Thứ Năm, 19 tháng 2, 2009

Mong Thọ B: Làm tốt công tác xây dựng đời sống văn hóa


Về xã Mong Thọ B - huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang vào những ngày đầu Xuân Kỷ Sửu năm 2009 để cảm nhận sự thay da, đổi thịt đang diễn ra tại vùng quê này…
Đời sống kinh tế ngày một khá

Mong Thọ B có trên 3.000 hộ dân với 85,16% dân tộc Kinh, 12,74% dân tộc Khmer và 2,1% dân tộc Hoa. Nhân dân nơi đây chủ yếu gắn bó với đồng ruộng, chăn nuôi, phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ.
Những năm qua, Đảng bộ xã luôn quan tâm lãnh đạo UBND, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích nhân dân trong xã đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Xã thường phối hợp với các ngành chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để nhân dân áp dụng trong sản xuất và chuyển đổi cơ cấu kinh tế cây trồng, vật nuôi. Đồng thời mạnh dạn tập trung phát triển các mô hình kinh tế tập thể, tạo điều kiện cho nhân dân vay vốn sản xuất để từng bước xóa đói, giảm nghèo. Ngoài 01 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động rất hiệu quả, hiện xã có 05 tổ hợp tác sản xuất; 21 tổ bơm tát tập thể; 02 câu lạc bộ (CLB) cánh đồng cho lợi nhuận từ 30-50 triệu đồng/ha; 05 CLB nuôi cá; 01 CLB trồng nấm; 05 CLB tiểu thương và rất nhiều mô hình góp vốn xoay vòng của các hội đoàn thể. Đặc biệt, mô hình CLB cánh đồng cho lợi nhuận 30- 50 triệu đồng/ha và mô hình nuôi cá nước ngọt đã và đang mang lại lợi nhuận khá. Chỉ tính riêng năm 2008 từ CLB cánh đồng này ấp Phước Ninh thu lãi bình quân 52 triệu đồng/ha; CLB nuôi cá nước ngọt ấp Phước Hòa thu hoạch 2 vụ/ năm thu lãi 800 triệu đồng.
Cùng với việc vận dụng đồng bộ các chủ trương của Đảng và Nhà nước để mở rộng và phát triển kinh tế, từng bước xóa nghèo, hàng năm xã còn tạo điều kiện cho hơn 300 lao động có việc làm ổn định trong và ngoài tỉnh. Do vậy số hộ có đời sống kinh tế ổn định chiếm tỷ lệ 91,35%; có 86,68% số hộ có nhà ở kiên cố và bán kiên cố. Lương thực bình quân trên đầu người đạt 1.127 kg thóc/năm, tăng 82 kg so với năm 2006. Nếu như tỷ lệ hộ nghèo trong xã năm 2006 còn 7,19% thì đến năm 2008 tỷ lệ này giảm còn 3,55%.

Đời sống văn hóa phong phú

Đến Mong Thọ B bây giờ ta dễ dàng bắt gặp những tụ điểm sinh hoạt văn hóa văn nghệ hết sức thú vị mà diễn viên cũng thật đa dạng, phong phú. Vẫn biết ca cổ được hầu hết bà con Nam bộ nói chung, các vùng quê ở Kiên Giang nói riêng đều mê. Ai ai cũng ít nhiều thuộc vài câu nằm lòng để có dịp trổ tài với bà con lối xóm và du khách gần xa. Tiềm năng dồi dào nhưng chỉ tiếc Mong Thọ B chưa có nhiều mô hình CLB đờn ca tài tử. Hiện xã mới có 01 CLB đờn ca tài tử, 01 nhóm ca khúc cách mạng và 01 CLB gia đình văn hóa. Phong trào thể dục thể thao quần chúng phát triển khá, có 878 hộ gia đình thể thao, 09 sân bóng chuyền, 06 sân bóng đá mini. Đội bóng chuyền, bóng đá và đội văn nghệ của xã thường xuyên tham gia tranh tài tại các cuộc hội thao, hội diễn do huyện tổ chức. Bằng vốn sách do ngành VHTTDL tỉnh hỗ trợ và xã đầu tư, Thư viện xã có 550 cuốn sách gồm nhiều thể loại phục vụ tốt nhu cầu giải trí, tìm tòi áp dụng khoa học kỹ thuật từ sách vào việc chăn nuôi, trồng trọt của bà con trong và ngoài xã. Một số tủ sách ấp cũng phát huy được hiệu quả phục vụ cộng đồng. Hàng năm số hộ được công nhận gia đình văn hóa đều tăng; năm 2008 có 95% gia đình văn hóa, 99/100 tổ văn hóa, 5/5 ấp đạt ấp văn hóa và khu dân cư tiên tiến. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội của xã được thực hiện tốt; không có tệ nạn xã hội nghiêm trọng, phức tạp, không xảy ra mê tín dị đoan; không có các tụ điểm ma tuý, mại dâm. 5/5 ấp đều xây dựng bảng Quy ước được UBND huyện phê duyệt và được nhân dân đồng tình thực hiện đạt hiệu quả.
Về giáo dục, nhờ tranh thủ mọi nguồn lực hỗ trợ đã xây dựng mới được 12 phòng học; vận động nhân dân đóng góp sửa chữa các công trình phụ như nhà vệ sinh, sân chơi, đường thoát nước.. với số tiền trên 200 triệu đồng. Trang thiết bị dạy học ngày càng được tăng cường nên việc dạy và học từng bước có chất lượng, số học sinh đạt tỷ lệ khá giỏi năm học vừa qua chiếm 98%. Năm 2007, Trường Tiểu học Mong Thọ B2 được công nhận đạt chuẩn Quốc gia; 02 trường còn lại đều đạt tiêu chuẩn sạch, đẹp, an toàn. Năm 2007 Trạm Y tế xã được xây dựng mới có 01 bác sỹ, 02 y sỹ, 01 nữ hộ sinh và 01 trung cấp Đông y và đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia. Cùng với Tổ Y tế các ấp và lực lượng cộng tác viên, ba năm qua Trạm Y tế xã đã áp dụng kịp thời các biện pháp phòng chống dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm, không để dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn. Thường xuyên duy trì tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, tổ chức khám và điều trị cho gần 32.000 người, châm cứu bấm huyệt cho trên 7.200 người. Thực hiện các chương trình y tế Quốc gia, y tế cộng đồng đầy đủ và đạt chỉ tiêu đề ra; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng từ 17,6% năm 2006, nay giảm còn 13,5%; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm còn 1,3%. Đặc biệt, xã được “Dự án phòng chống bệnh truyền nhiễm tiểu vùng sông MêKông” của tỉnh chọn làm điểm thực hiện chương trình phòng chống sốt xuất huyết dựa vào cộng đồng, đã tuyên truyền được 09 cuộc có trên 3.200 lượt người tham gia tuyên truyền, diệt lăng quăng… Số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh chiếm 88%; năm 2007 đã cấp 424 dụng cụ chứa nước cho hộ dân tộc Khmer nghèo theo Quyết định 134 của Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội

Không chỉ từng bước nâng cao đời sống kinh tế, văn hoá, xóa đói, giảm nghèo, Đảng bộ, UBND xã Mong Thọ B đã và đang thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Trong ba năm đã vận động nhân dân tham gia đóng góp các nguồn quỹ vì người nghèo, quỹ đền ơn đáp nghĩa được gần 250 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này đã cất 05 căn nhà tình nghĩa, sửa chữa 08 căn nhà cho các hộ chính sách, cất 100 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, trong đó có 46 căn cho hộ nghèo dân tộc Khmer thuộc diện 134. Xã còn kết hợp với các đoàn của huyện, tỉnh tổ chức thăm hỏi và tặng quà nhân các ngày lễ, tết cho 152 lượt gia đình chính sách với số tiền 56,7 triệu đồng; trợ cấp khó khăn đột xuất, hỗ trợ tiền điều dưỡng cho 18 hộ số tiền 10 triệu đồng; xét cấp nhà ở trong khu dân cư cho 22 hộ chính sách. Đến nay các gia đình thuộc đối tượng chính sách trong xã đều có nhà ở và cuộc sống ổn định.
Ngoài các hoạt động trên, các cơ quan ban ngành, đoàn thể trong xã vận động các tổ chức, cá nhân cứu trợ cho hộ nghèo được 18,5 tấn gạo, quần áo, mùng mền…với tổng trị giá trên 200 triệu đồng; vận động 15 triệu đồng giúp đỡ các hộ bị sập nhà, tốc mái do mưa bão.
Với những kết quả đáng ghi nhận trong ba năm (2006- 2008), vừa qua Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh đã tiến hành phúc tra, chuẩn bị hồ sơ đề nghị tỉnh công nhận xã đạt tiêu chuẩn về xây dựng đời sống văn hóa ba năm liên tục.
Bình Nguyên

Không có nhận xét nào: