Thứ Ba, 9 tháng 6, 2009

Văn hóa ẩm thực của người Khmer Sóc Trăng


Nguồn: website Sóc Trăng

Điểm đặc trưng của người Khmer là định cư chủ yếu ở vùng nông thôn, trên những giống đất cao mà người Khmer gọi là "đây tuổi". Đó là vùng sản xuất nông nghiệp, với cây lương thực chủ yếu là lúa. Ngày nay, có trên 90% số dân Khmer chuyên sống bằng nông nghiệp, chủ yếu là sản xuất lúa gạo và các loại hoa màu.


Ngày nay, có trên 90% số dân Khmer chuyên sống bằng nông nghiệp, chủ yếu là sản xuất lúa gạo và các loại hoa màu. Các loại nông sản này vừa là nguồn cung cấp lương thực vừa là nguồn thức ăn cho việc chăn nuôi của họ. Từ gạo nếp, họ đã biết chế biến các loại cơm và xay thành bột để làm các loại bánh.

Trước đây, cơm được dọn trên chõng tre, đặt ở nhà bếp. Đàn ông lớn tuổi ngồi xếp bằng, nhỏ tuổi ngồi ở tư thế hai chân xếp thành một góc vuông (đều co lại, một chân sát đệm, một chân dựng lên), phụ nữ thì ngồi xếp "chè he" (hai chân co lại và xếp về một bên cho kín đáo). Ăn, người Khơ-me cũng dùng đũa như người Việt, người Hoa, nhưng người nào ăn xong, thì hai tay cầm đôi đũa lên ngang trán, xá ba xá biểu thị lòng biết ơn người làm ra vật thực.

Ngoài việc chế biến thức ăn tươi, họ còn luộc chín, phơi khô hoặc làm mắm để dự trữ lâu ngày. Đặc biệt, với người Khmer, mắm vừa là thức ăn vừa là gia vị chính trong chế biến món ăn. Việc làm mắm cũng có nhiều loại, mỗi loại đều có kỹ thuật rất công phu. Ví dụ: Làm mắm "prôchôc", một loại mắm được người Khmer ưa dùng và được dùng gần như hằng bữa.

Cách làm loại mắm này là cá lóc tươi. Sau khi đánh vẩy, mổ bụng lấy ruột ra, rửa sạch nhớt, nhưng phải đem ngâm nước lạnh một đêm cho cá sình lên, biến chất không có máu, rồi rớt ra, đem phơi nắng cho ráo nước; lúc bấy giờ mới ướp muối, trộn với cơm nguội, cho vào hũ, khạp, đổ nước muối nấu để nguội cho ngập cá rồi dằn mo cau lên trên và lấy thanh tre xiềng thật chặt đừng cho cá nổi lên và đem phơi nắng khoảng nửa tháng. Sau 6 tháng thì dùng được, nhưng để càng lâu càng ngon. Trước khi đem ra dùng, người ta mang thính trộn vào. Mắm màu tái, mùi khẳng, vị mặn gấp... tất cả đều cảm giác mạnh kích thích. Mắm prôhôc để lâu (một năm trở lên) ăn sống, kèm với khế, chuối chát, rau sống; hoặc bầm với xả ớt, ăn với cơm nguội; rất ngon. Loại mắm này, nếu được làm bằng cá trê vàng, gọi là "Prôchôc ôp", trở thành món ăn nổi tiếng Sóc Trăng. Người Khmer còn chế biến một loại mắm chua gọi "prôot", làm bằng tép mồng, một loại tép rất dễ kiếm ở đồng ruộng, khi trộn với đu đủ, riềng hoặc gừng non sau vài ngày thì ăn được. Cá lốc, cá trê nướng mà chấm với mắm này thì "ăn ngon hết chổ chê".

Ngoài việc sử dụng gia vị như hành, ớt, tiêu, tỏi, người Khmer hay dùng mắm prôhôc làm gia vị chính để nêm nếm, đặc biệt là các món ăn "samlo" (canh), nước lèo. Bây giờ, bún nước lèo Sóc Trăng đã lan rộng trong và ngoài tỉnh, đã xuất hiện trong giai thoại làng văn nghệ, đã trở thành sự nhắc nhở thân tình và bạn bè gần xa; "nhứ ghé Sóc Trăng ăn bún nước lèo và mang về quà mắm ốp Phú Tâm (huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng).

Bên cạnh làng nghề trồng lúa, người Khmer huyện Vĩnh Châu rất nổi tiếng về trồng củ cải và làm cải muối mà họ thường gọi là "chhay pâu", được người trong và ngoài tỉnh đến đặt hàng.

Với loại thực phẩm trên, bữa cơm hằng ngày của người Khmer là cơm, canh, rau, nhưng vào mùa vụ đông ken, bữa ăn của họ rất sơ sài: chỉ một tô prôhôc chưng dưa leo, hoặc cọng bông súng hay bông lục bình... hoặc một đĩa prôhôc bầm xả ớt, gói ăn theo. Nhưng ở buổi tiệc tùng, đám phước, đám giỗ, tết cổ truyền, họ tổ chức ăn uống đãi khách, giống như người Việt, người Hoa, những món ăn hằng ngày, họ không bao giờ đem ra đãi khách, vì họ cho là thiếu tôn trọng. Thức ăn chế biến trong dịp này là thịt gia súc, gia cầm tự sản xuất hoặc mua, với nhiều món ăn khá phong phú, như: cù lao, càri, thịt kho nước dừa, bún nước lèo...

Từ gạo nếp, người Khmer còn chế biến nhiều loại bánh mặn, bánh ngọt, như bánh tét, bánh ít, bánh tổ chim... đặc biệt là loại bánh mang tính đặc thù của văn hóa dân tộc, như bánh gừng, cốm dẹp. Bánh gừng là loại bánh được chế biến từ bột nếp với hột gà, có hình dáng giống như củ gừng, nên người ta gọi đó là bánh gừng (num khnhây). Sau khi được chiên với mỡ đã chín, họ còn rắc lên bánh một lớp đường cát trắng lấp lánh, trông rất đẹp. Bánh này là lễ vật không thể thiếu trong các lễ cưới truyền thống Khmer, biểu trưng cho hạnh phúc của lứa đôi. Người ta cũng có thể làm bánh này loại nhỏ dùng làm quà cáp hoặc đãi khách.

Cốm đẹp được làm từ nếp rang, đâm dẹp, nhưng phải là nếp mới nghĩa là nếp mới chín đỏ đuôi, mới cắt từ cánh đồng mang về. Dụng cụ chính là một nồi đất to, miệng rộng, một chiếc cối bồng. Cối này có dáng thon đứng, được khoét lồng từ một khúc gỗ, chiều cao khoảng 1m và đâm bằng chày đứng. Khi nếp được rang chín đều, có tiếng nổ lách tách, tức là ruột nếp đã chín, nổ pháp tung vỏ ra, người ta bưng nguyên mẻ đổ vào cối để giã, thường là giã đôi: một người, một tay cầm chảy, một tay cầm cây gạt, trộn cho nếp nổi lên đều. Do nếp còn tươi nên thoạt đầu bị giã, hạt nếp bẹp ra dính từng đề. Và cứ như thế, người ta giã cho đến khi hạt nếp khô lên, rời rã; họ sẽ đổ ra nia. dùng sàng sẩy bỏ trấu trắng đục, điểm lác đác những hạt màu xanh. Cơm đẹp trộn với đường, dừa ăn thơm ngon, hoặc ăn với chuối chín muồi. Nó là lễ vật không thể thiếu trong lễ hội Oc-om-bôc, cúng Trăng. Ngày nay, vào dịp lễ hội Oc-om-bôc, khách mới về Sóc Trăng dự Hội đua ghe ngo, được Ban tổ chức tặng một gói quà lưu niệm có ý nghĩa: đó là cơm dẹp (Om-bôc), trộn sẵn với đường, dừa.

Thức uống của người Khmer Sóc Trăng phổ biến là nước mưa chứa vào lu, tích lại trong mùa mưa, dùng để uống cả năm; hoặc nước trà dùng cho người già và để tiếp khách trong các lễ lộc, tiệc tùng, đãi khách, người Khmer thường dùng rượu trắng hoặc rượu ngâm thuốc, được nấu từ gạo; nhưng rượu không được dùng trong chùa, vì đây là điều giới cấm.

Người Khmer vốn có trí thông minh rất nhạy cảm trong việc tiếp thu cái mới, mọi cách làm ăn, mọi hình thái văn hóa của các dân tộc anh em; song, do hạn chế về trình độ, họ tiếp thu một cách không ồ ạt không chọn lọc, nên dễ chịu ảnh hưởng nền văn hóa của các dân tộc anh em: một số thanh niên hiện nay quên cả tiếng nói và thuần phong mỹ tục của dân tộc mình, thậm chí đàn bà con gái không còn mặc áo "bom-pong" hay "xa-rong", một loại áo truyền thống dân tộc. Nếu phải mặc như vậy, họ cảm thấy xấu hổ. Cũng tương tự như thế, trong ăn uống, họ cũng cảm thấy xấu hổ mỗi khi người anh em dân tộc khác nói: "Anh ăn prôhốc", vị họ nghĩ rằng, người ấy nói họ ăn đồ "dơ dáy bẩn thỉu". Thật là có lý khi ai đó cho rằng: "hình dáng, hương vị của những món ăn dân tộc, gợi cho ta nhớ về cội nguồn, về quê hương xứ sở".

Lối sống biến đổi theo lịch sử và hệ thống dinh dưỡng của các dân tộc khác nhau được quy định, không chỉ bởi các điều kiện địa lý, truyền thống của dân tộc mà về mặt xã hội. Còn bởi mức độ phát triển sản xuất. Với tinh thần nghị quyết Trung ương khóa 5 về "xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà văn hóa ẩm thực của người Khmer Sóc Trăng có nhiều điều kiện được bảo tồn và phát triển.

Bánh Ống Sóc Trăng



SGTT - Bánh ống là loại bánh dân dã của bà con người dân tộc Khmer. Tuy nó không phổ biến lắm nhưng đây cũng là loại bánh ăn chơi ngon, rẻ mà lớp trẻ con rất thích

Cái ống tre làm khuôn được cưa ngang một khúc dài cỡ 20cm. Ở giữa có que nhú lên gắn vào đồng xu cạo gió làm đáy khuôn. Ngày nay, ít ai xài bằng ống tre mà người ta chỉ làm bằng nhôm cho giản tiện. Đặt ống thẳng đứng trên nắp nồi, ở trong nồi có chứa nước. Bột gạo xay nát, tơi nhỏ và mịn trộn với đường, nước cốt dừa…

Cho bột vào ống tre giống như chưng cách thuỷ. Để chừng hai phút là bánh đã chín. Khi bánh chín kéo chiếc que và đưa nhẹ chiếc bánh đặt lên miếng lá chuối. Mùi thơm của nước dừa ngào ngạt, hương lá dứa bay thoang thoảng. Bởi vậy, có nơi người ta còn gọi là bánh lá dứa vì có mùi lá dứa. Bánh ống ăn kèm với chút dừa nạo, trên rải một ít muối mè trắng hoặc đậu phộng đâm nhỏ.

Bánh ống tròn dài, trắng tinh mềm và xốp. Có người lại trộn phẩm màu xanh vào bột, nhưng ăn không tốt. Bánh vừa mới đem ra phải ăn nóng mới ngon và thưởng thức được hết cái đậm đà của nó. Ai ăn lần đầu bánh ống đều có cảm giác như ăn bánh bò bông, có thể do chúng đều làm bằng bột gạo dù cách chế biến có khác nhau. Đối với những đứa trẻ con ở quê ngày trước, được ăn những cái bánh đơn sơ như vậy đã là ngon lắm.

Mỗi chiếc bánh ống ngày nay giá chỉ có một ngàn đồng. Đó là món quà quê rẻ tiền mà trẻ con nào cũng thích. Ở góc chợ Sóc Trăng, có chị Sơn Thị Nga bán bánh ống. Nơi cái góc nhỏ của ngôi chợ này, chị đã ngồi đây vào mỗi buổi sáng hơn mười năm qua. Trừ hết sở phí mỗi ngày cũng kiếm được vài chục ngàn đồng.

Bánh ống là một trong số ít bánh có sức lan toả vượt ra khỏi cộng đồng bà con người Khmer. Nó không chỉ quen thuộc trong các phum sóc mà còn tiến dần ra phố chợ.

Tuấn Ba

Rô băm – Loại hình nghệ thuật độc đáo của người Khmer ở Kiên Giang


Hoạt cảnh mừng Tết CholChnamThmây của Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Kiên Giang - Ảnh: BCB
“Là loại kịch múa cổ điển sân khấu cung đình của người Khmer xưa đã đạt đến một trình độ nghệ thuật rực rỡ. Có thể liên tưởng Rô băm của người Khmer với nghệ thuật hát Tuồng của người Kinh: tinh tuý đấy nhưng số công chúng có mỹ cảm và trình độ thưởng thức không nhiều…”

Rô băm là gì?

Theo ông Đào Chuông –Trưởng đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Kiên Giang thì: “Rô băm còn gọi “Rom Rô băm” là loại kịch múa cổ điển sân khấu cung đình của người Khmer xưa đã đạt đến một trình độ nghệ thuật rực rỡ. Có thể liên tưởng Rôbăm của người Khmer với nghệ thuật hát Tuồng của người Kinh: tinh tuý đấy nhưng số công chúng có mỹ cảm và trình độ thưởng thức không nhiều. Nếu Dù-kê có thể truyền tải những vấn đề của cuộc sống đương đại thì Rô băm chuyên về diễn tả những “chuyện xưa tích cũ”.

Các diễn viên Đoàn Nghệ thuật Rô băm tỉnh Trà Vinh - Ảnh: BCB

Các nghệ sĩ múa chuyên nghiệp biểu diễn những động tác và tư thế của đôi bàn tay, trong tư thế phối hợp nhịp nhàng, uyển chuyển, uốn cong của toàn thân. Người xem cảm thấy bâng khuâng, thương nhớ các nàng Apsara (vũ nữ thiên đình) mà hình ảnh tuyệt vời còn lung linh trên mặt đá; với sức mạnh khái quát thể hiện tính chất trang nghiêm sùng kính của truyền thống tôn giáo và cung đình từ thời xa xưa… thể hiện ý tình sâu kín nhất của các nhân vật. Muốn đạt được trình độ đó, nhiều nghệ sỹ phải trải qua nhiều năm rèn luyện.

Sân khấu Rô băm ngoài động tác múa, còn dùng lời nói, lời hát để giải thích các tình tiết, sự kiện, hành động của diễn viên. Nội dung thường là tích cổ như vở Riêm kê trích từ anh hùng ca Ấn độ Ramayana… Nhân vật trở thành mẫu người lý tưởng của người Khmer như nàng Sêđa xinh đẹp thuỷ chung, hoàng tử Rama tài giỏi nhưng gặp nhiều chuyện gian truân, khổ ải. Khỉ thần Hanuman có nhiều pháp thuật cao cường… Các vở khác như Ra Ta Na Vông, Linh Thôn… cũng đều đượm tinh thần Phật giáo “Ở hiền gặp lành”, làm việc ác ắt phải đền tội.

Anh Thạch Nô diễn viên Đoàn nghệ Nhuật Khmer Kiên Giang kể lại: “Trước đây khi Đoàn còn dựng vở tôi chuyên đóng vai Chằn. Trong vở diễn Rô băm thường có hai tuyến nhân vật vua, hoàng tử, công chúa… không mang mặt nạ. Và ngược lại những nhân vật mang mặt nạ gồm nhiều loại, nhưng nổi bật nhất là vai chằn – Yeak- đại diện cho phái ác. Ngoài ra, trong vở diễn Rô băm cũng thường có vai hề xuất hiện để gây cười làm vui nhộn sân khấu”.

Âm nhạc Rô băm ngoài phần hát còn có nhạc đệm gồm trống “Cồn” và kèn Slayrom. Đây là dàn nhạc chủ yếu gây không khí cổ động cho đêm diễn và đệm múa, có âm lượng lớn, diễn tấu như: trống thúc mạnh mẽ trong những màn chiến đấu, khi khóc than thì cất lên tiếng kèn nghe thật ai oán….

Theo các nghệ nhân thì Rô băm xưa kia thường biểu diễn ngay dưới đất, có rải rơm lên trên, ánh sáng đốt bằng dầu mù u. Ngày nay sân khấu được dựng trên bục cao cho khán giả dễ coi, ánh sáng được thay bằng điện. Đạo cụ cho diễn viên được trang bị khá hơn. Phông màn thường vẽ cung vua hay cảnh rừng già. Phía trước có kê một cái bàn con với ít ghế nhỏ. Màn chỉ được kéo lên một lần trong suốt vở diễn. Mỗi khi chuyển cảnh “ông Bầu” giới thiệu qua cảnh tiếp để người xem dễ theo dõi.

Một thời vàng son

Thời hoàng kim của đoàn Rô băm vào những năm thập niên 60 của thế kỷ XX. Hàng năm các đoàn nghệ thuật Rô băm thường đi lưu diễn ở đám làm phước, các chùa. Đoàn đi diễn đến đâu đều được bà con Khmer địa phương “hậu đãi” lo nơi ăn chốn ở đàng hoàng. Các diễn viên hết lòng đem tài năng nghệ thuật ra phục vụ công chúng. Nhiều đêm diễn trăng sáng, mưa trái mùa lâm râm, tiếng ếch nhái oang oang khắp đồng và nhảy loạn xạ trên sân cỏ nhưng bà con vẫn nhiệt tình, chăm chú, say mê xem đoàn diễn hết đêm này đến đêm khác. Được biết, trong quá trình phát triển, nghệ thuật Rô băm hình thành nhiều lớp nghệ sỹ, nhiều người đã qua đời nhưng họ vẫn còn được người đương thời nhắc tới và ngưỡng mộ tài năng.

Nỗi lo thất truyền

Chúng tôi trở lại thăm gia đình ông Đào Chuông - Trưởng đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Kiên Giang. Trong căn hộ tập thể cấp bốn đơn sơ, song ấm cúng và rất giàu truyền thống văn hoá này, chúng tôi bắt gặp nhiều loại mặt nạ: chằn, khỉ, nai, ngựa, mão vua… do ông sáng tạo nên. Nhưng đã từ lâu nó trở thành vật lưu niệm chứ không còn được sử dụng nữa.

Mặc dù rất tâm huyết với nghệ thuật Rô băm nhưng ông rất buồn thừa nhận: Đã mấy năm nay Đoàn Nghệ thuật Khmer Kiên Giang không còn dàn dựng và công diễn được một trích đoạn Rô băm nào. Lý do không phải chỉ là vấn đề kinh phí khó khăn. Hiện Đoàn tập trung vào hai loại hình nghệ thuật là Ca- múa-nhạc và Dù –kê. Hơn nữa đầu tư dàn dựng vô cùng công phu. Lớp nghệ nhân điêu luyện ngày càng hiếm vắng. Còn lớp trẻ ngày nay lại ít mặn mà với Rô băm bởi việc truyền dạy và ý thức kế thừa thứ nghệ thuật cổ truyền này đã không được chú ý đúng mức trong nhiều năm qua. Mà trong việc tuyển chọn diễn viên Rô băm tiêu chuẩn đầu tiên lựa chọn là dựa vào sự ham thích và năng khiếu, rồi mới qua thực tế với sự hướng dẫn của lớp nghệ nhân già. Những nghệ sỹ này cũng chỉ là những nông dân. Sau những đêm biểu diễn, họ lại về làm ruộng rẫy… Ở một đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp hay nói rộng ra là lĩnh vực quản lý Nhà nước, Rô băm bị “đối xử” như vậy còn trong dân gian thì sao? Liệu Rô băm có bị thất truyền?

Đem nỗi trăn trở này, chúng tôi tìm về Chùa Rạch Tìa xã Định An - huyện Gò Quao nơi được coi là chiếc nôi nuôi dưỡng nghệ thuật Rô băm của đồng bào Khmer ở tỉnh Kiên Giang. Vị đại đức trụ trì chùa cho biết: “Đã nhiều năm nay chùa không còn tổ chức diễn Rô băm vào những dịp tết lễ như trước. Lý do là những nghệ nhân già thì thưa thớt dần còn lớp trẻ biết Rô băm thì không có”.

Thay cho lời kết

Rô băm là một bộ môn nghệ thuật thuộc di sản văn hóa của đồng bào Khmer. Mặc dù Rô băm hiện nay chỉ còn được người lớn ưa thích, vì lớp trẻ chỉ thích Dù kê bởi hình thức này linh hoạt, gần gũi, gây xúc động cho khán giả hơn, nhưng người Khmer vẫn nuôi dưỡng, bảo tồn Rô băm là môn nghệ thuật truyền thống quý giá của dân tộc. Thiết nghĩ Nhà nước cần quan tâm hỗ trợ nhiều hơn nữa cho loại hình nghệ thuật này. Cụ thể là Sở Văn hoá –Thông tin, Ban dân tộc, Hội Văn học Nghệ thuật, Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Kiên Giang là những đơn vị có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo và thực hiện việc sưu tầm, đào tạo một lớp diễn viên trẻ hát hay, múa dẻo làm sao bảo tồn và phổ biến cho bằng được môn nghệ thuật quí giá này.

Ở cấp huyện, xã, phum sóc…. nếu có điều kiện chính quyền nên khuyến khích thành lập các đoàn Rô băm quần chúng giao lưu rộng rãi. Trong xu thế đời sống văn nghệ hiện nay, một khi công chúng trong nước vượt qua những làn sóng thời thượng nhất thời, Rô băm rồi sẽ tìm lại được khán giả của nó. Rô băm không “chết” và có lẽ cũng chẳng cần hoá thân vào các loại hình sân khấu khác bởi tự thân nó vốn có đầy đủ giá trị nghệ thuật mang đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc truyền thống của người Khmer Nam bộ.

Bùi Công Ba

Lễ Đôl Ta – Nét đẹp của lòng hiếu thảo, tri ân


Múa truyền thống của người Khmer Nam bộ - Ảnh: Công Ba
Trong đời sống tâm linh của người Kinh theo đạo Phật có lễ Vu Lan diễn ra vào rằm tháng 7 âl hàng năm, được xem là “mùa báo hiếu”- nét đẹp về lòng, tri ân, hiếu thảo của con cái với đấng sinh thành. Cũng mang nét đẹp đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống, đồng bào dân tộc Khmer có lễ Đôl ta - lễ cúng ông bà tổ tiên, là một trong những lễ lớn trong năm - diễn ra trong 3 ngày, từ 29-8 đến 1-9 âl.

Theo truyền tích xưa, người Khmer chọn thời điểm này để tổ chức lễ Đôl ta, vì đây là lúc vụ mùa cày cấy vừa xong, tiết thu mát mẻ, trời đẹp. Mọi người nghỉ ngơi lấy lại sức sau những tháng ngày làm lụng cực nhọc. Lúc ấy, ngoài đồng văng vẳng tiếng chim kêu. Người Khmer gọi đó là “Satt đôn ta” (chim tổ tiên) báo hiệu cho mọi nhà chuẩn bị cho lễ Đôl ta. Vừa xong mùa vụ, khí hậu mát mẻ, nhìn đồng ruộng xanh tốt, lòng người phơi phới, dặn nhau: phải chuẩn bị tốt cho ngày lễ Đôl ta - cúng ông bà tổ tiên thật chu đáo, vui vẻ và ý nghĩa. Lễ Đôl ta nhằm 4 mục đích: nhớ đến ông bà, cha mẹ, họ hàng; tập trung anh em, con cháu trong gia đình lại để biếu quần áo, bánh trái cho những người có công ơn còn đang sống và làm lễ cầu phước cho người quá cố; đoàn kết giữa những người trong phum sóc với nhau; tổ chức liên hoan vui chơi, gắn bó họ hàng, bè bạn thân thích, tình làng xóm để giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.

Trong 3 ngày diễn ra lễ Đôl ta được tổ chức cụ thể: ngày thứ nhất, mỗi gia đình dọn dẹp bàn thờ tổ tiên, trải chiếu, để mùng mền, gối mới lên giường rồi để sẵn một bộ áo quần mới, chư chuẩn bị cho ông bà đi xa mới về nhà. Chuẩn bị các thứ này xong, họ bày bánh, trà và dọn một mâm cơm để 4 cái chén, đốt nhang, đèn rồi mời họ hàng, bà con lối xóm lân cận đến cùng cúng. Sau khi rót 3 lần rượu, trà cúng, những người đứng cúng gắp thức ăn để vào chén, đổ trà rượu vào rồi đem ra sân đổ cạnh hàng rào, mời “ma quỷ” đưa ông bà họ về nhà ăn và ở lại suốt 3 ngày cúng, để đưa giúp ông bà tổ tiên họ trở lại nơi cũ. Buổi sáng gọi là “cúng tiếp đón”. Buổi chiều, họ lại cúng linh hồn ông bà, tắm rửa, thay quần áo mới rồi mời linh hồn ông bà cùng đi vào chùa nghe sư sãi tụng kinh lấy phước, và đi xem hát múa vui chơi cho thoả thích. Những ngày này, trong tình cảm của con cháu, ông bà, tổ tiên họ như hiện diện bên con cháu, nên ai cũng phấn chấn.

Ngày cúng thứ 2, sau một ngày đêm và 1 ngày ở chùa, đến chiều họ lại đưa linh hồn người quá cố về nhà. Họ cũng làm cơm cúng và mời ông bà ở lại chơi với con cháu thêm 1 đêm nữa. Ngày thứ 3 là ngày cúng cuối cùng, mỗi gia đình lại dọn lễ vật như ngày đầu tiên và cũng mời họ hàng, lối xóm đến dự, gọi là “cúng đưa”. Khi làm các thủ tục cúng như ngày đầu, họ bới cơm, gắp thức ăn vào chén, rồi đổ vào thuyền, tàu buồm họ làm bằng bẹ chuối, mo cau để tiễn ông bà về nơi cũ. Thức ăn này họ chuẩn bị cho ông bà đi đường. Trên tàu họ treo cờ phướn hình tam giác, khắc hình cá sấu, tắc kè ở đầu và đuôi tàu để tránh tai nạn dọc đường. Họ còn để thêm bánh trái, lúa, muối, đậu, mè để ông bà và “người” đưa đường ăn được lâu.

Xong xuôi, họ đem chiếc thuyền này thả trên sông, hoặc rạch gần nhà. Sau khi đưa tàu đi, họ tiếp tục mời anh em trong gia đình, bà con lối xóm dùng cơm. Bữa cơm thân mật có xen ca hát, tạo không khí vui vẻ, có nhà mời ông lục đến tụng kinh tạo phần long trọng, kéo dài đến chiều hoặc tối kết thúc 3 ngày lễ Đôl ta. Ngày nay, trong mối quan hệ xã hội rộng rãi, đoàn kết lâu bền giữa 3 dân tộc Kinh- Khmer- Hoa, lễ Đôn ta của đồng bào dân tộc Khmer anh em, đồng bào Kinh, Hoa trong các xóm, ấp, phum, sóc lân cận cũng được mời đến chung vui, càng thắt chặt thêm tình làng, nghĩa xóm trong tinh thần toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Lễ Đôl ta như lễ Vu lan đều được xem là nét đẹp về lòng hiếu thảo, tri ân của con cháu với ông bà, cha mẹ đang sống và đã mất.

Thanh Xuân

Âm nhạc truyền thống trong đồng bào dân tộc Khmer U Minh Thượng


Sinh hoạt văn hóa, lễ hội người Khmer Nam bộ - Ảnh: BCB
Như khúc tình ca về mùa xuân ấm áp tình người, tết Chôl Chnăm Thmây mang ý nghĩa “vào năm mới” hay còn gọi là lễ chịu tuổi, là lễ lớn nhất trong năm của người Khmer. Vào dịp này, mọi người lên chùa lễ phật, trang phục và đồ trang sức rực rỡ hơn thường ngày. Nét đặc sắc trong văn hóa dân tộc Khmer thể hiện qua phong tục, tập quán, nghi lễ, ngôn ngữ… mà âm nhạc chính là món ăn tinh thần không thể thiếu, góp phần tạo nên vẻ đẹp độc đáo trong văn hóa truyền thống của người Khmer Nam bộ.

Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2009 của đồng bào dân tộc Khmer ở U Minh Thượng khác hơn mọi năm. Lúa trúng mùa, nông dân làm ra sản phẩm bán được giá nên ăn tết có phần sung túc hơn. Bên cạnh đó, được sự quan tâm của Đảng bộ huyện, Phòng Văn hóa và Thông tin kết hợp cùng Ban quản trị Chùa Xẻo Cạn và UBND xã Thạnh Yên tổ chức chương trình giao lưu văn nghệ, tạo nên làn sóng âm nhạc với những loại hình phong phú của dân ca trữ tình sâu lắng, thể hiện tình yêu thiên nhiên, tình yêu đôi lứa, tình yêu lao động, tình yêu phum sóc, tình yêu quê hương, tình yêu đất nước và những bài hát về mùa xuân...

Tưng bừng trong điệu múa lâm thôn - Ảnh: Hồng Diễm
Trong làn gió mơn man của mùa xuân, lòng người dường như được sưởi ấm và bừng lên niềm vui. Các thế hệ, từ già đến trẻ cùng hòa chung điệu nhạc, hát những bài hát yêu thích như: Ol ơi ôl srây, ô ca la hong, com nức kê ây, ka keo, khechec Chôl Chnăm Thmây, Oi Squai Chanh ty… và tươi cười trong điệu múa lâm liêu, saraval. Các cô gái Khmer ở U Minh hồng hào nét mặt, xúng xính trong trang phục xà rông có đính chuỗi hạt cườm ở cạp, áo tầ vông dệt bằng tơ tằm, sợi bông hay chỉ kim tuyến với các loại hoa văn khác nhau mà màu trắng hoặc màu vàng là chủ đạo. Màu vàng được ưa dùng vì nó gợi không khí hội hè, chiếc khăn “sbay”, một loại khăn lụa xanh mềm mại cuốn chéo từ vai trái xuống sườn phải góp phần tạo nên tính nhạc thật uyển chuyển trong điệu rom-vong tình tứ, hay còn gọi chung là múa lâm thôn.

Khi tiếng trống, nhạc vang lên, từng đôi nam – nữ, già trẻ cùng uyển chuyển bước ra sân, hòa mình vào điệu múa tập thể. Nữ lượn 2 cánh tay ra trước ngực, nam dang rộng cánh tay như để che chở cho người bạn múa. Múa lâm thôn, động tác khá đơn giản chỉ cần nhìn một chút là có thể múa theo được. Tuy vậy, phải tuân theo một số qui tắc nhất định như: người ít tuổi, địa vị thấp hơn sẽ ra múa trước, sau đó mới tiến đến mời các vị quan khách, người cao tuổi ra múa giao lưu. Đội hình múa di chuyển càng nhiều vòng, thế là cả người Khmer và các vị khách mời người Kinh, người Hoa cùng nhau vui vẻ, động tác múa càng nhanh hơn theo nhịp trống. Khi trống ngừng, mọi người cùng dừng lại chấp tay chào nhau rồi trở về vị trí cũ. Dịp này, những chàng trai, cô gái cũng tập trung tại sân bãi nào đó trong phum, sóc hẹn hò, tìm hiểu:

“Anh quăng chlung tới

Chlung tung lên trời

Duyên em sáng ngời

Đón lấy chlung anh…”

“… vì con bướm rừng sẽ đến với em

Vì có chàng trai tốt sẽ tới với em

Như nước về với giếng…”

Văn hóa âm nhạc của người Khmer hiện diện ở mọi nơi, trong tất cả ngày thường. Khi có điều kiện, những giai điệu nhạc vui tươi lại vang lên một cách mạnh mẽ trong mỗi con người Khmer. Anh Danh Bảy, ấp Xẻo Lùn A, xã Thạnh Yên (U Minh Thượng) bộc bạch: “Từ trước đến giờ chưa năm nào tui được ăn tết vui như vầy. Nhờ có chương trình giao lưu văn nghệ mà tui được múa, được hát một cách thỏa thích trước đám đông, thật tình vui quá là vui”. Còn bà Danh Ên ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang xuống ăn tết tại Chùa Xẻo Cạn, Thạnh Yên A (U Minh Thượng), miệng vừa nhai trầu vừa phấn khởi tâm sự: “Năm nay, tui xuống đây ăn tết, thấy vui quá trời luôn. Tết Chôl Chnăm Thmây mà người Việt nhiệt tình lắm. Họ giúp làm đủ thứ, họ nói chuyện cũng vui lắm”. Đáp lại sự quan tâm, của người Việt, nhất là sự quan tâm của Đảng bộ huyện U Minh Thượng, Sư Khỏe- chủ trì Chùa Xẻo Cạn (U Minh Thượng) nói: “Thay mặt đồng bào phật tử Khmer ở U Minh Thượng, tui xin cảm ơn những tình cảm chân thành của đông bào Việt, xin chân thành cảm ơn Đảng bộ huyện đã tạo mọi điều kiện cho đồng bào dân tộc Khmer chúng tôi có được cái tết vui vẻ và ấm áp nghĩa tình”.

Chính tiếng nhạc và lời ca trong đêm giao lưu văn nghệ đã thể hiện và kế thừa một cách sâu sắc tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của các dân tộc anh em trên địa bàn huyện. Nó vừa mang cái chung của cộng đồng các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer vừa mang nét riêng của đồng bào dân tộc Khmer ở U Minh Thượng. Tin rằng, với những giá trị truyền thống quý báu đó, U Minh Thượng sẽ ngày càng phát triển và phồn vinh hơn nữa.

Hồng Diễm