Thứ Hai, 18 tháng 5, 2009

Vấn đề quyền con người ở Việt Nam: Một thực tế không thể xuyên tạc

Báo cáo quốc gia kiểm điểm định kỳ việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam, do Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao nước ta, ông Phạm Bình Minh, trình bày chiều ngày 8/5 (giờ địa phương) tại khóa họp thứ V của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ), tổ chức tại Geneva (Thụy Sĩ), với sự tham dự đầy đủ của đại diện 192 quốc gia thành viên cùng nhiều tổ chức của LHQ và các tổ chức quốc tế khác, đã nhận được những phản hồi khác nhau, song đa phần là tích cực.

Đây là lần đầu tiên, Việt Nam trình bày báo cáo quốc gia về việc thực hiện quyền con người tại một diễn đàn quốc tế lớn như vậy. Và đây cũng là việc làm bình thường thuộc trách nhiệm của một nước thành viên LHQ phục vụ cuộc điều tra chung của Hội đồng Nhân quyền LHQ với tất cả các quốc gia thành viên.

Báo cáo của Việt Nam gây được sự chú ý, vì nó đã trình bày một bức tranh tổng thể, nhưng không khái quát mà được cụ thể hóa bằng những dẫn chứng và số liệu, với các cơ sở pháp lý là Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành cũng như các cam kết, chủ trương, chính sách và hoạt động thực tiễn của Nhà nước Việt Nam để khẳng định một thực tế là ở Việt Nam, những quyền cơ bản của con người luôn được tôn trọng, bởi lẽ, như báo cáo đã nêu, "Nhà nước Việt Nam coi con người là mục tiêu và động lực của mọi chính sách phát triển kinh tế - xã hội và luôn nhất quán trong việc đảm bảo và thúc đẩy các quyền con người".

Một thực tế hiển nhiên không ai có thể phủ nhận là người dân Việt Nam đã và đang được hưởng các quyền bình đẳng về chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, trong đó có các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại và cư trú trên đất nước Việt Nam. Họ được bình đẳng trước pháp luật, được quyền tham gia quản lý công việc của Nhà nước và xã hội; được quyền khiếu nại và tố cáo; được quyền lao động, học tập, chăm sóc sức khỏe..., không phân biệt giới tính, sắc tộc, tôn giáo, trong đó nhóm dễ bị tổn thương (phụ nữ, trẻ em, người thiểu số và người khuyết tật) được đặc biệt quan tâm.

Đoàn Đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị tại Geneva, Thụy Sĩ.

Lâu nay, vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, dưới góc nhìn sai lệch của những thế lực vốn có định kiến chính trị với Việt Nam, thường bị xuyên tạc, bị bóp méo.

Với những thông tin toàn diện, có sức thuyết phục về tình hình thực hiện quyền con người ở Việt Nam, Báo cáo của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền LHQ kỳ này là cơ sở để cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn, nhìn nhận khách quan hơn về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam.

Sau hơn 20 năm đổi mới, công cuộc phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao và ổn định, bình quân đạt 7,5%/năm. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ dưới 200 USD/người (năm 1990) lên 1.024 USD/người (năm 2008). Trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam. Ưu tiên này cũng là nhằm thúc đẩy các quyền con người, phù hợp với hoàn cảnh của đất nước và các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MTTNK) của LHQ.

Việc thực hiện "Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo" được Chính phủ thông qua tháng 5/2002 trên cơ sở Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2001-2010 đã góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia từ hơn 60% vào năm 1990 xuống còn 13.8% năm 2008. Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên đạt MTTNK về xóa đói giảm nghèo và được quốc tế ghi nhận là một trong những quốc gia đi đầu về xóa đói giảm nghèo.

Xóa đói giảm nghèo phải đi đôi với giải quyết việc làm. Kết quả đạt được trong nỗ lực này là không nhỏ. Trong 8 năm (2001 - 2008), cả nước đã có 12,44 triệu việc làm mới.

Nguyễn Quốc Uy

Không có nhận xét nào: