Từ 13 đến 15-4-2008, gần 1,3 triệu đồng bào Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long vui mừng, phấn khởi đón Tết cổ truyền Chol Chnam Thmây. Nhân dịp này, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã tổ chức họp mặt thân mật gần 300 cán bộ, sư sãi, gia đình chính sách, học sinh sinh viên Khmer tiêu biểu, ghi nhận nhiều kết quả nổi bật qua một năm thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước, những điểm sáng trong đồng bào cần được tiếp tục phát huy.
“Điểm sáng” từ các chính sách dân tộc cho đồng bào
Tây Nam Bộ có khoảng 1,3 triệu đồng bào Khmer, chiếm hơn 7% số dân toàn vùng, vốn có truyền thống đoàn kết, gắn bó lâu đời với cộng đồng các dân tộc ở Nam Bộ từ thời khai hoang, mở đất, có những đóng góp quan trọng trong đấu tranh chống ngoại xâm và xây dựng đất nước. Các năm qua, được chăm lo, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào Khmer có nhiều thay đổi, đời sống vật chất, tinh thần của bà con không ngừng được nâng lên. Hơn 1.000 tỉ đồng đã được đầu tư cơ sở hạ tầng vùng có đông đồng bào Khmer. Nhiều công trình trường học, trạm y tế, đường giao thông, thủy lợi, điện sinh hoạt, nước sạch, chợ nông thôn đã được đưa vào sử dụng hiệu quả. Ngoài 148 xã có đông đồng bào Khmer được đầu tư theo Chương trình 135 giai đoạn II, trong năm 2007 có thêm 357 xã, phường, thị trấn trong vùng được thụ hưởng các chính sách đặc thù.
Đến nay, toàn vùng đã xây dựng trên 70.000 căn nhà, giải quyết đất ở cho trên 2.000 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho hơn 30.600 hộ Khmer, trên 80% hộ đã có phương tiện nghe, nhìn. Hiện có trên 150.000 hộ Khmer đạt chuẩn gia đình văn hóa, chiếm 63%, khoảng 800 ấp có đông đồng bào Khmer và nhiều chùa Khmer được công nhận đạt chuẩn văn hóa. Trong vùng hiện có gần 244.000 học sinh Khmer các cấp, khoảng 2.000 sinh viên, học sinh đang theo học các trường đại học, cao đẳng, trường chuyên nghiệp; riêng Đại học Cần Thơ đang tiếp nhận đào tạo cho khoảng 700 sinh viên Khmer. Toàn vùng hiện có 21 trường phổ thông dân tộc nội trú và 1 trường bán trú với trên 6.000 học sinh Khmer theo học. Việc dạy và học chữ dân tộc được duy trì và có bước phát triển. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai thực hiện chương trình và sách giáo khoa ngữ văn Khmer theo chương trình mới. Chính sách cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng và dự bị đại học phát huy tác dụng tốt.
Những mô hình tốt
Hầu hết đồng bào Khmer Nam Bộ theo Phật giáo Nam Tông, toàn vùng có 453 chùa với khoảng 10.000 sư sãi. Các ngôi chùa Khmer không chỉ chiếm vị trí quan trọng trong sinh hoạt tôn giáo, đời sống tâm linh, mà còn là nơi sinh hoạt văn hoá, truyền thống, dạy ngữ văn Khmer cho con em đồng bào. Thời gian qua, Nhà nước đã đầu tư xây dựng và kinh phí hoạt động cho Trường Bổ túc văn hoá Trung cấp Pali Nam Bộ tại Sóc Trăng, lập Học viện Phật giáo Nam Tông Khmer tại quận Ô Môn, TP. Cần Thơ đáp ứng nhu cầu tu học của đồng bào. Nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống như hát Dù Kê, nhạc ngũ âm ... được sưu tầm, phát huy; hoạt động lễ hội ngày càng qui mô, hoành tránh, không chỉ thu hút đông đảo đồng bào Khmer mà cả người Kinh, người Hoa và du khách; nhiều Lễ hội như đua ghe Ngo ở Sóc Trăng và các nơi, Lễ hội đua bò ở Tri Tôn, An Giang, các lễ hội truyền thống như Cúng Trăng, Tết Nông nghiệp, Tết cổ truyền Chol Chnam Thmây ... tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đoàn kết trong đồng bào.
Nhiều phum sóc, chùa Khmer trở thành điểm sáng văn hoá, nơi sinh hoạt cộng đồng hiệu quả. Bà con càng phấn khởi hơn khi Quyết định 26/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các cơ chế đặc thù cho các tỉnh thành vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có nhiều chính sách ưu đãi cho bà con Khmer như hỗ trợ vốn ngân sách nhà nước để xây dựng trường lớp riêng cho trẻ em Khmer và sư sãi Nam Tông, xây dựng lò hỏa táng trong vùng đồng bào dân tộc, hỗ trợ đối với giáo viên (kể cả nhà sư) dạy bổ túc chữ Khmer ở các chùa; miễn đóng góp các khoản tiền cho học tập, khám chữa bệnh của nhà nước và miễn giảm các khoản đóng góp khác của các địa phương đối với gia đình đồng bào dân tộc nghèo; mở rộng diện cử tuyển cho học sinh người dân tộc thiểu số; cấp học bổng bằng 50% mức học bổng nội trú hiện hành cho học sinh là người dân tộc thiểu số nghèo thuộc diện học ở các trường nội trú, nhưng đang học ở các trường công lập, bán công.
Hòa thượng Dương Nhơn, Hiệu trưởng trường Pali Sóc Trăng bày tỏ vui mừng: "Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống bà con đồng bào Khmer ngày càng ổn định và phát triển. Nhiều hộ đã biết làm giàu từ việc nuôi con cá, trồng lúa, mua bán dịch vụ...". Ông cho biết: đón Tết Chol Chnam Thmây năm nay, nhiều hộ gia đình gặp khó khăn được chính quyền địa phương quan tâm trợ vốn, trợ nghề và được cộng đồng Khmer, nhà chùa hướng dẫn, giúp đỡ trong khả năng có thể. Ông bày tỏ lòng tin của đông đảo đồng bào vào chủ trương, chính sách dân tộc – tôn giáo của Đảng và Nhà nước. Nhờ chính sách đó mà thời gian qua đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh tế trong đồng bào làm ăn có hiệu quả, thu hút nhiều lao động là người dân tộc như ở Trà Vinh có xí nghiệp giày da; ở Sóc Trăng Cty TNHH xuất khẩu thủy sản Út Xi, mỗi nơi thu hút hàng ngàn lao động Khmer; Xí nghiệp chế biến hạt điều ở An Giang sử dụng thường xuyên gần 2.000 lao động là người dân tộc Khmer. Đồng bào tin tưởng ngày càng có nhiều hơn các doanh nghiệp tương tự khi Nhà nước thực hiện chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào vùng có đông đồng bào Khmer, thực hiện những ưu đãi cụ thể về thuế, mặt bằng cho doanh nghiệp đầu tư vào các vùng này và những dự án sử dụng nhiều người lao động là người dân tộc thiểu số ...
Còn những “gam màu tối” cần được quan tâm
Bên cạnh những kết quả đạt được, vùng dân tộc Khmer Nam Bộ cũng còn đối mặt với những khó khăn, tồn tại đáng quan tâm: Đời sống của một bộ phận đồng bào Khmer còn khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Khmer ở các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL còn khá cao, chiếm 40%; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở vùng đồng bào chưa bền vững, hộ không đất và thiếu đất sản xuất chiếm gần 13%, hộ khó khăn về nhà ở chiếm 18,7%.
Chất lượng và hiệu quả giáo dục học sinh dân tộc ở các trường phổ thông còn thấp, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng chiếm tỷ lệ cao. Việc sử dụng, quản lý học sinh, sinh viên dân tộc ra trường chưa được quan tâm đúng mức; đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc còn yếu và thiếu, không đồng bộ, cán bộ chủ chốt ít, đội ngũ kế thừa hụt hẫng… đặc biệt, khiếu kiện trong vùng đồng bào diễn ra với nhiều cấp độ khác nhau, có một số vụ tồn động kéo dài cần được quan tâm giải quyết dứt điểm gắn với việc thực hiện các chính sách ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, chính sách dân tộc trong vùng, phát huy truyền thống đoàn kết, chung sức, chung lòng theo Đảng, theo Bác Hồ của đồng bào Khmer Nam Bộ.
Trần Hữu Hiệp (Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ)