Như một tình cảm tự nhiên được hun đúc trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ quê hương, đồng bào Khmer An Giang đã gắn bó bền chặt vận mệnh của mình với cộng đồng các dân tộc trên vùng đất phên giậu phía Tây Nam của Tổ quốc. Sự đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc chính là cội nguồn sức mạnh góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế, xã hội, cũng như làm thất bại những âm mưu lợi dụng hay đội lốt tôn giáo nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết của các thế lực thù địch tại An Giang.
Như một tình cảm tự nhiên được hun đúc trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ quê hương, đồng bào Khmer An Giang đã gắn bó bền chặt vận mệnh của mình với cộng đồng các dân tộc trên vùng đất phên giậu phía Tây Nam của Tổ quốc. Sự đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc chính là cội nguồn sức mạnh góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế, xã hội, cũng như làm thất bại những âm mưu lợi dụng hay đội lốt tôn giáo nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết của các thế lực thù địch tại An Giang.
Là một bộ phận máu thịt trong cộng đồng các dân tộc
An Giang có nền văn hóa cộng cư độc đáo, được hun đúc nên từ sự hòa quyện của bốn dòng văn hóa Việt - Hoa - Khmer - Chăm. Mỗi nền văn hóa trên với nét truyền thống riêng biệt của mình, được lưu giữ theo dòng chảy lịch sử, trở thành một bộ phận không thể tách rời trong nền văn hóa chung, thống nhất của An Giang.
Người Khmer ở An Giang sống tập trung ở vùng Bảy Núi, thuộc 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, quần cư thành những cụm dân riêng, gọi là Phum, Sóc, có khoảng 90 nghìn người (chiếm 4% dân số của tỉnh), phần lớn theo đạo Phật giáo Nam tông và sống bằng lao động nông nghiệp. Đồng bào dân tộc Khmer là một bộ phận máu thịt trong cộng đồng những dân tộc cùng chung sống trên mảnh đất An Giang. Trải qua các thời kỳ lịch sử, đồng bào luôn gắn bó với các dân tộc khác, có nhiều đóng góp, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc cũng như xây dựng đất nước.
Trong những năm qua, kinh tế - xã hội của tỉnh An Giang có tốc độ tăng trưởng khá, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đặc biệt là đồng bào Khmer được cải thiện một bước đáng kể. Từ năm 1998 đến nay, nhiều chính sách, chương trình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc được ban hành như: Chương trình 135, 134 của Chính phủ, Chương trình Dân tộc của tỉnh... Thông qua các chương trình này, hệ thống kết cấu hạ tầng: giao thông, thủy lợi, điện, nước sạch sinh hoạt, trường học, nhà ở cho người nghèo... được đầu tư khá tập trung, tạo nên một diện mạo mới trong đời sống của đồng bào dân tộc Khmer vùng Bảy Núi tại An Giang.
Tôn giáo và bản sắc dân tộc đồng bào Khmer gắn chặt, hòa nhập vào nhau, những sinh hoạt văn hóa đều hiện hữu trong các hoạt động tôn giáo và ngược lại. Phật giáo Nam tông (Tiểu thừa) mang tính quần chúng rộng rãi, không thoát tục, lánh xa cuộc đời, mà hòa cùng hoạt động của cộng đồng, với mục tiêu xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Đại bộ phận sư sãi là con em nhân dân lao động, gắn bó với gia đình, làng xóm. Tính mở và vai trò quan trọng của chùa Khmer và bộ phận sư sãi tạo nên những đặc thù trong công tác vận động, xây dựng khối đại đoàn kết nơi có đồng bào Khmer sinh sống. Vận động sư sãi Khme là một bộ phận quan trọng trong công tác dân vận, thông qua đội ngũ này vận động nhân dân, làm cho các tầng lớp đồng bào Khmer trong tỉnh ngày càng tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hiện nay, Mặt trận và các đoàn thể đã tập hợp vào tổ chức trên 13 nghìn đoàn viên, hội viên, chiếm 16% tổng số người Khmer của địa phương.
Những mô hình, cách làm sáng tạo xây dựng khối đoàn kết bền chặt ở cơ sở
Điểm đặc biệt trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân là An Giang chủ trương nhân rộng mô hình “Điểm sáng văn hóa trong phum, sóc”, thông qua việc xây dựng mô hình chùa Khmer văn hóa. Chùa đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người Khmer, nó là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, là điểm tựa tinh thần vững chắc, nơi lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa; sinh hoạt tôn giáo của tín đồ phật tử và cũng là trung tâm sinh hoạt cộng đồng. Các ngôi chùa vốn đã quan trọng với người Khmer, khi xây dựng theo mô hình chùa văn hóa cùng các tiêu chí mới, nó càng phát huy được vai trò của mình, trở thành sợi dây gắn kết cộng đồng bền chặt thêm. ở hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, đến nay có 24 chùa được công nhận chùa văn hóa.
Chùa Po Thi Vong ở xã Cô Tô, huyện Tri Tôn là một trong 5 chùa đầu tiên thí điểm xây dựng mô hình chùa Khmer văn hóa, lễ công nhận đúng dịp đón tết cổ truyền Chol Chnam Thmay năm 2006, được đồng bào Khmer hân hoan chào đón. Từ khi Po Thi Vong trở thành chùa văn hóa, nơi đây thực sự trở thành điểm sinh họat cộng đồng có ý nghĩa, nơi học tập, tuyên truyền về đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, góp phần nâng cao dân trí; giáo dục và thực hiện nếp sống văn hóa thông qua hoạt động khuyến khích đồng bào dân tộc học hai thứ tiếng, việc cưới, tang tiết kiệm, giữ mối quan hệ xóm giềng tốt đẹp trong phum, sóc.
Chùa Sà Lôn cũng là ngôi chùa văn hóa tiêu biểu. Ông Chau Sơn Hy, trụ trì chùa cho biết, từ việc xác định ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội là điều kiện quan trọng bậc nhất giúp đồng bào Khmer yên tâm lao động, làm giàu cho gia đình, quê hương, nhà chùa cùng Ban ấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác của nhân dân trước những âm mưu, thủ đoạn của kẻ xấu. Từ đây, dấy lên khí thế thi đua lao động sản xuất và phong trào làm từ thiện. Nhân dân đóng góp kinh phí gần 100 triệu đồng nâng cấp toàn tuyến giao thông của ấp Sà Lôn, xây dựng hệ thống cống thoát lũ núi, làm hàng rào trường tiểu học A Lương Phi. Nhiều hộ gia đình người Khmer đã có những thay đổi trong suy nghĩ, cách thức phát triển kinh tế, mang lại hiệu quả cao, giúp đỡ các gia đình khác vươn lên thoát khỏi cảnh đói nghèo.
Việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trong đồng bào Khmer ở An Giang còn được thể hiện ở những cách làm mới, gắn với hoàn cảnh thực tiễn tại từng địa phương. Xã Lê Trì, huyện Tri Tôn là địa bàn miền núi, dân tộc, từ năm 2000 trở về trước, tình hình an ninh trật tự ở xã luôn diễn biến phức tạp, một số phần tử xấu kích động, xúi giục đồng bào Khmer khiếu kiện, gây mất an ninh trật tự, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Từ thực trạng trên, lãnh đạo xã Lê Trì đã có sáng kiến xây dựng lực lượng nòng cốt, bằng cách chọn mỗi ấp một cá nhân là người dân tộc Khmer, có uy tín, được nhân dân tin tưởng, cùng với lực lượng hỗ trợ khác tuyên truyền, vận động đồng bào ở địa bàn khu dân cư nâng cao nhận thức. Những người tham gia lực lượng nòng cốt ở xã Lê Trì thể hiện tính gương mẫu, tiên phong, làm đầu tàu trong các phong trào, trở thành cầu nối giữa Đảng và dân; hướng dẫn áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, cách thức làm ăn để phát triển kinh tế gia đình, thực hiện các tiêu chí “Gia đình văn hóa”, vận động đồng bào Khmer không nuôi bò trong nhà, không để con bỏ học giữa chừng. Nội dung tuyên truyền luôn được cải tiến, đổi mới mang tính thiết thực. Với cách làm đó, từ đầu năm đến nay, lực lượng nòng cốt của xã trực tiếp giải quyết thành công hàng chục vụ mâu thuẫn, xích mích, chung sức xây dựng tình làng, nghĩa xóm bền chặt.
