Thứ Ba, 9 tháng 6, 2009

Rô băm – Loại hình nghệ thuật độc đáo của người Khmer ở Kiên Giang


Hoạt cảnh mừng Tết CholChnamThmây của Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Kiên Giang - Ảnh: BCB
“Là loại kịch múa cổ điển sân khấu cung đình của người Khmer xưa đã đạt đến một trình độ nghệ thuật rực rỡ. Có thể liên tưởng Rô băm của người Khmer với nghệ thuật hát Tuồng của người Kinh: tinh tuý đấy nhưng số công chúng có mỹ cảm và trình độ thưởng thức không nhiều…”

Rô băm là gì?

Theo ông Đào Chuông –Trưởng đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Kiên Giang thì: “Rô băm còn gọi “Rom Rô băm” là loại kịch múa cổ điển sân khấu cung đình của người Khmer xưa đã đạt đến một trình độ nghệ thuật rực rỡ. Có thể liên tưởng Rôbăm của người Khmer với nghệ thuật hát Tuồng của người Kinh: tinh tuý đấy nhưng số công chúng có mỹ cảm và trình độ thưởng thức không nhiều. Nếu Dù-kê có thể truyền tải những vấn đề của cuộc sống đương đại thì Rô băm chuyên về diễn tả những “chuyện xưa tích cũ”.

Các diễn viên Đoàn Nghệ thuật Rô băm tỉnh Trà Vinh - Ảnh: BCB

Các nghệ sĩ múa chuyên nghiệp biểu diễn những động tác và tư thế của đôi bàn tay, trong tư thế phối hợp nhịp nhàng, uyển chuyển, uốn cong của toàn thân. Người xem cảm thấy bâng khuâng, thương nhớ các nàng Apsara (vũ nữ thiên đình) mà hình ảnh tuyệt vời còn lung linh trên mặt đá; với sức mạnh khái quát thể hiện tính chất trang nghiêm sùng kính của truyền thống tôn giáo và cung đình từ thời xa xưa… thể hiện ý tình sâu kín nhất của các nhân vật. Muốn đạt được trình độ đó, nhiều nghệ sỹ phải trải qua nhiều năm rèn luyện.

Sân khấu Rô băm ngoài động tác múa, còn dùng lời nói, lời hát để giải thích các tình tiết, sự kiện, hành động của diễn viên. Nội dung thường là tích cổ như vở Riêm kê trích từ anh hùng ca Ấn độ Ramayana… Nhân vật trở thành mẫu người lý tưởng của người Khmer như nàng Sêđa xinh đẹp thuỷ chung, hoàng tử Rama tài giỏi nhưng gặp nhiều chuyện gian truân, khổ ải. Khỉ thần Hanuman có nhiều pháp thuật cao cường… Các vở khác như Ra Ta Na Vông, Linh Thôn… cũng đều đượm tinh thần Phật giáo “Ở hiền gặp lành”, làm việc ác ắt phải đền tội.

Anh Thạch Nô diễn viên Đoàn nghệ Nhuật Khmer Kiên Giang kể lại: “Trước đây khi Đoàn còn dựng vở tôi chuyên đóng vai Chằn. Trong vở diễn Rô băm thường có hai tuyến nhân vật vua, hoàng tử, công chúa… không mang mặt nạ. Và ngược lại những nhân vật mang mặt nạ gồm nhiều loại, nhưng nổi bật nhất là vai chằn – Yeak- đại diện cho phái ác. Ngoài ra, trong vở diễn Rô băm cũng thường có vai hề xuất hiện để gây cười làm vui nhộn sân khấu”.

Âm nhạc Rô băm ngoài phần hát còn có nhạc đệm gồm trống “Cồn” và kèn Slayrom. Đây là dàn nhạc chủ yếu gây không khí cổ động cho đêm diễn và đệm múa, có âm lượng lớn, diễn tấu như: trống thúc mạnh mẽ trong những màn chiến đấu, khi khóc than thì cất lên tiếng kèn nghe thật ai oán….

Theo các nghệ nhân thì Rô băm xưa kia thường biểu diễn ngay dưới đất, có rải rơm lên trên, ánh sáng đốt bằng dầu mù u. Ngày nay sân khấu được dựng trên bục cao cho khán giả dễ coi, ánh sáng được thay bằng điện. Đạo cụ cho diễn viên được trang bị khá hơn. Phông màn thường vẽ cung vua hay cảnh rừng già. Phía trước có kê một cái bàn con với ít ghế nhỏ. Màn chỉ được kéo lên một lần trong suốt vở diễn. Mỗi khi chuyển cảnh “ông Bầu” giới thiệu qua cảnh tiếp để người xem dễ theo dõi.

Một thời vàng son

Thời hoàng kim của đoàn Rô băm vào những năm thập niên 60 của thế kỷ XX. Hàng năm các đoàn nghệ thuật Rô băm thường đi lưu diễn ở đám làm phước, các chùa. Đoàn đi diễn đến đâu đều được bà con Khmer địa phương “hậu đãi” lo nơi ăn chốn ở đàng hoàng. Các diễn viên hết lòng đem tài năng nghệ thuật ra phục vụ công chúng. Nhiều đêm diễn trăng sáng, mưa trái mùa lâm râm, tiếng ếch nhái oang oang khắp đồng và nhảy loạn xạ trên sân cỏ nhưng bà con vẫn nhiệt tình, chăm chú, say mê xem đoàn diễn hết đêm này đến đêm khác. Được biết, trong quá trình phát triển, nghệ thuật Rô băm hình thành nhiều lớp nghệ sỹ, nhiều người đã qua đời nhưng họ vẫn còn được người đương thời nhắc tới và ngưỡng mộ tài năng.

Nỗi lo thất truyền

Chúng tôi trở lại thăm gia đình ông Đào Chuông - Trưởng đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Kiên Giang. Trong căn hộ tập thể cấp bốn đơn sơ, song ấm cúng và rất giàu truyền thống văn hoá này, chúng tôi bắt gặp nhiều loại mặt nạ: chằn, khỉ, nai, ngựa, mão vua… do ông sáng tạo nên. Nhưng đã từ lâu nó trở thành vật lưu niệm chứ không còn được sử dụng nữa.

Mặc dù rất tâm huyết với nghệ thuật Rô băm nhưng ông rất buồn thừa nhận: Đã mấy năm nay Đoàn Nghệ thuật Khmer Kiên Giang không còn dàn dựng và công diễn được một trích đoạn Rô băm nào. Lý do không phải chỉ là vấn đề kinh phí khó khăn. Hiện Đoàn tập trung vào hai loại hình nghệ thuật là Ca- múa-nhạc và Dù –kê. Hơn nữa đầu tư dàn dựng vô cùng công phu. Lớp nghệ nhân điêu luyện ngày càng hiếm vắng. Còn lớp trẻ ngày nay lại ít mặn mà với Rô băm bởi việc truyền dạy và ý thức kế thừa thứ nghệ thuật cổ truyền này đã không được chú ý đúng mức trong nhiều năm qua. Mà trong việc tuyển chọn diễn viên Rô băm tiêu chuẩn đầu tiên lựa chọn là dựa vào sự ham thích và năng khiếu, rồi mới qua thực tế với sự hướng dẫn của lớp nghệ nhân già. Những nghệ sỹ này cũng chỉ là những nông dân. Sau những đêm biểu diễn, họ lại về làm ruộng rẫy… Ở một đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp hay nói rộng ra là lĩnh vực quản lý Nhà nước, Rô băm bị “đối xử” như vậy còn trong dân gian thì sao? Liệu Rô băm có bị thất truyền?

Đem nỗi trăn trở này, chúng tôi tìm về Chùa Rạch Tìa xã Định An - huyện Gò Quao nơi được coi là chiếc nôi nuôi dưỡng nghệ thuật Rô băm của đồng bào Khmer ở tỉnh Kiên Giang. Vị đại đức trụ trì chùa cho biết: “Đã nhiều năm nay chùa không còn tổ chức diễn Rô băm vào những dịp tết lễ như trước. Lý do là những nghệ nhân già thì thưa thớt dần còn lớp trẻ biết Rô băm thì không có”.

Thay cho lời kết

Rô băm là một bộ môn nghệ thuật thuộc di sản văn hóa của đồng bào Khmer. Mặc dù Rô băm hiện nay chỉ còn được người lớn ưa thích, vì lớp trẻ chỉ thích Dù kê bởi hình thức này linh hoạt, gần gũi, gây xúc động cho khán giả hơn, nhưng người Khmer vẫn nuôi dưỡng, bảo tồn Rô băm là môn nghệ thuật truyền thống quý giá của dân tộc. Thiết nghĩ Nhà nước cần quan tâm hỗ trợ nhiều hơn nữa cho loại hình nghệ thuật này. Cụ thể là Sở Văn hoá –Thông tin, Ban dân tộc, Hội Văn học Nghệ thuật, Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Kiên Giang là những đơn vị có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo và thực hiện việc sưu tầm, đào tạo một lớp diễn viên trẻ hát hay, múa dẻo làm sao bảo tồn và phổ biến cho bằng được môn nghệ thuật quí giá này.

Ở cấp huyện, xã, phum sóc…. nếu có điều kiện chính quyền nên khuyến khích thành lập các đoàn Rô băm quần chúng giao lưu rộng rãi. Trong xu thế đời sống văn nghệ hiện nay, một khi công chúng trong nước vượt qua những làn sóng thời thượng nhất thời, Rô băm rồi sẽ tìm lại được khán giả của nó. Rô băm không “chết” và có lẽ cũng chẳng cần hoá thân vào các loại hình sân khấu khác bởi tự thân nó vốn có đầy đủ giá trị nghệ thuật mang đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc truyền thống của người Khmer Nam bộ.

Bùi Công Ba

Không có nhận xét nào: