Những dòng cam kết của Tim Sa Khorn: "Khi tôi được sự khoan hồng của Nhà nước Việt Nam, được ra khỏi nơi giam giữ, tôi sẽ là một công dân tốt trong xã hội, không nghe theo lời vận động xúi giục của kẻ xấu. Nếu tôi còn tái phạm, tôi cam kết sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật Nhà nước Việt Nam"
Tim Sa Khorn quay về nẻo thiện
Cuối tháng 6/2008, Tim Sa Khorn - còn có tên gọi khác là Tim Khone, Chau Khorn, Thiên Sóc Khone (An Giang) đã được sum họp với người thân sau khi chấp hành xong bản án 12 tháng tù giam. Ngày ấy cũng là ngày mà nhiều người, trong đó có các cán bộ chiến sĩ, Công an mong đợi.
Có mấy ai biết được rằng, từ trước mốc thời gian kể trên, lực lượng Công an đã có bao nhiêu công việc lặng lẽ nhưng chan chứa tình người, thể hiện sinh động chính sách nhân đạo và ưu việt của pháp luật Việt Nam dành cho những người từng có thời gian lầm đường, lạc lối nhưng qua học tập, cải tạo đã nhận thức được lỗi lầm của mình, có ý phục thiện để tái hòa nhập với cộng đồng như Tim Sa Khorn.
Nhiều người dân ở vùng đất Ba Chúc, huyện Tri Tôn (An Giang) vẫn nhớ mồn một rằng, năm 1978, khi vừa mới 10 tuổi, Tim Sa Khorn và cả gia đình bị bọn diệt chủng Pôn Pốt cưỡng bức sang sống ở Kirivong, huyện Tà Keo, Campuchia. Một năm sau đó, Tim Sa khorn được gia đình cho đi học tiếng Khmer tại chùa Bắc Thăm Đưng, huyện Kirivong. Được 5 năm, Tim Sa Khorn về phụ giúp gia đình.
Đến đầu năm 1990, Tim Sa Khorn về Việt Nam xin vào tu ở chùa Đôn Pe (còn gọi là chùa Sập Gia) ở thị trấn Ba Chúc nhưng cuối năm đó, anh ta lại về chùa Bắc Thăm Đưng để 3 năm sau đó, được bổ nhiệm làm sãi cả của chùa này.
Có nhiều người lầm tưởng rằng, Tim Sa Khorn đã mang quốc tịch Campuchia như hộ chiếu của anh ta được cấp ngày 21/4/2005 thể hiện. Thực ra đấy là hộ chiếu giả, do "bề trên" của Khorn "sản xuất" và tự ghi như thế để Khorn dễ bề qua lại biên giới Tây Nam.
Trở lại với vùng quê thuộc huyện Tri Tôn (An Giang), người dân chẳng xa lạ gì thân nhân họ hàng của Tim Sa Khorn. Chính Khorn cũng xác nhận rằng, ông nội của Khorn - ông Ta Tưm từng là sãi cả chùa Lân, xã Lê Trì từ năm 1983. Đến năm 1998, ông qua đời, thọ 88 tuổi. Tro cốt của ông Ta Tưm hiện vẫn để tại chùa Lân, hàng năm, con cháu của ông, trong đó có Tim Sa Khorn có đến cúng viếng.
Cha mẹ đẻ của Khorn là ông bà Tưm Tim và Nèang Tonh. Khorn còn có người bác ruột là Nèang Rên, cô ruột Nèang Rôm và người cậu ruột là Châu Lai. Cả ba người này đều sinh sống tại Ba Chúc, huyện Tri Tôn bằng nghề nông.
Bác ruột của Tim Sa Khorn - bà Nèang Rên năm nay 72 tuổi, nhà ở Ba Chúc kể, vợ chồng ông Tưm Tim, bà Nèang Tonh có 5 người con (4 trai, 1 gái, lớn nhất là 40 tuổi và nhỏ nhất là 21 tuổi - PV) và Tim Sa Khorn là người con lớn trong nhà.
Ngày 30/6/2007, Tim Sa Khorn bị lực lượng phối hợp gồm Công an tỉnh An Giang và Bộ đội Biên phòng Cửa khẩu Tịnh Biên bắt giữ vì hành vi "Nhập cảnh trái phép". Vật chứng thu giữ được gồm 54.000 riel Campuchia, 2.000 bath Thái, 1 CMND Campuchia, 2 ĐTDĐ, 2 cuốn sổ tay cùng nhiều giấy tờ khác. Trong ngày, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Tịnh Biên đã quyết định chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự cho Cơ quan ANĐT thụ lý theo thẩm quyền.
Theo kết quả điều tra, vào khoảng tháng 4/2005, Tim Sa Khorn được các tên Chau Riếp, Trần Mạnh Sinh, Thạch Ngọc Thạch, Tô Kim Thông - đại diện cho Liên đoàn Khmer Campuchia Krom (KKF) thế giới, có trụ sở tại Hoa Kỳ lôi kéo vào tổ chức này. Khorn được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội Sinh viên sư sãi KKF trụ sở tại Phnôm Pênh (do ông Dương Sinh làm Chủ tịch), kiêm Hội trưởng Hội Sinh viên sư sãi Campuchia Krom chi nhánh tại Kirivong.
Không chỉ KKF, Tim Sa Khorn còn tham gia tổ chức Hội ái hữu Khmer Campuchia Krom (trụ sở đặt tại Phnôm Pênh, do Tăng Sa Răc làm Chủ tịch). Chi nhánh đặt tại ấp Troi Tum Lọp, xã Phrắs Bach Chon Chum, huyện Kirivong do Sơn Sà Wan làm Chủ tịch và Tim Sa Khorn làm Phó Chủ tịch. Các tổ chức vừa kể đều có chung… nhiệm vụ chống đối Việt Nam tới cùng. Và người đứng đầu các tổ chức này luôn cung cấp "sinh hoạt phí" bằng USD cho Tim Sa Khorn. Nhiều khi tiêu xài quá hóp, hết tiền, Tim Sa Khorn dùng chiêu "quyên góp xây chùa". Thấy anh ta đi trên chiếc Camry đời mới bóng cóong, nhiều tổ chức, cá nhân rất tin và chẳng ngại móc hầu bao ra cho. Tổng cộng Khorn vận động lên tới hàng trăm triệu riel và hàng chục ngàn USD.
Những dòng cam kết của Tim Sa Khorn: "Khi tôi được sự khoan hồng của Nhà nước Việt Nam, được ra khỏi nơi giam giữ, tôi sẽ là một công dân tốt trong xã hội, không nghe theo lời vận động xúi giục của kẻ xấu. Nếu tôi còn tái phạm, tôi cam kết sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật Nhà nước Việt Nam".
Tim Sa Khorn đã dùng trụ sở của KKF tại Kirivong làm điểm hội họp, tập kết hàng ngàn tạp chí, băng đĩa có nội dung xuyên tạc, vu cáo Việt Nam để vận chuyển vào Việt Nam tuyên truyền. Tim Sa Khorn được phân công "phụ trách" địa bàn An Giang. Đồng bọn của Tim Sa Khorn có khoảng 50 người, trong đó có 17 người cùng quê An Giang với Khorn. "Tay chân" đắc lực nhất có thể kể đến Thạch Minh, Chau Sơn, Chau Inh, Nèang Phe, Chau Quê, Nang Ny. Thông qua những cộng sự này, Tim Sa Khorn luôn tìm cách kích động, lôi kéo đối tượng nội địa gây ra 4 vụ tụ tập đông người kéo đi khiếu kiện ở trung tâm tỉnh lỵ An Giang, Cần Thơ và TP HCM.
Một người dân địa phương từng dại dột nghe theo lời của Tim Sa Khorn kể, chính mắt anh ta chứng kiến việc bà Phe nhận tiền của Thạch Bình (người được phân công phụ trách địa bàn Sóc Trăng - PV) mang về Việt Nam giao cho Chau Sơn 100 USD, Nèang De 100 USD, Chau Inh 100 USD và Nèang Phe 50 USD. Tim Sa Khorn xác nhận, chính anh ta và những người vừa kể đã xúi giục, kích động bà con đi khiếu kiện đông người và "quậy" ở UBND xã An Cư, huyện Tịnh Biên. Để lên dây cót, gây ngộ nhận cho nhiều người, Tim Sa Khorn làm theo lời "chỉ dẫn" từ các đối tượng, tổ chức phản động bên ngoài.
Sau khi Tim Sa Khorn bị bắt, tay chân của anh ta cũng bị lật mặt. Chau Inh và Nèang Phe đã thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật như nhận tiền, nhận tạp chí và đĩa VCD có nội dung phản động, tham gia kích động tụ tập đông người để đi biểu tình, khiếu kiện. Cả hai đều đã đọc tờ thú nhận tội lỗi của mình. UBND xã An Cư ngay sau đó cũng có các văn bản thông báo hành vi vi phạm pháp luật của Tim Sa Khorn và một số đối tượng có liên quan như Chau Inh, Chau Sơn, Nèang De, Nèang Phe, Hùynh Út, Chau Hên… để quần chúng biết.
Cũng cần thông tin thêm, trước khi Tim Sa Khorn bị bắt giữ, ngày 16/6/2007, ông Nuôn Nghet - Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Phật giáo Campuchia đã có Văn bản số 502/07-ĐN gửi Đại tăng thống Tep Vông - Vua sãi Vương quốc Campuchia. Văn bản có đoạn viết: "Tùy kheo Tim Sa Khorn có hành động sai trái vi phạm giáo luật, gây chia rẽ tình đoàn kết dân tộc và quốc tế, đặc biệt giữa hai nước Campuchia - Việt Nam, đã sử dụng chùa này là Sở Chỉ huy để phục vụ hoạt động tuyên truyền làm ảnh hưởng đến giáo luật cao quý của Phật giáo". Từ nội dung báo cáo vắn tắt này, Chủ tịch Hội đồng trị sự Nuôn Nghet đề nghị cho xuất tu đối với Tim Sa Khorn. Ngày hôm sau, Đại tăng thống Tep Vông đã đồng ý theo đề nghị.
Một điều tra viên kể, lúc mới bị bắt, Tim Sa Khorn tỏ thái độ khai báo quanh co, nhỏ giọt, luôn tìm mọi cách né tránh tội lỗi. Tuy nhiên, sau khi được cán bộ điều tra giải thích về chính sách, pháp luật, về điều kiện được hưởng sự khoan hồng, Tim Sa Khorn đã ăn năn hối cải, khai báo toàn bộ tội lỗi của bản thân; đồng thời khai báo và tố cáo đồng bọn, tố cáo bọn cầm đầu đã lôi kéo, xúi giục anh ta vào con đường phạm tội.
Ngày 5/8/2007, Tim Sa Khorn đã bộc bạch nỗi niềm của mình trên tờ giấy kẻ ngang mà anh ta xin từ cán bộ điều tra rằng: "Vì tôi tin theo lời vận động xúi giục của kẻ xấu bên ngoài mà có tội với Nhà nước Việt Nam. Nay được Chính quyền Việt Nam giáo dục về pháp luật, chủ trương chính sách đối với người dân tộc Khmer và tôn giáo, tôi đã nhận ra đúng sai, thấy được tội của tôi cũng như thấy rõ sự nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước Việt Nam đối với bản thân tôi".
Thông qua giấy trắng, mực đen, Tim Sa Khorn "kêu gọi đến tất cả ông bà, cô chú, anh chị em đừng nghe theo lời vu khống, xúi giục của kẻ xấu bên ngoài làm mất tình đoàn kết giữa hai dân tộc Khmer - Kinh; giữa tôn giáo với chính quyền. Việc kích động, xúi giục cho kéo đông người đi khiếu kiện đòi đất ruộng, vườn là âm mưu của kẻ xấu bên ngoài... Một lần nữa tôi kêu gọi bà con ai có còn giữ tạp chí, đĩa VCD của Liên đoàn KKF có nội dung xấu đem giao nộp cho chính quyền ấp, xã để được sự khoan hồng của Nhà nước như bản thân tôi".
Nói được điều ân hận, kêu gọi nhiều người khác hãy tỉnh táo trước hành vi của kẻ thù nhưng thỉnh thoảng Tim Sa Khorn vẫn tỏ ra rất căng thẳng, thậm chí ngờ vực. Trước ngày ra Tòa, tâm trạng Tim Sa Khorn rối bời do anh ta quá hồi hộp, lo lắng. Suốt mấy đêm liền trước ngày ra Tòa, Tim Sa Khorn tỏ ra khó ngủ vì trong đầu cứ lởn vởn những câu hỏi và ý nghĩ: Tội của mình nghiêm trọng như thế làm sao có thể được Tòa xem xét để áp dụng chính sách khoan hồng? Chắc chắc, mình sẽ bị phạt tù rất nặng. Ra tù rồi, liệu mình còn đủ sức trở về với gia đình, người thân hay không?
Ngày 18/11/2007, sau khi nghe HĐXX của TAND tỉnh An Giang công bố mức án, Tim Sa Khorn thở phào nhẹ nhõm. "Thực tế không như ý nghĩ của mình rồi. Những gì mà các cán bộ điều tra nói rất đúng!" - Khorn thầm nghĩ. Anh ta tự tin hơn và nhìn HĐXX, đặc biệt là những cán bộ Công an thầm nói lời cảm ơn. Bước ra khỏi phòng xét xử, Khorn cảm thấy ân hận vô cùng trước những gì mà anh ta đã gây ra trước đó. Có người ghé vào tai của Khorn khi trên đường anh ta trở lại Trại tạm giam: "Cố gắng cải tạo cho tốt nhé!". Khorn không kịp nhìn mà chỉ biết gật đầu.
Những ngày Tim Sa Khorn chấp hành bản án đầy tính nhân đạo, anh ta lại được đối xử tử tế và ấn tượng. Ngoài những cán bộ quản giáo, thì Ban giám đốc, đại diện một số phòng nghiệp vụ Công an tỉnh An Giang thường xuyên thăm và động viên Tim Sa Khorn. Người thân của Tim Sa Khorn cũng được tạo điều kiện thuận lợi để vào trại.
Một lần có anh em bên Phòng An ninh điều tra ghé thăm, Tim Sa Khorn với khuôn mặt tươi tỉnh, trả lời các câu hỏi của các anh. Tim Sa Khorn luôn tươi cười thoải mái, thể hiện tâm trạng an tâm cải tạo. Một cán bộ hỏi Tim Sa Khorn về mức án 12 tháng tù mà anh ta đang chấp hành, Tim Sa Khorn cười đến nhăn cả mặt: "Tôi mừng quá cán bộ ơi. Vì cứ tưởng sẽ bị nặng lắm! Với mức án này, tôi rất biết ơn Công an, biết ơn Viện Kiểm sát, Tòa án đã khoan hồng, cho tôi một cơ hội trở về với cộng đồng".
Khi được hỏi sau khi ra tù sẽ về đâu sinh sống, Tim Sa Khorn trả lời ngay: "Sẽ trở về quê hương ở Ba Chúc để sinh sống với người cô ruột. Tôi sẽ không đi tu nữa. Nếu có điều kiện, tôi sẽ lấy vợ và làm ruộng, làm rẫy để sống". Còn đối với các ổ nhóm và đồng bọn trước đây, Khorn cam kết "sẽ cắt đứt mọi quan hệ vì thấy rõ bộ mặt thật của bọn họ rồi".
Khi được hỏi về việc giam giữ và đối xử của cán bộ điều tra, của cán bộ quản giáo và của Trại tạm giam, Tim Sa Khorn trả lời rằng được đối xử rất tốt, cán bộ điều tra đã phân tích rõ chính sách pháp luật cho anh ta hiểu từ đó mà an tâm khai báo đúng sự thật, được cho 2 bộ quần áo mới để thay đổi, cho tiền để mua thêm thức ăn. Cán bộ quản giáo đối xử với anh ta rất tốt, các yêu cầu cần thiết đều được đáp ứng đầy đủ, được khám bệnh và cho thuốc, hoàn toàn không có sự ép buộc, đánh đập hay cưỡng bức bất cứ điều gì.
Điều quan trọng nhất là hơn 2 tháng sau khi chấp hành xong bản án tù, Khorn đã làm đúng những gì đã hứa. Qua điện thoại với chúng tôi mới đây, lãnh đạo Công an huyện Tri Tôn cho biết, Khorn đang được hưởng đầy đủ mọi chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào Khmer. Tim Sa Khorn đang phấn đấu thể hiện qua những việc làm thiết thực có ích cho gia đình, cho nơi mà anh ta đã chôn nhau, cắt rốn.
Binh Huyền
1 nhận xét:
KKF la to chuc gi?
Đăng nhận xét