Những buổi tiếp xúc nhân dân được diễn ra đều đặn, cùng với việc thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, huyện, xã, lực lượng nòng cốt lắng nghe phản ánh của đồng bào Khmer về tình hình an ninh, trật tự ở từng địa bàn dân cư, bám sát quần chúng, giúp đồng bào Khmer cảnh giác tránh kẻ xấu lợi dụng, kích động, xúi giục khiếu kiện đông người. Lực lượng này đặc biệt quan tâm, hạn chế nguồn gốc, nguyên nhân phát sinh những mâu thuẫn, tranh chấp ngay từ cơ sở. Thực tiễn cho thấy, từ những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ, nếu không được phát hiện, giải quyết kịp thời, dứt điểm rất dễ dẫn đến những phát sinh phức tạp hoặc tình trạng vi phạm pháp luật. ở phum Cô Đơn, ấp Soài Chếk, xã An Cư, huyện Tịnh Biên, xây dựng lực lượng nòng cốt sâu sát với nhân dân chính là một nguyên nhân quan trọng giúp địa phương phát triển. Năm 1995, trong tổng số 32 hộ của phum Cô Đơn có đến 27 hộ khó khăn phải cầm cố đất, nhờ sự cứu trợ của chính quyền. Năm năm trở lại đây, chương trình dân tộc của tỉnh được triển khai cùng sự hỗ trợ của lực lượng nòng cốt, các hộ dân trên đều đã có đất canh tác, được vay vốn sản xuất, đời sống dần đi vào ổn định.
Nâng cao đời sống của đồng bào Khơme thông qua các hoạt động giúp đỡ phát triển kinh tế là điểm mấu chốt để thực hiện chính sách dân tộc. Chính quyền các cấp phối hợp cùng nhà chùa vận động, giúp đỡ người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào các mô hình sản xuất, góp phần nâng cao đời sống đồng bào Khmer. Cùng với đời sống vật chất được nâng lên, đời sống văn hóa tinh thần của người dân cũng được cải thiện, đặc biệt, các hoạt động lễ hội trong đồng bào Khmer ở An Giang rất được chú trọng, được coi như một dịp thắt chặt hơn khối đại đoàn kết, như lễ mừng năm mới Chol Chnam Thmay, lễ cúng ông bà Dolta, lễ hội đua bò Bảy Núi, Ooc-Om-Bók, nhập lụa, Dâng Y, Ra Hạ Chư Tăng, ngày hội văn hóa Khmer...
An Giang tập trung xây dựng hệ thống chính trị, đặc biệt ở cấp xã trong vùng dân tộc Khmer, bảo đảm vững mạnh, đủ sức lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Đẩy mạnh công tác quy hoạch tạo nguồn, đào tạo cán bộ dân tộc ngay từ khi học phổ thông đến cử tuyển đại học, có chính sách ưu đãi, tuyển dụng sau khi tốt nghiệp; phát triển đảng viên là người dân tộc Khmer. Tăng thêm chỉ tiêu cử tuyển ở các trường đại học, phấn đấu đến năm 2010 các xã đông đồng bào dân tộc có lãnh đạo chủ chốt là người Khmer; cán bộ của Đảng, chính quyền, đoàn thể vùng đồng bào Khmer phải biết tiếng Khmer. Bồi dưỡng cán bộ cơ sở các nội dung về công tác giáo dục tư tưởng, vận động quần chúng, nắm chắc diễn biến tâm tư, nguyện vọng của đồng bào để kịp thời giải quyết, trên cơ sở những nguyên tắc và quy định chung, tùy vào đặc thù dân trí, trình độ, ngôn ngữ, văn hóa... mỗi địa phương để có giải pháp kịp thời xử lý hiệu quả. Nâng cao chất lượng công tác giải quyết khiếu nại và khiếu kiện của đồng bào Khmer, nhằm xử lý dứt điểm những vấn đề do lịch sử để lại hoặc mới phát sinh.
Tính cộng đồng, sự gắn bó của đồng bào người Khmer và đồng bào các dân tộc khác là tình cảm son sắt đã được dày công vun đắp qua nhiều thế hệ, được thử thách qua những hoàn cảnh khó khăn, chặng đường nguy nan nhất, trở thành khối đại đoàn kết keo sơn bền chặt. Khối đại đoàn kết ấy đang tiếp tục được gây dựng, liên kết, quy tụ sức mạnh của cả cộng đồng, xây dựng quê hương An Giang ngày càng phát triển./.
Xuân Bằng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét