Thứ Năm, 19 tháng 2, 2009

Những chuyển biến tích cực ở vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer



Dân số tỉnh Kiên Giang hiện có trên 1,7 triệu người, trong đó đồng bào dân tộc Khmer: 214.979 người, chiếm 12,68% dân số. 64 xã có đông đồng bào Khmer. 27 xã và 6 ấp được thụ hưởng Chương trình 135 (giai đoạn II) và có 53 đơn vị hành chính (xã, thị trấn) thuộc vùng khó khăn…

Các sinh hoạt văn hóa truyền thống
luôn được khuyến khích - Ảnh: BCB
Trong những năm qua, vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp rất quan tâm nên đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều địa phương quan tâm chỉ đạo phát triển kinh tế, từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế cây trồng, vật nuôi. Thông qua các nguồn vốn đầu tư, trong năm 2008, đã mở 126 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi cho 3.792 lượt đồng bào dân tộc Khmer theo học. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nên năng suất lúa không ngừng được tăng lên; nhiều hộ thực hiện quy trình thâm canh tổng hợp với nhiều mô hình luân canh, xen canh màu và nuôi trồng thủy sản cho thu nhập bình quân đạt 35 - 40 triệu đồng /ha /năm.
Thông qua Chương trình 135 và các chương trình lồng ghép khác, đến nay đã có 63/64 xã đông đồng bào dân tộc Khmer có đường ô tô đến trung tâm xã, hệ thống thủy lợi cơ bản đảm bảo phục vụ tưới tiêu cho sản xuất. Hộ sử dụng điện và nước hợp vệ sinh cũng được nâng lên: 79,62% hộ được sử dụng điện, 77,93% hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh. Điều đáng mừng là đã có 24/42 xã rút ra khỏi danh sách các xã thuộc Chương trình 135.
Lĩnh vực văn hoá- xã hội trong vùng đồng bào dân tộc có bước phát triển. Tỷ lệ huy động học sinh là người dân tộc Khmer trong độ tuổi đến trường (từ 6-14 tuổi), đạt tỷ lệ 90%. Năm học 2008-2009 học sinh dân tộc ở 3 bậc học là 37.319/302.076 học sinh, chiếm tỷ lệ 12,37%. Thực hiện tốt chính sách cử tuyển con em dân tộc vào học các trường đại học, cao đẳng; tính riêng trong năm 2008 đã xét cử tuyển 95 em vào các trường đại học, cao đẳng, 82 em vào trường dự bị đại học tại thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, các tổ chức tín dụng và Ngân hàng chính sách xã hội đã cho 1.626 lượt hộ đồng bào dân tộc vay, với số tiền trên 30 tỷ đồng để sản xuất, kinh doanh. Xét giải quyết đất ở cho 672 hộ nghèo vào cụm tuyến dân cư vượt lũ… Nhờ đó, đời sống của đồng bào dân tộc Khmer ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm (từ 9.483 hộ, chiếm 22,35% năm 2007 xuống còn 7.953 hộ, chiếm 18,75% năm 2008).
Việc dạy và học chữ Khmer được tỉnh rất quan tâm. Ở các trường có đông con em đồng bào dân tộc được tổ chức dạy song ngữ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy còn chủ trương những cán bộ công tác ở vùng có đông đồng bào dân tộc phải học và phải biết tiếng dân tộc để nắm và hiểu được tình hình, tâm tư nguyện vọng của đồng bào. Năm qua, toàn tỉnh đã có 216 lớp, với 5.874 học viên theo học chữ Khmer. Ngân sách tỉnh hỗ trợ 150 triệu đồng để mua sách giáo khoa Khmer ngữ và hỗ trợ 216 giáo viên là các vị sư và À cha dạy chữ Khmer trong tỉnh.
Công tác chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào được chú trọng, 60/64 xã đông đồng bào dân tộc có trạm y tế, mỗi năm tỉnh cấp gần 1 tỷ đồng để mua thuốc trị bệnh miễn phí, cấp thẻ bảo hiểm y tế, các chương trình y tế quốc gia được đồng bào hưởng ứng khá tốt. Đội ngũ cán bộ y tế là người dân tộc Khmer ngày càng phát triển, đến nay có 325 cán bộ y tế là người dân tộc Khmer, trong đó có 48 bác sĩ, 5 dược sĩ, 87 y sĩ, 72 nữ hộ sinh, 78 điều dưỡng, 01 dược tá, 26 cán bộ khác.
Bản sắc văn hoá của đồng bào dân tộc tiếp tục được gìn giữ và phát huy, các lễ hội truyền thống hàng năm được tổ chức khá tốt. Trong các ngày lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc, các cấp - các ngành đều tổ chức đoàn đi thăm và tặng quà cho các vị sư và đồng bào ở các chùa trong tỉnh... Hầu hết các chùa đều được trùng tu, xây dựng khang trang. Một số chùa có truyền thống cách mạng và vùng khó khăn được tỉnh hỗ trợ kinh phí để trùng tu, sửa chữa.
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc được giữ vững và ổn định. Hệ thống chính trị cơ sở trong đồng bào dân tộc Khmer thường xuyên được củng cố và kiện toàn. Từ sau Đại hội Đảng các cấp, công tác chính trị, tư tưởng, công tác tuyên truyền, vận động quần chúng được các cấp ủy Đảng quan tâm. Việc tuyên truyền các sách "Lược sử vùng đất Nam bộ Việt Nam", "Việt Nam - Campuchia, mối quan hệ láng giềng hữu nghị, truyền thống", Hiệp ước về phân giới cắm mốc biên giới Việt Nam - Campuchia... đã được quán triệt trong cán bộ, đảng viên, một số nơi triển khai đến các sư sãi, đồng bào Khmer, đã nhận được sự đồng tình cao.
Đến nay, cấp ủy các cấp đã xây dựng xong quy hoạch cán bộ chủ chốt là người Khmer và Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2010 - 2015. Trong đó quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý cấp tỉnh là 17/833 đồng chí, cấp huyện và tương đương 14/738 đồng chí, cấp xã, phường, thị trấn và tương đương 220/3.559 đồng chí... Hiện nay toàn tỉnh có 2.232 cán bộ công chức là người Khmer. Công tác phát triển đảng viên là người dân tộc Khmer được quan tâm, trong năm 2008 đã phát triển được 115 đảng viên, nâng tổng số đảng viên là người dân tộc Khmer có 1.326 đồng chí, chiếm 4,63% so với tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ; đảng viên người dân tộc Khmer được cơ cấu ở tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị.
Công tác xây dựng, củng cố và kiện toàn Mặt trận và các đoàn thể ở cơ sở được chú trọng. Xây dựng nhiều mô hình tập hợp quần chúng trong các đoàn thể ở những nơi có đông đồng bào dân tộc, như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, các câu lạc bộ khuyến nông, câu lạc bộ làm lúa giống... Hầu hết các địa phương đều có kế hoạch vận động các chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer phát huy vai trò của Hội đoàn kết sư sãi yêu nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được vùng có đông đồng bào dân tộc còn có những tồn tại hạn chế: Tình trạng đồng bào dân tộc sang bán, cầm cố đất đai còn xảy ra ở một số nơi nhưng địa phương chưa có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Tập quán sinh hoạt, tổ chức cuộc sống được cải tiến chưa nhiều, còn một bộ phận có tư tưởng ỷ lại vào Nhà nước, thiếu tự lực vươn lên. Kết cấu hạ tầng ở vùng đồng bào dân tộc vẫn còn thấp kém. Trình độ dân trí trong đồng bào chậm nâng lên, tỷ lệ huy động học sinh đến trường ở bậc trung học không cao, nhất là phổ thông trung học. Nhiều địa phương chưa quản lý được số học sinh dân tộc đang học phổ thông trung học, cao đẳng, đại học và chưa quản lý sử dụng tốt số học sinh thuộc diện cử tuyển đã tốt nghiệp ra trường. Mức hưởng thụ văn hóa trong đồng bào còn thấp; nhiều địa phương chưa có nơi sinh hoạt chính trị văn hóa, học tập cộng đồng cho nhân dân và nơi vui chơi giải trí cho thanh thiếu nhi. Y tế vệ sinh môi trường nhiều vùng chưa đảm bảo, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng trong đồng bào Khmer còn cao…
Để vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer phát triển nhanh hơn nữa trong thời gian tới, cần phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị quan tâm chăm lo nhằm tạo điều kiện cho vùng này phát triển một cách toàn diện, vững chắc. Trong đó tập trung chỉ đạo có hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo; quan tâm giáo dục đồng bào xóa bỏ những tập quán sản xuất, sinh hoạt lạc hậu, tiêu xài chưa tiết kiệm, phát huy ý chí tự lực tự cường, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc. Đi đôi với đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực và thực hiện tốt việc đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu; trước hết là kết cấu hạ tầng như cầu, đường giao thông nông thôn, thủy lợi, điện, nước sạch, trạm xá, trường học, chợ... Chăm lo công tác giáo dục, nâng cao trình độ dân trí trong đồng bào dân tộc và quan tâm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho địa phương: Tạo điều kiện thuận lợi cho con em người dân tộc tiếp tục theo học cấp III; thực hiện tốt việc cử tuyển học sinh dân tộc vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh theo địa chỉ để về công tác ở địa phương. Tăng cường công tác nắm tình hình, phát hiện xử lý ngăn chặn kịp thời và làm thất bại âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch. Đẩy mạnh việc tuyên truyền giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, ngăn chặn có hiệu quả việc qua lại biên giới trái phép của đồng bào Khmer. Quan tâm giải quyết kịp thời các vụ tranh chấp, khiếu kiện có liên quan đến dân tộc. Thường xuyên củng cố xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở để làm tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo chính trị toàn diện ở cơ sở. Đẩy mạnh công tác phát triển Đảng trong người dân tộc. Từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở vùng đồng bào dân tộc đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Vùng có đông đồng bào dân tộc phát triển và ổn định sẽ góp phần quan trọng để đẩy nhanh cho các vùng khác cùng phát triển. Hiện nay, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết của dân tộc; vì vậy chăm lo cuộc sống cho đồng bào dân tộc Khmer nói riêng và nhân dân nói chung là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị.
Nguyễn Văn Hiền

Không có nhận xét nào: