Thứ Tư, 8 tháng 10, 2008

Chương trình 135 góp phần tạo diện mạo mới cho vùng đồng bào Khmer

KTNT- Với hơn 30% dân số là người Khmer, chủ yếu sống ở 38 xã đặc biệt khó khăn, vấn đề xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào luôn là nỗi trăn trở của lãnh đạo tỉnh Trà Vinh. Thông qua nhiều nguồn vốn, trong đó có Chương trình 135 và 134, tỉnh đã tạo nên những đổi thay chiến lược cho vùng đồng bào. Về vấn đề này, ông Thạch Dư, Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết:
Trà Vinh là một trong những tỉnh có đông đồng bào Khmer ở khu vực ĐBSCL. Khi mới thành lập, tỉnh đối mặt với nhiều thách thức bởi hạ tầng yếu kém, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi. Tình hình sản xuất và đời sống của nhân dân rất khó khăn, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa. Được sự đầu tư của Chương trình 135, kết cấu hạ tầng của các địa phươg ngày càng hoàn thiện, điều kiện sản xuất và đời sống nhân dân được nâng lên. Với số vốn 167,202 tỉ đồng, các địa phương đã đầu tư 484 công trình các loại, gồm: 230 công trình giao thông nông thôn, 55 trường học, 14 công trình điện hạ thế, 10 trạm y tế, 84 chợ, 5 công trình thủy lợi, 86 nhà văn hóa xã. Thực hiện giai đoạn II của Chương trình 135, các địa phương đã xây dựng được 107 công trình trường học, giao thông, thủy lợi, chợ, trạm y tế...với tổng vốn đầu tư 50,86 tỉ đồng. Hiện, các xã có đông đồng bào Khmer đều có đường ô tô đến trung tâm, hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất, một số khu vực có thể sản xuất 2 - 3 vụ lúa/năm; các xã đều có điện sử dụng, hệ thống trường lớp được kiên cố hóa...
Để đạt được kết quả đó, Ban Dân tộc tỉnh - đơn vị trực tiếp triển khai các chương trình, đã có những việc làm cụ thể gì?
Với tư cách là cơ quan thường trực thực hiện các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, Ban Dân tộc tỉnh đã kết hợp với Sở Kế hoạch - Đầu tư căn cứ vào thực trạng của từng xã để tham mưu tỉnh phân bổ nguồn vốn một cách hợp lý. Khi được phân bổ vốn, các địa phương họp dân lấy ý kiến lựa chọn công trình cần đầu tư, đề nghị tỉnh xem xét, sau đó Ban Dân tộc kết hợp với các ngành liên quan trình UBND tỉnh chính thức phê duyệt. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi thường xuyên theo dõi, kịp thời nắm tình hình để giải quyết các vấn đề phát sinh; tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo cho cán bộ cơ sở nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, ý nghĩa của việc thực hiện Chương trình 134, 135 cũng như cách xây dựng và quản lý tốt các dự án được hỗ trợ đầu tư.
Trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh tập trung vào những vấn đề gì?
Trong giai đoạn 2, Ban Dân tộc sẽ kết hợp với các sở, ban ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các chủ trương, chính sách việc thực hiện các Chương trình 134 và 135 phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, đặc thù vùng đồng bào Khmer. Trong đó, tập trung vào một số vấn đề như quản lý và sử dụng nguồn vốn có trọng tâm, trọng điểm gắn với đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo bền vững, giải quyết tốt nhu cầu về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho nhân dân, tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng, tạo tiền đề cho bà con xóa đói giảm nghèo bền vững.
Xin cảm ơn ông.
Đào Thái thực hiện.

Không có nhận xét nào: