Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2009

Đón Tết Chôl Chnam Thmây trong ấm no

Tết cổ truyền Chôl Chnam Thmây năm nay, diễn ra trong ba ngày từ 14 đến 16/4, hơn 300.000 đồng bào Khmertỉnh Trà Vinh có thêm nhiều niềm vui mới, bởi đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được cải thiện.

Trà Vinhtỉnh ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Kể từ khi tái lập tỉnh (tháng 5/1992) đến nay, tỉnh Trà Vinh có nhiều nỗ lực đưa chính sách dân tộc của Đảng vào cuộc sống. Đặc biệt là kể từ khi có chính sách ưu đãi đầu tư, trợ giá trợ cước các mặt hàng thiết yếu từ Chương trình 135, 35, 134... hơn 500 công trình cơ sở hạ tầng, phúc lợi được đầu tư xây dựng, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, làm đổi thay bộ mặt nông thôn ở vùng có đông đồng bào dân tộc sinh sống.

Thực hiện Đề án hỗ trợ nhà ở cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo theo Quyết định 134 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Trà Vinh đã xây thêm hơn 13.000 căn nhà hỗ trợ cho các hộ Khmer nghèo gặp khó khăn về nhà ở với tổng vốn đầu tư 82 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 76 tỷ đồng và ngân sách địa phương 6 tỷ đồng. Trong số này, có 5.500 hộ sau khi nhận nhà còn được xét chọn đầu tư mỗi hộ 2 con bò nái sinh sản, có giá trị 10 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.

Đề án hỗ trợ nước sinh hoạt cũng phát huy hiệu quả thiết thực với việc đầu tư 50 tỷ đồng để xây dựng và bàn giao cho địa phương quản lý vận hành 87 trạm cấp nước với công suất 5m3/giờ/trạm; lắp đặt đồng hồ nước, cấp lu ximăng, xây bể chứa và 16 mạng phân phối nước. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đạt hơn 87% so với tổng số hộ.

Đặc biệt, mới đây Sở Công thương tỉnh Trà Vinh phối hợp với Công ty điện lực 2 thuộc Tập đoàn điện lực Việt Nam thực hiện chương trình cung cấp điện cho hơn 20.000 dân ở vùng nông thôn sâu, vùng đồng bào dân tộc Khmer chưa có điện sử dụng. Chương trình này có tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 140 tỷ đồng; trong đó, vốn của Chính phủ hỗ trợ chiếm 85%.

Mạng lưới trường lớp được đầu tư xây dựng ở tận các phum sóc, hầu hết con em đồng bào dân tộc trong độ tuổi đi học đều được đến trường. Các trường tiểu học có tỷ lệ học sinh người dân tộc cao đều thực hiện dạy song ngữ (Việt-Khmer); 6 trường dân tộc nội trú hiện có khoảng 1.200 học sinh theo học từ lớp 6 đến lớp 12 và hiện có khoảng 1.000 sinh viên theo học các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp.

Riêng lĩnh vực văn hoá, ngoài việc đầu tư hơn 4 tỷ đồng xây dựng Nhà bảo tàng văn hoá dân tộc Khmer, tỉnh Trà Vinh đầu tư trùng tu tôn tạo các khu di tích, chùa Khmer được công nhận là di tích văn hoá, di tích lịch sử... Các chùa Khmer đều xây dựng được phòng đọc sách, tủ sách pháp luật, trạm truyền thanh, điểm truyền hình công cộng và có trên 30 chùa tổ chức được trung tâm học tập cộng đồng.

Ngoài việc duy trì chương trình phát tiếng Khmer hàng ngày trên sóng Đài Phát thanh-Truyền hình Trà Vinh, xuất bản Báo Trà Vinh chữ Khmer hàng tuần, tỉnh Trà Vinh còn tổ chức phát hành, xuất bản trên 3.000 bản tin ảnh Dân tộc và miền núi, tập san văn hoá chữ Khmer xuống tận 141 chùa Khmer và các ấp khóm có đông đồng bào dân tộc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Không có nhận xét nào: