Cà Mau là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, thường tập trung vào 6 ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer để sinh hoạt tín ngưỡng cũng như hành đạo theo phương châm “Đạo pháp - xã hội chủ nghĩa” và tinh thần đoàn kết dân tộc, tôn giáo...
Tiết mục múa phục vụ khán giả Cà Mau của đoàn Ánh Bình Minh
Cũng như các địa phương khác trong khu vực, trung tuần tháng ba âm lịch hằng năm là khoảng thời gian mà đồng bào dân tộc Khmer Cà Mau nô nức, phấn khởi chuẩn bị đón mừng tết Chôl Chnăm Thmây - Lễ tết truyền thống của người Khmer. Năm nay, đồng bào dân tộc Khmer ở Cà Mau sẽ đón tết truyền thống trong không khí bừng, náo nức hơn vì có sự tham gia biểu diễn của đoàn nghệ thuật dân tộc Khmer Ánh Bình Minh, tỉnh Trà Vinh. Đoàn sẽ tham gia biểu diễn phục vụ đồng bào dân tộc ở các chùa lớn như: chùa Cao Dân, Ấp 7, xã Tân lộc, hưyện Thới Bình; chùa Tam Hiệp, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời; Salatel, Ấp 6, xã Khánh Hòa, huyện U Minh...
“Khi hay tin có đoàn nghệ thuật xuống biểu diễn phục vụ văn hóa, văn nghệ cho đồng bào dân tộc, chúng tôi vô cùng phấn khởi, trông mau tới ngày biểu diễn để cả nhà cùng nhau đi xem. Được thưởng thức những điệu múa, những tích tuồng truyền thống, làm lòng người xem khoan khoái hẳn ra, lâu lắm rồi chúng tôi mới có được niềm vui như hôm nay”, ông Hữu Hưng, Ấp 7, xã tân Lộc, huyện Thới Bình, hào hứng nói.
Đoàn Ánh Bình Minh về vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ở Cà Mau để phục vụ văn nghệ
Được sự phân công của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, đoàn nghệ thuật dân tộc Ánh Bình Minh về phục vụ đồng bào dân tộc Khmer vùng sâu vùng xa của tỉnh Cà Mau. Đây là đoàn nghệ thuật có uy tín, ảnh hưởng tích cực đến đời sống văn hóa tinh thần của người đồng bào dân tộc Khmer trong khu vực. Vì thế, khi hay tin sự có mặt của đoàn đến địa bàn, người dân ai ai cũng cảm thấy háo hức. Chứng kiến cảnh đồng bào dân tộc thưởng thức văn nghệ trong tiếng cười nói xôn xao, náo nức, mới thấu hiểu được sức mạnh của đời sống tinh thần trong đồng bào dân tộc như thế nào.
Bà Kim Thị Sang, 58 tuổi, vô cùng phấn khởi: Xóm tôi có nhiều người mê ca hát lắm, nhất là những điệu múa, bài bản truyền thống của dân tộc mình. Chúng tôi thường sinh hoạt múa hát trong những dịp đám tiệc, lễ, tết truyền thống, nhưng chỉ là cây nhà lá vườn, chứ chưa có dịp thưởng thức những bài bản chuyên nghiệp như diễn viên Đoàn Ánh Bình Minh...
Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Kim Thịnh (Trưởng đoàn ABM) cho biết: qua gần mười đêm biểu diễn ở Cà Mau, đoàn đã thu hút hàng chục ngàn khán giả không chỉ riêng đồng bào Khmer mà bà con người Kinh cũng nhiệt tình tham gia, đó là niềm động viên cổ vũ rất lớn cho anh chị em diễn viên của đoàn. Có thể nói, được thưởng thức nghệ thuật là nhu cầu thiết yếu, là nguyện vọng thiết tha của bà con đồng bào dân tộc, và được phục vụ đồng bào đó cũng là mong mỏi của những người tâm huyết với văn hóa, nghệ thuật dân tộc Khmer chúng tôi.
Hát Dù Kê của đoàn Ánh Bình Minh
Trong quá trình phát triển, người Khmer vẫn giữ được bản sắc văn hóa độc đáo riêng, làm phong phú thêm nền văn hóa đa dạng của đất nước. Nét đặc sắc của văn hóa dân tộc Khmer được thể hiện qua phong tục tập quán, tín ngưỡng, văn hóa, văn nghệ, cách ăn mặc... Vì thế, đoàn nghệ thuật dân tộc Ánh Bình Minh ngoài việc đem lại niềm vui, sự hứng khởi cho đồng bào Khmer vùng sâu vùng xa tỉnh Cà Mau, đây còn là dịp để giao lưu văn hóa, thể hiện tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em sinh sống trên cùng lãnh thổ. Không những thế, họ còn có bộ óc thẩm mỹ và năng lực sáng tạo nghệ thuật rất độc đáo qua các công trình kiến trúc, điêu khắc và hội họa...
Trong những năm qua, được sự quan tâm, nỗ lực của các ngành, các cấp, đoàn thể trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc Khmer, đời sống đồng bào dân tộc trong tỉnh không ngừng được nâng lên, cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Và sự hiện diện của đoàn nghệ thuật Ánh Bình Minh lần này đã góp phần không nhỏ trong việc vun bồi những giá trị tinh thần cao đẹp, khơi dậy những tập quán sinh hoạt lành mạnh, tốt đẹp trong đồng bào dân tộc tỉnh nhà.
THẠCH XUYÊN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét