Thứ Tư, 27 tháng 5, 2009

Độc đáo chùa Khmer Nam Bộ


Người Khmer sinh tụ ở Nam Bộ rất lâu đời và họ đã kiến tạo nên một nền văn hóa rực rỡ. Với người Khmer, ngôi chùa là trung tâm sinh hoạt tôn giáo, văn hóa, tinh thần của cộng đồng được xây dựng bề thế trang nghiêm, chạm khắc rất tinh tế, công phu với mái cong, nóc nhọn, tháp cao vút nằm giữa khuôn viên rộng để bà con đến làm lễ, vui chơi.

Chùa Khmer Nam Bộ nói chung đều mang kiến trúc Angkor của người Campuchia. Từ cổng nhìn vào chùa Khmer Nam Bộ qua cầu thang, có hai cấp sân rộng bao quanh ngôi chánh điện được tráng xi măng, mái chùa có ba cấp, mỗi cấp được chia thành ba nếp, nếp giữa lớn hơn, hai nếp phụ hai bên bằng nhau, không có tháp nóc. Những hàng cột phía ngoài chánh điện được xây dựng theo lối kiến trúc cổ Cô-ranh, phía trên nối tiếp giáp giữa đầu cột với mái chùa có tượng thần Krud mình người đầu chim, mỏ ngậm viên ngọc với 2 tay đỡ mái chùa. Trước bậc thềm vào chánh điện có hai pho tượng chằn Year hung dữ, mặc áo giáp, đứng bảo vệ ngôi chùa, tượng chằn hình dáng to lớn, mặt dữ tợn, miệng há rộng răng nanh to nhọn, tay cầm chày là biểu tượng cái ác, cái xấu, gây thương đau cho mọi người, khi tượng chằn được đặt trong chùa là biểu tượng cái thiện. Vì người Khmer tin rằng chằn bị thu phục bởi Đức Phật để phục vụ cho chánh điện, bảo vệ sự bình yên cho dân lành. Cửa vào chánh điện được chạm trổ rất công phu, tinh xảo kết hợp giữa phong cách nghệ thuật chùa và nghệ thuật chạm khắc dân gian đã tạo nên nét độc đáo cổ kính, đỉnh cao nghệ thuật thể hiện ở những họa tiết độc đáo nơi mái vòm, tường, các hàng cột và cầu thang như: Tượng đầu vị thánh bốn mặt "Maraprum" là tiền thân của "Brama" - vị thần sáng tạo ra thế giới; nữ thần "Kayno" nửa người, nửa chim; chim thần "Marakrit". Trên những hàng cột là phù điêu các tiên nữ và những quái vật. Theo triết lý của người Khmer đó là những thử thách đối với phật tử trên bước đường tu thành chánh quả. Trên mái vòm và cầu thang đều chạm trổ họa tiết có thần rắn Naga; vì họ quan niệm rằng tấm lòng từ bi hỷ xả của Đức Phật đã thuần hóa được loài vật nguy hiểm này.

Điểm chung của chùa Khmer Nam Bộ là chánh điện thường quay về hướng Đông; vì họ cho rằng con đường tu hành của Phật đi từ Tây sang Đông. Bên trong chánh điện du khách có thể choáng ngợp bởi vẻ bề thế và lộng lẫy với nhiều màu sắc, mang nét văn hoá Khmer, mang nét đặc thù nền tảng của Bà Lamôn giáo, ảnh hưởng sâu đậm văn hoá Ấn Độ, nhiều nhất là trên nóc được trang trí hình ảnh đền Angkor Wat - nơi khởi nguồn của phong cách kiến trúc Khmer. Xung quanh trong chánh điện bày trí rất nhiều hình ảnh giải thích quá trình tu hành khổ luyện của Đức Phật từ lúc sinh ra đến lúc làm Thái tử, cho đến khi vào cõi Niết Bàn. Đối diện chánh điện là các cột trụ biểu là hình tượng thần rắn Naga 5 đầu, dùng để thắp nến vào những ngày lễ hội; theo giáo lý Phật pháp sẽ soi sáng cho nhân loại, giúp mọi người sống hướng thiện như chính loài rắn. Trải qua tiến trình lịch sử, ngôi chùa có một vị thế rất vững chắc trong đời sống xã hội và tâm thức của người Khmer Nam Bộ. Chùa chính là nơi diễn ra các lễ hội lớn trong năm như: Tết cổ truyền Chôl-chnăm-thmây, lễ Đôn ta, lễ hội Ook-Oom-Bok, nơi tập trung bà con Khmer đến học chữ Paly, học giáo lý, học nghề...

Chùa Dơi trong giai đoạn trùng tu.

Hiện tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long có rất nhiều ngôi Chùa Khmer cổ vài trăm tuổi được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, là điểm thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Chùa Dơi được xây dựng năm 1569 với tên khai sinh theo ngôn ngữ Khmer là Sêrây Têchô Mahatúp, còn được gọi theo tiếng Việt là chùa Mã Tộc, ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer đã được trùng tu nhiều lần và bị hoả hoạn ngày 16/8/2007, hiện đang khôi phục trùng tu trên nền cũ. Ngôi chùa nằm trong một khu vườn rộng khoảng 3 ha, um tùm các loại cây ăn quả như xoài, vú sữa, sầu riêng, măng cụt... Gọi là chùa Dơi vì ngôi chùa nổi tiếng với một đàn dơi hàng vạn con dơi quạ. Đã từ hàng trăm năm nay, đàn dơi chọn vườn chùa làm nơi cư trú và nghỉ ngơi, ban ngày treo mình trên các cành cây ngủ yên lành. Có nhiều cây dơi treo dốc đầu ngủ, chi chít như lá. Khoảng thời gian từ tháng 5-8 là mùa sinh sản, mỗi dơi mẹ ôm một dơi con mà ngủ. Đi lại trong chùa phải thật yên tĩnh, một tiếng động mạnh bất thường cũng có thể làm dơi mẹ giật mình, đánh rơi con. Con dơi mới đẻ sải cánh đã dài tới 50cm, dơi trưởng thành sải cánh khoảng 1m và nặng xấp xỉ 1,5kg. Hoàng hôn xuống, chúng thức giấc bay lên, ríu rít gọi nhau, lượn qua lượn lại mấy vòng, rồi mới từ giã ngôi chùa đi kiếm ăn. Có một điều rất lạ là dơi không hề ăn một trái chín nào ở vườn chùa. Chúng tung cánh bay đi xa, kiếm ăn trên những miệt vườn khắp vùng sông Tiền, sông Hậu, để rồi sáng sớm lại trở về ngủ trong vườn chùa. Có những cành cây ăn trái của nhà dân ngả sang vườn chùa thì đàn dơi cũng tránh, không con nào chịu ngủ trên những cành cây đó. Đây là một điều thực tế, không phải là huyền thoại. Trong tình hình môi trường đang bị hủy hoại, chim thú đang bị săn bắt tàn bạo như hiện nay, thì chùa Dơi vẫn còn là một môi trường tốt và thanh bình cho hàng vạn con dơi. Đất lành chim đậu, có thể nói các nhà sư ngày trước đã tìm được một nơi đất lành để dựng chùa, mời gọi được đàn dơi về đây. Trong khuôn viên chùa có hàng triệu con dơi. Theo gia phả để lại, họ hàng dơi xuất hiện ở đây từ 200 năm về trước, dường như chúng đã chọn nơi này làm cửa sinh theo triết lý nhà Phật, là cửa sinh vì không hề bao giờ nhìn thấy một xác dơi chết (không có cửa tử). Nếp sinh hoạt cộng đồng động vật này là chúng treo mình trên những cành cây trong khuôn viên chùa suốt từ 6 giờ sáng đến 18giờ 30 chiều dơi bay đi kiếm ăn cách chùa khoảng 50-60km sau đó trở về chùa đúng 4 giờ sáng. Thông thường dơi ở đây sinh sản vào khoảng tháng 5-9 và dơi nhỏ bao giờ cũng ôm mẹ ngay cả khi vận động kiếm ăn. Nhưng chùa Dơi không chỉ nổi tiếng bởi những thứ đó, ở đồng bằng sông Cửu Long có chừng 600 ngôi chùa của đồng bào dân tộc Khmer, thì chùa Dơi nổi lên như một quần thể kiến trúc đẹp vào bậc nhất. Mái chùa gồm hai tầng lớp ngói màu. Phía đầu hồi, bốn đầu mái được chạm trổ tinh xảo hình rắn Naga cong vút. Trên đỉnh chùa có một ngọn tháp nhọn. Hàng cột đỡ bao quanh chùa, mỗi cột có một tượng tiên nữ Kemnar đôi tay chắp trước ngực như đang cất lời đón chào khách thăm viếng. Trong chính điện (sanctury) có một pho tượng Phật Thích Ca bằng đá nguyên khối trên một tòa sen cao khoảng hai mét. Khắp trên tường chùa là những bức tranh miêu tả cuộc đời Đức Phật, từ lúc ra đời tới khi được khai minh rồi nhập Niết Bàn. Bên cạnh đó còn có một pho tượng sinh động miêu tả Đức Phật cưỡi trên rắn thần Muchalinda. Ngay từ cổng vào cho đến kiến trúc mái chùa đã cho thấy nét tinh xảo đặc trưng. Những họa tiết vẽ trên cột, trần khu nhà có tượng Phật nằm tuy không có nhiều tiểu tiết, nhưng cũng đủ mô phỏng tín ngưỡng của người Khmer. Những bức họa lớn do các Phật tử từ nhiều nơi thực hiện gắn kín hết các bức tường phía ngoài.

Đàn dơi quạ bay về chùa.
Về với đồng bào Khmer Nam Bộ trong dịp tết cổ truyền Chôl-Chnăm-Thmây hay trong các lễ hội là đi trong hương hoa, nghe lời cầu kinh, niệm Phật râm ran và được xem các lễ hội dân gian linh đình. Tiếng trống sa-dăm hòa tiếng hát lâm thôn bay xa. Từ người già đến trẻ đều xênh xang áo mới. Các cô gái mặc xà rông sặc sỡ, tay bưng mâm có tấm lụa vàng phủ các lễ vật cúng phật. Các chàng trai mang các đạo cụ phục vụ lễ hội vừa đi vừa múa trống sa dăm rộn rã cả vùng quê. Đến với cộng đồng Khmer Nam Bộ, quý khách không chỉ được tham quan các chùa là di tích lịch sử văn hóa, danh thắng đẹp nổi tiếng mà còn có dịp tìm hiểu sâu hơn các lễ hội dân tộc, về đời sống văn hóa tinh thần của bà con Khmer Nam Bộ hiền hòa và mến khách.

Người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, ở Nam Bộ nói chung chiếm gần 6,7% dân số toàn vùng. Ngoài ra người Khmer còn cư trú ở miền Đông Nam Bộ, TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước. Đời sống tôn giáo tín ngưỡng là sự tồn tại theo đạo Phật (phái tiểu thừa) nên mọi nghi thức lễ hội, đón mừng năm mới diễn ra ở chùa cổ kính và mang đậm màu sắc lễ hội Phật giáo.

Phương Nghi

Không có nhận xét nào: