại kinh Xóm Lớn (Nhà nước hỗ trợ 100% vốn). Từ khi con lộ được xây dựng, việc đi lại của bà con trong xóm thuận tiện hơn, bộ mặt xóm làng thêm khởi sắc.

Đổi thay ở những xóm làng có đông đồng bào dân tộc Khmer trong huyện U Minh đã tô thêm nét rạng ngời trên diện mạo của những miền quê mới. Đồng bào Khmer đang cùng với cộng đồng người Kinh ở địa phương nối tiếp truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, ra sức thi đua lao động sản xuất, quyết tâm làm giàu cho gia đình và góp phần xây dựng quê hương U Minh ngày thêm giàu đẹp./.

Bài và ảnh: Lê Hữu Lợi

Cần Thơ: Khai giảng năm thứ 3 Khoá I Học viện PG Nam tông Khmer

Cần Thơ: Khai giảng năm thứ 3 Khoá I Học viện PG Nam tông Khmer

image

Vào lúc 8 giờ ngày 17 tháng 5 năm 2009, tại chùa Pôthisomrôn, phường Châu Văn Liêm quận Ô Môn, Tp. Cần Thơ, Hội đồng Điều hành Học viện Phật giáo Nam tông Khmer long trọng tổ chức khai giảng năm thứ 3 (2009 - 2010) Khoá I – 2007 - 2011.

Đến chứng minh và tham dự có HT. Danh Nhưỡng – Phó Pháp chủ GHPGVN, Viện Trưởng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer; HT. Dương Nhơn – Phó Pháp chủ, Phó Chủ tịch HĐTS, Phó Viện trưởng; HT. Thạch Huônl – Phó Viện trưởng; HT. Đào Như – Uỷ viên Thư ký HĐTS, Phó Viện trưởng kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Điều hành Học viện; HT. Thích Huệ Trường – Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo Tp. Cần Thơ; HT. Lý Sân - Phó Trưởng Ban Trị sự Phật giáo, Hội trưởng Hội Sư sãi đoàn kết yêu nước Tp. Cần Thơ; TT. Thích Thiện Thống – Uỷ viên Thư ký HĐTS, Phó Văn phòng 2 TWGH; TT. Thích Thiện Đức – UV. HĐTS, UV. Ban Giáo dục Tăng Ni TW. GHPGVN cùng chư Tôn đức đại diện Hội Sư sãi đoàn kết yêu nước các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Buổi lễ hân hạnh đón tiếp ông Sơn Trung Sơn – Phó ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ; ông Lương Văn Trừ - Trưởng ban Dân tộc Tp. Cần Thơ; đại diện các Cơ quan Trung ương đóng tại Tp. Cần Thơ; các Sở, ban ngành Tp. Cần Thơ, quận Ô Môn và phường Châu Văn Liêm sở tại.

Học viện Phật giáo Nam tông Khmer được khai giảng Khoá I (2007 - 2011) vào năm 2007, tại cơ sở tạm chùa Pôthisomrôn, phường Châu Văn Liêm quận Ô Môn, Tp. Cần Thơ, đến nay đã học được năm thứ 1 và năm thứ 2 đạt kết quả tốt đẹp và khai giảng năm thứ 3.

Năm thứ 3 Khoá I Học viện Phật giáo Nam tông Khmer, chư Tăng được đào tạo các môn: Sử tôn giáo phổ thông, dịch thuật Thanh Tịnh Đạo luận – tập Tuệ phẩm, cách liên từ, Văn học Khmer, logic học, Triết lý Theraveda, tiếng Anh Phật học, tiếng Sansakrit (Bắc phạn), tin học và các môn học khác do Giảng viên trường Đại học Cần Thơ đảm trách. Sau khi tốt nghiệp Học viện, chư Tăng Nam tông Khmer có đủ năng lực, trình độ để phục vụ GHPGVN, Hệ phái Nam tông Khmer và phục vụ cộng đồng dân tộc Khmer tại đồng bằng sông Cửu Long.

Có thể nói việc thành lập Học viện Phật giáo Nam tông Khmer là một chủ trương đúng đắn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong việc hỗ trợ tích cực Hệ phái Nam tông Khmer – thành viên thống nhất Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đào tạo nguồn nhân lực có năng lực, trình độ Cử nhân Phật học theo định hướng phát triển bền vững Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tôn trọng những biệt truyền của các thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Khi Học viện Phật giáo Nam tông Khmer được thành lập tạo nên sự hoan hỷ trọn vẹn của chư Tôn giáo phẩm, quý chư Tăng và đồng bào Khmer Nam bộ, đồng thời được sự quan tâm giúp đỡ của Đảng và Nhà nước các cấp trong việc xây dựng một Học viện Phật giáo Nam tông Khmer có quy mô tầm cở khu vực trên diện tích 11,3 hecta quận Ô Môn.

Hiện nay, Hội đồng điều hành Học viện được hỗ trợ của TW GHPGVN, Bộ, ngành Trung ương, Tp. Cần Thơ và quận Ô Môn đang xúc tiến lập đồ án tổng thể và chi tiết theo tỉ lệ 1/500 và sẽ tiến hành khởi công xây dựng trong thời gian tới.

Khi Học viện Phật giáo Nam tông Khmer xây dựng xong vừa là nơi học tập, sinh hoạt tôn giáo của chư Nam tông Khmer, vừa là nơi tổ chức lễ hội văn hoá dân tộc Khmer của đồng bào dân tộc Khmer tại đồng bằng sông Cửu Long cũng như chư Tăng Nam tông Khmer hội đủ các điều kiện về trình độ để theo học cấp cao hơn ở trong nước hoặc ở nước ngoài.























Theo: Giaohoiphatgiaovietnam.vn

Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ vùng dân tộc Khmer Nam Bộ

Sáng 6/7, tại Sóc Trăng, Tổng cục XDLL - CAND - Bộ Công an tổ chức Hội nghị "Trao đổi kinh nghiệm xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ vùng dân tộc Khmer Nam Bộ".Đến dự hội nghị có Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn - Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an; Trung tướng Lê Quý Vương - Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL; đại diện Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cùng lãnh đạo Công an 18 tỉnh, thành có đồng bào Khmer sinh sống… Dân tộc Khmer Nam Bộ có khoảng 1,3 triệu người. Theo báo cáo, 6 tháng đầu năm 2009, các địa phương có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống đã huy động lực lượng, áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ, đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, nhiều địa phương tình hình tội phạm, TTATXH được giảm so với cùng kỳ 2008.Với nhiều hoạt động đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, từ đó đã phát triển và nhân rộng nhiều mô hình thiết thực và hiệu quả như: Mô hình "Biên giới bình yên, nội biên vững mạnh" ở Long An; mô hình "Xã, phường vững mạnh về quốc phòng an ninh" ở Sóc Trăng; mô hình "3 quản, 3 chống, 3 xây" của Hội Cựu chiến binh An Giang; mô hình "Ấp, khóm, gia đình an toàn về ANTT" ở Trà Vinh… Đặc biệt, mô hình "Tiếng kẻng ANTT" của Long An đã được Tổng cục XDLL - CAND chỉ đạo sơ kết, nhân rộng ra 21 tỉnh, thành phố Nam Bộ.Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn đánh giá cao công tác giữ gìn ANTT nói chung, trong khu vực đồng bào Khmer nói riêng của Công an 18 tỉnh, thành phía Nam trong thời gian vừa qua. Đồng thời, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Toàn cũng chỉ đạo lực lượng Công an các tỉnh, thành có đồng bào Khmer sinh sống một số công tác trọng tâm trong thời gian tới. Nhất là, nghiên cứu cải tiến các nội dung, hình thức phát triển phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Lồng ghép sáng tạo các nội dung đó với phong trào phát triển sản xuất, chăm lo y tế, giáo dục và các phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư".Có các hình thức thi đua, động viên thiết thực để nhân dân phát huy vai trò làm chủ, tự giác tích cực tham gia giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện, mâu thuẫn phức tạp trong nội bộ nhân dân. Tham gia phát hiện đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm và giáo dục giúp đỡ những người lầm lỡ trở về với con đường làm ăn lương thiện…

LỄ DÂNG BÔNG CỦA NGƯỜI KHMER NAM BỘ

Thuở nhỏ, hầu như năm nào tôi cũng có dịp được thỏa thích ngắm năm, bảy đoàn dâng bông đi ngang qua ngõ. Đoàn dâng bông với những dầy (bà), những mìn (cô), những bòn (chị), mặc những chiếc xà rông (y phục truyền thống của dân tộc Khmer).
Những cô gái đẹp được chọn bưng những cây bông rực rỡ, lung linh bao sắc màu huyền ảo. Trong con mắt trẻ thơ của tôi, cây bông mới lạ lẫm và đẹp đẽ làm sao! Những cây bông được trang trí bằng những sợi tua rua đong đưa theo bước chân người, lấp lánh bởi những chiếc gương tròn nhỏ, xinh xinh. Đong đưa theo nhịp chân bước còn là những đồng tiền giấy được xếp gọn và cột lại rất xinh xẻo. Lễ dâng bông tiếng Khmer gọi là Bon phkar. Lễ được tiến hành theo nghi thức Phật giáo. Vào lễ, ngày đầu tiên bắt đầu vào buổi tối. Trước hết các sư sãi đọc kinh cầu nguyện, xong tới các chương trình ca nhạc, vui chơi giải trí phục vụ người đến dự lễ. Con sóc (người dân sống trong sóc) đến chùa đầy đủ. Khuôn viên chùa rộng vài héc-ta chật cứng người. Qua một đêm lễ hội, sáng hôm sau, đồng bào Phật tử mới làm lễ dâng bông dâng lên sư sãi.
Khi những cây bông cuối cùng được dâng lên, buổi lễ kết thúc.

Dâng bông là một tục lệ rất có ý nghĩa trong đời sống cộng đồng: Người ta tổ chức quyên góp để đắp đường, tu sửa trường học, nhà tăng, nhà hội... Lễ dâng bông của từng địa phương, tuy cách làm cây bông mỗi nơi có khác nhau đôi chút nhưng việc tiến hành lễ và mục đích lễ ở cả khu vực miền Tây Nam bộ nói chung đều rất giống nhau. Tất cả đều thể hiện một ý thức cộng đồng rất cao. Điều này dễ dàng nhận thấy qua hình ảnh ngôi chùa ở từng phum sóc. Dù nhà ở của con sóc còn đơn sơ, đời sống còn khó khăn nhưng ngôi chùa của họ vẫn cứ uy nghi, tráng lệ. Trong không gian yên bình, ngôi chùa vươn mái cong lên nền trời xanh như một niềm kiêu hãnh, một niềm tin mãnh liệt vào một ngày mai tươi sáng.
Cuộc Sống Việt _ Theo Hanoitourist-travel.com.vn

Tín hiệu vui từ phum sóc...

Đua ghe ngo của bà con dân tộc Khmer luôn góp phần tạo khí thế sôi nổi và màu sắc sinh động trong các dịp lễ hội ở Hậu Giang.
“5 năm qua, hầu hết chương trình, dự án dành cho đồng bào dân tộc Khmer đều được tỉnh Hậu Giang triển khai thực hiện rất tốt” - ông Sơn Song Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho biết.

* Phát triển sản xuất...

Hậu Giang có hơn 5.500 hộ dân tộc Khmer, với trên 25.500 nhân khẩu. Người Khmer sống hòa thuận trong cộng đồng cùng các dân tộc Hoa, Kinh và được Đảng, chính quyền quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để bà con có cuộc sống ổn định.

5 năm qua, Hậu Giang đầu tư trên 200 tỉ đồng để chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho bà con đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn. Với những chương trình, dự án hỗ trợ đất sản xuất, đất ở; hỗ trợ xây dựng nhà, nước sạch, điện sinh hoạt; giải quyết việc làm; vốn sản xuất;... Nhờ đó, nhiều hộ Khmer chí thú làm ăn, thoát nghèo vươn lên ổn định cuộc sống.

Gia đình bà Thị Kiệp, ấp 7, ở xã Vị Tân (TX.Vị Thanh) 6 năm liền là hộ nghèo. Bà nói, cứ ngỡ sẽ không bao giờ thoát được cảnh thiếu trước, hụt sau. Nhưng từ khi được Nhà nước xây nhà tình thương, hỗ trợ vốn sản xuất, gia đình bà đã trả lại sổ nghèo. Chỉ được hỗ trợ 1 triệu đồng không hoàn lại, bà bắt tay vào nuôi heo. Sau nhiều lứa chăn nuôi thành công, đến cuối năm 2009, gia đình bà được xét thoát nghèo.

* Nâng cao dân trí...

Còn gia đình bà Thị Cụ, ở ấp 10, xã Lương Nghĩa (huyện Long Mỹ) trước đây nghèo lắm, nhưng nổi tiếng là một gia đình hiếu học. Bà Cụ có đến 8 đứa con, gia đình lại khó khăn, nên không đủ điều kiện cho con ăn học. Mấy người con đầu phải dang dở việc học do hoàn cảnh khó khăn, nên những người con sau, bà quyết tâm cho đi học để thoát nghèo. Tằn tiện và nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho con em dân tộc Khmer, các con của bà tiếp tục được đi học. Bà Cụ nói: “Giờ tui có hai đứa con đang theo học tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, còn một đứa đã tốt nghiệp THPT đang chờ đi học cử tuyển. Hàng tháng, chi phí ăn uống, dụng cụ học tập đều đã có Nhà nước hỗ trợ. Nếu không có Nhà nước quan tâm, chắc tụi nó dốt hết rồi. Tôi quyết tâm cho 3 đứa ăn học đến nơi đến chốn để sau này còn giúp ích cho gia đình và xã hội nữa”.

Không chỉ riêng gia đình bà Thị Cụ, mà ở cái xóm nhỏ nghèo này những gia đình người Khmer đã quan tâm đến việc học của con em mình nhiều hơn. Bà con lối xóm gặp nhau ngoài đường, ngoài chợ, không ai hỏi nhau nhà có bao nhiêu công đất, lúa vụ này bán được bao nhiêu, mà thay vào đó là những câu thăm hỏi liên quan đến chuyện học hành của con cháu mình.

* Và bảo tồn văn hóa...

Các hoạt động vui chơi, giải trí cho bà con - đặc biệt là văn hóa dân tộc luôn được tôn trọng, gìn giữ và tạo điều kiện để được phát huy. Trong các dịp lễ của đồng bào dân tộc Khmer như: Chol Chnam Thmây, Sene Đôn Ta, Ok Om Bok, các cơ quan chức năng đều tổ chức đoàn đến thăm và chúc mừng bà con, các lễ hội đua ghe ngo, thi văn nghệ, nấu ăn... Trong những hoạt động văn hóa đó, đua ghe ngo trở thành hoạt động truyền thống, mang đậm nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Khmer miền sông nước Nam bộ. Riêng năm 2009, tỉnh đầu tư đóng thêm 3 chiếc ghe ngo mới trị giá trên 660 triệu đồng để tặng bà con Khmer.

Theo đánh giá của ông Sơn Song Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ: “Hiện tại địa bàn tỉnh Hậu Giang không còn hộ Khmer nghèo bức xúc về nhà ở. Trường Dân tộc nội trú dành cho con em đồng bào dân tộc Khmer được xây dựng khá khang trang, đầu tư trang thiết bị dạy học hoàn chỉnh. Có gần 500 cán bộ, sinh viên dân tộc Khmer được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ... Với những nỗ lực ấy, thể hiện rõ việc chăm lo đến đời sống, tinh thần bà con dân tộc Khmer của tỉnh Hậu Giang”.
Đến nay, trong tỉnh đã có 6 chiếc ghe ngo, với các đội ghe ngo của đồng bào Khmer thi thố, vui chơi dịp lễ hội. Ông Sơn Mến, ấp 11, xã Lương Nghĩa (huyện Long Mỹ), là một thành viên khá nhiệt tình trong đội ghe ngo, cho biết: “Từ khi được Nhà nước đóng tặng cho chiếc ghe ngo, bà con ai cũng vui. Người dân tộc Khmer chúng tôi có rất nhiều lễ hội trong năm, nhưng lễ hội nào cũng được chính quyền địa phương, lãnh đạo tỉnh tạo mọi điều kiện để chúng tôi được vui chơi giải trí. Chúng tôi vui vì được sự quan tâm không chỉ về mặt vật chất mà còn về tinh thần”.

Những năm qua, Hậu Giang còn quan tâm hỗ trợ đầu tư sửa chữa, nâng cấp những ngôi chùa Khmer, xây dựng nhà văn hóa để bà con Khmer đến vui chơi, sinh hoạt. Bây giờ, hầu hết các khuôn viên các nhà chùa đều rộng, có dàn nhạc ngũ âm để bà con Khmer vui chơi vào mùa lễ hội. Sư Thạch Đường, chùa Ô - Chum - Wong - Sa, ấp Thạnh Trung, xã Hỏa Lựu (TX.Vị Thanh) bày tỏ: “Năm qua, chùa được Nhà nước xây dựng thêm chính điện, tặng ghe ngo, giàn nhạc ngũ âm... Các sư và bà con ở đây vui lắm!”.

Cùng với những chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, đời sống của đồng bào người dân tộc Khmer ở Hậu Giang đã và đang chuyển biến mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm vượt khó, cần cù, vươn lên nâng cao mức sống, tập trung lo cho tương lai con cháu.
Bài, ảnh: DUYÊN HẢI

Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức họp mặt Sêne Đôl-ta 2009

(CT)- Ngày 10-9-2009, tại TP Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đã tổ chức họp mặt mừng lễ Sêne Đôl- ta năm 2009. Dự họp mặt có hơn 500 đại biểu là quý sư sãi đại diện cho 439 chùa Khmer tại Nam bộ, cán bộ, gia đình chính sách tiêu biểu là người dân tộc Khmer và kiều bào dân tộc Khmer đang sinh sống tại nước ngoài.
Tại buổi họp mặt, các đại biểu đã được nghe Trung tướng Lưu Phước Lượng, Phó Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, báo cáo khái quát tình hình và một số kết quả thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta đối với đồng bào dân tộc Khmer. Năm qua, kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc Khmer tiếp tục được đầu tư phát triển, các công trình thiết yếu như: giao thông, thủy lợi, trường học, điện nông thôn... được xây dựng mới, tiếp tục đáp ứng cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer. Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ hộ dân sử dụng điện trong vùng đồng bào dân tộc Khmer lên trên 80%, 90% số hộ có nước sạch sử dụng. Các chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở được các địa phương tìm nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả. Hầu hết hộ đồng bào dân tộc Khmer nghèo bức xúc về nhà ở đã được hỗ trợ nhà theo Chương trình 134.... Công tác giáo dục được các địa phương quan tâm xây dựng cơ sở vật chất, giúp đỡ con em đồng bào dân tộc Khmer nghèo đều được đến trường. Điều kiện khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc Khmer được tổ chức thực hiện đến tận cơ sở. Các chùa được chính quyền địa phương hỗ trợ để duy trì việc tổ chức dạy tốt chữ Khmer; tổ chức chu đáo các hoạt động văn hóa văn nghệ vào các ngày lễ, Tết truyền thống, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Công tác cán bộ trong vùng đồng bào dân tộc Khmer ngày càng được các cấp ủy đảng quan tâm đào tạo, bổ sung đội ngũ cán bộ dân tộc Khmer có năng lực vào hệ thống chính trị. Đồng bào dân tộc Khmer luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, góp phần cùng chính quyền giữ gìn và duy trì sự ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Ông Thạch Chum, một kiều bào dân tộc Khmer tại Hoa Kỳ, phấn khởi cho biết: “Tôi rất vui mừng khi thấy Đảng, Nhà nước đã quan tâm rất nhiều đến đồng bào dân tộc Khmer, giúp cho đời sống của bà con Khmer trong nước phát triển, dân trí được nâng lên. Bà con Khmer ở nước ngoài đã hiểu được chính sách dân tộc đúng đắn của Nhà nước và sẽ cùng với đồng bào dân tộc Khmer trong nước đoàn kết xây dựng quê hương”. Thượng tọa Trà Kha Leng, Sư cả chùa Ông Kho, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Thời gian qua, các Chương trình 134, 135, các chính sách trợ giá, trợ cước của Nhà nước đã giúp đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần rất nhiều. Cơ sở thờ tự, chùa Khmer được sửa chữa, xây mới tạo điều kiện thuận lợi cho sư sãi, đồng bào dân tộc Khmer sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng...”.
Kết thúc buổi họp mặt, đồng chí Sơn Song Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, khẳng định: “Với chính sách dân tộc đúng đắn của Đảng, đồng bào dân tộc Khmer luôn được quan tâm chăm lo phát triển về mọi mặt đời sống. Đồng bào dân tộc Khmer trong nước, kiều bào tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, cố gắng lao động sản xuất để phát triển kinh tế gia đình và góp phần xây dưng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp”.
BÌNH NGUYÊN

Thứ Hai, 11 tháng 1, 2010

Đổi thay toàn diện vùng đồng bào Khmer ở huyện Mỹ Tú

Đến Mỹ Tú vào những ngày giáp Tết nguyên đán mới thấy hết khí thế sôi động của một huyện thuần nông vùng đồng bào dân tộc Khmer. Cánh đồng lúa vàng bát ngát như báo hiệu một vụ mùa bội thu. Xen vào đó là màu xanh đậm của dưa hấu – loại cây được hỗ trợ bằng nguồn vốn của Chương trình 135 đang vào vụ thu hoạch.

Dưa hấu của bà con Khmer được hỗ trợ từ nguồn vốn 135.

Ngay chân ruộng dưa hấu của gia đình, anh nông dân Thạch Suôl cho biết: Tuy thời tiết năm nay không thuận lợi lắm với nhà nông, nhưng với kinh nghiệm và dày công chăm sóc nên 2 công dưa hấu của gia đình anh năm nay được mùa. Vì được hỗ trợ giống, kỹ thuật chăm sóc nên dưa hấu bán tại chân ruộng ước đạt 4.000-5.000 đồng/kg.

Phần lớn đồng bào dân tộc Khmer ở huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng sống tập trung ở 9/16 xã của huyện với trên 15 ngàn hộ, dân số gần 70 ngàn người. Từ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các nguồn đầu tư qua các chương trình, dự án như 134, 135, trợ giá trợ cước, hỗ trợ sản xuất… các cấp, ngành trong huyện đã tập trung đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế – xã hội của huyện một cách toàn diện, nhất là tập chung cho các xã có đông đồng bào dân tộc Khmer.

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, từ nguồn vốn đầu tư của các chương trình, dự án cộng với đóng góp trong dân, huyện đã đầu tư trên 123 tỉ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần trong vùng đồng bào dân tộc Khmer. Tính đến thời điểm này, 100% số xã, ấp vùng dân tộc Khmer có đường bê tông hoặc trải nhựa, gần 70% số hộ Khmer được sử dụng điện lưới quốc gia và hệ thống nước sạch. Nhiều mô hình sản xuất-kinh doanh có hiệu quả được khuyến khích nhân rộng như mô hình trang trại nuôi heo, gà công nghiệp, nông lâm thuỷ sản kết hợp, thu hút và đem lại thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động trong vùng.

Nhờ được đầu tư đúng hướng nên đến nay 9/16 xã tập trung đông đồng bào dân tộc Khmer trong huyện đã có trạm y tế, phòng khám khu vực, trong đó có 7/9 trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia. Có trạm y tế, đồng bào đã quan tâm nhiều hơn đến công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Bên cạnh đó công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ y tế cơ sở là người dân tộc ở Mỹ Tú cũng được coi trọng, toàn huyện hiện có 37 cán bộ y tế là người dân tộc Khmer.

Công tác giáo dục được quan tâm ngày càng toàn diện hơn, huyện có 5 điểm trường trung học phổ thông, 1 trường trung học cơ sở dân tộc nội trú, tại các xã đều có hệ thống trường trung học cơ sở. Năm học 2007-2008, huyện huy động được gần 12 ngàn học sinh dân tộc Khmer ở các cấp học đến trường, phong trào học tiếng Khmer cũng được chú trọng với 255 lớp học song ngữ (tiếng Việt và tiếng Khmer) với 6.418 học sinh ở cấp tiểu học và trung học cơ sở, 536 giáo viên người dân tộc Khmer. Phong trào xoá mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở ở huyện đều đã được công nhận đạt chuẩn.

Không chỉ có vậy, phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được các vị sư sãi, à cha và đồng bào Khmer thực hiện tốt. Năm 2007 có trên 11 ngàn hộ, 34/56 ấp được công nhận đạt chuẩn văn hoá. Công tác chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công, giúp nhau xoá đói giảm nghèo luôn được cấp uỷ đảng, cộng đồng và khu dân cư quan tâm và thực hiện tốt, do vậy tỉ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo trên địa bàn giảm nhanh (4-5%/năm, giảm hơn 1% so với chỉ tiêu nghị quyết của đại hội Đảng bộ huyện đề ra)…

Tiếp chúng tôi trong bộn bề công việc của những ngày giáp Tết, ông Lâm Ren, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng không giấu được niềm vui: Từ một huyện nghèo, nay Mỹ Tú đã vươn lên, có nhiều nét khởi sắc. Thành công này nhờ định hướng đúng của cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương, nhưng điều đáng phấn khởi nhất là đồng bào Khmer đã dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm xưa cũ, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, tránh được tâm lý trông chờ, ỷ lại. Điều này đã được khẳng định rõ, không chỉ ở Mỹ Tú mà còn ở những vùng tập trung đông đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh.

Bài và ảnh: Mạnh Cường

CHÙA SÊRÂYTÊCHÔ-MAHATUP (CHÙA MÃ TỘC - CHÙA DƠI)

Chùa Dơi tên thật là Wathserâytêchô - Mahatup (phiên âm từ tiếng Khmer). Về sau đồng bào Kinh và Hoa đọc trại từ Mahatup thành “Mã Tộc”. Cho nên cũng có nhiều người gọi là: “Chùa Mã Tộc”. Ngoài ra dân gian còn gọi là chùa Dơi bởi vì trong chùa này có nhiều dơi.

Từ “Mã Tộc” cũng chính là địa danh (tính từ ngã ba đường cho đến lối rẽ vào Chùa Dơi) coi như là một làng nhỏ. Dân cư ở đây gồm 3 dân tộc (Kinh, Hoa, Khmer) cùng sinh sống.

Chùa Dơi là một tổng thể kiến trúc gồm có: Ngôi chánh điện, Sala, nhà hội của sư sãi và tín đồ, phòng ở của sư sãi và trụ trì, các tháp để tro người chết, phòng khách… Toàn bộ các công trình toạ lạc trong một khuôn viên rộng có nhiều cây cổ thụ, diện tích khoảng 04 hecta.

Chùa Dơi nằm trong địa bàn thành phố Sóc Trăng, thuộc khóm 9, phường 3, thành phố Sóc Trăng. Đông giáp khu dân cư, Tây giáp khu dân cư, Nam giáp đồng ruộng, Bắc giáp lộ Mai Thanh Thế tiếp giáp đường Lê Hồng Phong, thành phố Sóc Trăng.

Theo người Khmer, Mahatup là trận kháng cự lớn (Tup: kháng cự; Maha: lớn). Nơi đây đã diễn ra một trận đánh ác liệt của phong trào nông dân nổi dậy chống bọn phong kiến ngày xưa. Sau trận đánh đó, dân chúng tản cư trở về sinh sống, họ cho rằng vùng đất này có điềm lành (đất lành) nên xây chùa thờ Phật. Bởi họ cần có một đấng tối cao che chở - vì các trận đánh của phong trào nông dân ở những nơi khác đều bị thất bại, nhưng ở nơi đây trận chiến diễn ra ác liệt nhưng họ đã giành chiến thắng.

Chính điện chùa Dơi đã được xây dựng lại. Ảnh: N.H

Theo thư tịch cổ của Chùa còn để lại có ghi chép: Chùa được khởi công xây dựng vào từ năm 1569 dương lịch, cách nay 440 năm. Do ông Thạch Út đứng ra xây dựng. Từ trước đến nay chùa được trùng tu nhiều lần, năm 1960 Chùa sửa chữa lớn ở chánh điện, đến năm 2008 chùa bị cháy chánh điện. Vào tháng 4 năm 2009, chánh điện chùa đã được phục chế lại như cũ.

Kiến trúc Chùa Dơi cũng giống như bao kiến trúc Chùa Khmer khác ở Đồng bằng sông Cửu Long. Về họa tiết trang trí, điêu khắc, hội họa mang sắc thái văn hoá Khmer cổ.

Theo lời kể của các già làng về lịch sử hình thành của Chùa đã trải qua 19 đời Đại Đức. Các văn bản còn lại, được ghi trên lá thốt nốt, trải qua nhiều năm tháng đã bị mục nát và chỉ còn lại một số, cho đến hiện nay chỉ biết được 08 đời Đại Đức sau này (từ đời thứ 12 đến đời thứ 19):

- Đời thứ 12: Ông Lâm Men.

- Đời thứ 13: Ông Tham.

- Đời thứ 14: Ông Ngô Sển.

- Đời thứ 15: Ông Sâm.

- Đời thứ 16: Ông Lét.

- Đời thứ 17: Ông Thạch Chia.

- Đời thứ 18: Ông Thạch Kiều Đốc.

- Đời thứ 19: Ông Kim Rên.

Đặc biệt là loài Dơi ở đây rất nhiều cùng với các đời Đại Đức tồn tại cho đến ngày nay.

Như lời kể của các già làng thì loài Dơi sống nơi đây từ trước đến lúc bắt đầu xây dựng Chùa. Theo một số người Khmer đặc tả loài Dơi ở đây như sau:

Dơi là họ thú có cánh bay, những con lớn nặng từ 700 - 1.000g, cánh của chúng căng về hai phía dài từ 1,1 m -1,5 m, tốc độ bay nhanh nhất từ 50-60 km/h. Dơi có một số đặc điểm khác với loài Chim, Dơi là động vật có vú, vú nằm hai bên nách cánh, có mỏ giống như loài chó Phóc, miệng có răng rất bén để gặm nhấm. Thức ăn của Dơi là trái cây, không ăn lúa hay thịt cá. Dơi đi ăn vào ban đêm, ban ngày thì ngủ. Theo thường lệ hằng năm, bước vào mùa khô, thời tiết nóng nực, thiếu nước, trái cây ít, điều kiện sinh sống khó khăn, chúng thường tổ chức đi ăn ở xa, những nơi có nhiều trái cây và nước ngọt. Đôi khi chúng đi tìm thức ăn ở quá xa, không thể bay về Chùa trước lúc bình minh, Dơi phải ngủ lại nơi đó, và đường về được tiếp nối từng chặng đường của tối hôm sau. Những lúc thời tiết như thế thì đàn Dơi chỉ còn lại ở Chùa 1/3 đàn để giữ chỗ. Khoảng cuối tháng tư, khi thời tiết thay đổi, tiếng sấm đầu mùa mưa báo hiệu, lác đác đây đó mưa rơi, cây trái phát triển, dơi thay màu lông. Lúc đó dơi quay về Chùa chuẩn bị cho mùa sinh sản. Từ đó, bà con xung quanh vùng xem chu kỳ sinh sản của Dơi như thời điểm vào mùa - họ chuẩn bị giống má, đắp bờ, nhổ cỏ, cày ải, cuốc bẩm chờ mưa để gieo hạt.

Dơi không ấp trứng như loài chim khác, nên chúng không xây tổ. Dơi có hai chân, mỗi bàn chân có 5 ngón và có móc nhọn cong như móc câu, trên bả vai mỗi cánh có một lưỡi móc, chúng không đứng đậu như những loài chim khác, mà dùng hai chân móc lấy cành cây quay lộn đầu xuống treo mình lủng lẳng, kết lại với nhau như những chùm trái cây, lúc nào muốn thải phân hay nước thải chúng dùng sức bật mạnh hai phía cánh tung thân lên, mở móc cánh cấu chặt cành cây giữ thăng bằng và bắt đầu tuôn nước thải hoặc phân xuống, khi xong chúng lại trở lại trạng thái bình thường.

Dơi sinh sản vào đầu tháng năm dương lịch, khi sắp đẻ thì một cánh móc lấy nhánh cây, một cánh đỡ lấy con ôm vào lồng ngực. Đẻ xong vài giờ dơi con bắt đầu mở mắt, lúc đó chúng đã biết đói, bú mẹ như chó con mới lọt lòng và trong đêm đó dơi mẹ vẫn đi kiếm ăn bình thường, con chúng mang theo, ôm ghì sát vào lồng ngực. Dơi con lớn rất nhanh, hơn một tháng tuổi chúng đã biết nắm níu nhánh cây, đồng thời cánh của chúng cũng bắt đầu mọc và mở rộng ra, sức nặng dơi con tăng dần lên. Lúc này, dơi mẹ không còn đủ sức để mang con nữa và tập cho dơi con nắm níu nhánh cây rồi để chúng ở lại, không mang theo khi Dơi mẹ đi ăn. Với bản năng sẵn có, dơi con tập chuyền từ nhánh cây gần đến nhánh cây xa, qua tập luyện nhiều lần, chúng từ từ biết vỗ cánh để bay. Chuyến bay đầu tiên của chúng nhằm từ cây thấp, khoảng cách vài ba mét, đến lúc vững vàng thì bay sang ngang và bay cao hơn. Chúng tập bay ban đêm chứ không tập bay ban ngày, nhất là những đêm trăng sáng, chúng tập bay đan xen nhau trông rất đẹp. Thỉnh thoảng trong lúc tập bay có một vài con bị rơi xuống đất không bay lên được, chúng lê tìm nơi nào có cây cao, dùng móc cánh ở bả vai câu chặt nhánh cây và dùng sức mạnh của hai cánh đưa hai chân câu chặt nhánh cây, sau đó chúng buông thòng trúc đầu xuống, dồn sức bật mạnh, mở rộng hai cánh bay đi. Còn khi dơi mẹ xuống cứu con bị rớt xuống đất, một cánh chúng ôm ghì chặt lấy con áp vào lồng ngực, một cánh chống xuống đất bò nghiêng, cố tìm đến nơi có cây cao để cất cánh.

Dơi cũng biết yêu thương nhau, nhất là dơi mẹ. Trước khi đi ăn dơi mẹ cho con bú và lúc trở về chúng đều nhớ đem mồi về cho con. Sau thời gian chào đời và tập luyện, bước vào tháng thứ 3 dơi con bắt đầu biết bay, nhưng không đủ sức đi ăn xa, dơi mẹ dẫn con đi ăn những nơi gần. Nhờ sự ôm ấp chăm sóc của dơi mẹ, dần dần dơi con bắt đầu trưởng thành gia nhập vào bầy đàn một cách nhanh chóng, cứ thế đàn dơi ngày càng được bổ sung. Hiện nay không ai tính được đàn dơi của “Chùa Dơi” này có bao nhiêu con, chỉ ước lượng khoảng vài vạn con, dơi sinh sản thì thấy, nhưng tuổi thọ của chúng được bao lâu thì không ai theo dõi và biết được chính xác, vì chúng không trở về đầy đủ. Thỉnh thoảng các nhà sư phát hiện thấy lác đác có vài con bỏ xác, có thể do con người săn bắt và làm chúng bị thương, kiệt sức mà chết; hoặc cành cây bị gãy bất thình lình, những con không may đập đầu vào vật cứng mà chết.

Phù điêu trạm trổ ở chùa Mahatúp. Ảnh:N.H

Dơi có phản xạ rất kỳ diệu, chúng có khả năng tiếp nhận, dự đoán được qua những tín hiệu, hiện tượng nào đó có thể xảy ra gây nguy hiểm đến sinh mạng của mình, dơi là động vật sống có nề nếp, có bầy đàn.

Khi đi kiếm ăn, dơi đầu đàn bay lên dẫn đầu, sau đó là những con Dơi khác lần lượt bay theo nhập đàn, chúng vừa bay vừa xếp hàng, lượn vài vòng trên bầu trời khu vực Chùa, như cầu khẩn đức Phật ban phước lành trước khi đi kiếm ăn. Quang cảnh hoàng hôn ở “Chùa Dơi” rất rộn ràng, chi chít tiếng dơi gọi đàn, xào xạt tiếng vỗ cánh va chạm vào cành cây, tạo nên không khí khẩn trương; từng đàn dơi lượn bay trên bầu trời hoàng hôn, sau vài lần lượn bay chúng dần dần lẫn vào bóng đêm, chúng bay theo hướng đã định, bay theo đường nào thì về đường ấy. Khi thời tiết tốt thì dơi bay cao, thời tiết xấu thì dơi bay thấp. Dơi đi ăn suốt cả đêm đến bình minh thì trở về, dơi không bao giờ bay qua nóc ngôi chánh điện (lúc đi cũng như lúc về). Đặc biệt hơn là dơi chỉ đậu trên những tán cây của khuôn viên Chùa, những tán cây bên ngoài khu dân cư sát ngay Chùa thì chúng không đậu; sự việc trên được các sư giải thích: Đó là chuyện thường thôi, vì trong khuôn viên của Chùa quang cảnh yên tịnh, con dơi thích nghi với môi trường hoang dã gần gũi với thiên nhiên, còn bên ngoài bị vây đuổi, săn bắt nên nó không trú ngụ và có một điều mà không ai lý giải được là dơi không ăn trái cây vùng lân cận cũng như trái cây trong khuôn viên Chùa, mà phải đi ăn rất xa.

Từ những hiện tượng gần như là huyền bí của đàn dơi ở “Chùa Dơi”, tiếng đồn vang xa, khách thập phương ai cũng muốn tới viếng thăm để tận mắt chứng kiến. Từ thời chiến tranh chống Mỹ “Chùa Dơi” đã vang tiếng với những điều huyền bí , cho nên khuôn viên Chùa lúc ấy cách ly với cảnh sinh hoạt bên ngoài. Vì vậy, cán bộ của ta thường lui tới hoạt động cách mạng.

Cho đến ngày nay “Chùa Dơi” rất nổi tiếng, vì phong cảnh hữu tình, gần gũi với thiên nhiên, có quần thể kiến trúc tôn giáo chính thống của dân tộc Khmer và bầy dơi huyền bí (theo quan điểm tín ngưỡng của từng dân tộc) đã thôi thúc khách tham quan đến viếng Chùa ngày càng đông đúc.

Theo quan niệm của người Hoa thì con dơi là điềm phúc, còn gọi là phước; phúc (phước) của người Hoa là: “Phước-Lộc-Thọ”. Trong đó, ông Phúc (Phước) ứng với con dơi, ông Lộc ứng với con nai, ông Thọ ứng với cây Tùng, cho nên người Hoa xem hình tượng con dơi như là phúc (phước). Nhưng con dơi ở “Chùa Dơi” đậu quay đầu ngược xuống đó là chữ phúc (phước) treo ngược, là: “Phú táo” tiếng phát âm của người Hoa (tức là: “Phúc đáo” nghĩa là phúc đến rồi). Vấn đề này cũng được ông Trần Bình viết bài đăng trên “Kiến thức ngày nay” (Xuân Quý Dậu năm 1993 trang 62-63). Cho nên khách tham quan phần nhiều là người Hoa, người Hoa ở Sóc Trăng cũng quan niệm như thế.

Năm 1990 chiếc tàu thám hiểm đại dương, do ông YVES.COUS TEAUX là thuyền trưởng và con ông là JACK COUS TEAUX đã đến chùa Dơi để nghiên cứu về động vật sống trong môi trường thiên nhiên. Ông COUS TEAUX đã cho máy bay trực thăng bay đảo trên những tán cây trong khuôn viên chùa, đàn dơi bay lên rợp cả một góc trời, đoàn nhân viên của ông YVER COUS TEAUX đã ghi hình ảnh bằng camera và máy ảnh để làm tài liệu nghiên cứu.

Đây cũng là một sự kiện lạ mà không ở chùa nào có được, heo năm móng và dơi là những động vật rất gần gũi với chùa, dơi không những treo mình trên cây mà còn được các vị sư chăm sóc và thuần hóa. Khoảng năm 1980 vị Đại Đức đời thứ 17 là ông Thạch Chia có tài nuôi và thuần chủng dơi, dơi luôn quấn quít bên ông như những chú chó, chú mèo mà người ta thường nuôi trong nhà. Đặc biệt là khi ông đi vắng, dơi ở lại phòng khách của ông.

Đến khuôn viên chùa, ta nhìn thấy cổng chùa về hướng Tây - Bắc, cổng chùa được xây dựng theo kiến trúc tôn giáo trang trí các hoạ tiết các hoa văn hình cánh sen và hoa cà ri cách điệu.

Công trình kiến trúc tiêu biểu trong quần thể kiến trúc “Chùa Dơi” là ngôi chính điện. Ngôi chính điện được xây dựng từ năm 1569 bằng gỗ, trên mái được lợp lá dừa nước, từ trước đến nay chùa được trùng tu nhiều lần. Đặc biệt, năm 1960 ngôi chính điện được thay đổi toàn bộ chất liệu, Bê tông đã thay thế gỗ, mái ngói thay lá dừa nước. Chiều dài 20 m 8, chiều rộng 11 m 3; ngôi chính điện được xây dựng trên nền cao hơn mặt đất tự nhiên 1 m bao quanh là đá kết xi-măng nền rộng 30 m 7, dài 37 m. Sân chính điện được trát xi-măng, có vòng rào lan can và 04 ngõ vào. Vòng rào lan can cách ngôi nhà chính điện mỗi hướng là 2 m 20. Nền chính điện cao hơn sân chính điện 0,7 m. Mặt bằng chính điện hình chữ nhật trải dài theo hướng Đông Tây. Cửa chính quay ra hướng đông. Phần mái chính điện là một kết cấu đặc biệt, gồn 04 hệ thống mái chồng lên nhau, với khoảng cách nhất định. Trên 04 mái chồng lên nhau đều có trang trí hình tượng con rồng ở các góc. Hình tượng rồng của người Khmer khác với người Hoa và người Việt, đầu rồng có sừng uốn lượn, mảnh mai, thân rồng theo mô típ của loài cá Poon - Co, nên rồng không có chân, trên lưng giương những đao mác nhọn, cong về phía đuôi, hình tượng rồng được bố trí theo chiều dài đòn dong. Mái tiếp giáp với cột trang trí hình tượng chim Cay - No, thể hiện sức mạnh như chống đỡ cả bầu trời và che chở cho con người ở trần gian. Bên trong chánh điện có tượng Phật sơn son thiếp vàng, cao khoảng 2m, trên bệ thờ cao khoảng 1,5m được đắp nổi nhiều hoa văn hình cánh sen. Ngoài tượng Phật lớn còn có nhiều tượng Phật nhỏ khác.

Trên bệ thờ được làm bằng gỗ sơn son thiếp vàng, trang trí hoa văn hình chim muông, hoa lá theo mô típ đình, chùa truyền thống của người Việt.

Đặc biệt phía dưới bệ thờ ở hai bên tượng Phật có hai họa tiết hình con dơi đối xứng nhau. Trần chính điện được trang trí bằng những mảng tranh sơn dầu hình tiên nữ đang múa trên bầu trời, làm tăng thêm phần sinh động và trang nghiêm cho nội thất.

Đối diện với ngôi chính điện về hướng Tây là dãy nhà Sa - La (nhà hội của sư sãi), phòng của sư trụ trì, phòng khách và rải rác xung quanh ngôi chính điện là những tháp đựng cốt tro người chết, mỗi tháp mang dáng kiểu khác nhau. Nhìn chung toàn bộ quần thể kiến trúc cân đối nhau một cách hài hoà, làm chúng ta liên tưởng đó là cả một rừng hoa văn với những bố cục hài hoà, gọn gàng, những đường nét uyển chuyển đầy ấn tượng… toát lên tinh thần lao động cần cù và sáng tạo qua đôi bàn tay khéo léo của người Khmer.

Xung quanh quần thể kiến trúc của chùa là những tán cây cổ thụ, được các vị sư săn sóc hàng ngày, để khách đến tham quan và chiêm ngưỡng những chú dơi treo mình lủng lẳng trên các nhánh cây trong khuôn viên chùa, du khách cứ ngỡ ngàng tưởng như cây trái trúng mùa với những chùm quả nặng trĩu. Không khí mát mẻ, thanh tịnh chỉ có tiếng gió xào xạc và thỉnh thoảng xen vào tiếng kêu chí chít của những chú dơi con tìm mẹ… Tất cả tạo thành một bản hoà tấu với nhạc điệu du dương của thiên nhiên làm say mê lòng người.

Hiện nay, các hiện vật trong chùa dơi còn chủ yếu là tượng các Phật như: tượng Phật Thích Ca ngồi thiền định cao 2 m bằng xi-măng và nhiều bức tượng nhỏ khác bằng xi-măng và vật liệu khác do phật tử cúng chùa. Ngoài ra còn có khung cửa võng (bao lam) bằng gỗ sơn son thiếp vàng chạm trổ hình chim muông, hoa lá, đặc biệt có hoạ tiết hình những chú dơi; một cái giường chạm hoa lá tinh sảo, sơn son thiếp vàng; hai tủ lớn có chạm hoa văn theo mô típ cổ truyền của người Khmer. Đặc biệt hơn cả là trong sảnh của đại dức trụ trì và phòng khách còn có bức tượng của một đại đức đã viên tịch, với kích thước giống y như người thật trong tư thế thiền định làm bằng xi-măng đã làm cho gian phòng khách ấm cúng và sinh động, hấp dẫn.

Chùa Dơi với quần thể kiến trúc đẹp, có giá trị thẩm mỹ cao. Ngoài chức năng thoả mãn nhu cầu sinh hoạt của đời sống tâm linh, còn hướng con người đến chân - thiện - mỹ, làm điều hay lẽ phải, làm việc thiện, tích phúc cho đời. Ở đây chúng ta thấy rõ nghệ thuật tạo hình Khmer đồng bằng sông Cửu Long, trong đó chùa Dơi là một minh chứng, mang tính tôn giáo. Nhưng Phật giáo Nam tông trong xã hội Khmer hiện nay không phải là tôn giáo thoát tục, lánh xa cuộc đời mà hoà nhập vào cuộc sống đời thường với phương châm “tốt đạo, đẹp đời”.

Cái đẹp và sức thu hút của Chùa Dơi là cảnh quan gần gũi với thiên nhiên, với một quần thể kiến trúc mở, hoà quyện với môi trường sống của con người - thực vật - động vật nơi đây đã gắn bó với con người từ lâu đời. Hơn nữa, cộng đồng dân cư ở đây có sự giao lưu giữa ba dân tộc Việt - Khmer - Hoa kết hợp với tinh hoa văn hoá, nghệ thuật trong cuộc sống, học hỏi lẫn nhau cùng phát triển. Ngoài ra, Chùa Dơi còn là trung tâm sinh hoạt giáo dục - văn hoá và các lễ thức cúng kiếng, lễ hội của đồng bào Khmer, vừa là tụ điểm sinh hoạt văn hoá của cộng đồng cư dân địa phương. Ngày 12 tháng 02 năm 1999, Bộ Văn hóa - Thông tin đã ra Quyết định số 05/1999/QĐ-BVHTTcông nhận Chùa Dơi là di tích nghệ thuật cấp quốc gia.

Chùa Dơi là một môi trường sinh thái kết hợp hài hoà giữa thiên nhiên, văn hoá và cuộc sống đời thường. Chùa còn là một thắng cảnh, một địa điểm du lịch, tham quan và hành hương viếng Phật nổi tiếng của du khách trong và ngoài tỉnh. Danh lam thắng cảnh Chùa Dơi Sóc Trăng sẵn sàng đón khách thập phương ghé thăm và chắc hẳn làm chuyến đi của du khách thêm nhiều bất ngờ, thú vị… xin bạn hãy nhanh chân.

(SƯU TẦM)