Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2009

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang: Thăm và tặng quà đồng bào dân tộc Khơ-me


Đoàn cán bộ Bộ CHQS tỉnh An Giang do Đại tá Nguyễn Huy Hoàng, Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh dẫn đầu đã đến thăm và chúc Tết các vị sư sãi cùng đồng bào dân tộc Khơ-me trong tỉnh.

Tại các chùa: Sneng Preth (hay còn gọi là Phú Đà Châu, huyện Châu Phú); chùa Chắc Sđao, chùa Preas Stưng, chùa Se Răng Măng Kol (huyện Châu Thành) và chùa Kal Bo Prưk (huyện Thoại Sơn), đoàn đã ân cần thăm hỏi sức khỏe các vị sư sãi, À cha và đời sống của bà con dân tộc Khơ-me trong khu vực. Các vị sư trụ trì tại các chùa đều bày tỏ niềm vui và cảm kích trước sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo chính quyền, Mặt trận, các ban ngành, đoàn thể và lực lượng vũ trang tỉnh đối với đồng bào dân tộc Khơ-me. Các vị sư trụ trì hứa sẽ tiếp tục khuyên dạy phật tử, nhắc nhở bà con dân tộc trong cộng đồng phát huy truyền thống đoàn kết, thực hiện tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, ra sức học tập nâng cao trình độ, kiến thức mọi mặt, tích cực lao động sản xuất, góp phần xây dựng và phát triển quê hương.

VĂN TRANH

Bộ đội vui Tết cùng đồng bào dân tộc Khơ-me


Hội thi ca múa nhạc mừng Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay 2009.

Huyện đội Tri Tôn vừa họp mặt hơn 150 đại biểu, cán bộ và chiến sĩ là đồng bào dân tộc Khơ-me, nhân dịp Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay. Cuộc gặp gỡ diễn ra trong không khí vô cùng ấm áp, tràn đầy tình nghĩa và đoàn kết cộng đồng các dân tộc anh em trong lực lượng vũ trang An Giang.

Đây là cuộc gặp gỡ giữa đại biểu, cán bộ và chiến sĩ là đồng bào dân tộc Khơ-me với Thủ trưởng Chỉ huy và cơ quan Chính trị được tổ chức theo thông lệ hằng năm, nhân dịp Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay. Thay mặt Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang, Đại tá Nguyễn Huy Hoàng, Chủ nhiệm Chính trị ghi nhận và đánh giá cao kết quả học tập, huấn luyện và công tác của cán bộ, chiến sĩ dân tộc Khơ-me đã hoàn thành xuất nhiệm vụ, thể hiện phẩm chất cao đẹp của "Bộ đội Cụ Hồ". Đồng chí mong muốn cán bộ, chiến sĩ là người dân tộc Khơ-me tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, ra sức góp phần xây dựng cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh và đơn vị vững mạnh toàn diện.
Các đồng chí Hồ Việt Hiệp, Bí thư Huyện ủy Tri Tôn; Chau Kim Sêng, Phó ban Dân tộc tỉnh An Giang; lãnh đạo Ban Chỉ huy Quân sự huyện và một số đơn vị trực thuộc cũng gặp gỡ, thăm hỏi và động viên anh em an tâm công tác để giành nhiều thành tích xuất sắc hơn nữa; nòng cốt thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; nhắc nhở gia đình và người thân cùng hưởng ứng tốt các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cuộc sống mới của cộng đồng dân cư và giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn phum, sóc. Cùng thời gian này, các Đội công tác cơ sở (trực thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang) đóng ở các xã Ô Lâm, Châu Lăng, thị trấn Ba Chúc… (Tri Tôn) và An Hảo, An Cư, An Phú… (Tịnh Biên) cũng đã phối hợp với Đảng ủy và chính quyền, đoàn thể địa phương đi thăm, tặng quà và chúc Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay đối với các vị sư sãi, À cha và gia đình chính sách tiêu biểu trong phum, sóc.
Năm nay, dự "Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch dân tộc Khơ-me tỉnh An Giang lần VII", Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang nhất trí cử đoàn vận động viên gồm 24 cán bộ và chiến sĩ là người dân tộc Khơ-me ở Tiểu đoàn 512, Phòng Tham mưu, Đại đội Trinh sát và Ban Chỉ huy Quân sự các huyện Châu Thành, Tri Tôn, Tịnh Biên tham gia thi đấu một số bộ môn. Thiếu tá Thái Hòa Bình, Chủ nhiệm Nhà Văn hóa Tỉnh đội - Trưởng đoàn cho hay, do Lực lượng vũ trang An Giang không có cán bộ và chiến sĩ nữ trẻ tuổi là người dân tộc Khơ-me, nên thiếu vắng các tiết mục ca - múa - nhạc cổ truyền và hội thi thời trang nam - nữ so với những năm trước đây. Đẩy gậy trong Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch dân tộc Khơ-me tỉnh An Giang lần VII.
Với sự nhiệt tình và sôi nổi của người lính, các vận động viên của Tỉnh đội An Giang được bạn bè động viên và cổ vũ rất hào hứng. Chau Rane, là chiến sĩ mới vừa nhập ngũ được 6 tháng đã tích cực tham gia môn việt dã, đoạt giải khuyến khích ở cự ly 5.000m dành cho nam, hồ hởi nói: "Do bận rộn công tác, thời gian luyện tập không nhiều, nhưng được sự cổ vũ hết sức nồng nhiệt của đồng đội, các đơn vị và bà con dọc hai bên đường chạy nên em càng cố gắng, giành thành tích cho đơn vị trong ngày hội".
Đồng bào dân tộc Khơ-me vùng Bảy Núi và một số địa phương trong tỉnh An Giang đón Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay trong niềm vui mới, phấn khởi trước sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh, lực lượng vũ trang An Giang cũng đẩy mạnh các hoạt động vận động quần chúng và tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa quân với dân - đồng bào các dân tộc thiểu số và thắt chặt tình đoàn kết sâu đậm với phum, sóc.

TRỌNG ÂN - VĂN TRANH

Rộn ràng Chol Chnam Thmay



Chạy dọc những con đường đan nhỏ vào các xã– nơi tập trung đông đồng bào dân tộc Khmer, chúng tôi cảm nhận được không khí Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay của bà con Khmer đang lan tỏa đến mọi nhà. Còn 3 ngày nữa mới tết nhưng bà con đã quét dọn nhà cửa, chuẩn bị nhiều thứ đón tết. Sân đầy củi, lá chuối rọc sẵn để trước thềm sân chuẩn bị gói những đòn bánh tét tròn đầy. Nước đổ đầy ghè, đầy chum, mọi người sửa sang bàn thờ Phật, trang hoàng nhà cửa, quét dọn sân nhà, kết cổng chào. Không khí trong các chùa càng rộn rịp hơn khi các sư sãi, phật tử cùng quét dọn bàn thờ, khuôn viên chùa...Tất cả đã sẵn sàng cho cái Tết Chol Chnam Thmay vui vẻ và đầm ấm.

* Vui đón Chol Chnam Thmay

Gia đình anh Thạch Dư và chị Thạch Thị Sương ở ấp Sóc Ruộng (Tân Mỹ, Trà Ôn) tất bật chuẩn bị đón tết cổ truyền từ mấy ngày nay. Những chậu kiểng được tỉa tót, bên cạnh là sắc vàng của khóm vạn thọ làm khoảng sân trước nhà thêm tươi mắt. Chị Sương chọn những trái bưởi chín vàng, trái to đều bẻ ở ngoài vườn đem chưng trên bàn thờ. Chị cho biết “ sáng đi chợ thị trấn mua được chục ký nếp ngon, tết nào cũng vậy đều gói hơn 50 đòn bánh tét để đem cúng chùa và tặng cho bà con. Gà vịt có sẵn rồi, ngày mai mua thêm thịt và vài thứ để anh cùng bạn bè lai rai trong 3 ngày tết”.

Anh Đặng Văn Ba, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ (trái) thăm hỏi việc làm ăn của đồng bào dân tộc.
Gia đình anh chị là tấm gương sáng, điển hình của tỉnh với các danh hiệu “Gia đình văn hóa tiêu biểu” và “Gia đình hiếu học”. Nhớ ngày xưa, hai vợ chồng cặm cụi “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” làm việc nuôi các con ăn học. Cực không dám than vì sợ mọi người cười, khổ cũng không cho con biết và có lúc gia đình phải lúc bán 5 công đất, rồi cố thêm 6 công để quyết chí nuôi các con ăn học. Giờ đây, khi kể về các con trong đôi mắt anh chị không giấu được niềm tự hào. Cả 5 người con của anh chị- 4 người có bằng đại học 1 người cao đẳng, đều có công ăn việc làm và thành đạt. Ngày xưa, chuyện cho con ăn học như gia đình anh Dư chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng giờ đây khi đời sống của đồng bào Khmer ngày càng được cải thiện thì chuyện lo cho con ăn học như thế không còn là chuyện hiếm- anh Đặng Văn Ba, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ cho biết.

Dạo quanh các chùa, không khí càng rộn rịp hơn. Sư sãi, phật tử quét dọn bàn thờ, khuôn viên chùa. Những giai điệu lâm thol với tiếng trống và tiếng hát giòn giã được phát ra từ chùa Gò Xoài đã làm xôn xao một khu xóm. Chúng tôi nghe mà thấy lòng mình cũng như đang hòa nhịp theo từng tiếng nhạc, hòa vui vào cái tết của đồng bào Khmer. Trước sân chùa, bà Thạch Phanh (85 tuổi) ngồi làm cỏ. Bà nói: “Nhà bà sát bên chùa, già rồi để việc nấu nướng dâng cơm cúng chùa cho con cháu, bà sang chùa mần cỏ cho sạch đón tết”. Bọn trẻ thấy bà làm cũng hăng hái phụ nhổ cỏ, vừa làm vừa cười nói rôm rả bằng thứ tiếng Khmer nghe rất vui tai. Khi chúng tôi hỏi các em nói gì mà vui thế? Em Thạch Dân (13 tuổi) hý hửng khoe: “Con nôn đến tết quá đi, cả bọn hẹn nhau tết sẽ cùng tụ tập ở sân chùa chơi ném bóng, gieo hột, kéo co, xem múa hát... Tết tụi con được lì xì giống như tết Việt nữa”. Em Thạch Phước Đa Ra cho biết: “Tết thường cùng bạn bè đi chơi chùa, lại nhà chúc tết nhau và sẽ cùng nhảy lâm thol với nhau nữa. Vui lắm!”.

* Niềm vui nhân đôi

Anh Kim Chính năm nay đón tết trong niềm vui nhân đôi, ngoài việc có được ngôi nhà lành lặn từ Chương trình 134, anh vừa được hỗ trợ tiền để kéo nước sạch về nhà sử dụng. Anh cho biết: “Nhờ Đảng và Nhà nước hỗ trợ chứ với 2 công ruộng làm còn không đủ ăn nói chi cất được nhà, kéo được nước”. Anh chỉ là một trong số nhiều hộ bà con người dân tộc được Nhà nước chăm lo hỗ trợ nhà, nước sạch... thời gian qua.

Bà con Khmer chuẩn gói bánh dâng chùa và biếu người thân.

Anh Thạch Sa Ron- Ban quản trị chùa CầnThay cho biết: “Ngoài việc hỗ trợ đời sống vật chất, Đảng và Nhà nước còn quan tâm đến đời sống tinh thần: tặng bộ nhạc ngũ âm, tổ chức đua ghe ngo và đặc biệt năm nay tỉnh tiếp tục tổ chức hội thi trang phục truyền thống... đã góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống lâu đời của dân tộc chúng tôi”.

Theo Ban Dân tộc tỉnh, hiện nay bộ mặt nông thôn nơi có đông đồng bào dân tộc có nhiều đổi mới, không còn nhà tre, lá lụp xụp như trước đây, tất cả hộ nghèo đều nhà tôn, cột đúc vững chắc, nền gạch sạch sẽ đã tạo một tâm lý phấn khởi trong đời sống của đồng bào. Đến nay, các xã vùng đồng bào dân tộc tỷ lệ có điện sử dụng lên đến 95%, số hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 70%, trường học bê tông kiên cố đạt 100%. Mỗi xã đều có trạm y tế đạt chuẩn và được trang bị đủ phương tiện, đáp ứng cho công tác điều trị bệnh. Một niềm phấn khởi mới lại đến với đồng bào dân tộc là hiện nay, từ nguồn vốn của tỉnh và Trung ương, sẽ tiếp tục thực hiện nhiều chương trình, chính sách: cho vay vốn phát triển sản xuất; giải quyết việc làm; hỗ trợ có mục tiêu hàng năm cho việc giải quyết đất ở, đất sản xuất và nước sạch cho đồng bào dân tộc nghèo, đời sống khó khăn... để nâng dần mức sống của đồng bào dân tộc Khmer.

Hiện hầu hết các chùa đều có dàn nhạc ngũ âm để phục vụ đời sống tinh thần của đồng bào nhân các dịp lễ, tết.


Cùng hòa chung không khí vui tươi của người dân trong những ngày cận tết, cuộc sống mới đang từng ngày tạo nét khởi sắc trong các phum, sóc Khmer. Và từ những đổi thay đó, chắc chắn rằng năm nay, đồng bào dân tộc Khmer sẽ có một cái tết vui vẻ và đầm ấm hơn.

Đoàn Ánh Bình Minh phục vụ đồng bào dân tộc Khmer ở Cà Mau


Cà Mau là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, thường tập trung vào 6 ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer để sinh hoạt tín ngưỡng cũng như hành đạo theo phương châm “Đạo pháp - xã hội chủ nghĩa” và tinh thần đoàn kết dân tộc, tôn giáo...


Tiết mục múa phục vụ khán giả Cà Mau của đoàn Ánh Bình Minh


Cũng như các địa phương khác trong khu vực, trung tuần tháng ba âm lịch hằng năm là khoảng thời gian mà đồng bào dân tộc Khmer Cà Mau nô nức, phấn khởi chuẩn bị đón mừng tết Chôl Chnăm Thmây - Lễ tết truyền thống của người Khmer. Năm nay, đồng bào dân tộc Khmer ở Cà Mau sẽ đón tết truyền thống trong không khí bừng, náo nức hơn vì có sự tham gia biểu diễn của đoàn nghệ thuật dân tộc Khmer Ánh Bình Minh, tỉnh Trà Vinh. Đoàn sẽ tham gia biểu diễn phục vụ đồng bào dân tộc ở các chùa lớn như: chùa Cao Dân, Ấp 7, xã Tân lộc, hưyện Thới Bình; chùa Tam Hiệp, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời; Salatel, Ấp 6, xã Khánh Hòa, huyện U Minh...

“Khi hay tin có đoàn nghệ thuật xuống biểu diễn phục vụ văn hóa, văn nghệ cho đồng bào dân tộc, chúng tôi vô cùng phấn khởi, trông mau tới ngày biểu diễn để cả nhà cùng nhau đi xem. Được thưởng thức những điệu múa, những tích tuồng truyền thống, làm lòng người xem khoan khoái hẳn ra, lâu lắm rồi chúng tôi mới có được niềm vui như hôm nay”, ông Hữu Hưng, Ấp 7, xã tân Lộc, huyện Thới Bình, hào hứng nói.


Đoàn Ánh Bình Minh về vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ở Cà Mau để phục vụ văn nghệ

Được sự phân công của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, đoàn nghệ thuật dân tộc Ánh Bình Minh về phục vụ đồng bào dân tộc Khmer vùng sâu vùng xa của tỉnh Cà Mau. Đây là đoàn nghệ thuật có uy tín, ảnh hưởng tích cực đến đời sống văn hóa tinh thần của người đồng bào dân tộc Khmer trong khu vực. Vì thế, khi hay tin sự có mặt của đoàn đến địa bàn, người dân ai ai cũng cảm thấy háo hức. Chứng kiến cảnh đồng bào dân tộc thưởng thức văn nghệ trong tiếng cười nói xôn xao, náo nức, mới thấu hiểu được sức mạnh của đời sống tinh thần trong đồng bào dân tộc như thế nào.

Bà Kim Thị Sang, 58 tuổi, vô cùng phấn khởi: Xóm tôi có nhiều người mê ca hát lắm, nhất là những điệu múa, bài bản truyền thống của dân tộc mình. Chúng tôi thường sinh hoạt múa hát trong những dịp đám tiệc, lễ, tết truyền thống, nhưng chỉ là cây nhà lá vườn, chứ chưa có dịp thưởng thức những bài bản chuyên nghiệp như diễn viên Đoàn Ánh Bình Minh...

Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Kim Thịnh (Trưởng đoàn ABM) cho biết: qua gần mười đêm biểu diễn ở Cà Mau, đoàn đã thu hút hàng chục ngàn khán giả không chỉ riêng đồng bào Khmer mà bà con người Kinh cũng nhiệt tình tham gia, đó là niềm động viên cổ vũ rất lớn cho anh chị em diễn viên của đoàn. Có thể nói, được thưởng thức nghệ thuật là nhu cầu thiết yếu, là nguyện vọng thiết tha của bà con đồng bào dân tộc, và được phục vụ đồng bào đó cũng là mong mỏi của những người tâm huyết với văn hóa, nghệ thuật dân tộc Khmer chúng tôi.


Hát Dù Kê của đoàn Ánh Bình Minh


Trong quá trình phát triển, người Khmer vẫn giữ được bản sắc văn hóa độc đáo riêng, làm phong phú thêm nền văn hóa đa dạng của đất nước. Nét đặc sắc của văn hóa dân tộc Khmer được thể hiện qua phong tục tập quán, tín ngưỡng, văn hóa, văn nghệ, cách ăn mặc... Vì thế, đoàn nghệ thuật dân tộc Ánh Bình Minh ngoài việc đem lại niềm vui, sự hứng khởi cho đồng bào Khmer vùng sâu vùng xa tỉnh Cà Mau, đây còn là dịp để giao lưu văn hóa, thể hiện tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em sinh sống trên cùng lãnh thổ. Không những thế, họ còn có bộ óc thẩm mỹ và năng lực sáng tạo nghệ thuật rất độc đáo qua các công trình kiến trúc, điêu khắc và hội họa...

Trong những năm qua, được sự quan tâm, nỗ lực của các ngành, các cấp, đoàn thể trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc Khmer, đời sống đồng bào dân tộc trong tỉnh không ngừng được nâng lên, cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Và sự hiện diện của đoàn nghệ thuật Ánh Bình Minh lần này đã góp phần không nhỏ trong việc vun bồi những giá trị tinh thần cao đẹp, khơi dậy những tập quán sinh hoạt lành mạnh, tốt đẹp trong đồng bào dân tộc tỉnh nhà.

THẠCH XUYÊN

Đồng bào Khmer tưng bừng đón mừng Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay

Đảng và Nhà nước luôn chăm lo đời sống vật chất và tinh thầnh của đồng bào dân tộc Khmer - Ảnh (Báo Ảnh VN) Lãnh đạo tỉnh Cà Mau, TP.Cà Mau thăm và tặng quà các chùa trong tỉnh
Trong những ngày này, trên khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, đồng bào Khmer đang tưng bừng đón mừng Tết Chol Chnam Thmay cổ truyền, trong niềm vui được mùa lúa Đông xuân 2008- 2009, trong điều kiện được Đảng và Nhà nước chăm lo về đời sống vật chất và tinh thần, cuộc sống của bà con đang ngày càng khởi sắc. Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã gửi thư chúc mừng.

Tại 139 chùa Khmer trong vùng, không khí chuẩn bị cho ngày Tết đang tất bật. Lãnh đạo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, các tỉnh, thành có đông đồng bào dân tộc như Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang…đã tổ chức nhiều đoàn đến thăm sư sãi, cán bộ người dân tộc Khmer.

Thời gian qua Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt với vùng có đông người Khmer sinh sống. Với tinh thần đoàn kết 4 dân tộc anh em Kinh, Khmer, Hoa, Chăm với trên 17 triệu dân trong vùng, kinh tế, văn hóa, dân trí đã có nhiều khởi sắc.

Tại Cần Thơ, trong thời gian qua bằng nhiều nguồn vốn của Trung ương và địa phương, thành phố đã tập trung đầu tư, hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc Khmer đặc biệt khó khăn bằng Chương trình 134, 135 của Chính phủ, chương trình hỗ trợ không hoàn lại và các dự án lồng ghép khác, từng bước tạo chuyển biến khá toàn diện về kinh tế xã hội, nhất là các tuyến đường giao thông liên xã, ấp, đê bao thủy lợi khép kín, đời sống bà con được nâng lên rõ rệt.

Chương trình 134 về hỗ trợ nhà ở, nước sạch sinh họat cho vùng đã đầu tư trên 12,9 tỷ đồng. Trong các năm qua đã hỗ trợ nhà ở được 2.441 căn, 2.528 hộ được giúp về nước sạch sinh hoạt, nâng số lượng hộ dân Khmer sử dụng nước sạch lên trên 3.577 hộ, chiếm 78% số hộ, trong đó có 915 hộ được sử dụng nước sạch của trạm cấp nước tập trung, có 3.760 hộ sử dụng điện lưới, chiếm tỷ lệ 82%.

Tỉnh An Giang đã hết lòng chăm lo cuộc sống, sản xuất của đồng bào dân tộc vùng Bảy Núi, chủ động tập trung đầu tư các công trình cấp thiết trước mắt như hệ thống thủy lợi vùng cao, chuyển đổi tăng vụ trên 10.000 ha trồng lúa từ 1 vụ lên 3 vụ lúa + màu luân canh/năm.

Mừng Tết Chol Chnam Thmay cổ truyền của đồng bào Khmer, tỉnh An Giang đang chuẩn bị tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch dân tộc Khmer tỉnh An Giang lần thứ VII/2009 tại huyện Tri Tôn từ ngày 10/4 đến 13/4, đậm đà bản sắc dân tộc Khmer, thể hiện tính sáng tạo, phong phú, độc đáo của nghệ nhân, diễn viên, vận động viên và quần chúng người dân tộc, phát huy và giới thiệu những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Khmer tỉnh An Giang trong việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay năm nay (diễn ra trong 3 ngày 14,15 và 16/4/2009) hơn 300.000 đồng bào Khơ me ở tỉnh Trà Vinh có thêm nhiều niềm vui mới, bởi đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng cao. Niềm vui nhân lên gấp bội khi 3.333 hộ bà con Khmer được nhà nước hỗ trợ nhà ở, mỗi căn nhà trị giá 7,8 triệu đồng.

Sau Sóc Trăng, Trà Vinh là tỉnh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống.

Kể từ khi tái lập tỉnh (tháng 5/1992) đến nay, tỉnh Trà Vinh có nhiều nỗ lực đưa chính sách dân tộc của Đảng vào cuộc sống. Đặc biệt là kể từ khi có chính sách ưu đãi đầu tư, trợ giá trợ cước các mặt hàng thiết yếu từ Chương trình 135, 134... hơn 500 công trình cơ sở hạ tầng, phúc lợi (điện, đường, trường, trạm…) được đầu tư xây dựng, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, làm đổi thay bộ mặt nông thôn ở vùng có đông đồng bào dân tộc sinh sống.

Nhân dịp Tết Chol Chnam Thmay năm 2009, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã gửi lời thăm hỏi, chúc mừng đồng bào, sư sãi, cán bộ, chiến sĩ, các cháu thiến niên, nhi đồng dân tộc Khmer.

Nhiều chính sách đặc thù cho đồng bào dân tộc Khmer được các cấp, các ngành thực hiện tích cực và có hiệu quả. Đồng bào và sư sãi dân tộc Khmer đã phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, hăng hái lao động sản xuất và học tập, tạo được chuyển biến khá toàn diện trên tất cả các mặt, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào Khmer sinh sống không ngừng được đổi mới. Phó Thủ tướng biểu dương những nỗ lực và đóng góp quý báu đó.

Phó Thủ tướng bày tỏ tin tưởng, đồng bào, sư sãi, cán bộ, chiến sĩ dân tộc Khmer tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, ra sức khắc phục khó khăn, tích cực lao động sản xuất, học tập, đoàn kết xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

(Theo www.chinhphu.vn)

Ngày hội văn hóa - thể thao và du lịch dân tộc Khmer lần thứ VII tại An Giang

Tối 11/4, tại huyện miền núi Tri Tôn, tỉnh An Giang đã diễn ra Ngày hội văn hóa - thể thao và du lịch dân tộc Khmer lần thứ VII, đúng vào dịp Tết cổ truyền Chol- Chnăm-Thmây của đồng bào dân tộc Khmer.


Đây là một trong những sự kiện văn hóa của tỉnh An Giang được 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên luân phiên tổ chức hàng năm nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.

Ông Hồ Văn Dũng, Phó ban tổ chức Ngày hội văn hóa - thể thao và du lịch dân tộc Khmer lần thứ VII cho biết: Ngày hội là dịp để gặp gỡ, giao lưu giữa người dân Khmer các địa phương trong tỉnh nhằm tổ chức các họat động văn hóa – văn nghệ, thể thao theo định hướng xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc.

Ngày hội văn hóa - thể thao và du lịch dân tộc Khmer tỉnh An Giang lần thứ VII diễn ra tại huyện miền núi Tri Tôn cũng là lúc người dân nơi đây vừa thu họach xong vụ lúa đông xuân trúng mùa, trúng giá. Do vậy, những ngày qua, bà con Khmer đã đón Tết cổ truyền trong không khí của lễ hội, của những điệu múa, lời ca mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Ngày hội thu hút đông đảo nghệ nhân, diễn viên và vận động viên các huyện có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống tham gia như Tri Tôn, Tịnh Biên, Thoại Sơn với nhiều chương trình văn hóa văn nghệ mang đậm nét đặc trưng của đồng bào.

Trước khi khai mạc Ngày hội, một loạt các hoạt động văn hóa, thể thao đã diễn ra sôi nổi ở vùng Bảy Núi của tỉnh An Giang. Trong đó, các môn bóng đá, bóng chuyền đã bắt đầu trước đó với các vận động viên là những nông dân Khmer thi đấu trong sự cổ vũ nhiệt tình của hàng nghìn người dân trong vùng. Bên cạnh đó, dịp Tết năm nay, UBND huyện Tri Tôn và Ban Dân tộc, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh còn phối hợp tổ chức triển lãm hình ảnh sinh hoạt, đời sống cộng đồng dân tộc Khmer tỉnh An Giang; đồng thời hàng đêm tổ chức các buổi múa cộng đồng, liên hoan văn nghệ, ẩm thực và nhiều trò chơi dân gian sôi động đã tạo nên một không khí nhộn nhịp nơi miền biên giới.

Có thể nói, qua 7 lần tổ chức, Ngày hội văn hóa - thể thao và du lịch dân tộc Khmer tỉnh An Giang đã thực sự trở thành một sự kiện văn hóa độc đáo nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer. Qua đó, tạo điều kiện vui chơi giải trí, giúp đồng bào khmer các địa phương trong tỉnh có dịp giao lưu gặp gỡ nhân dịp tết cổ truyền Chol- Chnăm-Thmây. Đây còn là sự kiện văn hóa đặc trưng của tỉnh An Giang thu hút sự quan tâm chú ý của nhiều du khách trong và ngoài nước. Chính vì thế, thông qua dịp tổ chức Ngày hội, chính quyền địa phương các địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống của tỉnh An Giang muốn giới thiệu đến du khách gần xa những đặc trưng văn hóa độc đáo tại địa phương mình, làm tiền đề để huyện từng bước phát triển tiềm năng du lịch./.

Văn hóa ẩm thực của người Khmer Sóc Trăng

Điểm đặc trưng của người Khmer là định cư chủ yếu ở vùng nông thôn, trên những giống đất cao mà người Khmer gọi là "đây tuổi". Đó là vùng sản xuất nông nghiệp, với cây lương thực chủ yếu là lúa. Ngày nay, có trên 90% số dân Khmer chuyên sống bằng nông nghiệp, chủ yếu là sản xuất lúa gạo và các loại hoa màu.

Ngày nay, có trên 90% số dân Khmer chuyên sống bằng nông nghiệp, chủ yếu là sản xuất lúa gạo và các loại hoa màu. Các loại nông sản này vừa là nguồn cung cấp lương thực vừa là nguồn thức ăn cho việc chăn nuôi của họ. Từ gạo nếp, họ đã biết chế biến các loại cơm và xay thành bột để làm các loại bánh.

Trước đây, cơm được dọn trên chõng tre, đặt ở nhà bếp. Đàn ông lớn tuổi ngồi xếp bằng, nhỏ tuổi ngồi ở tư thế hai chân xếp thành một góc vuông (đều co lại, một chân sát đệm, một chân dựng lên), phụ nữ thì ngồi xếp "chè he" (hai chân co lại và xếp về một bên cho kín đáo). Ăn, người Khơ-me cũng dùng đũa như người Việt, người Hoa, nhưng người nào ăn xong, thì hai tay cầm đôi đũa lên ngang trán, xá ba xá biểu thị lòng biết ơn người làm ra vật thực.

Ngoài việc chế biến thức ăn tươi, họ còn luộc chín, phơi khô hoặc làm mắm để dự trữ lâu ngày. Đặc biệt, với người Khmer, mắm vừa là thức ăn vừa là gia vị chính trong chế biến món ăn. Việc làm mắm cũng có nhiều loại, mỗi loại đều có kỹ thuật rất công phu. Ví dụ: Làm mắm "prôchôc", một loại mắm được người Khmer ưa dùng và được dùng gần như hằng bữa.

Cách làm loại mắm này là cá lóc tươi. Sau khi đánh vẩy, mổ bụng lấy ruột ra, rửa sạch nhớt, nhưng phải đem ngâm nước lạnh một đêm cho cá sình lên, biến chất không có máu, rồi rớt ra, đem phơi nắng cho ráo nước; lúc bấy giờ mới ướp muối, trộn với cơm nguội, cho vào hũ, khạp, đổ nước muối nấu để nguội cho ngập cá rồi dằn mo cau lên trên và lấy thanh tre xiềng thật chặt đừng cho cá nổi lên và đem phơi nắng khoảng nửa tháng. Sau 6 tháng thì dùng được, nhưng để càng lâu càng ngon. Trước khi đem ra dùng, người ta mang thính trộn vào. Mắm màu tái, mùi khẳng, vị mặn gấp... tất cả đều cảm giác mạnh kích thích. Mắm prôhôc để lâu (một năm trở lên) ăn sống, kèm với khế, chuối chát, rau sống; hoặc bầm với xả ớt, ăn với cơm nguội; rất ngon. Loại mắm này, nếu được làm bằng cá trê vàng, gọi là "Prôchôc ôp", trở thành món ăn nổi tiếng Sóc Trăng. Người Khmer còn chế biến một loại mắm chua gọi "prôot", làm bằng tép mồng, một loại tép rất dễ kiếm ở đồng ruộng, khi trộn với đu đủ, riềng hoặc gừng non sau vài ngày thì ăn được. Cá lốc, cá trê nướng mà chấm với mắm này thì "ăn ngon hết chổ chê".

Ngoài việc sử dụng gia vị như hành, ớt, tiêu, tỏi, người Khmer hay dùng mắm prôhôc làm gia vị chính để nêm nếm, đặc biệt là các món ăn "samlo" (canh), nước lèo. Bây giờ, bún nước lèo Sóc Trăng đã lan rộng trong và ngoài tỉnh, đã xuất hiện trong giai thoại làng văn nghệ, đã trở thành sự nhắc nhở thân tình và bạn bè gần xa; "nhứ ghé Sóc Trăng ăn bún nước lèo và mang về quà mắm ốp Phú Tâm (huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng).

Bên cạnh làng nghề trồng lúa, người Khmer huyện Vĩnh Châu rất nổi tiếng về trồng củ cải và làm cải muối mà họ thường gọi là "chhay pâu", được người trong và ngoài tỉnh đến đặt hàng.

Với loại thực phẩm trên, bữa cơm hằng ngày của người Khmer là cơm, canh, rau, nhưng vào mùa vụ đông ken, bữa ăn của họ rất sơ sài: chỉ một tô prôhôc chưng dưa leo, hoặc cọng bông súng hay bông lục bình... hoặc một đĩa prôhôc bầm xả ớt, gói ăn theo. Nhưng ở buổi tiệc tùng, đám phước, đám giỗ, tết cổ truyền, họ tổ chức ăn uống đãi khách, giống như người Việt, người Hoa, những món ăn hằng ngày, họ không bao giờ đem ra đãi khách, vì họ cho là thiếu tôn trọng. Thức ăn chế biến trong dịp này là thịt gia súc, gia cầm tự sản xuất hoặc mua, với nhiều món ăn khá phong phú, như: cù lao, càri, thịt kho nước dừa, bún nước lèo...

Từ gạo nếp, người Khmer còn chế biến nhiều loại bánh mặn, bánh ngọt, như bánh tét, bánh ít, bánh tổ chim... đặc biệt là loại bánh mang tính đặc thù của văn hóa dân tộc, như bánh gừng, cốm dẹp. Bánh gừng là loại bánh được chế biến từ bột nếp với hột gà, có hình dáng giống như củ gừng, nên người ta gọi đó là bánh gừng (num khnhây). Sau khi được chiên với mỡ đã chín, họ còn rắc lên bánh một lớp đường cát trắng lấp lánh, trông rất đẹp. Bánh này là lễ vật không thể thiếu trong các lễ cưới truyền thống Khmer, biểu trưng cho hạnh phúc của lứa đôi. Người ta cũng có thể làm bánh này loại nhỏ dùng làm quà cáp hoặc đãi khách.

Cốm đẹp được làm từ nếp rang, đâm dẹp, nhưng phải là nếp mới nghĩa là nếp mới chín đỏ đuôi, mới cắt từ cánh đồng mang về. Dụng cụ chính là một nồi đất to, miệng rộng, một chiếc cối bồng. Cối này có dáng thon đứng, được khoét lồng từ một khúc gỗ, chiều cao khoảng 1m và đâm bằng chày đứng. Khi nếp được rang chín đều, có tiếng nổ lách tách, tức là ruột nếp đã chín, nổ pháp tung vỏ ra, người ta bưng nguyên mẻ đổ vào cối để giã, thường là giã đôi: một người, một tay cầm chảy, một tay cầm cây gạt, trộn cho nếp nổi lên đều. Do nếp còn tươi nên thoạt đầu bị giã, hạt nếp bẹp ra dính từng đề. Và cứ như thế, người ta giã cho đến khi hạt nếp khô lên, rời rã; họ sẽ đổ ra nia. dùng sàng sẩy bỏ trấu trắng đục, điểm lác đác những hạt màu xanh. Cơm đẹp trộn với đường, dừa ăn thơm ngon, hoặc ăn với chuối chín muồi. Nó là lễ vật không thể thiếu trong lễ hội Oc-om-bôc, cúng Trăng. Ngày nay, vào dịp lễ hội Oc-om-bôc, khách mới về Sóc Trăng dự Hội đua ghe ngo, được Ban tổ chức tặng một gói quà lưu niệm có ý nghĩa: đó là cơm dẹp (Om-bôc), trộn sẵn với đường, dừa.

Thức uống của người Khmer Sóc Trăng phổ biến là nước mưa chứa vào lu, tích lại trong mùa mưa, dùng để uống cả năm; hoặc nước trà dùng cho người già và để tiếp khách trong các lễ lộc, tiệc tùng, đãi khách, người Khmer thường dùng rượu trắng hoặc rượu ngâm thuốc, được nấu từ gạo; nhưng rượu không được dùng trong chùa, vì đây là điều giới cấm.

Người Khmer vốn có trí thông minh rất nhạy cảm trong việc tiếp thu cái mới, mọi cách làm ăn, mọi hình thái văn hóa của các dân tộc anh em; song, do hạn chế về trình độ, họ tiếp thu một cách không ồ ạt không chọn lọc, nên dễ chịu ảnh hưởng nền văn hóa của các dân tộc anh em: một số thanh niên hiện nay quên cả tiếng nói và thuần phong mỹ tục của dân tộc mình, thậm chí đàn bà con gái không còn mặc áo "bom-pong" hay "xa-rong", một loại áo truyền thống dân tộc. Nếu phải mặc như vậy, họ cảm thấy xấu hổ. Cũng tương tự như thế, trong ăn uống, họ cũng cảm thấy xấu hổ mỗi khi người anh em dân tộc khác nói: "Anh ăn prôhốc", vị họ nghĩ rằng, người ấy nói họ ăn đồ "dơ dáy bẩn thỉu". Thật là có lý khi ai đó cho rằng: "hình dáng, hương vị của những món ăn dân tộc, gợi cho ta nhớ về cội nguồn, về quê hương xứ sở".

Lối sống biến đổi theo lịch sử và hệ thống dinh dưỡng của các dân tộc khác nhau được quy định, không chỉ bởi các điều kiện địa lý, truyền thống của dân tộc mà về mặt xã hội. Còn bởi mức độ phát triển sản xuất. Với tinh thần nghị quyết Trung ương khóa 5 về "xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà văn hóa ẩm thực của người Khmer Sóc Trăng có nhiều điều kiện được bảo tồn và phát triển.

Nhộn nhịp lễ đón năm mới của người Khmer Nam bộ




Ngay từ đầu tháng 4, tại những địa phương ở Nam bộ, nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, không khí chuẩn bị Tết cổ truyền Chol Chnam Thmây đã rất nhộn nhịp.


Năm theo lịch Khmer kết thúc vào cuối tháng 12 (âm lịch), nhưng Tết mừng năm mới thì lại diễn ra vào tháng 6 (âm lịch Khmer) tức 14 - 16/4 (dương lịch). Theo tập quán của cư dân nông nghiệp sản xuất lúa một vụ trước đây, tháng 12 người dân còn tất bật với mùa vụ, đến trung tuần tháng 4, khi lúa khô đã quây thành bồ, người nông dân có thể nghỉ ngơi thoải mái sau những tháng vất vả chăm bẵm cây lúa. Thời gian này cũng là giao điểm của 2 mùa mưa - nắng, những cơn mưa đầu mùa bắt đầu trả lại sức sống dồi dào cho cây cỏ, vạn vật. Vì vậy, với người Khmer, trung tuần tháng 4 được coi là sự khởi đầu của năm mới và Chol Chnam Thmây là lễ “Vào năm mới”.

Về thời khắc giao thừa, người Khmer cũng tính khác người Kinh và người Hoa. Theo đó, mỗi năm, giờ khắc thiêng liêng này lại dịch chuyển để hoàn thành chu kỳ 365 và 1/4 ngày. Hòa thượng Đào Như – Trưởng Ban trị sự Thành hội Phật giáo yêu nước thành phố Cần Thơ cho biết: “Lịch của người Khmer có sự thay đổi giờ rước chư thiên có khi là sáng, trưa, chiều, khuya. Ngày 14/4, lúc 1giờ 36 phút, nhà chùa ở các nơi có bàn thờ ở giữ sân chùa thắp nhang nhớ ơn năm cũ, tiếp chư thiên năm mới”.

Điểm đặc biệt trong văn hóa đón Tết của người Khmer là mọi nghi thức quan trọng hầu hết đều diễn ra ở chùa khiến không khí hội xuân luôn náo nhiệt và mang tính cộng đồng cao. Với từng hộ dân, cuộc sống có thể khó khăn, nhà cửa có thể tạm bợ, lễ vật sắm tết có thể đơn sơ, nhưng dưới mái nhà chung là ngôi chùa thì lòng thành kính hướng Phật, tưởng nhớ ông bà, tổ tiên, niềm vui và nguồn hy vọng về một năm mới tốt đẹp là ngang nhau.

Từ trước Tết nửa tháng, người dân quanh các điểm chùa đã tự nguyện góp công, góp của tu bổ, trang trí cảnh quan chùa cho thật đẹp mắt. Người ta sơn son, thếp vàng từng hoa văn, tượng Phật, cổng chào, dọn dẹp khuôn viên sẵn sàng tiếp khách đến dự hội. Ba ngày lễ chính thức được tiến hành trong không khí vui vẻ, hào hứng của cả cộng đồng. Mỗi ngày đều có những hoạt động nghi thức mang tính lễ hội khác nhau.

Ngày thứ nhất đoàn người mang nhang đèn, hoa quả cùng nhau rước Đại Nông lịch quanh chánh điện rồi vào lễ Phật, đọc kinh mừng năm mới. Ngày thứ hai, Phật tử cùng dâng cơm cho các vị sư và đắp núi cát. Các sư thì đọc kinh cầu siêu cho người đã mất và cầu an cho người đang sống. Ngày thứ ba là lễ tắm tượng Phật và tắm các vị sư cao niên. Trong đó, vui nhất là tục đắp núi cát. Người dân đắp 8 núi bằng đất hoặc cát theo 8 hướng và 1 núi ở trung tâm của mỗi ngôi chùa. Trên núi người ta đặt lễ vật mang theo để cúng ông bà, tổ tiên, chư thần thường là lúa gạo và các nông sản cây nhà lá vườn, số lượng tùy tâm.

Đến vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống vào khoảng 2 ngày trước lễ hội, du khách sẽ nghe tiếng chày giã nếp và thoảng trong gió sớm thơm lừng mùi bánh tét, bánh ít, bánh nếp cổ truyền. Chị Đào Thị Vàng ở ấp Định Mỹ, xã Định Môn, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ cho biết: “Hôm đó mình đi chùa tắm Đức Phật, mình mang lúa, gạo, tiền bạc, mình ăn gì thì ông bà mình có cái đó. Không thể thiếu 1 cặp bánh tét và một sấp vải trắng để cầu siêu gởi cho ông bà mình dùng”.

Tết của người Khmer không đơn thuần chỉ là tập tục đón chào năm mới, mỗi hoạt động đều gắn với những truyền thuyết mang đậm yếu tố tâm linh và khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc, bình đẳng, hướng thiện. Truyền thuyết về cậu bé Thom Ma Bal có tài thuyết giảng thắng cả vị thần tài giỏi nhất trên thượng giới nên người dân đến chùa nghe Phật pháp vào dịp kỷ niệm thần Ka Bưl Ma Ha Prum tự sát được coi là sự tích của lễ Chol Chnam Thmây.

Vị trí các núi cát trong dịp lễ tượng trưng cho vũ trụ mà trái đất là trung tâm. Gốc tích của việc đắp cát xuất phát từ câu chuyện về người thợ săn gây nhiều tội với muông thú, nhờ ma quỷ không đếm hết được phúc duyên đắp núi cát của ông mà giữ được tính mạng đến cuối đời. Nước ướp hương thơm tắm Phật, tắm các vị sự cao niên và ông bà là để tẩy rửa mọi nhọc nhằm, bụi bẩn năm cũ và dâng tặng quần áo mới do con cháu chúc thọ…

Từ trong sinh hoạt cộng đồng, ý nghĩa của phong tục được truyền dạy cho thế hệ trẻ lưu giữ và trở thành nét đẹp văn hóa riêng đặc trưng của tộc người Khmer Nam bộ. Hòa thượng Đào Như cho biết: “Khi tập trung đám trẻ, mình cũng nhân cơ hội đó để giảng cho các em, các cháu nó hiểu để có ý thức lưu giữ tập tục của cha ông”.

Thời gian này, những ngôi chùa Khmer Nam bộ đang trở nên rực rỡ và náo nhiệt hơn bao giờ hết, tỏa sức hút vẫy gọi bước chân du khách gần xa. Tết của đồng bào Khmer góp phần đáng kể tôn thêm vẻ đẹp phong phú trong bản sắc chung của cả cộng đồng người Việt Nam./.

Đồng bào Khmer chuẩn bị đón Chol Chnam Thmay



Từ ngày 14 - 16/4, trên 1.200.000 đồng bào Khmer Nam Bộ sẽ tưng bừng đón Tết Chol Chnam Thmay, còn gọi là Lễ Chịu tuổi hay Lễ Vào năm mới. Đây là tết lớn nhất trong năm của đồng bào Khmer. Tại huyện Trà Ôn - tỉnh Vĩnh Long, nơi có trên 8.900 đồng bào Khmer sinh sống, từ hơn nửa tháng trước, không khí đón mừng Chol Chnam Thmay đã rộn ràng khắp các phum, sóc.

Đồng bào Khmer đang có một cái Tết sung túc và vui vẻ hơn bao giờ hết.
Đón Chol Chnam Thmay năm nay, gia đình anh Thạch Đa Ra, ấp Sóc Ruộng - xã Tân Mỹ - huyện Trà Ôn, vô cùng phấn khởi vì vừa được một mùa lúa bội thu. Anh cho biết: “Làm lúa năm nay trúng mùa, bán lại có giá cao. Rồi có thu hoạch thêm một lứa heo nữa nên kinh tế gia đình năm nay có ổn định, dư dả sắm được xe mới, mua thêm nhiều đồ trang trí trong nhà để chuẩn bị đón tết”.

Không chỉ riêng gia đình anh Đa Ra, mà năm nay, bà con Khmer ở huyện Trà Ôn ai cũng trúng mùa lúa, bội thu mùa cam nên nhà nhà đều phấn khởi. Đồng bào Khmer còn đoàn kết giúp nhau xoá nghèo bằng nhiều hình thức như: Vận động ủng hộ Quỹ Vì người nghèo, nông dân giúp nhau phát triển kinh tế gia đình.

Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn của bà con đi đúng hướng, khai thác được tiềm năng sẵn có để sản xuất nông sản hàng hoá có giá trị kinh tế cao, loại dần phương thức sản xuất lạc hậu và tăng thu nhập cho nông hộ. Nhờ vậy, đời sống vật chất và văn hoá tinh thần của đồng bào được cải thiện. Đặc biệt, trong 3 năm qua, huyện có 1.090 hộ được hỗ trợ xây dựng nhà theo Quyết định 134.

Tại 6 điểm chùa Khmer của huyện Trà Ôn, không khí chuẩn bị cho ngày Tết Chol Chnam Thmay càng tất bật hơn. Ở chùa Mới - Gia Kiết, ngôi chùa được công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh, thuộc xã Tân Mỹ, công việc trang trí đã hoàn tất từ rất sớm. Ông Thạch Xia, Phó Ban Hòa pháp chùa Mới - Gia Kiết, cho biết:“Lúa, trái cây có giá bình ổn nên năm nay Ban Quản trị cùng sư sãi và phật tử vô đây để sắp xếp, dọn dẹp chùa để đón xuân từ trước một tuần lễ nay”.

Để không khí đón Tết của đồng bào Khmer thêm tưng bừng, các ban, ngành, đoàn thể huyện Trà Ôn sẽ tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như các trò chơi dân gian, hội thi trang phục truyền thống,…phục vụ đồng bào Khmer. Huyện cũng tổ chức nhiều đoàn đi thăm hỏi, chúc tết các chùa và các gia đình chính sách người dân tộc nhằm thắt chặt thêm tình đoàn kết Kinh - Khmer trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Thư chúc tết Chol Chnam Thmay năm 2009


Kính gửi: Quý vị Thượng tọa, Đại đức, Sư sãi và đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh

Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay đến với đồng bào dân tộc Khmer trong niềm vui phấn khởi của nhân dân cả nước nói chung, nhân dân tỉnh Hậu Giang nói riêng đang ra sức thi đua lập thành tích chào mừng các ngày lễ trọng đại của đất nước, mừng thành tựu 5 năm thành lập tỉnh Hậu Giang. Nhân dịp này, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh Hậu Giang thân ái gửi đến quý vị Thượng tọa, Đại đức, Sư sãi, đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Năm 2008, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, nhưng được sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương; Đảng bộ, quân và dân Hậu Giang trong đó có đồng bào dân tộc Khmer đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thử thách hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra: kinh tế tăng trưởng khá cao, văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; quốc phòng, an ninh được giữ vững ổn định; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng lên. Những thành tựu trên là tiền đề đưa Hậu Giang phát triển, sớm sánh vai cùng các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước.

Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh Hậu Giang xin trân trọng ghi nhận và biểu dương quý vị Thượng tọa, Đại đức, Sư sãi và đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh đã có đóng góp tích cực vào những thành tựu chung của tỉnh nhà trong năm qua.

Vui mừng đón Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay, hòa cùng với sự phát triển mạnh mẽ của tỉnh nhà, mong rằng quý vị Thượng tọa, Đại đức, Sư sãi và đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, chung sức chung lòng xây dựng tỉnh Hậu Giang ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Kính chúc quý vị Thượng tọa, Đại đức, Sư sãi, đồng bào Khmer hưởng Tết cổ truyền: vui vẻ, sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt.


TỈNH ỦY, HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN, ỦY BAN NHÂN DÂN, ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH HẬU GIANG

Bà con dân tộc Khơ me đón Tết Chôl Chnăm Thmây vui tươi, tiết kiệm, an toàn

* Gần 400.000 đồng bào Khmer Sóc Trăng đang bước vào Tết Chôl Chnăm Thmây, Tết đón năm mới của đồng bào trên tinh thần An vui tươi, tiết kiệm, an toàn. Tết năm nay diễn ra trong các ngày 14-15-16/4 (theo dương lịch). Tại Sóc Trăng, tỉnh đã có kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động để đảm bảo cho đồng bào Khơ me trong tỉnh có một cái Tết vui tươi. Ngoài việc thành lập các đoàn lãnh đạo thăm chúc Tết các chùa Khơ me, thăm tặng quà các gia đình chính sách, gia đình hộ Khơ me nghèo, tỉnh còn tổ chức họp mặt cán bộ chủ chốt là người dân tộc Khơ me, ngành VH-TT-DL tổ chức các cuộc biểu diễn văn nghệ do các đoàn nghệ thuật Khơ me trong tỉnh biểu diễn ở một số địa phương đông đồng bào Khơ me trong tỉnh như Vĩnh Châu, Long Phú, Châu Thành... Trong buổi sáng ngày 16/4, Đài PTTH tỉnh Sóc Trăng sẽ làm chương trình truyền hình trực tiếp với chủ đề “Mừng tết Chôl Chnăm Thmây vui tươi, An sinh xã hội” tại chùa Nô Pôl (huyện Vĩnh Châu) vừa là chương trình văn nghệ kết hợp với việc tuyên truyền các vấn đề an sinh xã hội cho đồng bào tiếp cận với các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước...

* Ngày 13/4, ông Lưu Phước Lượng, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã đến thăm và chúc Tết Chôl Chnăm Thmây tại Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng. Tại đây, ông Lưu Phước Lượng đã ân cần hỏi thăm tình hình đời sống của đồng bào Khơ me địa phương, chúc đồng bào và sư sãi có một mùa Chôl Chnăm Thmây vui tươi, đoàn kết và tiết kiệm. Thay mặt Hội, Hòa thượng Tăng Nô, Phó Chủ tịch Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng bày tỏ lòng biết ơn đối với sự quan tâm của Đảng và Nhà Nước trong việc chăm lo đến đời sống của bà con Khơ me trong thời gian qua. Theo Hoà thượng Tăng Nô, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng rất mừng khi được các vị lãnh đạo Trung ương và tỉnh quan tâm, năm nay đời sống của bà con khấm khá hơn trước nhiều, làm lúa vụ 3 đang thu hoạch vừa trúng mùa lại được giá, bà con rất vui, ăn Tết sẽ lớn hơn năm trước...

* Mừng tết cổ truyền Chol Chnam Thmây, tỉnh Trà Vinh có nhiều hoạt động, tạo mọi điều kiện cho hơn 300. 000 bà con dân tộc Khơ me hiện sinh sống trong tỉnh vui đón Tết. Nhân dịp này, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh Trà Vinh đã gửi thư chúc mừng; tổ chức các đòan đi thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, cán bộ hưu trí là người dân tộc Khơ me, các chùa Khơ me tiêu biểu. Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch phối hợp với Đài Phát thanh- Truyền hình, Ban Dân tộc tỉnh tổ chức “ Liên hoan nghệ thuật quần chúng Khơ me tỉnh Trà Vinh lần thứ III năm 2009” diễn ra từ ngày 11- 15/4/2009 tại Trung tâm Văn hóa tỉnh. Tỉnh tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí phù hợp với bản sắc văn hoá dân tộc tại 141 điểm chùa Khơ me, nơi có đông đồng bào sinh sống. Chính quyền và các đoàn thể vận động các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm…đóng góp tiền và nhiều phần quà hỗ trợ cho các hộ Khơ me nghèo đón tết cổ truyền Chol Chnam Thmây ấm no và hạnh phúc. Ngoài ra, tỉnh Trà Vinh tổ chức họp mặt hơn 300 đại biểu là cán bộ cách mạng lão thành, cán bộ hưu trí, các bà mẹ VN anh hùng, gia đình thương binh- liệt sĩ; các vị sư sãi trong Hội đoàn kết sư sãi yêu nước và Hội Mêkone tỉnh; các cán bộ chủ chốt các sở, ngành, huyện thị là người dân tộc Khơ me để mừng Tết cổ truyền Chol- Chnam- Thmây.
* Bạc Liêu đã tổ chức nhiều hoạt động đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của bà con dân tộc Khơ me. Từ 10/4 đến nay, tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn đến thăm chúc Tết, tặng quà cho các chùa Khơ me; họp mặt các gia đình Khơ me tiêu biểu, các sư sãi, cán bộ Khơ me công chức; thăm tặng quà các hộ nghèo, các gia đình có con em trong quân ngũ, người nghèo điều trị bệnh tại bệnh viện... Tại các nơi đến, đoàn ân cần thăm hỏi, động viên bà con đoàn kết chăm lo làm ăn, tăng gia sản xuất, xây dựng gia đình, quê hương giàu đẹp và tặng các gia đình nghèo, gia đình chính sách, người có công, đơn vị một phần quà để bà con vui đón Tết. Các huyện, thị xã trong tỉnh Bạc Liêu còn tổ chức họp mặt cán bộ, công nhân viên chức người dân tộc Khơ me đang công tác và nghỉ hưu và trích ngân sách hỗ trợ mỗi cá nhân 200.000 đồng vui Tết. Tất cả cán bộ công chức người dân tộc Kơ me được nghỉ Tết 3 ngày. Không khí đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm nay của bà con Khơ me ở Bạc Liêu càng phấn khởi hơn vì lúa, hoa màu trúng mùa, được giá. Nhiều hộ có điều kiện sửa sang lại nhà cửa, chuẩn bị gói bánh tét, bánh ít, bánh rừng cúng ông bà, chuẩn bị lễ vật cúng Phật vào năm mới. Địa phương phân công các đội thông tin, văn nghệ Khơ me tổ chức nhiều chương trình văn nghệ phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa... nhằm tạo không khí vui tươi phấn khởi đón mừng năm mới./.

(TTXVN)

Tết Khmer-Chôl Chnam Thmây lại về



Lễ rước trong ngày Tết Chôl Chnam Thmây tại chùa Âng (thị xã Trà Vinh)

Có dịp đến Trà Vinh vào những ngày trung tuần tháng tư, bạn sẽ cảm thấy rạo rực, phấn chấn trước không khí nhộn nhịp sắm sửa, trang hoàng nhà cửa để chuẩn bị đón Tết Chôl Chnam Thmây của đồng bào Khmer.

Chôl Chnam Thmây còn được gọi là “Tết năm mới” hay “Lễ chịu tuổi”, đây là một lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tết Chôl Chnam Thmây kéo dài 3 ngày trong tháng Chétt (lịch Khmer), theo lịch dương là vào các ngày 14, 15, 16 tháng 4 (nếu năm nhuận sẽ có thêm ngày 13 tháng 4). Tính theo âm lịch sẽ vào ngày 21, 22, 23 tháng 3 (năm nhuận thì có thêm ngày 20 tháng 3). Từ xưa, nghi lễ quan trọng nhất trong ngày Tết là “đắp núi cát” và “tắm Phật“. Trong 3 ngày Tết, không khí tại các chùa và các phum sóc Khmer gần như náo nhiệt suốt ngày đêm.

Vào đêm 13 tháng 4, bà con tổ chức cúng tại nhà để đưa tiễn thần Têvađa cũ đi và rước thần Têvađa mới về. Đây cũng chính là đêm “lễ đi tu” (bôn bâm bous) của các chàng trai. Người Khmer tin rằng, mỗi năm sẽ có một vị thần Têvađa xuống trần để chăm lo cho đời sống của họ được an cư, lạc nghiệp.

Ngày thứ nhất - Chôl Sangkran Thmây (ngày đầu năm mới):

Trước khi tiến hành nghi lễ, tất cả mọi người đều tắm gội sạch sẽ, mặc trang phục đẹp của dân tộc, sau đó chọn giờ tốt nhất trong ngày (có thể là 7 giờ sáng hoặc 5 giờ chiều, cũng có khi là 12 giờ đêm, tùy theo năm) rồi mang lễ vật như nhang đèn vào chùa làm lễ rước Đại lịch “Maha Sangkran”, đồng thời diễu hành ba vòng chung quanh chính điện để đón chào Chư Thiên (Têvađa). Dưới sự hướng dẫn nghi lễ của một vị Achar được tôn kính nhất trong chùa, tất cả cùng nhau cầu nguyện, mong năm mới sẽ có thần Têvađa về để hộ trì cho mọi người luôn được ấm no, hạnh phúc. Sau đó là lễ Phật. Tối đến, các trò chơi dân gian cùng các vũ điệu như múa dù kê, rôbăm, lăm vông... được mọi người tham gia sôi nổi, tạo nên không khí rộn ràng, ấm cúng của ngày Tết.

Ngày thứ hai - Wonbơf (năm nhuận tổ chức 2 ngày):

Mọi người lên chùa làm lễ dâng cơm sáng và trưa (Wen Chông Ham) cho các vị sư. Theo phong tục của người Khmer, vào các ngày lễ, tết, mọi người tỏ lòng thành tâm tín ngưỡng bằng cách mang cơm, thức ăn và các loại bánh trái đến cho các sư sãi. Đáp lại, các nhà sư sẽ làm lễ tạ ơn những người đã làm ra hạt gạo, đã trồng trọt, chăn nuôi, tạo cho cuộc sống được ấm no, đầy đủ. Sau khi làm lễ đưa thức ăn đến cho linh hồn những người đã khuất, các nhà sư làm lễ chúc phúc cho những người đã có lòng mang lễ vât đến cúng chùa.

Vào buổi chiều, người ta tổ chức “Lễ Đắp núi cát” (Puôn Phnon Khsach) để cầu phúc duyên và tránh khỏi những kiếp nạn.

Ngày thứ ba - Lơm săk (còn gọi là ngày Lễ tắm Phật).

Vào ngày này, các phật tử Khmer mang thức ăn và hoa quả đến chùa từ tinh mơ để dâng cơm cho các vị sư. Sau khi thọ thực xong, các nghi lễ tắm Phật chính thức bắt đầu: Trước tiên, các nhà sư dùng nước tinh khiết có ướp hương thơm ngát. Họ dùng những cành hoa để vẫy những giọt nước hoa lên tượng Phật. Trong làn khói hương nghi ngút, người Khmer thành tâm khấn nguyện cầu mong Phật Trời gia hộ cho dân làng được dồi dào sức khoẻ, ruộng rẫy tốt tươi và trúng mùa. Họ cũng cầu chư Thiên hộ trì cho phum, sóc an lành, mọi người tai qua nạn khỏi và đạt thành những điều ước nguyện. Sau lễ tắm Phật, người Khmer còn làm lễ tắm cho các nhà sư cao niên trong chùa. Kế đến là lễ Kha ma tôs, tương tự như lế sám hối của người Việt. Sau đó mọi người theo các vị sư đến các tháp đựng hài cốt và các nghĩa trang để làm lễ Bâng Skâu (cầu siêu). Tất cả mọi người dưới sự hướng dẫn của vị Achar sẽ thành tâm cầu nguyện cho các vong linh những người thân của mình được siêu thoát.

Cuối cùng, sau nghi lễ tắm Phật tại nhà. Tất cả con cháu trong gia đình trải chiếu hoa, mời ông bà, cha mẹ ngồi vào để nhận lời xin tha thứ những thiếu sót hay lỗi lầm mà họ đã vấp phải trong suốt năm qua, cũng như nhận hứa thành tâm sửa đổi. Sau khi đọc kinh cầu nguyện, ước mong năm mới cả nhà sẽ luôn gặp được nhiều điều may mắn, vui vẻ, bình an và hạnh phúc, con cháu sẽ dùng nước hoa thơm tắm cho ông bà, cha mẹ để tỏ lòng nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục.

Đến Trà Vinh vào dịp Tết Chôl Chnăm Thmây của người Khmer- Nam bộ, chúng ta sẽ được tận hưởng một không khí náo nhiệt và đầy sinh động. Những điệu “múa Miên” và tục “thả đèn trời” là những nét văn hoá đặc sắc không thể nào thiếu trong lễ hội này. Những chiếc đèn lồng được thả lên cao, mang theo cả ước nguyện của người dân Khmer về một cuộc sống ấm no, an lành và hạnh phúc.

Ngoài ra, vào dịp này, chúng ta cũng sẽ được thưởng thức rất nhiều loại bánh từ nếp như bánh ú, bánh tét, bánh chưng... Ngoài ra còn có món đặc sản không thể thiếu trong các gia đình Khmer trong 3 ngày “Lễ chịu tuổi”, đó là món bún nước lèo.

Bài: Tú Yên, Ảnh: Ngọc Ánh


Đồng bào Khmer tưng bừng đón mừng Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay
07.04.2009 20:02
Xem hình
Đảng và Nhà nước luôn chăm lo đời sống vật chất và tinh thầnh của đồng bào dân tộc Khmer - Ảnh (Báo Ảnh VN) Lãnh đạo tỉnh Cà Mau, TP.Cà Mau thăm và tặng quà các chùa trong tỉnh
Trong những ngày này, trên khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, đồng bào Khmer đang tưng bừng đón mừng Tết Chol Chnam Thmay cổ truyền, trong niềm vui được mùa lúa Đông xuân 2008- 2009, trong điều kiện được Đảng và Nhà nước chăm lo về đời sống vật chất và tinh thần, cuộc sống của bà con đang ngày càng khởi sắc.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã gửi thư chúc mừng.

Tại 139 chùa Khmer trong vùng, không khí chuẩn bị cho ngày Tết đang tất bật. Lãnh đạo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, các tỉnh, thành có đông đồng bào dân tộc như Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang…đã tổ chức nhiều đoàn đến thăm sư sãi, cán bộ người dân tộc Khmer.

Thời gian qua Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt với vùng có đông người Khmer sinh sống. Với tinh thần đoàn kết 4 dân tộc anh em Kinh, Khmer, Hoa, Chăm với trên 17 triệu dân trong vùng, kinh tế, văn hóa, dân trí đã có nhiều khởi sắc.

Tại Cần Thơ, trong thời gian qua bằng nhiều nguồn vốn của Trung ương và địa phương, thành phố đã tập trung đầu tư, hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc Khmer đặc biệt khó khăn bằng Chương trình 134, 135 của Chính phủ, chương trình hỗ trợ không hoàn lại và các dự án lồng ghép khác, từng bước tạo chuyển biến khá toàn diện về kinh tế xã hội, nhất là các tuyến đường giao thông liên xã, ấp, đê bao thủy lợi khép kín, đời sống bà con được nâng lên rõ rệt.

Chương trình 134 về hỗ trợ nhà ở, nước sạch sinh họat cho vùng đã đầu tư trên 12,9 tỷ đồng. Trong các năm qua đã hỗ trợ nhà ở được 2.441 căn, 2.528 hộ được giúp về nước sạch sinh hoạt, nâng số lượng hộ dân Khmer sử dụng nước sạch lên trên 3.577 hộ, chiếm 78% số hộ, trong đó có 915 hộ được sử dụng nước sạch của trạm cấp nước tập trung, có 3.760 hộ sử dụng điện lưới, chiếm tỷ lệ 82%.

Tỉnh An Giang đã hết lòng chăm lo cuộc sống, sản xuất của đồng bào dân tộc vùng Bảy Núi, chủ động tập trung đầu tư các công trình cấp thiết trước mắt như hệ thống thủy lợi vùng cao, chuyển đổi tăng vụ trên 10.000 ha trồng lúa từ 1 vụ lên 3 vụ lúa + màu luân canh/năm. Mừng Tết Chol Chnam Thmay cổ truyền của đồng bào Khmer, tỉnh An Giang đang chuẩn bị tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch dân tộc Khmer tỉnh An Giang lần thứ VII/2009 tại huyện Tri Tôn từ ngày 10/4 đến 13/4, đậm đà bản sắc dân tộc Khmer, thể hiện tính sáng tạo, phong phú, độc đáo của nghệ nhân, diễn viên, vận động viên và quần chúng người dân tộc, phát huy và giới thiệu những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Khmer tỉnh An Giang trong việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay năm nay (diễn ra trong 3 ngày 14,15 và 16/4/2009) hơn 300.000 đồng bào Khơ me ở tỉnh Trà Vinh có thêm nhiều niềm vui mới, bởi đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng cao. Niềm vui nhân lên gấp bội khi 3.333 hộ bà con Khmer được nhà nước hỗ trợ nhà ở, mỗi căn nhà trị giá 7,8 triệu đồng. Sau Sóc Trăng, Trà Vinh là tỉnh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Kể từ khi tái lập tỉnh (tháng 5/1992) đến nay, tỉnh Trà Vinh có nhiều nỗ lực đưa chính sách dân tộc của Đảng vào cuộc sống. Đặc biệt là kể từ khi có chính sách ưu đãi đầu tư, trợ giá trợ cước các mặt hàng thiết yếu từ Chương trình 135, 134... hơn 500 công trình cơ sở hạ tầng, phúc lợi (điện, đường, trường, trạm…) được đầu tư xây dựng, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, làm đổi thay bộ mặt nông thôn ở vùng có đông đồng bào dân tộc sinh sống.

Nhân dịp Tết Chol Chnam Thmay năm 2009, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã gửi lời thăm hỏi, chúc mừng đồng bào, sư sãi, cán bộ, chiến sĩ, các cháu thiến niên, nhi đồng dân tộc Khmer. Nhiều chính sách đặc thù cho đồng bào dân tộc Khmer được các cấp, các ngành thực hiện tích cực và có hiệu quả. Đồng bào và sư sãi dân tộc Khmer đã phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, hăng hái lao động sản xuất và học tập, tạo được chuyển biến khá toàn diện trên tất cả các mặt, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào Khmer sinh sống không ngừng được đổi mới. Phó Thủ tướng biểu dương những nỗ lực và đóng góp quý báu đó. Phó Thủ tướng bày tỏ tin tưởng, đồng bào, sư sãi, cán bộ, chiến sĩ dân tộc Khmer tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, ra sức khắc phục khó khăn, tích cực lao động sản xuất, học tập, đoàn kết xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

(Theo TT- CHÍNH PHỦ)

Nhiều đổi thay qua một mùa Chol Chnam Thmay



(VOV) - Niềm vui sản xuất nông nghiệp được mùa bội thu trúng giá; những ngôi nhà mới, công trình phúc lợi... tất cả đang góp phần tạo nên diện mạo mới cho Tết Chol Chnam Thmay năm nay, đánh dấu sự phát triển trong từng gia đình và sự đổi thay trong từng phum sóc ở Trà Vinh

Tỉnh Trà Vinh có gần 1/3 dân số là người Khmer. Trong những năm qua, nhờ sự hỗ trợ hàng trăm tỉ đồng thông qua Chương trình 134, 135 của Chính phủ và chương trình hành động của Tỉnh ủy Trà Vinh về phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer… đã góp phần làm đổi thay toàn diện đời sống kinh tế, văn hóa xã hội của bà con.

Gia đình anh Kim Thành Lang, ở phường 7, thị xã Trà Vinh trong những ngày đón Tết Chol Chnam Thmay, niềm vui đón năm mới xen lẫn niềm phấn khởi khi vụ đông xuân được mùa, trúng giá. Gia đình anh có 8 công đất, anh dành một phần để trồng các loại cây màu như: rau cải, dưa chuột, mướp, đậu xanh, mía; phần còn lại để cấy lúa. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, anh bố trí mùa vụ hợp lý từng loại giống cây màu theo nhu cầu của thị trường, mỗi năm gia đình thu lợi nhuận hơn 60 triệu đồng. Nhờ chăm chỉ làm ăn, tích góp, anh xây được một ngôi nhà khang trang, tiện nghi. Đón Tết trong căn nhà mới, anh Kim Thành Lang cho rằng, cuộc sống của gia đình anh dần trở nên sung túc đó là nhờ hiệu quả của việc bố trí sản xuất hợp lý, đặc biệt là sự quan tâm của chính quyền địa phương.

Anh Kim Thành Lang là một trong hàng chục nghìn thanh niên người Khmer nhờ chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế ở tỉnh Trà Vinh. Nhiều vùng đồng bào Khmer nghèo như các xã: Nhị Trường, Long Sơn, Kim Hòa, huyện Cầu Ngang; Đôn Xuân, Hàm Giang, huyện Trà Cú; Đa Lộc, huyện Châu Thành… nông dân đưa cây màu như ngô lai, bí đỏ, đậu tương xuống chân ruộng lúa và trên đất giồng cát. Mỗi hécta đất sản xuất thu lợi từ 50 đến 70 triệu đồng. Ông Thạch Siêng, ở xã Đa Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh vui mừng: “Năm nay đời sống của bà con có nhiều thay đổi hơn năm rồi, nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm, kinh tế gia đình của bà con được phát triển, đời sống vui tươi….”

Ông Thạch Dư, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh cho rằng: sự quan tâm của Nhà nước trong đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào Khmer nhiều năm nay bước đầu đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực. Nhờ có sự đầu tư các dự án sản xuất của bà con năm nay phát triển tốt, nông sản được mùa, trúng mùa, trúng giá. Từ đó cuộc sống người dân ổn định. Lĩnh vực văn hóa-xã hội cũng được đầu tư, con em đồng bào Khmer được học hành đến nơi đến chốn. Người đau ốm được chăm sóc. Không khí đón tết năm nay vui vẻ hơn năm rồi, bà con rất phấn khởi.

Không chỉ đầu tư chăm lo đời sống vật chất, tỉnh Trà Vinh còn chú trọng đến việc bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc bằng việc đầu tư, đặc biệt cho Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh và đoàn nghệ thuật Khmer Triều An huyện Trà Cú, nhà Bảo tàng văn hóa dân tộc... Những ngôi nhà mới xây, những đồng vốn được phát huy sẽ càng ý nghĩa hơn khi những chủ nhân của mảnh đất biết yêu, biết quý những giá trị cội nguồn như lời bộc bạch của ông Thạch Chân, ở phường 7, thị xã Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh: “Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong thời gian qua theo hướng rất tốt. Đời sống bà con phát triển, nhà cửa khang trang… Chùa chiền, lễ truyền thống được bảo tồn. Những ngày Tết Chol Chnam Thmay, tỉnh tổ chức nhiều buổi diễn văn nghệ quần chúng Khmer phục vụ người dân trong, ngoài tỉnh tạo nên không khi vui tươi, bình an…”.

Tết Chol Chnam Thmay năm nay, đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh có thêm nhiều niềm vui mới. Sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước cùng với nỗ lực của từng gia đình đem lại nhiều thành quả đáng mừng. Niềm vui sản xuất nông nghiệp được mùa bội thu trúng giá; những ngôi nhà mới, công trình phúc lợi... tất cả đang góp phần tạo nên diện mạo mới cho Tết Chol Chnam Thmay năm nay, đánh dấu sự phát triển trong từng gia đình và sự đổi thay trong từng phum sóc ở Trà Vinh./.

Hữu Trãi-TT Cần Thơ

Mừng Tết Chol Chnam Thmây của đồng bào Khmer


(VOV) - Nhân dịp này, tại các tỉnh phía Nam đã diễn ra nhiều chương trình nghệ thuật, văn hoá, thể thao và giao lưu gặp gỡ với đồng bào Khmer.

Sáng nay (10/4), tỉnh Trà Vinh tổ chức buổi họp mặt mừng Tết Chol Chnam Thmây của đồng bào Khmer.

Đại diện lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, các cấp, các ngành cùng hơn 300 đại biểu là Mẹ Việt Nam anh hùng, đông đảo giới chư tăng, sư sãi các chùa Khmer trong tỉnh tới dự.

Sau khi chúc Tết Chol Chnam Thmây, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại truyền thống đoàn kết gắn bó giữa ba dân tộc Kinh- Khmer- Hoa trên địa bàn qua 2 cuộc kháng chiến cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước.

Là một tỉnh có đồng bào Khmer chiếm 30% dân số, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Trà Vinh luôn quan tâm chăm lo toàn diện đến đời sống của đồng bào Khmer.

Chỉ tính riêng năm 2008, tỉnh đầu tư 108 tỷ đồng cho các chương trình dự án vùng đồng bào dân tộc, như dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo và nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở. Tính đến nay, tỉnh cũng đã xây dựng hơn 30.000 căn nhà cho hộ đồng bào Khmer, có 6 trường phổ thông dân tộc; các lễ hội truyền thống, tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào đều được quan tâm đúng mức, tạo điều kiện thuận lợi để bà con giữ gìn và phát huy vốn văn hóa truyền thông đậm đà bản sắc dân tộc của mình.

Tại buổi họp mặt, lãnh đạo tỉnh cũng mong muốn các cán bộ, các vị chư tăng, sư sãi và bà con Khmer luôn phát huy tinh thần thi đua yêu nước, tiếp tục đóng góp để xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Mừng Tết Chol Chnam Thmây, từ ngày 10-13/4, tại An Giang cũng diễn ra Ngày hội Văn hóa-Thể thao và Du lịch dân tộc Khmer lần thứ 7.

Ngày hội thu hút đông đảo nghệ nhân, diễn viên, vận động viên của 5 huyện và Trường trung học phổ thông Dân tộc nội trú cùng lực lượng vũ trang trong tỉnh tham dự.

Cùng hoạt động triển lãm về hình ảnh sinh hoạt, đời sống cộng đồng của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi, Ngày hội còn có hội chợ, giới thiệu sản phẩm đặc sản của An Giang và hoạt động thi đấu thể thao như: bóng chuyền, bóng đá, đẩy gậy.

Trong dịp Tết Chol Chnam Thmây này, An Giang cũng tổ chức đua bò với sự tham gia của các huyện có đồng bào Khmer sinh sống.

Ông Hồ Văn Dũng, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin nhấn mạnh: Ngày hội là dịp để người dân Khmer các địa phương trong tỉnh gặp gỡ, giao lưu nhằm tổ chức các họat động văn hóa-văn nghệ, thể thao theo định hướng xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc.

Tại Cà Mau, sáng 10/4, gần 300 sư sãi là cán bộ chủ chốt Ban quản trị các chùa và gia đình chính sách, gia đình có công với các mạng là người Khmer trong tỉnh đã tham dự buổi họp mặt chào mừng Tết cổ truyền Chol Chnam Thmâỵ.

Tại đây, các đại biểu đã nghe báo cáo về việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Thời gian qua, chương trình 134, 135 và nhiều chính sách khác tạo điều kiện để đời sống của đồng bào Khmer ngày càng nâng caó.

Nhờ thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng, năm qua, tỉnh Cà Mau có hơn 250 hộ Khmer thoát nghèo, chiếm gần 4% so với tổng số hộ nghèo trong đồng bào dân tộc.

Phát biểu tại buổi họp mặt, đại diện đồng bào sư sãi và Ban quản trị các chùa bày tỏ lòng biết ơn đối với Đảng và Nhà nước đã triển khai nhiều chính sách giúp đồng bào Khmer nâng cao đời sống. Ông Lý Hoàng Chia, Ban quản trị chùa Nhà Máy, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời chia sẻ: “Năm nay khấm khá hơn mấy năm trước rất nhiều. Cũng nhờ Đảng, Nhà nước ủng hộ, nhất là Chương trình 135, 134 về cất nhà và đem nước sạch cho đồng bào. Năm nay mỗi hộ đồng bào đều chuẩn bị gói bánh tét, làm lễ Chol Chnam Thmây”./.

PV

Đón Tết Chôl Chnam Thmây trong ấm no

Tết cổ truyền Chôl Chnam Thmây năm nay, diễn ra trong ba ngày từ 14 đến 16/4, hơn 300.000 đồng bào Khmertỉnh Trà Vinh có thêm nhiều niềm vui mới, bởi đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được cải thiện.

Trà Vinhtỉnh ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Kể từ khi tái lập tỉnh (tháng 5/1992) đến nay, tỉnh Trà Vinh có nhiều nỗ lực đưa chính sách dân tộc của Đảng vào cuộc sống. Đặc biệt là kể từ khi có chính sách ưu đãi đầu tư, trợ giá trợ cước các mặt hàng thiết yếu từ Chương trình 135, 35, 134... hơn 500 công trình cơ sở hạ tầng, phúc lợi được đầu tư xây dựng, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, làm đổi thay bộ mặt nông thôn ở vùng có đông đồng bào dân tộc sinh sống.

Thực hiện Đề án hỗ trợ nhà ở cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo theo Quyết định 134 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Trà Vinh đã xây thêm hơn 13.000 căn nhà hỗ trợ cho các hộ Khmer nghèo gặp khó khăn về nhà ở với tổng vốn đầu tư 82 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 76 tỷ đồng và ngân sách địa phương 6 tỷ đồng. Trong số này, có 5.500 hộ sau khi nhận nhà còn được xét chọn đầu tư mỗi hộ 2 con bò nái sinh sản, có giá trị 10 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.

Đề án hỗ trợ nước sinh hoạt cũng phát huy hiệu quả thiết thực với việc đầu tư 50 tỷ đồng để xây dựng và bàn giao cho địa phương quản lý vận hành 87 trạm cấp nước với công suất 5m3/giờ/trạm; lắp đặt đồng hồ nước, cấp lu ximăng, xây bể chứa và 16 mạng phân phối nước. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đạt hơn 87% so với tổng số hộ.

Đặc biệt, mới đây Sở Công thương tỉnh Trà Vinh phối hợp với Công ty điện lực 2 thuộc Tập đoàn điện lực Việt Nam thực hiện chương trình cung cấp điện cho hơn 20.000 dân ở vùng nông thôn sâu, vùng đồng bào dân tộc Khmer chưa có điện sử dụng. Chương trình này có tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 140 tỷ đồng; trong đó, vốn của Chính phủ hỗ trợ chiếm 85%.

Mạng lưới trường lớp được đầu tư xây dựng ở tận các phum sóc, hầu hết con em đồng bào dân tộc trong độ tuổi đi học đều được đến trường. Các trường tiểu học có tỷ lệ học sinh người dân tộc cao đều thực hiện dạy song ngữ (Việt-Khmer); 6 trường dân tộc nội trú hiện có khoảng 1.200 học sinh theo học từ lớp 6 đến lớp 12 và hiện có khoảng 1.000 sinh viên theo học các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp.

Riêng lĩnh vực văn hoá, ngoài việc đầu tư hơn 4 tỷ đồng xây dựng Nhà bảo tàng văn hoá dân tộc Khmer, tỉnh Trà Vinh đầu tư trùng tu tôn tạo các khu di tích, chùa Khmer được công nhận là di tích văn hoá, di tích lịch sử... Các chùa Khmer đều xây dựng được phòng đọc sách, tủ sách pháp luật, trạm truyền thanh, điểm truyền hình công cộng và có trên 30 chùa tổ chức được trung tâm học tập cộng đồng.

Ngoài việc duy trì chương trình phát tiếng Khmer hàng ngày trên sóng Đài Phát thanh-Truyền hình Trà Vinh, xuất bản Báo Trà Vinh chữ Khmer hàng tuần, tỉnh Trà Vinh còn tổ chức phát hành, xuất bản trên 3.000 bản tin ảnh Dân tộc và miền núi, tập san văn hoá chữ Khmer xuống tận 141 chùa Khmer và các ấp khóm có đông đồng bào dân tộc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Vui Tết Chol Chnam Thmay cùng đồng bào Khmer

LĐ) - Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Khmer diễn ra trong 3 ngày (14 - 16.4).

Uỷ ban MTTQVN TP.Cần Thơ đã tổ chức đoàn thăm, tặng 150 phần quà (trị giá 200.000 đồng/phần) cho hộ nghèo, hộ chính sách người dân tộc Khmer.

Hội Chữ thập đỏ Cần Thơ cũng vừa tặng 150 phần quà (trị giá 100.000 đồng/phần) cho hộ nghèo người Khmer tại huyện này.

Ở Kiên Giang, dịp này tỉnh hỗ trợ hộ gia đình chính sách người Khmer 300.000 đồng, hộ nghèo người dân tộc Khmer 200.000 đồng để vui đón Tết Chol Chnam Thmay; tổ chức đoàn chúc tết các tỉnh giáp biên thuộc Vương quốc Campuchia.

Bạc Liêu: Cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc Khmer được nghỉ 3 ngày, được hỗ trợ 200.000 đồng. Ở các huyện, thị, mức hỗ trợ căn cứ vào điều kiện thực tế của từng địa phương.

Bạc Liêu cũng tổ chức 3 đoàn đi thăm viếng các chùa Khmer, hộ Khmer nghèo (tặng gần 70 phần quà, trị giá 300.000 đồng/phần). Uỷ ban MTTQVN tỉnh Vĩnh Long tổ chức họp mặt các vị sư sãi đại diện 13 chùa Khmer, cán bộ người dân tộc Khmer...

Trà Vinh: Thêm 3.333 hộ Khmer nghèo có nhà mới. Cùng với 1,2 triệu đồng bào Khmer Nam Bộ, đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh bước vào năm mới - Chol Chnam Thmay trong niềm vui phấn khởi.

Đón mừng Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay, Trà Vinh có thêm 3.333 hộ đồng bào Khmer nghèo được cấp nhà mới, mỗi căn trị giá 7,8 triệu đồng. Như vậy, trong 4 năm (từ 2005 - 2008) tỉnh Trà Vinh đã xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng 13.182 căn nhà. Từ đó, đã tạo điều kiện ổn định cuộc sống cho 13.182 hộ nghèo với 55.364 nhân khẩu. Tổng kinh phí xây dựng là 81 tỉ 995 triệu đồng.

L.N.G - L.B

Sự thật về vụ TNGT do Thạch Thanh Nô gây ra


Dù Thạch Thanh Nô bị chết do TNGT nhưng một giáo sĩ Tin lành lại phao tin rằng Thanh Nô là chấp sự của Hội thánh Tin lành Đấng christ bộ tộc Khmer - Krom, trên đường về nhà sau khi thờ phượng thì bị "lực lượng Công an và du kích chặn đường đánh”.

Gần đây có một số đối tượng lợi dụng vụ TNGT xảy ra ở huyện Trà Cú, Trà Vinh để cố tình bịa đặt, phát tán nhiều thông tin sai sự thật về một vụ TNGT nhằm vu cáo cho những người làm công tác đảm bảo trật tự an ninh ở huyện Trà Cú. Chúng tôi xin trở lại vụ án này.

Ngày 4/4 vừa qua, Thạch Thanh Nô (18 tuổi, ngụ ấp Tha La, xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) tham dự tập huấn công tác dân quân tự vệ tại xã Ngọc Biên. Chiều cùng ngày, sau giờ tham gia tập huấn, Thạch Thanh Nô đã đi uống rượu.

Đến 21h30' cùng ngày, Nô điều khiển môtô BKS 84H3-1464, chạy trên hướng lộ 12, theo hướng từ ấp Sà Vần A về ấp Tha La, đến đoạn ấp Rạch Bót, Nô tự đâm vào gốc cây Sầu Đâu phía bên phải đường, gây chấn thương nặng. Người dân địa phương sống hai bên đường phát hiện vụ việc, đưa Nô đi cấp cứu và báo cho gia đình biết. Khi chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh thì Nô đã tử vong.

Lúc 2h45' ngày 5/4/2009, Bệnh viện Đa khoa Trà Vinh gọi điện báo cho Công an tỉnh Trà Vinh biết có một trường hợp tử vong là Thạch Thanh Nô, do điều khiển phương tiện giao thông tự té dẫn đến tử vong. Gia đình nạn nhân đã liên hệ bệnh viện và cơ quan Công an, yêu cầu không khám nghiệm tử thi, xin đưa xác nạn nhân về mai táng.

Cái chết của Nô đã rõ, gia đình nạn nhân không yêu cầu gì nên bệnh viện và cơ quan Công an chấp thuận đề nghị của gia đình. Và gia đình nạn nhân đã hỏa táng Thạch Thanh Nô lúc 13h ngày 15/4/2009.

Khi nhận được thông tin về việc Thạch Thanh Nô tử vong tại bệnh viện do tự té xe, Ban Giám đốc Công an tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo Công an huyện Trà Cú xác minh làm rõ vụ việc. Đại diện Công an huyện Trà Cú và chính quyền địa phương có đến nhà nạn nhân, xác minh vụ việc.

Theo biên bản làm việc lúc 3h20' ngày 5/4/2009, giữa Công an huyện Trà Cú, chính quyền địa phương xã Ngọc Biên, ấp Tha La và gia đình nạn nhân ông Thạch Phuông (cha), bà Thạch Thị Nhò (mẹ), Thạch Thô (anh trai của nạn nhân), đều đồng ý không yêu cầu khám nghiệm tử thi, không khiếu nại và tự giải quyết hậu quả vụ việc.

Toàn bộ vụ việc đã quá rõ ràng, thế nhưng, Nguyễn Công Chính tự xưng là Chủ tịch Hội thông công Tin lành các sắc tộc Việt Nam - VPEF và là mục sư Hội trưởng Hội thánh Liên hữu Tin lành Đấng Christ các dân tộc Việt Nam UMCC đã phát tin sai sự thật vụ việc, vu khống trên một số trang web, email và các cơ quan truyền thông, ngôn luận, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, cho rằng, Thạch Thanh Nô là chấp sự của Hội thánh Tin lành Đấng christ bộ tộc Khmer - Krom, trên đường về nhà sau khi thờ phượng thì bị "lực lượng Công an và du kích chặn đường" đánh "gãy hai xương đùi và bể bọng đái".

Không những vu khống, Nguyễn Công Chính còn bịa đặt, ngày 6/4/2009, y có đến thăm gia đình và hướng dẫn bà Thạch Thị Phay (không có hệ gì với nạn nhân) viết tường trình…

Ngày 15/4, trao đổi với chúng tôi, Trung tá Lâm Sáng Tươi, Chánh Văn phòng Công an tỉnh Trà Vinh, cho biết: Thạch Thanh Nô hoàn toàn không phải tín đồ Tin lành. Chúng tôi đã xác minh làm rõ vụ việc, Nô điều khiển phương tiện giao thông trong lúc có rượu tự té dẫn đến tử vong. Nguyễn Công Chính không hề đến thăm gia đình nạn nhân. Thời gian qua ở Trà Cú có một nhóm người tham gia Tin lành sắc tộc Đấng Christ, không được pháp luật công nhận, tổ chức hoạt động truyền đạo trái pháp luật đã bị xử lý, nhắc nhở.

Từ một vụ TNGT tự té dẫn đến tử vong của Thạch Thanh Nô, đã bị Nguyễn Công Chính cố tình bóp méo sự thật, bịa đặt thành vụ đánh người, vu khống lực lượng Công an và du kích địa phương, ảnh hưởng đến ANTT.

PV

Thứ Tư, 15 tháng 4, 2009

Chúc mừng Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây 2009



ND - Nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây 2009, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Ðảm đã gửi thư chúc mừng tới các vị Sư sãi, Acha cùng toàn thể đồng bào Khmer. Toàn văn như sau:

Nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, thay mặt Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tôi thân ái gửi tới các vị Sư sãi, Acha cùng toàn thể đồng bào dân tộc Khmer lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chúc đồng bào đón Tết cổ truyền vui tươi, hạnh phúc.

Năm nay, đồng bào dân tộc Khmer đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây trong niềm vui chung trước những thành tựu to lớn mà nhân dân ta đã đạt được trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Ðảng; đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo, trong đó có đồng bào Khmer không ngừng được cải thiện; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đang tổ chức Ðại hội các cấp tiến tới Ðại hội VII Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao, thời gian qua, các vị Sư sãi, Acha cùng toàn thể đồng bào dân tộc Khmer luôn tin tưởng và thực hiện chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, nhất là cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" và cuộc vận động "Ngày vì người nghèo"; góp phần thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh trật tự của mỗi địa phương và cả nước.

Ðón mừng Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, tôi tin tưởng các vị Sư sãi, Acha cùng toàn thể đồng bào dân tộc Khmer tiếp tục có những đóng góp thiết thực hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh"; thiết thực lập thành tích chào mừng Ðại hội VII Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Ngày hội của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam.

Thứ Năm, 9 tháng 4, 2009

Gần 2 tỉ đồng hỗ trợ hộ nghèo dân tộc Khmer đón Tết Chol-Chnam-Thmay





(LĐ) - Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang chiều 2.4 cho biết: Tết cổ truyền Chol-Chnam-Thmay của đồng bào dân tộc Khmer năm nay, tỉnh thống nhất xuất từ ngân sách hỗ trợ hộ nghèo dân tộc Khmer mỗi hộ 200.000 đồng, thăm gia đình chính sách mỗi suất 300.000 đồng.

Tổng kinh phí cho các cuộc họp mặt, các hoạt động thăm hỏi gần 2 tỉ đồng. Dịp này, tỉnh Kiên Giang cũng tổ chức 2 đoàn cán bộ thăm, chúc Tết các tỉnh giáp biên Vương quốc Campuchia.

Bộ Tư lệnh Quân khu 9 Thăm, chúc Tết Chol Chnam Thmay tại Bộ Tư lệnh Quân khu 3, Quân đội Hoàng gia Campuchia




* Bộ Chỉ huy Quân sự TP Cần Thơ: Họp mặt cán bộ, chiến sĩ người dân tộc Khmer nhân dịp Tết Chol Chnam Thmay

(CT)- Nhân dịp Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay của dân tộc Khmer, Đoàn cán bộ lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu 9 (QK9) do Thiếu tướng Võ Văn Liêm, Phó Chính ủy Quân khu, làm trưởng đoàn, vừa sang thăm và chúc tết tại Bộ Tư lệnh Quân khu 3, Quân đội Hoàng gia Campuchia. Trung tướng Kơosamuon, Tư lệnh Quân khu 3 đã trọng thể tiếp đoàn.

Thay mặt LLVT QK9, Thiếu tướng Võ Văn Liêm gửi lời chúc đến tất cả cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Quân khu 3 nói riêng và nhân dân Campuchia nói chung, đón tết cổ truyền vui vẻ, hạnh phúc. Tại buổi gặp mặt, hai bên ôn lại những tình cảm gắn bó của quân dân hai nước trong những năm tháng bên nhau chiến đấu giải phóng nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Đồng thời, hai bên đã bày tỏ mong muốn luôn giữ vững và thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị giữa quân, dân hai nước nói chung, giữa LLVT QK9 và LLVT Quân khu 3, Quân đội Hoàng gia Campuchia nói riêng, vì mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển…

* Ngày 8-4-2009, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) TP Cần Thơ tổ chức họp mặt, tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ người dân tộc Khmer trong lực lượng vũ trang thành phố và cán bộ người dân tộc Khmer ở một số cơ quan trong thành phố nhân dịp Tết Chol Chnam Thmay năm 2009.

Tại buổi họp mặt, Đại tá Huỳnh Thanh Phương, Chính ủy Bộ CHQS TP Cần Thơ, biểu dương sự nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng người dân tộc Khmer đã góp phần cùng cấp ủy, chính quyền và lực lượng vũ trang thành phố thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự quốc phòng địa phương thời gian qua. Đồng chí Chính ủy Bộ CHQS thành phố lưu ý: Cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng người dân tộc Khmer cần vận động bà con đồng bào dân tộc Khmer đón Tết Chol Chnam Thmay an toàn, tiết kiệm; thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chính sách đại đoàn kết dân tộc và ra sức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao.

Dịp này, Bộ CHQS TP Cần Thơ tặng 13 phần quà cho cán bộ, chiến sĩ và cán bộ người dân tộc Khmer ở một số cơ quan trong thành phố, mỗi phần quà trị giá 200 ngàn đồng.

A.DŨNG – V.HÀ