Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2009
Đến Sóc Trăng vào mùa lễ hội
Sóc Trăng là một tỉnh có cộng đồng 3 dân tộc Kinh, Khmer và Hoa sinh sống chan hòa từ nhiều thế kỷ nên có nhiều nét đặc thù về sinh hoạt văn hóa lễ hội truyền thống ở địa phương. Những hoạt động, sinh hoạt văn hóa dân gian như lễ Đôn-ta, lễ Ok- om-bok của người Khmer Nam bộ; lễ Phước Biển của người Hoa... hoặc tết Chol chnam Thmay hay Tết Nguyên đán gần như diễn ra quanh năm trên địa bàn Sóc Trăng đã trở thành những lễ hội chung của cả ba dân tộc.
Đến Sóc Trăng, du khách sẽ gặp rất nhiều ngôi chùa Khmer với những hoa văn sắc sảo, uy nghiêm và cổ kính. Trong đó, nổi tiếng nhất là chùa Mahatup (chùa Dơi), di tích lịch sử cấp quốc gia có niên đại trên bốn trăm năm. Điều đặc biệt là trong vườn chùa có hàng chục ngàn con dơi quạ tụ về, trong đó đàn dơi ngựa quý hiếm nằm trong sách đỏ thế giới, tạo nên nét độc đáo riêng cho chùa. Các ngôi chùa Đất Sét, Khleng, Bốn Mặt... đều thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Sự giao thoa của những nền văn hóa Kinh - Hoa - Khmer thể hiện qua các hình rồng đắp trên các cột chính điện ở chùa Xà-Lôn (chùa Chén Kiểu) ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên. Chín đôi cột vừa là một cách lý giải khá lý thú về sự pha trộn của các tộc người vừa tượng trưng cho 9 nhánh sông ở Đồng bằng sông Cửu Long (9 con rồng chảy ra biển Đông) của người Việt. Về ẩm thực, món “bún nước lèo” của Sóc Trăng đoạt giải nhất ẩm thực tại Liên hoan du lịch Mekong là món ăn mang đậm tính giao thoa giữa các khẩu vị mắm, ngọt bùi của trứng cá, ruột cá lóc của người Khmer, người Việt và thêm thịt heo quay của người Hoa. Sóc Trăng còn có sản phẩm du lịch nổi tiếng là lạp xưởng và bánh pía, một sản phẩm kết tinh giữa văn hóa ẩm thực của người Hoa và Khmer.
Từ khi tách tỉnh (1992) đến nay, lượng khách du lịch đến Sóc Trăng tăng từ 8%-12% hàng năm. Ước tính trong năm 2007 là có trên 500.000 lượt khách đến Sóc Trăng, trong đó khách quốc tế chiếm 20%. Hàng loạt các dự án phục vụ du lịch đang được triển khai như khu du lịch Song Phụng, tuyến du lịch hạ lưu sông Hậu, khu du lịch Hồ Bể... Riêng 2 khu du lịch sinh thái Hồ Bể và Song Phụng mỗi nơi có diện tích từ 100 ha đến 300 ha. |
Trong các lễ hội, ấn tượng nhất, hoành tráng nhất và cũng là “thương hiệu” của du lịch Sóc Trăng chính là Lễ hội Ok- om-bok truyền thống với cuộc đua ghe ngo của người Khmer (vào ngày 15 tháng 10 âm lịch) hàng năm. Năm nào cũng vậy, cuộc đua qui tụ hàng trăm vận động viên các đội nam nữ người dân tộc Khmer ở TP Sóc Trăng, 8 huyện, các chùa và các tỉnh bạn thi tài. Hiện nay lễ hội này đã được nâng cấp thành lễ hội cấp quốc gia, tiến tới sẽ có các đội ghe quốc tế trong khu vực tham dự như Campuchia, Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Ở Sóc Trăng, còn có các lễ hội sông nước miệt vườn mùng năm tháng năm ở cồn Mỹ Phước, huyện Kế Sách; lễ hội cúng Phước Biển ở huyện Vĩnh Châu... Ngành du lịch đã khôi phục một số làng nghề truyền thống của đồng bào Khmer như đan lác, dệt chiếu, chạm khắc gỗ, mây tre lá, mè láo, bánh phồng tôm, lạp xưởng... và các hoạt động dân gian. Sóc Trăng sẽ mở ra tuyến du lịch sông biển đến đảo Phú Quốc với hành trình đi vòng qua mũi Cà Mau, nơi tận cùng của đất nước, ở biển Đông và trên sông Hậu sẽ có các loại hình du lịch giải trí, thể thao đa dạng hấp dẫn như nhảy dù, lướt ván, mô tô nước...
Ngành du lịch tỉnh Sóc Trăng đang phát huy các loại hình văn hóa, lễ hội truyền thống, đưa những hoạt động này trở thành sự kiện trong nước và khu vực để quảng bá hình ảnh tỉnh Sóc Trăng.
NGUYÊN THANH
Sóc Trăng cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Tri Tôn: chuẩn bị đăng cai lễ hội văn hoá thể thao và du lịch dân tộc Khmer tỉnh An Giang lần thứ VII/2009
Đẩy mạnh tuyên truyền cổ động trực quan tạo khí thế sôi nổi nhân dịp tết cổ truyền CholChnamThmay của đồng bào dân tộc Khmer và đăng cai lễ hội văn hoá thể thao và du lịch dân tộc Khmer tỉnh An Giang lần thứ VII/2009. Trong những ngày qua, trung tâm VHTT huyện Tri Tôn tổ chức kẻ vẽ 50 băng rol song ngữ Việt – Khmer treo tại các trục đường chính trong nội ô thị trấn Tri Tôn và các xã lân cận. vẽ 72 m2 panô dựng 2 cụm tập trung tại khu dân cư. Ngoài ra trung tâm VHTT huyện sẽ tổ chức các khâu trang trí sân khấu, dựng 3 cổng chào, 1 xe hoa, 1 xe tuyên truyền cổ động và dựng 300 cờ các loại. Tuyển chọn 2 đội văn nghệ - thể thao tham dự lễ hội với trên 50 diễn viên, nghệ nhân và nhạc công.
Được biết, ngày hội văn hoá thể thao và du lịch dân tộc Khmer tỉnh An Giang lần thứ VII/2009 sẽ được diễn ra trong 4 ngày từ ngày từ ngày 10 đến 13/4/2009 với các nội dung như: triễn lãm một số hình ảnh về cộng đồng người Khmer An Giang. Liên hoan văn hoá ẩm thực truyền thống, chương trình văn hoá nghệ thuật, diễu hành xe ngựa, múa cộng đồng, các hoạt động thể thao và các trò chơi dân gian như: đẩy gậy, kéo co, đội cà ôm lấy nước, chạy việt dã, bóng đá, đua bò… dự kiến sẽ thu hút 9 đơn vị huyện thị, trường học và lực lượng vũ trang tham dự.
Anh Tuấn
Tri Tôn tổng kết ngành văn hoá
Huyện Tri Tôn vừa tổ chức tổng kết hoạt động lĩnh vực văn hoá thông tin năm 2008 và giao chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2009.
Năm 2008, hoạt động văn hoá thông tin huyện Tri Tôn có nhiều khởi sắc. Đội thông tin lưu động dàn dựng 6 chương trình văn nghệ việt khmer phục vụ 36 buổi tại các xã thị trấn. Nhà truyền thống mở 10 đợt triển lãm tranh ảnh chủ đề về đảng, bác Hồ, bác Tôn, anh bộ đội cụ Hồ, thành tựu kinh tế văn hoá xã hội của huyện. Xây mới và đưa vào phục vụ bạn đọc thư viện huyện Tri Tôn với kinh phí 500 triệu đồng. Riêng về quản lý hoạt động kinh doanh, trong năm đội 814 huyện mở 12 đợt kiểm tra văn hoá và đã xử phạt gần 10 trường hợp vi phạm. Về bưu chính viễn thông toàn huyện 6.587 thuê bao điện thoại cố định, 25 điểm truy cập internet, 22 đại lý bưu điện và bưu điện văn hoá. Trong năm trung tâm thể dục thể thao tổ chức được 40 giải thể thao cấp huyện và huấn luyện 17 đội tham gia thi đấu cấp tỉnh giành nhiều thành tích cao. Đến nay tỷ lệ người dân tập thể dục thường xuyên là 25%. Đài truyền thanh huyện hoạt động 5,5 giờ mỗi ngày với 2 chương trình tiếng việt và khmer, trạm truyền thanh 12/15 xã đang hoạt động kịp thời thông tin tuyên truyền, nêu gương điển hình và nhiều mô hình hiệu quả để nhân dân áp dụng. Châu Phong |
Lễ hội Cầu an gắn với tín ngưỡng tôn giáo
Xưa kia, khi chưa có tôn giáo, người Khmer chỉ nương tựa vào các vị thần thiên nhiên bảo hộ. Mỗi năm, khi tổ chức cúng và khấn vái đến các vị thần ấy, bà con nông dân đều đọc hay tụng bài khấn vái theo ý của mình. Nhưng trong lời khấn vái ấy cùng thống nhất chung một nội dung là cầu mong cho cuộc sống bình an, đất nước thanh bình, mưa thuận gió hoà và vụ lúa được trúng mùa bội thu… Từ khi có Phật giáo tiểu thừa hệ phái
Nam tông du nhập vào, được người Khmer tiếp đón rất nồng nhiệt. Hiện nay, đạo này là tôn giáo chính thức của người Khmer ở khu vực tây
Nam bộ, trong đó có tỉnh Vĩnh Long. Từ đó đến nay, phong tục tổ chức đám lễ đều gắn liền với tôn giáo. Nếu không kể những ngày đi chùa lễ bái Tam bảo hàng tháng thì hội lễ tôn giáo có các lễ hội định kỳ là: Lễ Phật Đản, lễ Rằm tháng giêng, lễ nhập hạ, lễ xuất hạ, lễ đặt cơm vắt, lễ Dâng y…Ngoài việc tổ chức lễ theo nghi thức tôn giáo, đồng bào Khmer còn tổ chức các lễ hội theo phong tục truyền thống như: Tết Chôl Chnam Thmây, lễ Sên Đôn ta, lễ hội Ok om bok, lễ hội Cầu an. Lễ hội Cầu an là một trong những lễ mang tính tiêu biểu và đặc thù nhất so với các lễ hội khác, mỗi nghi thức tổ chức đều gắn liền với tín ngưỡng tôn giáo. Cụ thể là trong các ngày tổ chức lễ, từ sáng, trưa đến chiều và cả ban đêm đều có tổ chức tụng kinh như: lễ bái tam bảo, lễ thỉnh các vị chư tăng truyền giới, tín đồ dâng cơm cho nhà sư để cầu an, cầu siêu và hồi hướng phước cho các vị thần thánh và các ân nhân quyến thuộc đã qua cố… Theo quan niệm của người Khmer, bất cứ việc gì, dù thành công hay thất bại, ngoài các vị thần linh phù hộ, còn phải có đức Phật hỗ trợ. Điều này thể hiện qua các yếu tố sau đây:a. Lễ cầu mưa:Theo quan niệm của bà con Khmer, năm nào bị hạn hán kéo dài, việc gieo cấy của nông dân bị chậm trễ hoặc thất mùa trong năm, tín đồ phải mời khoảng 10 nhà sư thay phiên nhau ra giữa cánh đồng, đứng phơi nắng tụng kinh cầu mưa (xom tức phliêng) để động lòng trời. Trước mắt, các vị sư, bà con đào một hố sâu, hoặc để một chậu, thau khô, trong hố và chậu khô có thả cá lóc. Việc này nhằm làm cho trời “động lòng” để đổ mưa xuống cho nông dân làm ruộng. Do vấn đề thuỷ lợi là cực kì quan trọng đối với người nông dân trồng lúa nước ở nhiều dạng khác nhau. Từ phong tục nêu trên, người Khmer ở Vĩnh Long vẫn duy trì và phục hồi các nghi thức này cho đến ngày nay. Con cá lóc nằm trong cái thau khô để ông trời thấy con cá cũng như nông dân đang đau khổ, cầu mong có nước mưa làm ruộng, nên sẽ ban nước mưa xuống trần gian. Nghi thức này dựa theo sự tích có nguồn gốc từ Phật giáo, được trích trong kinh (Sô phon -tô). Sự tích nói con cá lóc là tiền thân của Đức Phật, trải qua các kiếp luân hồi, sống trong một cái hồ thật lớn tên là Anot - tas. Từ khi ngài sinh ra cho đến lớn, không bao giờ sát sinh, chỉ biết ăn rong rêu và cỏ mục để sống. Qua thời gian hạn hán 12 năm, mọi nơi đều khô cạn kể cả hồ Anot-tas, mọi sinh vật như tôm, tép, cá lớn, cá bé đều chết, muôn vàn tai hoạ đưa đến rất khủng khiếp. Cá lóc suy ngẫm: Ta đây, từ sinh ra đến giờ không làm hại ai, chỉ biết trầm tư mặc niệm, tại sao trời nỡ sát hại muôn loài và sát hại cả bản thân ta. Nghĩ vậy cá bèn kêu trời: “Thưa Ngọc hoàng, Ngọc hoàng có thấy thế gian đau khổ chăng? Ta đây 12 năm tu tâm nhập thiền hầu kiếp sau đắc đạo cứu chúng sinh. Vậy giờ đây ta kêu gọi Ngài hãy cứu muôn loài dưới thế gian này bằng cách ban cho những giọt mưa lành”. Tiếng kêu ấy động đến trời, Ngọc hoàng nhìn xuống thấy con cá lóc đúng là hiện thân của Đức Phật tương lai, bèn ban mưa xuống cứu rỗi cho thế gian và muôn loài. Qua những nghi lễ trên, chúng ta có thể nói lễ hội Cầu an vừa mang hình thức tín ngưỡng dân gian vừa là tín ngưỡng tôn giáo, mang đặc trưng của lễ nghi nông nghiệp. b. Nghi thức An vị tượng Phật: Hàng năm, mỗi khi diễn ra lễ hội Cầu an, Ban tổ chức lễ đều chuẩn bị sẵn áo cà sa, 1 cây dù, 1 bình bát và các lễ vật gồm: bình bông và nhang đèn, còn bổn đạo Phật tử thì lo tắm rửa và lau chùi tượng hoặc tranh đức Phật của nhà mình cho sạch sẽ, đem đến nơi tổ chức để làm lễ an vị tượng Phật. Nghi thức này nhằm tạo điều kiện gom tranh và tượng Phật lại, sắp đặt nơi trang trọng nhất để bà con đốt nhang niệm Phật. Sau đó mời 1 vị Achar đại diện kể lại tiểu sử của đức Phật Thích ca mâu ni từ khi mới sinh đến khi nhập niết bàn. Câu chuyện kể nhằm mục đích làm cho bà con Khmer thấy rõ cuộc đời và sự nghiệp của Ngài, dù sinh ra và lớn lên trong dòng họ cổ đàm (nhà vua) ở hoàng cung, nhưng Ngài đã ra đi tìm cách sống rất giản dị. Đặc biệt là Ngài đã mang theo bình bát đi khất thực từ nhà này đến nhà khác để chia sẻ với nông dân nghèo…Trong lễ này, ban tổ chức còn thỉnh chư tăng tụng kinh phúc chúc và cầu nguyện, ý nghĩa là làm cho tranh và tượng Phật càng thêm linh thiêng, bảo hộ và chăm sóc gia đình được nhiều điều tốt lành hơn. c. Nghi thức đặt cơm vào bình bát cho nhà sư: Ngày nay, tục lễ mời các vị sư ra đứng phơi nắng giữa đồng ruộng để tụng kinh cầu mưa không còn nữa. Thay vào đó, Ban tổ chức và bà con Khmer mời từ 40 đến 50 vị sư mang theo bình bát đựng cơm, đứng xếp hàng xung quanh trại, nơi tổ chức lễ hội Cầu an để tín đồ cúng dường; trong đó một người chỉ được phép đặt vào bình bát 1 muỗng cơm và dâng một số ít tiền. Khi đi xung quanh một vòng trại, bình bát các vị sư đều có đầy cơm. Việc tổ chức đặt cơm vào bình bát cho nhà sư cũng biểu hiện lên sự sung túc, với ý muốn lúa được trúng mùa bội thu trong năm. Đây là các yếu tố cho ta thấy lễ hội Cầu an gắn liền với tín ngưỡng tôn giáo.
Lễ hội Cầu an gắn liền với sản xuất nông nghiệp
Từ xưa đến nay, người Khmer Nam bộ cũng như người Khmer ở tỉnh Vĩnh Long đa phần đều phụ thuộc vào ngành nghề sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước, làm rẫy, nuôi trồng thuỷ sản là chủ yếu. Ngày xưa, các nhà khoa học chưa sản xuất được các loại thuốc trừ sâu để trị bệnh cho lúa, cho nên hàng năm sau khi thu hoạch xong vụ lúa, nông dân Khmer đều tập trung đem vật cúng đến ruộng của mình để cúng và khấn vái đến Neak Ta srê (thần ruộng), để cầu mong cho được mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, vụ lúa được trúng mùa bội thu. Cách thức tổ chức giản đơn này được người Khmer giữ gìn cho đến ngày nay. Từ cách thức tổ chức ban đầu, đến nay bà con Khmer tập trung phối hợp dựng trại ngoài đồng để tổ chức lễ. Từ đó, họ gọi lễ này là lễ hội Cầu an. Lễ này có xuất xứ từ sản xuất nông nghiệp, nên mọi yếu tố của lễ đều thể hiện việc gắn liền với nghề nông. Địa điểm và thời gian tổ chức: Thông thường, người ta tổ chức lễ hội ngoài đồng ruộng vào mùa khô, sau khi thu hoạch xong vụ lúa đông xuân. Thời gian tổ chức vào đầu hoặc cuối tháng 4 dương lịch, trước hoặc sau tết Cổ truyền Chôl Chanam Thmây. Đây là thời điểm cuối mùa khô, chuẩn bị vào mùa mưa. Các lễ vật và vật cúng trong ngày lễ đều là sản phẩm có từ ngành nghề sản suất nông nghiệp trồng lúa nước như: Lúa, gạo, rượu, cau, trầu ,chuối, dừa, gà, vịt, heo… Nơi cúng và khấn vái:Ngoài nơi tổ chức dựng trại, trong nghi thức lễ thường gặp, chúng ta không thấy có đền đài và thánh tượng. Nhưng có nơi cũng thấy có xây vài cái miếu nhỏ và lập bàn thờ để cúng tế. Điều đó chứng tỏ rằng: trong thời kỳ trồng lúa, làm rẫy và chăn nuôi người Khmer luôn luôn gần gũi với các vị thần và các hình thức tổ chức ngoài trời nhằm giao lưu trực tiếp với các vị thần linh ấy. Các vị thần linh bảo hộ trong việc sản xuất nông nghiệp: Người Khmer tin tưởng vào việc cúng kiến đến các vị thần linh mà họ cho là có quan hệ đến ngành nghề nông nghiệp trồng lúa nước của họ. Từ quan niệm đó, hằng năm bà con Khmer đều chuẩn bị các lễ vật và vật cúng đem ra ngoài đồng hoặc miếu để cúng các vị thần Ruộng (Neak ta srê), thần Mục súc (A răk viel), hoặc Thổ địa (Neang hing preas thôra nây), mong các vị ấy bảo vệ lúa, xua đuổi chuột, sâu rầy…Nghi thức cúng kiến này càng thịnh hành hơn vào những năm thời tiết bất thường. Đặc biệt, năm nào có hạn hán kéo dài, dân chúng nằm trong phạm vi bị ảnh hưởng về mùa màng, ruộng, rẫy thường đem các vật cúng này đến tại miếu của thần Niec ta Srê để làm lễ cầu xin nước mưa. Lễ nghi này được tiến hành theo cách thức như: chọn ngày tốt, giờ thiêng, thường là buổi chiều ngày thứ bảy. Trước khi sắp đặt lễ vật xong, đoàn người tham gia cuộc lễ xếp hàng một trước miếu ông Tà. Họ đi vòng quanh miếu 3 lần theo chiều kim đồng hồ, đi đầu là chủ lễ (thường là ông A cha) là người am hiểu sâu về phong tục tập quán. Mỗi khi người dân Khmer muốn làm nhà, tổ chức lễ cưới, lễ hội, đám tang… đều nhờ đến các vị A cha ấy. Kế các vị A cha là các thanh niên cũng được tham gia khấn vái. Trước khi vào lễ, ông A cha và mọi người trong đoàn đều ngồi theo hàng ngang trước miếu ông Tà và cắm nhang vào bàn thờ. Ông Tà được tượng trưng bằng 1 hoặc 2 cục đá hình bầu dục. Họ ngồi xuống, hai tay chắp trước ngực tỏ lòng thành kính theo lời đọc tụng của ông A cha. Nội dung cầu nguyện của bài khấn là cầu xin cho mưa thuận gió hoà để tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất nông nghiệp, trồng lúa, làm rẫy và nuôi trồng thuỷ sản được tốt. Một số dẫn chứng vừa nêu cho chúng ta thấy lễ hội Cầu an của người Khmer gắn chặt với nền sản xuất nông nghiệp lúa nước.
vhvinh
Thứ Tư, 18 tháng 3, 2009
Làm việc với tỉnh Cà Mau, Phó trưởng Ban thường trực ban chỉ đạo Tây Nam bộ - Sơn Song Sơn: Phải coi trọng khâu đào tạo cán bộ, nâng cao nhận thức cho
Tìm hiểu về ẩm thực của đồng bào dân tộc Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long
Mặc dù cộng cư lâu dài với các dân tộc Việt, Hoa, Chăm anh em, nhưng đồng bào dân tộc Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn bảo tồn, phát huy được những nét đẹp văn hóa truyền thống. Bên cạnh nghệ thuật sân khấu, âm nhạc, lễ hội, trang phục... thì tập quán cư trú, văn hóa ẩm thực cũng là một khía cạnh của văn hóa đặc biệt của bà con Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long. Trong một thời gian dài người Khmer đã cộng cư với các dân tộc Việt, Hoa, Chăm trên cùng một địa bàn cư trú nên văn hóa có sự tiếp xúc và giao thoa là điều tất nhiên. Người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay không chỉ có các món ăn truyền thống của dân tộc mình mà còn ăn các món của các dân tộc khác - làm phong phú thêm cho văn hóa ẩm thực. Tuy vậy, trong sinh hoạt đời thường, cũng như trong sinh hoạt lễ hội truyền thống, người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn có ý thức giữ gìn và phát triển những món ăn mang tính đặc trưng của dân tộc. Văn hóa ẩm thực của người Khmer hết sức phong phú và đa dạng. Từ các món ăn trong sinh hoạt thường ngày, đến các món ăn trong các dịp lễ Tết, giỗ chạp của người Khmer đều thể hiện được sự ứng xử của con người đối với môi trường thiên nhiên. Họ lựa chọn các thức ăn có nguồn gốc từ tự nhiên, chế biến và sáng tạo ra nhiều món ăn khác nhau. Đến nay, đồng bào Khmer đã có được một danh sách dài về các món ăn đặc trưng. Trong đó, có các món tiêu biểu như: mắm bò hóc, canh chua, canh som lo, bún nước lèo, cốm dẹp, bánh thốt nốt, nước thốt nốt,v.v... Tập quán của người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long là cư trú ở nông thôn, trên những giồng đất cao. Phần lớn bà con Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long chuyên sống bằng nghề nông, chủ yếu là sản xuất lúa gạo, hoa màu, đánh bắt thủy hải sản với quy mô nhỏ. Đặc biệt, đối với người Khmer, mắm không chỉ là một món ăn thường dùng trong bữa cơm, mà nó còn là một thứ gia vị đặc biệt, đôi khi mang tính bắt buộc trong việc chế biến nhiều món ăn. Chỉ riêng mắm cũng có nhiều loại, loại nào cũng đòi hỏi sự khéo léo, công phu và kỹ thuật chế biến. Mắm bò hóc là một ví dụ điển hình. Mắm bò hóc (Pro-hốc) là món ăn khá đặc trưng của người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long... thể hiện công phu, sáng tạo và đôi tay khéo léo bà con ta. Mắm bò hóc có thể được làm từ nhiều loại cá nhỏ, như: cá sặc, cá chốt, cá lòng tong... đến những loại cá lớn như: cá trê, cá lóc.... Sau khi đánh bắt về, bà con lựa những con cá còn tươi đem đánh vẩy, mổ bụng ra rồi rửa cho sạch, đem phơi nắng cho ráo nước. Khi cá đã ráo nước thì ướp muối, trộn với cơm nguội, cho vào hũ, hoặc khạp, rải muối hột vào rồi gài cứng, đậy nắp lại, để khoảng từ bốn tháng đến sáu tháng là ăn được. Muốn ăn, người ta vớt con mắm ra, để nguyên con đem kho, thêm một ít gia vị chứ không cần chế biến gì thêm. Ăn mắm sống thì kèm chanh, ớt với khế, chuối chát, rau sống... Hoặc chưng mắm thì cho vào ít lá chanh, lá gừng xắt nhỏ, ớt, đường và chanh. Ngoài ra, người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long còn có loại mắm chua gọi là Pò ót (Pro ot), được làm từ tép bạc mòng - một loại tép nhỏ rất phổ biến ở Đồng bằng sông Cửu Long. Khi chế biến, người ta trộn với đu đủ, riềng hoặc gừng non, để khoảng 10 ngày là ăn được. Ngoài dùng làm món ăn chính, người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long còn dùng mắm bò hóc để làm gia vị chính trong việc nêm nếm các món ăn khác, như: nêm vào canh som lo, bún nước lèo, nước bún cà ri, hoặc đôi khi dùng làm nước chấm cho các món cá nướng, rắn nướng... Canh som lo cũng là một món canh tiêu biểu trong kho ẩm thực của người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long. Nó khác với tất cả các loại canh của người Việt hay người Hoa. Cách nấu món canh này cũng rất công phu: người ta dùng thịt, cá tươi nấu với rau ngổ, chuối ghém, hoặc trái đu đủ non và được nêm bằng mắm bò hóc. Ngay cả món canh này, người Khmer cũng có nhiều loại khác nhau. Như: som lo mít, som lo bình bát... Mỗi loại canh đều thể hiện sự phong phú, tài khéo léo khác nhau của người nấu. Đầu tiên, người ta lấy mắm bò hóc cho vào nồi nước nấu nhừ, lược bỏ xương để lấy nước. Sau đó cho vào ba, bốn gốc sả đập dập. Khi cần nấu với mít non thì người ta cho mít non vào, cần nấu với bình bát thì cho bình bát vào. Nếu nấu với cá lóc thì cá lóc được lọc lấy thịt, bỏ xương, cho thêm ít tép vào nấu chung. Món này đã được bà con người Hoa, người Việt tiếp thu và chế biến lại cho hợp với khẩu vị của mình. Đặc biệt, món bún nước lèo của người Khmer được cả người Việt và người Hoa ưa thích và đã trở thành một đặc sản ẩm thực chung của cư dân Đồng bằng sông Cửu Long, được nhiều du khách phương xa ưa chuộng . Món này, người nấu dùng tôm, cá nấu nhừ lấy nước cốt, đem cá ra rút hết xương, nước cốt của cá được nêm muối ớt, sả... bên cạnh hai món không thể thiếu là ngải bún giã nhỏ và mắm bò hóc. Đây là một thứ nước lèo rất tuyệt hảo. Cốm dẹp thường được người Khmer làm trong dịp lễ cúng trăng (Ok-om-bok). Hằng năm, cứ vào ngày 15 tháng 10 âm lịch, đồng bào Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu vào lễ hội cúng trăng. Lúc này, ngoài đồng, lúa nếp cũng đã bắt đầu chín, vẫn còn thơm mùi sữa. Người ta gặt những hạt lúa nếp đó đem về rang nóng rồi giã dẹp trong cối để tạo thành một món cốm dẹp vàng thơm, vừa béo vừa thơm và ngọt lịm trong đêm lễ hội cúng trăng. Cốm dẹp thường được ăn bằng cách trộn với dừa, đường cát tạo thành một hỗn hợp các hương vị làm ấm lòng thực khách trong đêm lễ hội chờ trăng lên. Cũng như các dân tộc khác ở Đồng bằng sông Cửu Long, người Khmer có nhiều món bánh đặc trưng của mình. Trong đó, phổ biến nhất là các loại bánh ngọt, bánh tét Bánh ngọt, bánh tét có mặt gần như hầu hết trong các dịp lễ hội của người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tiêu biểu có các loại bánh: bánh Cô Nóc, bánh củ gừng, bánh tai yến... nhưng tiêu biểu hơn cả có thể nói là bánh thốt nốt. Nguyên liệu làm bánh từ trái thốt nốt- trái thốt nốt có nhiều ở những khu vực đông đảo người Khmer sinh sống. Đúng như tên gọi của nó, bánh được làm từ trái thốt nốt. Để làm món bánh này, người ta bẻ trái thốt nốt xuống, đem chà vào rổ để lấy bột, đem bột này trộn với bột gạo, thêm chút dừa nạo, sau đó lấy lá thốt nốt gói lại, rồi đem hấp cho bánh chín nở lên. Bánh thốt nốt hấp chín có màu vàng ươm với mùi thơm hết sức đặc trưng của trái thốt nốt không lẫn vào đâu được. Cắn vào bánh, cảm nhận có vị ngọt tinh khiết, cộng với vị béo của dừa làm cho người ăn cảm thấy ngon vô cùng. Nhìn chung, thức uống của người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long không khác mấy so với các dân tộc khác. Duy chỉ có nước thốt nốt là loại thức uống mang tính đặc trưng của dân tộc này. Cây thốt nốt được trồng nhiều ở vùng có đông đảo người Khmer sinh sống. Thân như cây dừa nhưng lá như lá cọ. Trái thốt nốt có rất nhiều công dụng, nào uống tươi, ăn cái, làm đường, và làm cả bia chua. Đặc biệt, nước thốt nốt uống tươi là một thứ nước giải khát tuyệt vời cho du khách gần xa. Nước thốt nốt có hương vị rất đặc biệt, không lẫn với bất cứ hương vị của thức uống nào khác. Uống vào làm mát rượi cả cuống họng, ngọt lịm, thơm lừng nhưng lại ngọt thanh chứ không gắt cổ, làm tan đi bao nỗi mệt nhọc sau những ngày lao động vất vả. Trước đây, nước thốt nốt được người ta để trong ống tre, gánh đi bán. Khi có khách, người bán sẽ dừng quang gánh lấy ra từng ống tre cho khách uống. Ngày nay, cảnh đó ít thấy, mà thay vào đó, người ta bổ trái thốt nốt ra, nạo những muối cùi trắng muốt cho vào ly, cho nên du khách có thể vừa uống nước vừa ăn cái. Cái thốt nốt rất bùi và béo hòa quyện với mùi thơm của nước thốt nốt làm cho ly nước giải khát của người uống có hương vị lạ, ngon tuyệt vời. Nhìn chung, các món ăn của đồng bào dân tộc Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long tuy không cầu kỳ, nhưng nó phản ánh khá rõ nét khía cạnh văn hóa trong ẩm thực của cộng đồng này: phong phú, đa dạng và mang bản sắc riêng. Bài, ảnh: TRẦN PHỎNG DIỀU |
Thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác Việt Nam - Campuchia ngày càng phát triển
|
Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Campuchia là tài sản vô cùng quý giá mà Chính phủ và nhân dân hai nước cần làm hết sức mình để đưa mối quan hệ này ngày càng phát triển toàn diện. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam sẽ làm hết sức mình để thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam và Campuchia ngày càng phát triển trên tất cả các lĩnh vực, mang lại lợi ích cho cả hai bên. Bởi vậy, cơ quan thanh tra hai nước cần tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác để đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và góp phần vun đắp, phát triển mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Campuchia.
Bộ trưởng Som Kim Sour thông báo với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về kết quả của buổi hội đàm giữa Đoàn đại biểu Bộ Quan hệ Quốc hội - Thượng viện và Thanh tra Campuchia với Đoàn đại biểu Thanh tra Chính phủ Việt Nam. Bà Som Kim Sour bày tỏ, việc xây dựng và phát triển mối quan hệ tốt đẹp giữa Chính phủ, nhân dân hai nước Campuchia và Việt Nam sẽ góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy công cuộc ổn định và phát triển kinh tế, xã hội chung của cả ba nước láng giềng Việt Nam-Campuchia- Lào./.
TTXVNBan chỉ đạo Tây Nam Bộ thăm đồng bào Khmer Sóc Trăng
|
Sáng nay (24/2), Đoàn cán bộ Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ do ông Sơn Song Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo dẫn đầu đến thăm, gặp gỡ đồng bào và sư sãi Khmer huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Hơn 500 đồng bào và sư sãi Khmer huyện Vĩnh Châu dự buổi gặp mặt.
Tại buổi gặp mặt, ông Sơn Song Sơn thông báo về kết quả việc triển khai chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào Khmer trong thời gian qua và động viên bà con phát huy tinh thần đoàn kết, thi đua lao động sản xuất để nâng cao cuộc sống.
Anh Thạch Nhung, người Khmer, ở xã Vĩnh Châu, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng cho biết: Nhờ có các chính sách phát triển của Đảng, Nhà nước, kinh tế, văn hoá xã hội ở địa phương có bước phát triển, giao thông nông thôn, cầu đường, trường học, trạm xá được hoàn chỉnh hơn so với trước đây. Con cháu đi học có trường học khang trang hơn, đó là niềm phấn khởi chung của bà con toàn xã./.
TTTinCần kiểm điểm trách nhiệm với đồng bào dân tộc thiểu số
Ngày 17/3, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã làm việc với Ủy ban Dân tộc về tình hình thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử, ý kiến đóng góp của đại diện các Bộ, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phát biểu kết luận, nhấn mạnh thành quả phát triển ở các vùng dân tộc thiểu số những năm qua đã từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào, tăng cường tinh thần đoàn kết, thống nhất trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Thành quả này thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển của các vùng dân tộc thiểu số, đồng thời thể hiện cố gắng của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chụp ảnh chung với lãnh đạo Ủy ban Dân tộc. Ảnh: TTXVN. |
Đề cập những nhiệm vụ chính trị của Ủy ban Dân tộc, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Công tác dân tộc phải tích cực tuyên truyền, vận động để đồng bào cảnh giác với những luận điệu, âm mưu phá hoại khối đại đoàn kết, nhận thức được tác hại của các phong tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan. Cán bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể phải gắn suy nghĩ, việc làm của mình với tâm tư, nguyện vọng của đồng bào. Đồng bào các dân tộc thiểu số là bộ phận cấu thành của đại gia đình các dân tộc Việt Nam, luôn một lòng đoàn kết, đóng góp tích cực trong các cuộc kháng chiến của dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước.
Chủ tịch nước cũng lưu ý, do đặc điểm tự nhiên, hoàn cảnh lịch sử, đồng bào các dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, chưa tiếp cận đầy đủ các chính sách y tế, giáo dục, an sinh xã hội...
Những khó khăn này một phần do khách quan, nhưng Ủy ban Dân tộc, các Bộ, địa phương cũng cần kiểm điểm lại trách nhiệm của mình để từ đó kiến nghị sâu sắc, thiết thực hơn với Đảng và Nhà nước về chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khóa 9).
Về chính sách phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Chủ tịch nước góp ý: Phải định hình hướng phát triển sản xuất trong điều kiện đặc thù của các dân tộc thiểu số. Trước mắt cần tập trung ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư đến với các vùng đồng bào dân tộc; đẩy mạnh các chương trình xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục, văn hóa...
Chủ tịch nước nhấn mạnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dạy chúng ta "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công". Trong bối cảnh hội nhập phát triển, CNH-HĐH đất nước, khối đại đoàn kết toàn dân tộc càng phải được phát huy hơn nữa.
PV-TTX
An Giang: Hỗ trợ đồng bào Khmer nuôi heo dưới tán rừng
Huyện Tri Tôn đang triển khai mô hình hỗ trợ heo lai có nguồn gốc từ huyện Cưmra, tỉnh Đăk Lăk cho đồng bào Khmer nuôi dưới tán rừng. Con giống heo rừng được huyện mua về cấp miễn phí cho bà con, đồng thời còn hỗ trợ làm chuòng trại. Đây là mô hình mới có hiệu quả đang được triển khai nhân rộng ở tỉnh An Giang. Theo các hộ nuôi heo lai cho biết, heo lai có nhiều ưu điểm hơn heo địa phương, tỷ lệ nạc cao, thời gian nuôi ngắn từ 2-4 tháng trọng lượng từ 8-15kg/con. Theo tính toán của bà con, hiện nay giá heo thịt là 150.000đồng/kg, con giống là 200.000đồng/kg, từ chi phí còn lãi 70%. |
Lê Hoàng Vũ |
Bạc Liêu dạy tin học cho đồng bào dân tộc Khmer
(báo Nhân Dân)
Thứ Tư, 11 tháng 3, 2009
Campuchia: Thủ tướng Hun Sen bổ nhiệm thêm 10 quan chức chính phủ
(TTXVN)- Thủ tướng Campuchia Hun Sen vừa bổ nhiệm thêm 10 quan chức mới trong chính phủ, trong đó có một số người từng là đảng viên đảng đối lập. Trong số các quan chức mới được bổ nhiệm, cựu Tư lệnh các lực lượng vũ trang Hoàng gia Campuchia (RCAF), Tướng Ke Kim Yan, được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng phụ trách công tác phòng chống buôn bán ma túy; nguyên Phó Tổng thư ký đảng FUNCINPEC Serei Kosal giữ chức Bộ trưởng cao cấp phụ trách khối các cố vấn đặc biệt của Thủ tướng; cựu lãnh đạo đảng Nhân quyền (HRP), ông Keo Remy nhận chức Quốc vụ khanh thuộc Hội đồng Bộ trưởng; cựu nghị sĩ đảng Sam Rainsy (SRP), ông Ahmad Yahya được bổ nhiệm làm Quốc vụ khanh Bộ Công tác xã hội. Các nhân vật từng là thành viên đảng đối lập được bổ nhiệm đợt này đã rời bỏ đảng của họ trước đây và gia nhập Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền từ sau cuộc bầu cử Quốc hội khóa IV năm 2008. Người phát ngôn Chính phủ Campuchia kiêm Bộ trưởng Thông tin Khieu Khanharith cho biết Quốc hội Campuchia sẽ triệu tập một phiên họp đặc biệt vào ngày 12-3 tới để thông qua các quyết định bổ nhiệm trên. |
Quốc vương Sihamoni: Campuchia tiếp tục theo đuổi đường lối hòa bình, hữu nghị với Việt Nam
(TTXVN)- Ngày 9-3, trong buổi tiếp Đại sứ nước ta tại Vương quốc Campuchia Nguyễn Chiến Thắng đến chào từ biệt kết thúc nhiệm kỳ công tác, Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni bày tỏ vui mừng trước việc quan hệ Việt Nam - Campuchia thời gian qua đã phát triển tốt đẹp, đồng thời cảm ơn Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã luôn dành cho nhân dân Campuchia, dành cho cựu Hoàng Norodom Sihanouk trước đây và cho Quốc vương ngày nay, những sự ủng hộ quý báu, hiệu quả. Quốc vương Norodom Sihamoni khẳng định tiếp tục theo đuổi đường lối hòa bình, hữu nghị với Việt Nam của cựu Hoàng Norodom Sihanouk, vun đắp cho tình đoàn kết truyền thống giữa hai nước Campuchia và Việt Nam. Quốc vương cũng nhờ Đại sứ Nguyễn Chiến Thắng chuyển lời thăm hỏi và chúc sức khỏe của ông tới Tổng Bí thư Đảng ta Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng. Nhân dịp kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Campuchia, Đại sứ Nguyễn Chiến Thắng cũng đã đến chào từ biệt Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Chủ tịch Thượng viện Chea Sim và Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin. |
Thứ Ba, 10 tháng 3, 2009
Ở Việt Nam các quyền tự do cơ bản của người dân được đảm bảo và tôn trọng
NGƯỜI PHÁT NGÔN BỘ NGOẠI GIAO VIỆT NAM LÊ DŨNG
TRẢ LỜI CÂU HỎI CỦA PHÓNG VIÊN NGÀY 26 THÁNG 2 NĂM 2009
Câu hỏi:
Đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam đối với những nhận xét về tình hình nhân quyền ở Việt Nam được nêu trong Báo cáo về tình hình nhân quyền tại một số nước trên thế giới năm 2008 do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố ngày 25/2/2009?
Trả lời:
Cần khẳng định rõ ở Việt Nam các quyền tự do cơ bản của người dân được quy định cụ thể trong Hiến pháp cũng như các văn bản pháp luật khác và được tôn trọng trên thực tế. Người dân tham gia đầy đủ vào mọi mặt của đời sống xã hội. Đây là nhân tố quan trọng đưa đến thành công của công cuộc đổi mới. Trong những năm qua Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong việc bảo đảm quyền con người trong tất cả các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Nhà nước Việt Nam tôn trọng các quyền tự do dân chủ của người dân và luôn bảo đảm điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện các quyền của mình, đồng thời kiên quyết đấu tranh với các hành vi lợi dụng các quyền đó để xâm hại lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân.
Chúng tôi cho rằng Hoa Kỳ cần có cách tiếp cận khách quan và toàn diện đối với các khác biệt giữa hai nước trong lĩnh vực nhân quyền thông qua đối thoại, lắng nghe, trên tinh thần hợp tác và tôn trọng lẫn nhau, tính tới các đặc thù lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi nước, giúp tăng cường hiểu biết lẫn nhau".
(mofa.gov.vn)
Chủ Nhật, 8 tháng 3, 2009
Hợp tác Việt Nam và Cam-pu-chia
Ðoàn đại biểu cấp cao Quân đội Nhân dân Việt Nam, do Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh dẫn đầu, thăm Cam-pu-chia từ ngày 20 đến 22-2.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, tại buổi tiếp Ðoàn, Chủ tịch QH Cam-pu-chia Heng Som Rim và Thủ tướng Chính phủ Hun Sen khẳng định, mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa quân đội hai nước ngày càng được củng cố và nâng cao, góp phần giữ gìn hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế của Cam-pu-chia. Các nhà lãnh đạo Cam-pu-chia bày tỏ cảm ơn sâu sắc quân tình nguyện Việt Nam đã thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, giúp giải phóng Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng; đề nghị quân đội hai nước tiếp tục tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, quốc phòng.
Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh cảm ơn về sự hợp tác giúp đỡ có hiệu quả của quân đội, nhân dân Cam-pu-chia đối với công tác tìm kiếm hài cốt quân tình nguyện Việt Nam tại Cam-pu-chia. Bộ trưởng đánh giá cao sự hợp tác có hiệu quả giữa quân đội hai nước, nhất là trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực; khẳng định tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác chặt chẽ theo Nghị định thư năm 2009 đã được Bộ trưởng Quốc phòng hai nước ký vừa qua.
TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Kế hoạch Vương quốc Cam-pu-chia
Ngày 4-3, tại Trụ sở Chính phủ, trong buổi tiếp Bộ trưởng Kế hoạch Vương quốc Cam-pu-chia Chhay Than, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa hai Bộ Kế hoạch Việt Nam và Cam-pu-chia là hết sức cần thiết, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác trong lĩnh vực mà hai nước còn có rất nhiều tiềm năng là kinh tế, thương mại đạt nhiều hiệu quả, vì quyền lợi nhân dân hai nước.
Hoan nghênh và đánh giá cao chuyến thăm, làm việc lần đầu tại Việt Nam của Bộ trưởng Chhay Than, Thủ tướng bày tỏ sự vui mừng trước sự phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước ở mọi lĩnh vực cũng như kết quả cuộc hội đàm giữa ông Chhay Than và Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Võ Hồng Phúc. Trên cơ sở những thỏa thuận đã đạt được trong cuộc hội đàm giữa hai Bộ trưởng, Bộ Kế hoạch hai nước cần đẩy mạnh quan hệ hợp tác trong hoạt động trao đổi đoàn, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm công tác và giúp đỡ đào tạo nguồn nhân lực, góp phần vun đắp, phát triển mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam - Cam-pu-chia. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, công tác kế hoạch cần phải liên tục đổi mới theo kịp, phù hợp nền kinh tế thị trường và tình hình thế giới, phục vụ công tác điều hành, quản lý của Chính phủ. Việt Nam sẽ tích cực đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Cam-pu-chia, nhất là hỗ trợ, giúp đỡ đào tạo nguồn nhân lực cho công tác kế hoạch.
Bộ trưởng Chhay Than vui mừng thông báo với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về kết quả tốt đẹp của buổi hội đàm giữa Đoàn đại biểu Bộ Kế hoạch Cam-pu-chia với Đoàn đại biểu Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam do Bộ trưởng Võ Hồng Phúc dẫn đầu. Thay mặt Chính phủ và nhân dân Cam-pu-chia, Bộ trưởng Chhay Than cảm ơn Chính phủ, nhân dân Việt Nam về những giúp đỡ quý báu mà Việt Nam đã dành cho Cam-pu-chia trong những năm qua, nhất là trong việc tái thiết đất nước sau chiến tranh, giúp đất nước Cam-pu-chia hồi sinh sau họa diệt chủng.
(ND)
Việt Nam-Campuchia hợp tác kế hoạch và đầu tư
Bản ghi nhớ hợp tác về ngành kế hoạch và đầu tư giữa Việt Nam-Campuchia năm 2009 đã được ký tại cuộc hội đàm giữa đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam do Bộ trưởng Võ Hồng Phúc làm trưởng đoàn và đoàn Bộ Kế hoạch Vương quốc Campuchia do Bộ trưởng Chhay Than làm trưởng đoàn.
Theo Bản ghi nhớ, hai bộ sẽ phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng và điều hành kế hoạch để làm tốt công tác tham mưu cho Chính phủ hai nước. Năm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam sẽ mời các quan chức của Bộ Kế hoạch Campuchia sang Việt Nam giao lưu tại một tỉnh giáp biên giới hai nước.
Hai bên sẽ phối hợp trao đổi và học tập kinh nghiệm trên các lĩnh vực liên quan đến chuyên ngành kế hoạch của hai nước; tăng cường năng lực cán bộ thông qua công tác đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn và tham quan khảo sát giữa hai Bộ. Phía Việt Nam sẽ giúp đào tạo cán bộ kế hoạch của Campuchia sang học tập và trao đổi thực tế tại Việt Nam thông qua chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn bằng nguồn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Việt Nam dành cho Chính phủ Hoàng gia Campuchia.
Hai bên cũng sẽ hợp tác trao đổi các ấn phẩm, thông tin, tư liệu nghiệp vụ và các văn bản ban hành về nghiệp vụ kế hoạch.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, trong hợp tác giữa hai nước, lĩnh vực giáo dục và đào tạo được ưu tiên hàng đầu và đã được cả hai nước Việt Nam và Campuchia đặc biệt quan tâm.
Năm 2008, Chính phủ Việt Nam đã viện trợ không hoàn lại cho Chính phủ Hoàng gia Campuchia 90 tỷ đồng, trong đó có 73 tỷ đồng dành cho đào tạo và 17 tỷ đồng dành cho các dự án tại Campuchia.
Ngoài số suất học bổng đã được thỏa thuận tại kỳ họp Ủy ban hỗn hợp liên Chính phủ lần thứ 9, Việt Nam còn cấp bổ sung thêm cho các ngành giáo dục, văn hoá, thể thao và thanh tra, nâng số học sinh Campuchia được cấp học bổng năm 2008 lên gần 1.860 người.
Quan hệ thương mại đầu tư giữa hai nước cũng tăng lên. Kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều năm 2008 đạt 1,7 tỷ USD, tăng 42% so với năm 2007. Hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia ngày càng được quan tâm và đã có 39 dự án của Việt Nam được Chính phủ Campuchia cấp giấy phép, với số vốn thực hiện hơn 211 triệu USD./.
(TTXVN/Vietnam+)