Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2009

Đến Sóc Trăng vào mùa lễ hội

Sóc Trăng là một tỉnh có cộng đồng 3 dân tộc Kinh, Khmer và Hoa sinh sống chan hòa từ nhiều thế kỷ nên có nhiều nét đặc thù về sinh hoạt văn hóa lễ hội truyền thống ở địa phương. Những hoạt động, sinh hoạt văn hóa dân gian như lễ Đôn-ta, lễ Ok- om-bok của người Khmer Nam bộ; lễ Phước Biển của người Hoa... hoặc tết Chol chnam Thmay hay Tết Nguyên đán gần như diễn ra quanh năm trên địa bàn Sóc Trăng đã trở thành những lễ hội chung của cả ba dân tộc.

Đến Sóc Trăng, du khách sẽ gặp rất nhiều ngôi chùa Khmer với những hoa văn sắc sảo, uy nghiêm và cổ kính. Trong đó, nổi tiếng nhất là chùa Mahatup (chùa Dơi), di tích lịch sử cấp quốc gia có niên đại trên bốn trăm năm. Điều đặc biệt là trong vườn chùa có hàng chục ngàn con dơi quạ tụ về, trong đó đàn dơi ngựa quý hiếm nằm trong sách đỏ thế giới, tạo nên nét độc đáo riêng cho chùa. Các ngôi chùa Đất Sét, Khleng, Bốn Mặt... đều thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Sự giao thoa của những nền văn hóa Kinh - Hoa - Khmer thể hiện qua các hình rồng đắp trên các cột chính điện ở chùa Xà-Lôn (chùa Chén Kiểu) ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên. Chín đôi cột vừa là một cách lý giải khá lý thú về sự pha trộn của các tộc người vừa tượng trưng cho 9 nhánh sông ở Đồng bằng sông Cửu Long (9 con rồng chảy ra biển Đông) của người Việt. Về ẩm thực, món “bún nước lèo” của Sóc Trăng đoạt giải nhất ẩm thực tại Liên hoan du lịch Mekong là món ăn mang đậm tính giao thoa giữa các khẩu vị mắm, ngọt bùi của trứng cá, ruột cá lóc của người Khmer, người Việt và thêm thịt heo quay của người Hoa. Sóc Trăng còn có sản phẩm du lịch nổi tiếng là lạp xưởng và bánh pía, một sản phẩm kết tinh giữa văn hóa ẩm thực của người Hoa và Khmer.

Từ khi tách tỉnh (1992) đến nay, lượng khách du lịch đến Sóc Trăng tăng từ 8%-12% hàng năm. Ước tính trong năm 2007 là có trên 500.000 lượt khách đến Sóc Trăng, trong đó khách quốc tế chiếm 20%. Hàng loạt các dự án phục vụ du lịch đang được triển khai như khu du lịch Song Phụng, tuyến du lịch hạ lưu sông Hậu, khu du lịch Hồ Bể... Riêng 2 khu du lịch sinh thái Hồ Bể và Song Phụng mỗi nơi có diện tích từ 100 ha đến 300 ha.

Trong định hướng phát triển của ngành du lịch ở Sóc Trăng hình thành 6 loại gồm du lịch văn hóa lễ hội, tham quan di tích lịch sử, vui chơi giải trí, ẩm thực, tham quan làng nghề; du lịch sinh thái sông nước, cù lao, vườn cây ăn trái; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, nhà vườn, du lịch sông biển; du lịch làng nghề truyền thống; du lịch ven biển, rừng ngập mặn và du lịch thể thao... Hiện nay, tại thị xã Sóc Trăng số khách sạn đã tăng 4,5 lần so với năm 2000, trong đó có 20 khách sạn từ 1-3 sao với 552 phòng đạt tiêu chuẩn và công suất sử dụng bình quân trên 60%. Dự kiến đến năm 2015 sẽ có thêm 6 khách sạn 3 sao đưa vào sử dụng với 820 phòng và 1.250 giường đạt chuẩn.

Trong các lễ hội, ấn tượng nhất, hoành tráng nhất và cũng là “thương hiệu” của du lịch Sóc Trăng chính là Lễ hội Ok- om-bok truyền thống với cuộc đua ghe ngo của người Khmer (vào ngày 15 tháng 10 âm lịch) hàng năm. Năm nào cũng vậy, cuộc đua qui tụ hàng trăm vận động viên các đội nam nữ người dân tộc Khmer ở TP Sóc Trăng, 8 huyện, các chùa và các tỉnh bạn thi tài. Hiện nay lễ hội này đã được nâng cấp thành lễ hội cấp quốc gia, tiến tới sẽ có các đội ghe quốc tế trong khu vực tham dự như Campuchia, Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Ở Sóc Trăng, còn có các lễ hội sông nước miệt vườn mùng năm tháng năm ở cồn Mỹ Phước, huyện Kế Sách; lễ hội cúng Phước Biển ở huyện Vĩnh Châu... Ngành du lịch đã khôi phục một số làng nghề truyền thống của đồng bào Khmer như đan lác, dệt chiếu, chạm khắc gỗ, mây tre lá, mè láo, bánh phồng tôm, lạp xưởng... và các hoạt động dân gian. Sóc Trăng sẽ mở ra tuyến du lịch sông biển đến đảo Phú Quốc với hành trình đi vòng qua mũi Cà Mau, nơi tận cùng của đất nước, ở biển Đông và trên sông Hậu sẽ có các loại hình du lịch giải trí, thể thao đa dạng hấp dẫn như nhảy dù, lướt ván, mô tô nước...

Ngành du lịch tỉnh Sóc Trăng đang phát huy các loại hình văn hóa, lễ hội truyền thống, đưa những hoạt động này trở thành sự kiện trong nước và khu vực để quảng bá hình ảnh tỉnh Sóc Trăng.

NGUYÊN THANH

Không có nhận xét nào: