Thứ Tư, 15 tháng 10, 2008

Lễ Sene Đôn Ta của đồng bào khmer: Được Nhà nước quan tâm đặc biệt

Phum, sóc của đồng bào Khmer những ngày cuối tháng 9 trở nên rộn ràng do các hoạt động đón lễ Sene Đôn Ta (từ 29/8 đến 1/9 âm lịch). Đây là lễ được tổ chức hằng năm nhằm tưởng nhớ đến công ơn ông bà, cha mẹ và người thân, tạ ơn những người đã khuất và cầu phước cho những người còn sống...

Trước dịp lễ Sene Đôn Ta năm 2008, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã gửi thư chúc mừng đồng bào Khmer Nam bộ.

Trong dịp lễ này, các địa phương vùng ĐBSCL đều có những hoạt động văn hóa, thể thao vui nhộn và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc; tạo dấu ấn tốt đẹp trong đời sống tinh thần của đông đảo đồng bào Khmer tại địa phương.

Đặc biệt, từ trung tuần tháng 9/2008, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã tổ chức nhiều hoạt động đầy ý nghĩa tại các tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống như Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.

Tại những nơi đoàn dừng chân, đông đảo đồng bào Khmer, chức sắc, chức việc, sư sãi, rất vui mừng, phấn khởi chào đón, tiếp xúc và trao đổi một cách thẳng thắn, chân tình, dân chủ, cởi mở với các thành viên trong đoàn.

Đồng bào Khmer bày tỏ niềm xúc động trước thực tế dù kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã hết sức lo cho dân, tạo mọi điều kiện để đồng bào Khmer ổn định cuộc sống, hưởng thụ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của người dân tộc Khmer. Qua đó, đồng bào Khmer bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Ông Sơn Song Sơn, Ủy viên TW Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết, qua thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đến nay, có gần 70.000 hộ dân tộc Khmer được hỗ trợ nhà ở, trên 18.000 hộ được hỗ trợ đất ở, 26.000 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt, gần 3.000 hộ được hỗ trợ đất sản xuất, nhiều lao động có việc làm, đời sống đồng bào được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm, không còn hộ đói.

Lĩnh vực giáo dục, đào tạo có bước phát triển đáng kể. Toàn vùng hiện có 21 trường phổ thông dân tộc nội trú với 6.068 học sinh; cán bộ giáo viên Khmer hiện có 6.900 người. Các chùa Khmer hằng năm đều có tổ chức dạy bổ túc văn hóa song ngữ, Khmer ngữ, tiếng Pali, chương trình phật học Vini cho đồng bào và sư sãi...

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác xoá đói giảm nghèo, từng bước nâng mức sống đồng bào Khmer ngang bằng các dân tộc trong vùng và cả nước. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và giá trị tốt đẹp của Phật giáo Nam tông Khmer. Đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ dân tộc Khmer ngang tầm với yêu cầu mới, đặc biệt quan tâm nâng cao trình độ học vấn, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu CNH, HĐH và hội nhập quốc tế


B. Huyền

Không có nhận xét nào: