Thứ Ba, 9 tháng 6, 2009

Âm nhạc truyền thống trong đồng bào dân tộc Khmer U Minh Thượng


Sinh hoạt văn hóa, lễ hội người Khmer Nam bộ - Ảnh: BCB
Như khúc tình ca về mùa xuân ấm áp tình người, tết Chôl Chnăm Thmây mang ý nghĩa “vào năm mới” hay còn gọi là lễ chịu tuổi, là lễ lớn nhất trong năm của người Khmer. Vào dịp này, mọi người lên chùa lễ phật, trang phục và đồ trang sức rực rỡ hơn thường ngày. Nét đặc sắc trong văn hóa dân tộc Khmer thể hiện qua phong tục, tập quán, nghi lễ, ngôn ngữ… mà âm nhạc chính là món ăn tinh thần không thể thiếu, góp phần tạo nên vẻ đẹp độc đáo trong văn hóa truyền thống của người Khmer Nam bộ.

Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2009 của đồng bào dân tộc Khmer ở U Minh Thượng khác hơn mọi năm. Lúa trúng mùa, nông dân làm ra sản phẩm bán được giá nên ăn tết có phần sung túc hơn. Bên cạnh đó, được sự quan tâm của Đảng bộ huyện, Phòng Văn hóa và Thông tin kết hợp cùng Ban quản trị Chùa Xẻo Cạn và UBND xã Thạnh Yên tổ chức chương trình giao lưu văn nghệ, tạo nên làn sóng âm nhạc với những loại hình phong phú của dân ca trữ tình sâu lắng, thể hiện tình yêu thiên nhiên, tình yêu đôi lứa, tình yêu lao động, tình yêu phum sóc, tình yêu quê hương, tình yêu đất nước và những bài hát về mùa xuân...

Tưng bừng trong điệu múa lâm thôn - Ảnh: Hồng Diễm
Trong làn gió mơn man của mùa xuân, lòng người dường như được sưởi ấm và bừng lên niềm vui. Các thế hệ, từ già đến trẻ cùng hòa chung điệu nhạc, hát những bài hát yêu thích như: Ol ơi ôl srây, ô ca la hong, com nức kê ây, ka keo, khechec Chôl Chnăm Thmây, Oi Squai Chanh ty… và tươi cười trong điệu múa lâm liêu, saraval. Các cô gái Khmer ở U Minh hồng hào nét mặt, xúng xính trong trang phục xà rông có đính chuỗi hạt cườm ở cạp, áo tầ vông dệt bằng tơ tằm, sợi bông hay chỉ kim tuyến với các loại hoa văn khác nhau mà màu trắng hoặc màu vàng là chủ đạo. Màu vàng được ưa dùng vì nó gợi không khí hội hè, chiếc khăn “sbay”, một loại khăn lụa xanh mềm mại cuốn chéo từ vai trái xuống sườn phải góp phần tạo nên tính nhạc thật uyển chuyển trong điệu rom-vong tình tứ, hay còn gọi chung là múa lâm thôn.

Khi tiếng trống, nhạc vang lên, từng đôi nam – nữ, già trẻ cùng uyển chuyển bước ra sân, hòa mình vào điệu múa tập thể. Nữ lượn 2 cánh tay ra trước ngực, nam dang rộng cánh tay như để che chở cho người bạn múa. Múa lâm thôn, động tác khá đơn giản chỉ cần nhìn một chút là có thể múa theo được. Tuy vậy, phải tuân theo một số qui tắc nhất định như: người ít tuổi, địa vị thấp hơn sẽ ra múa trước, sau đó mới tiến đến mời các vị quan khách, người cao tuổi ra múa giao lưu. Đội hình múa di chuyển càng nhiều vòng, thế là cả người Khmer và các vị khách mời người Kinh, người Hoa cùng nhau vui vẻ, động tác múa càng nhanh hơn theo nhịp trống. Khi trống ngừng, mọi người cùng dừng lại chấp tay chào nhau rồi trở về vị trí cũ. Dịp này, những chàng trai, cô gái cũng tập trung tại sân bãi nào đó trong phum, sóc hẹn hò, tìm hiểu:

“Anh quăng chlung tới

Chlung tung lên trời

Duyên em sáng ngời

Đón lấy chlung anh…”

“… vì con bướm rừng sẽ đến với em

Vì có chàng trai tốt sẽ tới với em

Như nước về với giếng…”

Văn hóa âm nhạc của người Khmer hiện diện ở mọi nơi, trong tất cả ngày thường. Khi có điều kiện, những giai điệu nhạc vui tươi lại vang lên một cách mạnh mẽ trong mỗi con người Khmer. Anh Danh Bảy, ấp Xẻo Lùn A, xã Thạnh Yên (U Minh Thượng) bộc bạch: “Từ trước đến giờ chưa năm nào tui được ăn tết vui như vầy. Nhờ có chương trình giao lưu văn nghệ mà tui được múa, được hát một cách thỏa thích trước đám đông, thật tình vui quá là vui”. Còn bà Danh Ên ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang xuống ăn tết tại Chùa Xẻo Cạn, Thạnh Yên A (U Minh Thượng), miệng vừa nhai trầu vừa phấn khởi tâm sự: “Năm nay, tui xuống đây ăn tết, thấy vui quá trời luôn. Tết Chôl Chnăm Thmây mà người Việt nhiệt tình lắm. Họ giúp làm đủ thứ, họ nói chuyện cũng vui lắm”. Đáp lại sự quan tâm, của người Việt, nhất là sự quan tâm của Đảng bộ huyện U Minh Thượng, Sư Khỏe- chủ trì Chùa Xẻo Cạn (U Minh Thượng) nói: “Thay mặt đồng bào phật tử Khmer ở U Minh Thượng, tui xin cảm ơn những tình cảm chân thành của đông bào Việt, xin chân thành cảm ơn Đảng bộ huyện đã tạo mọi điều kiện cho đồng bào dân tộc Khmer chúng tôi có được cái tết vui vẻ và ấm áp nghĩa tình”.

Chính tiếng nhạc và lời ca trong đêm giao lưu văn nghệ đã thể hiện và kế thừa một cách sâu sắc tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của các dân tộc anh em trên địa bàn huyện. Nó vừa mang cái chung của cộng đồng các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer vừa mang nét riêng của đồng bào dân tộc Khmer ở U Minh Thượng. Tin rằng, với những giá trị truyền thống quý báu đó, U Minh Thượng sẽ ngày càng phát triển và phồn vinh hơn nữa.

Hồng Diễm


Không có nhận xét nào: