Từ xưa đến nay, người Khmer Nam bộ cũng như người Khmer ở tỉnh Vĩnh Long đa phần đều phụ thuộc vào ngành nghề sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước, làm rẫy, nuôi trồng thuỷ sản là chủ yếu. Ngày xưa, các nhà khoa học chưa sản xuất được các loại thuốc trừ sâu để trị bệnh cho lúa, cho nên hàng năm sau khi thu hoạch xong vụ lúa, nông dân Khmer đều tập trung đem vật cúng đến ruộng của mình để cúng và khấn vái đến Neak Ta srê (thần ruộng), để cầu mong cho được mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, vụ lúa được trúng mùa bội thu. Cách thức tổ chức giản đơn này được người Khmer giữ gìn cho đến ngày nay. Từ cách thức tổ chức ban đầu, đến nay bà con Khmer tập trung phối hợp dựng trại ngoài đồng để tổ chức lễ. Từ đó, họ gọi lễ này là lễ hội Cầu an. Lễ này có xuất xứ từ sản xuất nông nghiệp, nên mọi yếu tố của lễ đều thể hiện việc gắn liền với nghề nông. Địa điểm và thời gian tổ chức: Thông thường, người ta tổ chức lễ hội ngoài đồng ruộng vào mùa khô, sau khi thu hoạch xong vụ lúa đông xuân. Thời gian tổ chức vào đầu hoặc cuối tháng 4 dương lịch, trước hoặc sau tết Cổ truyền Chôl Chanam Thmây. Đây là thời điểm cuối mùa khô, chuẩn bị vào mùa mưa. Các lễ vật và vật cúng trong ngày lễ đều là sản phẩm có từ ngành nghề sản suất nông nghiệp trồng lúa nước như: Lúa, gạo, rượu, cau, trầu ,chuối, dừa, gà, vịt, heo… Nơi cúng và khấn vái:Ngoài nơi tổ chức dựng trại, trong nghi thức lễ thường gặp, chúng ta không thấy có đền đài và thánh tượng. Nhưng có nơi cũng thấy có xây vài cái miếu nhỏ và lập bàn thờ để cúng tế. Điều đó chứng tỏ rằng: trong thời kỳ trồng lúa, làm rẫy và chăn nuôi người Khmer luôn luôn gần gũi với các vị thần và các hình thức tổ chức ngoài trời nhằm giao lưu trực tiếp với các vị thần linh ấy. Các vị thần linh bảo hộ trong việc sản xuất nông nghiệp: Người Khmer tin tưởng vào việc cúng kiến đến các vị thần linh mà họ cho là có quan hệ đến ngành nghề nông nghiệp trồng lúa nước của họ. Từ quan niệm đó, hằng năm bà con Khmer đều chuẩn bị các lễ vật và vật cúng đem ra ngoài đồng hoặc miếu để cúng các vị thần Ruộng (Neak ta srê), thần Mục súc (A răk viel), hoặc Thổ địa (Neang hing preas thôra nây), mong các vị ấy bảo vệ lúa, xua đuổi chuột, sâu rầy…Nghi thức cúng kiến này càng thịnh hành hơn vào những năm thời tiết bất thường. Đặc biệt, năm nào có hạn hán kéo dài, dân chúng nằm trong phạm vi bị ảnh hưởng về mùa màng, ruộng, rẫy thường đem các vật cúng này đến tại miếu của thần Niec ta Srê để làm lễ cầu xin nước mưa. Lễ nghi này được tiến hành theo cách thức như: chọn ngày tốt, giờ thiêng, thường là buổi chiều ngày thứ bảy. Trước khi sắp đặt lễ vật xong, đoàn người tham gia cuộc lễ xếp hàng một trước miếu ông Tà. Họ đi vòng quanh miếu 3 lần theo chiều kim đồng hồ, đi đầu là chủ lễ (thường là ông A cha) là người am hiểu sâu về phong tục tập quán. Mỗi khi người dân Khmer muốn làm nhà, tổ chức lễ cưới, lễ hội, đám tang… đều nhờ đến các vị A cha ấy. Kế các vị A cha là các thanh niên cũng được tham gia khấn vái. Trước khi vào lễ, ông A cha và mọi người trong đoàn đều ngồi theo hàng ngang trước miếu ông Tà và cắm nhang vào bàn thờ. Ông Tà được tượng trưng bằng 1 hoặc 2 cục đá hình bầu dục. Họ ngồi xuống, hai tay chắp trước ngực tỏ lòng thành kính theo lời đọc tụng của ông A cha. Nội dung cầu nguyện của bài khấn là cầu xin cho mưa thuận gió hoà để tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất nông nghiệp, trồng lúa, làm rẫy và nuôi trồng thuỷ sản được tốt. Một số dẫn chứng vừa nêu cho chúng ta thấy lễ hội Cầu an của người Khmer gắn chặt với nền sản xuất nông nghiệp lúa nước.
vhvinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét