Thứ Tư, 18 tháng 3, 2009

Làm việc với tỉnh Cà Mau, Phó trưởng Ban thường trực ban chỉ đạo Tây Nam bộ - Sơn Song Sơn: Phải coi trọng khâu đào tạo cán bộ, nâng cao nhận thức cho


Từ ngày 19 đến 22-8, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ do Phó trưởng Ban Thường trực Sơn Song Sơn làm trưởng đoàn, có chuyến làm việc với tỉnh Cà Mau về tình hình thực hiện chính sách Dân tộc - Tôn giáo thời gian qua và một số lĩnh vực quan trọng khác liên quan đến đồng bào dân tộc Khmer của địa phương. Sau khi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy để nắm tình hình, đoàn đã có buổi họp mặt các cán bộ, chức sắc, đồng bào dân tộc Khmer và đi thăm chùa Rạch Giồng, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình; chùa Monivongsabopharam, Phường 1, Tp.Cà Mau; Salaltel xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi…

Bà con dân tộc Khmer ấp Đường Đào trên đường đến cầu Rạch Giồng đón đoàn công tác Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ về thăm và làm việc tại địa phương.


Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ làm việc với cán bộ lãnh đạo, chức sắc đồng bào dân tộc tại xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình

Báo cáo với đoàn công tác về kết quả thực hiện chính sách Dân tộc - Tôn giáo thời gian qua của Cà Mau tại buổi họp mặt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trịnh Minh Thành nhấn mạnh: Đây là vấn đề được Đảng bộ Cà Mau đặc biệt quan tâm. Toàn tỉnh hiện có trên 37 ngàn người dân tộc Khmer (điều tra năm 2005), tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 51%, đến năm 2007, giảm còn 38,6% (mỗi năm giảm 4%). Giai đoạn 2000-2008, đã triển khai và thực hiện nguồn vốn Chương trình 135, đồng thời lồng ghép các chương trình của tỉnh vào các hạng mục công trình gồm: giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt, chợ nông thôn và trợ giá, trợ cước, vốn sản xuất… trên 309 tỷ đồng; xây dựng hoàn thành ba trung tâm cụm xã theo Chương trình 135 của Chính phủ tại các huyện Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình. Việc xây dựng hoàn thành các trung tâm cụm xã đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nói chung, đồng bào dân tộc Khmer nói riêng; việc đào tạo cán bộ và cử tuyển con em dân tộc vào các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề cũng được chính quyền quan tâm sâu sắc. Đã có 127 con em là người dân tộc được đào tạo theo hình thức này. Nổi bật nhất phải kể đến là việc triển khai thực hiện các Quyết định 134 và 74 của Thủ tướng Chính phủ, về hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi ngành nghề và học nghề đối với đồng bào dân tộc Khmer. Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng được 5.685 căn, bàn giao sử dụng 4.689 căn, tổng trị giá trên 38,3 tỷ đồng và trên 53.000m2 đất, cho 1.014 hộ, bình quân mỗi hộ gần 50m2; về đất sản xuất, đã lồng ghép vào các chương trình khác trên địa bàn được 111 hộ, với 136ha. Đây là cố gắng rất lớn của Đảng bộ, quân và dân Cà Mau, từ kết quả đáng trân trọng này, một số vùng và bộ phận đồng bào dân tộc cuộc sống đã khá lên, đời sống văn hóa được cải thiện đáng kể.


Ông Sơn Song Sơn - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ thăm và làm việc tại chùa Monivongsabopharam Phường 1, TP.Cà Mau


Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ thăm cụm công nghiệp Khí-Điện-Đạm Cà Mau

Đồng bào dân tộc Khmer, các cán bộ, đảng viên, chức sắc trong tỉnh rất quan tâm đến chuyến đi của đoàn cán bộ Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ. Tại những nơi đoàn dừng chân như: chùa Rạch Giồng, xã Hồ Thị Kỷ; chùa Cao Dân, xã Tân Lộc (huyện Thới Bình); Salaltel xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi; chùa Monivongsabopharam, Phường 1, Tp.Cà Mau, hàng trăm đồng bào dân tộc, chức sắc, chức việc, sư sãi, người dân, rất vui mừng, phấn khởi chào đón, tiếp xúc và trao đổi một cách thẳng thắn, chân tình, dân chủ, cởi mở với các thành viên trong đoàn. Đồng bào dân tộc cho rằng, nhiều năm qua, mặc dù Cà Mau còn nghèo, nhưng Đảng, chính quyền các cấp đã hết sức lo cho dân, tạo mọi điều kiện để đồng bào dân tộc ổn định cuộc sống, hưởng thụ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của người dân tộc Khmer. Bà con bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Nói chuyện với trên 300 đồng bào dân tộc, cán bộ lãnh đạo chủ chốt, đảng viên, chức sắc của tỉnh ngày 20-8, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ - Sơn Song Sơn biểu dương những kết quả tích cực mà Cà Mau đã đạt được trong lĩnh vực kinh tế-xã hội, đặc biệt là thực hiện có hiệu quả chính sách Dân tộc - Tôn giáo, trong đó có một số chương trình, mục tiêu liên quan đến người dân tộc Khmer. Ông Sơn Song Sơn cho biết, mục đích của chuyến thăm và làm việc lần này với tỉnh là nhằm thông tin thêm tình hình trong nước và thế giới, một số chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước liên quan đến chính sách Dân tộc - Tôn giáo và lịch sử của vùng đất Nam Bộ cho cán bộ lãnh đạo các cấp nắm được, để tham khảo, vận dụng và triển khai thực hiện tốt hơn chính sách Dân tộc - Tôn giáo trên địa bàn. Từ đó nâng cao nhận thức trong cán bộ chủ chốt, cán bộ đương chức, các chức sắc, sư sãi, tín đồ, ban quản trị các chùa về chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước. Phải nhận thức đầy đủ chính sách Dân tộc bình đẳng của Đảng, Nhà nước để đủ lực, đủ sức đề kháng với các thế lực thù địch bên ngoài chống phá Đảng, chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nếu các cán bộ, đảng viên nhận thức được điều này, sẽ chỉ đạo từng cấp, từng ngành thực hiện tốt hơn, tự tin hơn, làm cho đồng bào dân tộc Khmer tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; làm cho chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng, Nhà nước thật sự đi vào cuộc sống của người dân, nhất là đồng bào dân tộc Khmer; đồng bào dân tộc phải coi đất nước Việt Nam này, dân tộc Việt Nam này là khối tài sản chung của cả ba dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, không có thế lực nào có thể chia rẽ được. Việt Nam đi lên, người dân tộc cũng phải đi lên; mà muốn làm được điều đó, đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ với đầy đủ năng lực và phẩm chất, đặc biệt là cán bộ người dân tộc. Đường lối chính sách, cũng từ cán bộ xây dựng mà nên, cán bộ cũng là người quyết định, triển khai thực hiện đường lối. Đối với cán bộ là người dân tộc, ngoài việc được Đảng phân công, còn phải gánh nặng thêm dân tộc của mình; cán bộ người dân tộc mà không nói được tiếng của dân tộc thì không thể tuyên truyền được chủ trương, chính sách đến đồng bào dân tộc, hẳn chưa phải là cán bộ. Cán bộ mà xa dân, xa sư sãi, đồng bào… là có lỗi. Bởi dân tin Đảng, tin Nhà nước, tin ở đường lối, chủ trương, ở cán bộ của mình. Nếu là người Kinh bình thường, Đảng, Nhà nước không cần đào tạo cán bộ người dân tộc để làm gì. Bởi vậy, dù ở cương vị, chức vụ nào cũng nên nỗ lực, học tập tiếng mẹ đẻ của mình. Cán bộ người Kinh còn phải học, mình mẹ là người Khmer, cha là người Khmer, nên phải học tiếng dân tộc, phải phát huy, bảo tồn tiếng mẹ đẻ. Vì vậy, cán bộ luôn là khâu quyết định. Ở Cà Mau, cán bộ người dân tộc, so với dân số là người dân tộc chung trong tỉnh còn thấp, chỉ khoảng 200 cán bộ trên hơn 37 ngàn dân. Nên, Đảng bộ Cà Mau phải quan tâm đến vấn đề này, phát triển, đào tạo, bố trí, cán bộ đảng viên cho tốt, hợp lý, tạo điều kiện giúp cán bộ, đảng viên đi lên; làm sao cho trình độ dân trí người dân tộc phải được nâng lên; người dân tộc, cán bộ đảng viên là người dân tộc cũng phải nỗ lực hơn, phải biết hai thứ tiếng, phổ thông và tiếng mẹ đẻ; tiếng nói và chữ viết dân tộc cần phải được bảo tồn và phát huy.

NÂNG CAO TRÌNH ĐỘ DÂN TRÍ, GIỮ GÌN PHÁT HUY BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC KHMER

LTS: Nhân chuyến làm việc của đoàn công tác Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tại Cà Mau từ ngày 19 đến 22-8, Báo ảnh Đất Mũi có cuộc phỏng vấn Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ - Sơn Song Sơn, xung quanh một số vấn đề dân tộc, tôn giáo trong tình hình hiện nay.


Ông Sơn Song Sơn - UVTƯ Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực
Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ

PV: Những năm gần đây, đời sống của đồng bào dân tộc Khmer ở khu vực Tây Nam Bộ nói chung, Cà Mau nói riêng đã nâng lên rõ rệt, nhận định của ông về vấn đề này như thế nào, thưa ông?
- Ông Sơn Song Sơn - Ủy viên Trung ương Đảng - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ
: Sự phát triển của đồng bào dân tộc Khmer, không thể tách rời sự phát triển chung của cộng đồng các dân tộc trong vùng. Riêng vùng đồng bào dân tộc Khmer, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách như Chỉ thị 68 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer; các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ như: Quyết định 135 “Phê duyệt chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa”; Quyết định 134 về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn; các chính sách về trợ giá, trợ cước, chính sách hỗ trợ dân tộc đặc biệt khó khăn; chính sách về giáo dục, văn hóa và y tế... Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 26 “Về ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đến năm 2010”; Quyết định số 74 “Về một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng ĐBSCL đến năm 2010”, từ đó đã tạo sự chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội trong vùng dân tộc Khmer: Hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt... đã có bước phát triển khá, làm thay đổi rõ nét bộ mặt nông thôn vùng dân tộc Khmer; công tác xóa đói giảm nghèo được triển khai trên diện rộng. Đến nay, có gần 70.000 hộ dân tộc Khmer được hỗ trợ nhà ở, trên 18.000 hộ được hỗ trợ đất ở, 26.000 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt, gần 3.000 hộ được hỗ trợ đất sản xuất, nhiều lao động có việc làm, đời sống đồng bào được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm, không còn hộ đói. Lĩnh vực giáo dục, đào tạo có bước phát triển đáng kể. Toàn vùng hiện có 21 trường phổ thông dân tộc nội trú với 6.068 học sinh. Cán bộ giáo viên Khmer hiện có 6.900 người. Các chùa Khmer hằng năm đều có tổ chức dạy bổ túc văn hóa song ngữ, Khmer ngữ, tiếng Pali, chương trình phật học Vini cho đồng bào và sư sãi... Bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát huy. Văn hóa, nghệ thuật, báo chí, phát thanh, truyền hình có nhiều khởi sắc. Lễ, tết dân tộc được duy trì và phát huy. Nhiều ngôi chùa được trùng tu, xây dựng khang trang. Đội ngũ cán bộ dân tộc Khmer ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, được bố trí sử dụng trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, trong đó có một số cán bộ tiêu biểu được cơ cấu vào vị trí quan trọng ở các cấp, góp phần lãnh, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ chính trị trong vùng dân tộc Khmer ngày càng hiệu quả hơn.

Đối với Cà Mau, nhiều năm qua, Trung ương và địa phương đã lồng ghép nhiều nguồn vốn khoảng 464 tỷ đồng cho Chương trình 135, 134. Qua đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư khá; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 51,5% năm 2005 đến nay còn 38,6%, không còn hộ đói; có 5.386 hộ được hỗ trợ nhà ở, 1.079 hộ được hỗ trợ đất ở, 111 hộ được hỗ trợ đất sản xuất, 135 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt và có 10 dự án hỗ trợ di dân đang được triển khai thực hiện. Ngoài ra, tỉnh Cà Mau còn hỗ trợ nhạc cụ; sửa chữa, xây dựng chùa, tha la để đồng bào Khmer có điều kiện giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đội ngũ cán bộ Khmer ở Cà Mau cũng được cấp ủy các cấp trong tỉnh quan tâm đào tạo, bố trí sử dụng ngày càng nhiều hơn trước.

PV: Ông có thể nêu một số định hướng và giải pháp cụ thể mà Đảng, Nhà nước sẽ triển khai thực hiện trong thời gian tới đối với đồng bào dân tộc Khmer?
- Ông Sơn Song Sơn: Định hướng chung là, các địa phương trong vùng Tây Nam Bộ, trong đó có tỉnh Cà Mau tổ chức thực hiện tốt Kết luận số 67-TB/TW ngày 14-3-2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X, về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 68 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VI, về công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer; Chỉ thị số 14/2003/CT-TTg ngày 5-6-2003 của Thủ tướng Chính phủ về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng vùng ĐBSCL thời kỳ 2001 - 2010; Quyết định số 26/2008/QĐ-TTg ngày 5-2-2008 của Thủ tướng Chính phủ, về việc ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh, thành phố ĐBSCL đến năm 2010, Quyết định số 74/2008/QĐ-TTg ngày 9-6-2008 của Thủ tướng Chính phủ, về việc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo... Thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng mức sống đồng bào dân tộc Khmer ngang bằng các dân tộc trong vùng và cả nước. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và giá trị tốt đẹp của Phật giáo Nam tông Khmer. Đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ dân tộc Khmer ngang tầm với yêu cầu mới... Trong đó vấn đề đặc biệt quan tâm là nâng cao trình độ học vấn và chất lượng nguồn nhân lực, tạo điều kiện để đồng bào có cơ hội tốt về việc làm, tăng thu nhập, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

PV: Về thăm Cà Mau lần này, cảm nhận riêng của ông về đất và người nơi đây ra sao, đặc biệt là đồng bào dân tộc Khmer. Ông sẽ phát biểu mang tính gợi mở những vấn đề gì, để Đảng bộ Cà Mau tập trung làm tốt công tác dân tộc, tôn giáo trong thời gian tới?
- Ông Sơn Song Sơn: Cảm nhận đầu tiên của tôi là người dân Cà Mau có truyền thống đoàn kết. Truyền thống đó đã tạo nên động lực mạnh mẽ, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương đã và đang trên đà phát triển tốt, là một trong những tỉnh có sản lượng khai thác, nuôi trồng và xuất khẩu thủy hải sản lớn nhất vùng. Trong tương lai, Cà Mau sẽ trở thành tỉnh có nền công nghiệp phát triển. Để Cà Mau vừa phát triển nhanh, vừa giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, ngoài việc tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội chung trên địa bàn tỉnh, đối với vùng đồng bào dân tộc Khmer, Đảng bộ Cà Mau cần tập trung thực hiện tốt những vấn đề như tôi đã đề cập trong phần định hướng trên. Trong đó đặc biệt quan tâm việc đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội; tạo điều kiện để lao động học nghề và việc làm, chuyển phần lớn lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp và dịch vụ với tỷ lệ hợp lý theo hướng chuyển dịch cơ cấu sản xuất của địa phương. Nâng cao trình độ dân trí, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, để đồng bào có nơi sinh hoạt văn hóa, tôn giáo. Quan tâm xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, nhất là công tác cán bộ và phát triển đảng viên, hội viên các đoàn thể chính trị. Có kế hoạch sử dụng số sinh viên tốt nghiêp ra trường, nhất là sinh viên dân tộc Khmer hệ cử tuyển, để đào tạo, bổ sung nguồn cán bộ dân tộc các cấp của tỉnh. Tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 06/2008/CT-TTg, ngày 1-2-2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tranh thủ chức sắc các tôn giáo và người có uy tín trong dân tộc.

Đồng bào các dân tộc ở Cà Mau có truyền thống đoàn kết lâu đời, truyền thống đó được Đảng ta phát huy cao độ trong suốt thời kỳ chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đảng bộ Cà Mau cần tiếp tục phát huy hơn nữa truyền thống đoàn kết tốt đẹp này, nhằm tập trung khai thác có hiệu quả nhất tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

PV: Cảm ơn ông!.

CHÍ BẮC – Thực hiện


TRẦN TUẤN – CHÍ BẮC

Không có nhận xét nào: