| |||||
Vùng đồng bằng sông Cửu Long có hơn 17 triệu dân, 9 trong số 13 tỉnh, thành có 6,5% đồng bào Khmer sinh sống. Năm nay, bà con Khmer đón tết cổ truyền sung túc hơn các năm trước vì vừa thu hoạch vụ lúa Đông Xuân, rau màu trúng mùa, trúng giá. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và lãnh đạo các tỉnh, thành, quận, huyện đã có nhiều chủ trương, chính sách chăm lo cho đời sống đồng bào dân tộc. Kết cấu hạ tầng như đường đi lại, trường học, trạm y tế, chợ, điện lưới được đầu tư nhằm nâng cao mức sống cho bà con. Đời sống hàng chục ngàn hộ dân và bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc Khmer đã khởi sắc. Năm 2007 và những tháng đầu năm 2008 ngoài 148 xã và các ấp của 8 tỉnh được đầu tư từ chương trình 135 của Chính phủ giai đoạn II còn có thêm 357 xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn được xét hưởng chính sách vay vốn ưu đãi cho giáo viên; hộ nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; học sinh, sinh viên nghèo được miễn giảm học phí... Theo quyết định 134 của Chính phủ đến nay có hơn 70.000 hộ đồng bào Khmer thuộc diện nghèo được hỗ trợ nhà ở, có khoảng 2.000 hộ được giải quyết đất ở và hơn 30.000 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt. Toàn vùng có trên 55% số hộ đồng bào Khmer có điện và nước sạch sử dụng. Hiện nay, 100% trạm y tế có y- bác sĩ đa khoa. Nhân dân được vận động thực hiện các chương trình y tế quốc gia nên trong năm qua không để xảy ra dịch bệnh. Các tỉnh như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang, thành phố Cần Thơ chuyển từ hình thức hỗ trợ đất sản xuất sang hình thức đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho bộ đội phục viên và thanh niên nông thôn góp phần ổn định cuộc sống. Hàng trăm trường hợp thanh niên Khmer còn được hỗ trợ vay vốn đi lao động ở nước ngoài. Mặt trận và các đoàn thể còn phối hợp với ngành nông nghiệp, công nghiệp đẩy mạnh chương trình khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công cho bà con. Đến nay, tỉnh Bạc Liêu và thành phố Cần Thơ là 2 đơn vị có 100% hộ Khmer nghèo được trao tặng nhà đại đoàn kết, không còn hộ khó khăn về nhà ở. Các tỉnh, thành cũng đã đầu tư trên 100 tỷ đồng phát triển sản xuất, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động người dân tộc. Nhờ đó đời sống bà con không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm còn 26% và cơ bản không còn hộ đói. Nhiều tỉnh làm tốt công tác giảm nghèo và đến nay toàn vùng có 40/206 xã đặc biệt khó khăn đã ra khỏi diện hưởng chính sách chương trình 135 của Chính Phủ. Bên cạnh việc chăm lo đời sống vật chất cho bà con, các tỉnh, thành quan tâm nâng cao chất lượng nguồn lực trong đồng bào Khmer. Chương trình kiên cố hóa trường lớp học, nhà công vụ được quan tâm đầu tư ở vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa. Hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng có 30% dân số là đồng bào Khmer được quan tâm dạy chữ Khmer trong hệ thống trường công lập. Các điểm chùa ngoài việc là tụ điểm sinh hoạt văn hóa, vui chơi, giải trí cho đồng bào Khmer còn tổ chức dạy chữ theo 7 trình độ. Đến nay, tỉ lệ huy động trẻ em Khmer trong độ tuổi đến trường đạt trên 90%. Cứ 5 người có 1 người đi học. Tỉ lệ học sinh, sinh viên Khmer tăng lên 243.690 học sinh, đạt gần 19%. Các tỉnh còn quan tâm phát triển nhiều loại hình nghệ thuật. Hầu hết điểm chùa, phum sóc đã xây dựng đội văn nghệ quần chúng góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, thành phố Cần Thơ duy trì việc xuất bản báo, tạp chí chữ Khmer; tăng gấp đôi thời lượng chương trình và nâng cao chất lượng phát thanh, truyền hình tiếng Khmer. Việc tổ chức lễ hội của đồng bào Khơ me như lễ tết: 0k - 0m - Bok, Chol-Chnam -Thmây, Sên-Đôl-ta... ngày càng văn minh, tiết kiệm bảo đảm giá trị tinh thần, đạo đức truyền thống, đáp ứng được yêu cầu tâm linh của đồng bào Khmer. Đầu năm mới 2008, một tin vui thực sự đến với bà con Khmer Nam bộ là Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định số 26/2008/QĐ-TTg hỗ trợ phát triển cho vùng ĐBSCL từ nay đến năm 2010 bao gồm: các chính sách chủ yếu đối với nông nghiệp, phát triển nông thôn; Chính sách đất đai cho nông dân không có đất, thiếu đất sản xuất; Chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số; Cơ chế chính sách về huy động nguồn lực cho phát triển vùng; Cơ chế, chính sách hỗ trợ vốn ngân sách nhà nước cho vùng ĐBSCL. Theo ông Sơn Song Sơn, Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ: Chính phủ còn cho phép thực hiện chính sách ưu đãi cụ thể đối với những doanh nghiệp đầu tư vào các vùng đồng bào Khmer và những dự án sử dụng nhiều người lao động là người dân tộc thiểu số. Ở những địa phương có đông đồng bào Khmer, Chính phủ cho phép hỗ trợ vốn ngân sách nhà nước để xây dựng trường lớp riêng cho trẻ em Khmer và sư sãi Nam Tông... Trước mắt, để thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp với Bộ tư lệnh Quân khu 9 và các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL bàn biện pháp kiềm chế lạm phát, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất, chăn nuôi đồng thời triển khai xây dựng một số xã điểm về phát triển kinh tế xã hội toàn diện gắn với quốc phòng- an ninh ở 3 tỉnh Trà Vinh, An Giang và Hậu Giang để rút kinh nghiệm nhân rộng mô hình. Với sự quan tâm hỗ trợ tích cực của Chính phủ và các địa phương, đời sống tinh thần và vật chất của đồng bào Khmer đang khởi sắc từng ngày. Trần Khánh Linh | |||||
|
Thứ Tư, 15 tháng 10, 2008
Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc Khmer
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét