Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2008

Chùa- trái tim của đồng bào Khmer

Chùa- trái tim của đồng bào Khmer

Một năm người Khmer có tới 8 lần ăn Tết và tất cả các Tết của người Khmer đều diễn tại chùa. Với đồng bào dân tộc Khmer, chùa là nét đặc trưng vừa đại diện cho tôn giáo vừa đại diện cho dân tộc, là trung tâm để phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của người Khmer…
Đến đồng bằng sông Cửu Long, thấp thoáng trong những bóng dừa, vườn cây hoa trái xanh mướt là những nóc chùa tháp Khmer rực rỡ. Nhà của người Khmer có thể đơn sơ nhưng ngôi chùa thì phải rực rỡ. Đây cũng chính là đặc điểm nổi bật của một ngôi chùa Khmer. Rực rỡ nhưng phải trang nghiêm. Thượng toạ Lý Hùng, trụ trì chùa Pitu-khôsa-răngsây tại thành phố Cần Thơ cho biết: “Chùa Khmer là nơi để sinh hoạt, gìn giữ các phong tục tập quán gắn với sinh hoạt của lễ nghi phật giáo. Tuỳ theo sự giàu nghèo của từng phum-sóc người Khmer mà ngôi chùa có thể to hay nhỏ. Vì thế, nếu nơi nào ngôi chùa được khang trang, trùng tu hưng thịnh thì nói lên rằng đời sống của đồng bào dân tộc Khmer ở đó có cuộc sống khấm khá, tịnh tài tịnh vật…”.

Theo ông Nguyễn Thành Tâm, phó ban Tôn giáo – Dân tộc Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Cần Thơ: Hội phật giáo Nam Tông Khmer ở Cần Thơ có 12 ngôi chùa, số lượng đồng bào Khmer không đông nhưng hoạt động thì rất sôi nổi bởi tất cả các sinh hoạt văn hoá của người Khmer đều diễn ra ở chùa do đó ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của đồng bào Khmer Nam Bộ. Mặt khác vai trò của các vị sư cả, các vị A cha, trụ trì chùa cũng rất là quan trọng trong việc lãnh đạo, hướng dẫn, giúp đỡ bà con không chỉ ở cuộc sống tâm linh mà còn đảm bảo được đời sống vật chất cho bà con.

Chùa Pitu-khôsa-răngsây

Một năm người Khmer có tới 8 lần ăn tết và tất cả các Tết của người Khmer đều diễn tại chùa. Tết Chol-chơ-nam thơ-may là Tết chính, còn gọi là Tết vào năm mới theo lịch Khmer (khoảng trung tuần tháng 4 dương lịch) diễn ra trong 3 ngày. Ngày thứ nhất lễ phật tại chùa, rồi rước cuốn lịch lớn từ chùa vào xóm. Buổi chiều làm lễ đắp núi cát. Đây là buổi lễ được nhiều người tham gia nhất, họ quan niệm, mỗi hạt cát giải thoát một kẻ tội lỗi của trần gian. Đến giao thừa, làm lễ tiễn năm cũ, đón tiên năm mới xuống trần, dân phum-sóc tụ tập trong chùa nghe kể về cuộc đời của đức phật. Ngày thứ hai, người dân Khmer đem nước hoa đến tắm phật tại điện chính, tưới nước lên các nhà sư… Ngày thứ 3, nhà chùa làm lễ cầu siêu cho những người đã chết, cầu bình an cho người sống.

Đua ghe ngo trong lễ hội Oóc om bóc

Lễ Đôn-ta cúng ông bà vào dịp cuối tháng tám âm lịch. Các gia đình mời sư về nhà tụng kinh rồi mọi người cùng lên chùa… Lễ hội cúng trăng Oóc om bóc được tổ chức bắt đầu bằng một buổi lễ đâm cốm dẹp mừng mùa vụ trong năm kết thúc, báo hiệu những ngày khô ráo đẹp trời đã đến. Sau đó là múa hát vui chơi và bao giờ cũng kết thúc bằng một cuộc đua ghe ngo rất hào hứng vào đúng giờ ngọ khi nước lên trên một khúc sông thẳng, đẹp, dài chừng 1km. Theo ông Lê Phú Khải, một nhà báo chuyên viết về đồng bằng sông Cửu Long: “Điều thú vị là chiếc ghe và dụng cụ của môn thể thao dân tộc độc đáo này đều do các chùa Khmer thiết kế. Chiếc ghe được sơn phết, trạm trổ rực rỡ như một con rồng, có sức chở 52 chàng trai khoẻ mạnh trên thân nó để đua tài, lướt sóng trên sông”.
Tượng Phật trên chánh điện

Người Khmer theo đạo phật, họ tin ở kiếp sau. Thanh niên Khmer lớn lên hầu hết đều có thời gian phải đi tu tại chùa để báo hiếu. Họ vào chùa để học đạo, học chữ (chữ Khmer và chữ phổ thông). Người Khmer quan niệm có tu mới nên người.
Màu áo của các sư sãi thuộc phái Nam Tông Khmer là màu vàng, màu cờ phật, màu lúa gạo. Trên áo có đường chỉ viền cắt ngang, tượng trưng cho bờ ruộng. Sư sãi Khmer gắn bó với gia đình và xã hội, họ tham gia mọi hoạt động của xã hội, địa phương, vì thế mà ngôi chùa đã trở thành trung tâm tôn giáo, tư tưởng, văn hoá, xã hội của các phum-sóc Khmer.
Kiến trúc độc đáo của những ngôi chùa Khmer
Kiến trúc của các chùa Phật giáo Nam Tông Khmer đều tuân thủ một quy cách bố cục đồng nhất. Chính điện bao giờ cũng ở trung tâm khuôn viên chùa. Các ngôi chùa muốn xây dựng thì trước tiên phải xây dựng Chính điện, sau đó là Đông lan, Tây lan.
Nóc nhà mái cong, trên tháp hình tam giác đứng nhô lên một tháp cao. Các cột đỡ mái chạy xung quanh đều có đắp hình đại bàng thân người giơ hai tay lên đỡ mái… mỗi đầu mái có đắp hình như con rắn vươn đầu lên trời…
Ngôi chùa mái vút cao, như vươn lên khỏi cuộc đời còn bao vất vả, đó là tất cả niềm hy vọng, niềm vui của đồng bào Khmer đang sinh sống ở đồng bằng sông Cửu Long.
Những ngày này, người Việt đang đón Tết Nguyên đán cổ truyền và tại các chùa chiền Khmer cũng được trang trí trang hoàng để cùng đón Tết với người Việt, người Hoa trong cộng đồng các dân tộc anh em Việt Nam./.

Phật giáo Nam tông Khmertrong bối cảnh thống nhất và hội nhập của Phật giáo VIệt Nam

Phật giáo Nam tông Khmertrong bối cảnh thống nhất và hội nhập của Phật giáo VIệt Nam

Hoà thượng Dương Nhơn
Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự
Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Việt Nam là một quốc gia thống nhất, đa dân tộc. Đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ với dân số hiện nay khoảng 1,3 triệu người là một trong số 54 dân tộc, là cư dân có mặt lâu đời trên vùng đất Nam Bộ. Đồng bào dân tộc Khmer sống tập trung nhất ở các tỉnh, thành phố khu vực miền Tây Nam Bộ, một bộ phận sống ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Người Khmer có tiếng nói và chữ viết khá hoàn chỉnh, có nền văn hoá phong phú và đa dạng.
Phật giáo Nam Tông là tôn giáo chính thống của dân tộc Khmer. Văn hoá của Phật giáo ảnh hưởng nhiều đến đời sống tinh thần và trở thành yếu tố chi phối tư tưởng, tình cảm của cộng đồng dân cư. Ngôi chùa là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, nơi dạy chữ dân tộc, dạy văn hoá và cũng là trung tâm sinh hoạt cộng đồng của đồng bào Khmer. Theo số liệu thống kê gần đây, toàn vùng có 453 chùa với khoảng 10.000 sư sãi, trong đó có 53 Hoà thượng, 60 Thượng toạ và 596 Đại đức. Quản lý, điều hành các hoạt động Phật sự, của chư Tăng và Phật tử có hội Mêkon, các Ban Trị sự và Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước các tỉnh, thành. Hiện nay, tỉnh Trà Vinh có Hội Mêkon. Trong Ban Trị sự các tỉnh, thành đều có các vị chức sắc của Phật giáo Nam Tông là thành viên. 7/9 tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước.
Sư sãi và đồng bào Phật tử Khmer Nam Bộ có truyền thống yêu nước, cần cù, sáng tạo trong lao động, có ý thức nâng cao dân trí, xây dựng khối đoàn kết, dũng cảm trong đấu tranh và mơ ước một xã hội bình đẳng, tự do, công bằng, bác ái. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, truyền thống đó ngày càng phát huy mạnh mẽ, trở thành sức mạnh to lớn trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa.
Thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển, với tư tưởng chiến lược đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Sư sãi và đồng bào Phật tử Khmer đã có nhiều cống hiến xuất sắc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, thông qua các cuộc vận động của cách mạng, đồng bào Khmer Nam Bộ đã xuất hiện nhiều phong trào đấu tranh chống xâm lược. Nòng cốt trong các phong trào đó là những chức sắc tiêu biểu, trí thức tôn giáo là người dân tộc Khmer.
Sau ngày 30/4/1975, ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, các tổ chức Phật giáo hai miền thống nhất mở đại hội và tổ chức thành Giáo hội Phật giáo Việt Nam, có Hiến chương và chương trình hoạt động của Giáo hội. Phật giáo Nam Tông Khmer đã tham gia đại hội với tư cách là thành viên trong ngôi nhà chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam với tính biệt truyền của một hệ phái. Từ ngày thống nhất đến nay, nhiều vị chức sắc tiêu biểu của Phật giáo Nam Tông Khmer đã được Đại hội lần lượt suy tôn vào Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam như Hòa thượng Maha Thạch Srây, Hòa thượng Thạch Som, Hòa thượng Châu Mum, Hòa thượng Danh Nhưỡng, Hòa thượng Dương Nhơn. Phật giáo Nam Tông và Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng góp phần tích cực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trải qua các thời kỳ đấu tranh cách mạng lâu dài cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa, hầu hết Sư sãi và đồng bào Phật tử Khmer, mà nòng cốt là các vị chức sắc tiêu biểu, khẳng định rõ vị thế và vai trò của mình, tích cực tham gia các phong trào cách mạng tại địa phương, vận động sư sãi và đồng bào Phật tử Khmer phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Tham gia phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Động viên sư sãi và đồng bào Khmer hưởng ứng cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư. Củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc.
Ngày nay, trong công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, sư sãi và đồng bào Phật tử Khmer thể hiện tinh thần phấn khởi, tin tưởng vào chính sách đổi mới đối với tôn giáo, dân tộc của Đảng và Nhà nước. Thấy rõ quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về tôn giáo là rất phù hợp và đúng đắn thể hiện chính sách nhất quán về tôn giáo, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo và không tín ngưỡng tôn giáo của công dân. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về tôn giáo xác định: “Tín ngưỡng tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta”. Nghị quyết Đại hội X của Đảng cũng nêu rõ: “Đồng bào các tôn giáo là bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện chính sách nhất quán tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo tôn giáo của công dân, quyền sinh hoạt tôn giáo bình đẳng theo pháp luật”.
Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, trực tiếp là sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể ở địa phương đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế xã hội ở vùng tôn giáo và dân tộc nói chung, vùng đồng bào Phật tử Khmer Nam Bộ nói riêng. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào từng bước được cải thiện, dân trí được nâng lên, văn hoá của dân tộc được bảo tồn và phát huy, tôn giáo truyền thống của dân tộc được tạo điều kiện hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Các vị chức sắc lãnh đạo các cấp Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước hoạt động đúng Điều lệ, tôn chỉ mục đích của Hội, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, theo phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”. Nhiều ngôi chùa Khmer được Nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hoá. Các chùa có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng được hỗ trợ kinh phí để sửa chữa và xây dựng mới. Việc học hành của các nhà sư, việc in ấn kinh sách Phật giáo để phục vụ tu hành và việc tổ chức các lễ hội tôn giáo, dân tộc được các cấp chính quyền và ban ngành chức năng tạo điều kiện và hỗ trợ.
Cùng với chính quyền và đoàn thể các cấp, các vị chức sắc trong Phật giáo Khmer Nam Tông tích cực tuyên truyền, vận động sư sãi và đồng bào Phật tử thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, tham gia tốt các phong trào cách mạng tại địa phương, nhất là lĩnh vực xoá đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc, giữ gìn an ninh trật tự và góp phần vào việc xây dựng khối đại đoàn kết tôn giáo và dân tộc.
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, trong thời kỳ hội nhập quốc tế, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước hiện nay, Phật giáo Nam Tông Khmer cũng đối mặt với một số vấn đề cần được quan tâm như:
- Các thế lực thù địch luôn tìm cách tác động, móc nối, lôi kéo sư sãi và đồng bào Phật tử Khmer để thực hiện ý đồ xấu, xuyên tạc và bôi nhọ chính sách tôn giáo và dân tộc của Đảng và Nhà nước.
- Hộ nghèo còn chiếm tỉ lệ cao, việc thích nghi với cơ chế thị trường còn nhiều bất cập, thiếu thông tin, việc ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật còn thấp kém, chuyển dịch kinh tế nông nghiệp còn lúng túng, dịch bệnh, thiên tai thường diễn ra, giá cả biến động từng lúc bất lợi cho nông dân. Việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động còn quá ít. Việc bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống có mặt còn khó khăn. Hiệu quả công tác giáo dục đào tạo vùng dân tộc còn thấp. Chương trình giảng dạy, hiệu quả dạy học trong hệ thống các trường chùa còn nhiều bất cập, chưa được quản lý và chỉ đạo thống nhất là những khó khăn chung cho Phật tử Khmer.
- Những yếu kém của Phật giáo Nam Tông bao gồm những khó khăn về mặt giáo quyền, tình trạng thiếu liên thông trong việc học hành của các nhà sư, bất đồng trong tổ chức lễ hội tôn giáo, dân tộc. Sự yếu kém trong quản lý, điều hành cơ sở thờ tự và hoạt động Phật sự chậm được khắc phục. Những khó khăn trong hoạt động của Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước, của Trường Bổ túc văn hóa - Pali Trung cấp Nam Bộ, nhất là của Học viện Phật giáo Nam Tông mới được thành lập tuy được các ban ngành chức năng và địa phương quan tâm giúp đỡ nhưng chưa có hệ thống căn bản. Một số nơi trong vùng dân tộc còn có những hoạt động tôn giáo với mưu cầu lợi ích vật chất làm ảnh hưởng xấu đến phong tục, tập quán truyền thống của dân tộc. Có nơi, một số sư sãi trẻ do nhận thức thấp kém đã bị kẻ xấu lợi dụng gây mất trật tự an toàn xã hội làm ảnh hưởng đến vị trí và vai trò của Phật giáo Nam Tông và cộng đồng dân tộc Khmer.
- Trình độ năng lực hạn chế của các vị sư và chức sắc trong Phật giáo Nam Tông có phần ảnh hưởng đến các mặt hoạt động, nhất là trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, các hoạt động xã hội trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và trong hội nhập kinh tế thế giới hiện nay.
Từ thực trạng trên, đối với vấn đề Phật giáo Nam Tông Khmer trong bối cảnh thống nhất và hội nhập của Phật giáo Việt Nam, tôi xin có một số kiến nghị, đề xuất như sau:
1. Cần nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của sư sãi và đồng bào Phật tử Khmer, diễn biến tình hình trong vùng dân tộc, nhất là những vấn đề bức xúc của địa phương để kịp thời tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền những giải pháp giải quyết kịp thời không để nảy sinh phức tạp có tính điểm nóng.
2. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện với mức đầu tư thích hợp đối với vùng dân tộc, tôn giáo và địa bàn khó khăn để sớm thu hẹp sự chênh lệch về các mặt giữa các dân tộc, tôn giáo trên địa bàn.
3. Thấy rõ tính đặc thù trong quan hệ giữa tôn giáo với dân tộc của đồng bào Khmer và truyền thống cách mạng của Phật giáo Nam Tông để có cách nhìn đúng đắn đối với các chức sắc trong cộng đồng dân tộc và giải quyết tốt mối quan hệ tôn giáo và dân tộc. Tiếp tục phát huy vai trò của Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước trong việc quản lý, điều hành, tổ chức các hoạt động của Phật giáo, vận động giới sư sãi và đồng bào Phật tử, nhất là vai trò của các vị chức sắc tiêu biểu. Cho phép thành lập Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước các tỉnh An Giang và Vĩnh Long, trên cơ sở đó hình thành Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước cấp cao hơn tỉnh để thống nhất Điều lệ, thống nhất quản lý và điều hành các cấp Hội trong khu vực đối với các hoạt động tôn giáo, việc học hành của các vị sư, các lễ hội truyền thống của dân tộc.
4. Có chính sách đặc thù đối với Phật giáo Nam Tông Khmer, nhất là trong việc kiện toàn tổ chức trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam với tư cách là một hệ phái có tính biệt truyền hoạt động theo Hiến chương của Giáo hội. Thống nhất quản lý, điều hành về mặt giáo quyền có tính biệt truyền và đặc thù của tôn giáo dân tộc. Xây dựng và thống nhất quản lý có tính liên thông giữa các cấp học trong việc tổ chức dạy học của các vị sư Khmer tại các trường chùa. Tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện cho Trường Bổ túc văn hóa - Pali Trung cấp Nam Bộ và Học viện Phật giáo Nam Tông hoạt động có hiệu quả. Có chính sách bồi dưỡng về vật chất và tinh thần cho các chức sắc tiêu biểu. Khen thưởng kịp thời đối với các chùa Khmer, các vị sư có công trong kháng chiến cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
5. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đối với sư sãi và đồng bào Phật tử Khmer. Phát động sâu rộng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng trật tự an ninh vững chắc nhằm ngăn chặn kịp thời những biểu hiện lợi dụng tôn giáo để hoạt động bất chính và nhất là chặn đứng những thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo để phá hoại khối đại đoàn kết, làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
6. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu đối với Phật giáo Nam Tông Khmer nhằm nâng cao trình độ cho các sư, nhất là các chức sắc, các trụ trì một cách toàn diện cả về Phật học và thế học để tiếp tục phát huy vai trò của Phật giáo trong cộng đồng dân tộc. Nghiên cứu từng bước tiến tới việc chuẩn hoá về đức độ và năng lực đối với các vị trụ trì của Phật giáo Nam Tông để nâng chất lượng sinh hoạt tôn giáo, quản lý cơ sở thờ tự, điều hành các lễ hội tôn giáo, dân tộc trong nhà chùa và trong cộng đồng dân cư.
7. Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần tăng cường công tác nghiên cứu, bồi dưỡng kiến thức cho Phật giáo Nam Tông về quan hệ giữa các tôn giáo trong nước và ngoài nước. Chú trọng việc giao lưu giữa các tôn giáo trong nước và quan hệ với Phật giáo các nước trong khu vực để xây dựng tốt quan hệ đoàn kết với các tôn giáo bạn và mở rộng giao lưu với Phật giáo các nước trong khu vực.

Chăm lo đời sống đồng bào Khmer ở tỉnh Vĩnh Long


Vĩnh Long là một trong những tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Từ bao đời nay, đồng bào Khmer đoàn kết với đồng bào Kinh trong công cuộc khai phá vùng đất Nam Bộ, đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như xây dựng quê hương, bảo vệ Tổ quốc.
Những năm vừa qua, với nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn, thiết thực của Ðảng và Nhà nước, cùng với sự nỗ lực vươn lên của đồng bào, vùng nông thôn đã ngày càng thay da đổi thịt, đời sống của đồng bào dân tộc Khmer đã nâng cao về mọi mặt.
Ðó là ý kiến của ông Sơn Ry-ta, Phó trưởng Ban Tôn giáo - Dân tộc tỉnh Vĩnh Long khi trao đổi ý kiến với chúng tôi về tình hình đời sống đồng bào dân tộc Khmer những năm gần đây.
Trong những năm qua, chỉ riêng việc thực hiện Thông tư 912 của Chính phủ, tỉnh Vĩnh Long đã đầu tư nguồn vốn hàng chục tỷ đồng cho đồng bào vay, mượn, cho không để chuộc đất, khôi phục và phát triển sản xuất. Ðặc biệt, từ năm 1999, thực hiện Chương trình 135 của Chính phủ, ba xã Loan Mỹ, Tân Mỹ, Trà Côn đã được đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng gồm 52 công trình giao thông nông thôn; 11 công trình thủy lợi; tám công trình nước sinh hoạt; bảy công trình điện; 22 trường học, một trạm y tế; 5 công trình chợ.
Tiếp đó, thực hiện Quyết định 134 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã xây dựng hơn 2.000 căn nhà đại đoàn kết. Cùng đó, nhiều chương trình khác được triển khai như công trình nước tập trung ở xã Tân Mỹ với kinh phí hơn 1,9 tỷ đồng, và đang triển khai trợ giúp 900 hộ sống rải rác xa tuyến dân cư, mỗi hộ từ một đến hai lu xi-măng để chứa nước sạch sinh hoạt.
Tương tự, các trạm y tế xã Ðông Bình, Ðông Thành, Loan Mỹ, Trà Côn, Tân Mỹ, Trung Thành..., nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống, đều đạt chuẩn quốc gia, trang bị đầy đủ các trang thiết bị cần thiết phục vụ việc khám, điều trị bệnh, trong đó có 9/12 xã có bác sĩ và 12/12 xã có y sĩ phục vụ. Ở đó, ngoài việc khám bệnh tại trạm, các cán bộ y tế xã thường xuyên xuống các hộ gia đình tuyên truyền, vận động tiêm phòng bệnh và vệ sinh môi trường, không để dịch bệnh xảy ra.
Ðời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer cũng đã được cải thiện rõ rệt. Hiện nay đã có 11/28 ấp có đông đồng bào dân tộc Khmer đạt ấp văn hóa. Nhiều thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, đồng thời góp phần phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc. Trong đó, chỉ riêng năm 2006, ngành văn hóa-thông tin hỗ trợ xây dựng bốn phòng đọc sách ở bốn chùa, xây dựng 19 đội văn nghệ tại 11 chùa, và 18 đội nhạc công.
Công tác giáo dục-đào tạo cho con em đồng bào Khmer được quan tâm đúng mức, từng bước phát triển cả lượng và chất, không còn tình trạng học sinh bỏ học. Cơ sở vật chất trường lớp được đầu tư kiên cố hóa từ mẫu giáo đến trung học cơ sở. Tỷ lệ học sinh đến trường đạt cao hơn nhiều so với những năm trước. Chủ tịch xã Tân Mỹ Lê Quốc Trung cho biết, đồng bào dân tộc Khmer hiện nay rất chú ý cho con em học hành, đây là một bước chuyển rất đáng mừng.
Bên cạnh đó, chế độ ưu tiên cử tuyển con em đồng bào dân tộc Khmer cũng được thực hiện khá tốt. Chỉ riêng năm 2005-2006, đã cử tuyển 23 em học hệ đại học và cao đẳng, 8 em học hệ trung học chuyên nghiệp, 20 em dự bị đại học. Nhờ đó, đã có nhiều con em đồng bào dân tộc Khmer được đào tạo bài bản, hiện đang công tác tại các cơ quan trong và ngoài tỉnh.
Nhờ các chương trình, dự án được triển khai một cách đồng bộ, thiết thực, đã từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer. Ba xã đặc biệt khó khăn có cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh nhờ thực hiện Chương trình 135 của Chính phủ. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí cũ giảm dần từ 51% vào năm 1993 xuống còn 27% vào năm 2006. Qua việc hỗ trợ vốn sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, xây nhà đại đoàn kết, đã khuyến khích mọi người chí thú làm ăn, vươn lên thoát nghèo, tích cực tham gia các phong trào ở địa phương.
Ông Sơn Ry-ta khẳng định: "Ðến nay, cơ bản đã không còn hộ thiếu đói"; nhiều hộ chịu khó trong lao động sản xuất, tích lũy được vốn, vượt khó thoát nghèo, đời sống kinh tế được nâng lên; nếp sống văn hóa, văn minh và mức hưởng thụ văn hóa ngày càng cao. Ði qua các xã Tân Mỹ, Trà Côn, Loan Mỹ, Ðông Thành,... ở đâu chúng tôi cũng gặp nhiều hộ gia đình khá giả và cơ ngơi không thua so với đồng bào Kinh trên địa bàn.
Tỉnh Vĩnh Long đang tiếp tục tập trung triển khai thực hiện những giải pháp phát triển kinh tế - xã hội một cách đồng bộ để đồng bào dân tộc Khmer có điều kiện phấn đấu vươn lên nhằm nâng cao đời sống về mọi mặt. Có chính sách hỗ trợ học nghề để tạo lập việc làm, nhất là đối với những hộ không đất và thiếu đất sản xuất. Tiếp tục duy trì chính sách cử tuyển con em người dân tộc Khmer vào học các trường trung học, cao đẳng và đại học; tạo điều kiện để các em học tốt về phục vụ địa phương.
Mặt khác, thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn kiến thức khoa học-kỹ thuật mới cho bà con nông dân Khmer để ứng dụng vào sản xuất, đời sống.
Theo Nguyễn San (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long)(Nhân Dân)
[TT: N.K.T]

Đồng bào dân tộc Khmer ở Trà Vinh đã được chăm lo tốt

Trà Vinh là một tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh có hơn 30% là đồng bào Khmer. Đồng bào Khmer ở đây, chủ yếu là trồng lúa và một số ngành nghề khác như: chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh dịch vụ...

Dàn nhạc dân tộc phục vụ đám cưới
đồng bào DTTS Khmer tại thị trấn Hà Tiên (Kiên Giang)

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước cùng địa phương đã có nhiều chủ trương, chính sách đối với đồng bào dân tộc Khmer. Đặc biệt gần đây Chính phủ có thêm nhiều chương trình, dự án đầu tư trong vùng đồng bào dân tộc Khmer như: Chương trình 135; chính sách hỗ trợ hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn; chính sách trợ giá, trợ cước... Các chương trình, chính sách trên tạo nên bước đột phá mới đã và đang phát huy hiệu quả, tạo nên những chuyển biến trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nói chung, vùng đồng bào dân tộc Khmer nói riêng. Chương trình 135, qua hơn 7 năm thực hiện ở 38 xã đặc biệt khó khăn trong tỉnh, đã xây dựng được 498 công trình cơ sở hạ tầng như: đường giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, trạm xá, trường học, chợ... với tổng số vốn đầu tư hơn 172 tỉ đồng. Ngoài ra đối với 8 trung tâm cụm xã, tỉnh cũng đã xây dựng được 87 hạng mục công trình cơ cở hạ tầng, với tổng số vốn đầu tư hơn 33 tỉ đồng. Để hỗ trợ cho đồng bào Khmer nghèo không đất sản xuất, tỉnh đã đầu tư hơn 872 triệu đồng cho 338 hộ đồng bào Khmer chuộc lại 112ha đất để sản xuất. Đồng thời, tỉnh còn vận động được 1.000 hộ có nhiều đất cho 1.400 hộ ít đất hoặc không đất mượn hơn 660 ha để sản xuất 1 vụ màu hoặc 1 vụ lúa/năm. Riêng thực hiện chính sách hỗ trợ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, đến nay tỉnh cũng đã hỗ trợ cho 29.958 hộ Khmer nghèo với 2,8 triệu kg lúa giống, 142.300 cây ăn trái, 39.100 kg giống màu, 2,9 triệu con giống, với số tiền hơn 7,5 tỉ đồng, để giúp đồng bào giải quyết một phần khó khăn trong cuộc sống và thực hiện hỗ trợ chăn nuôi bò cho 5.500 hộ nghèo. Bên cạnh đó, để giúp đồng bào Khmer có vốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng sản xuất, mở rộng các ngành nghề ở nông thôn... các ngân hàng thương mại tỉnh đã cho các hộ Khmer vay hàng trăm tỉ đồng vốn ưu đãi phát triển kinh tế gia đình. Khi có nguồn vốn và được chuyển giao khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, cùng với việc chí thú làm ăn, nhiều hộ nông dân Khmer đã trở nên khấm khá và không ít hộ đã và đang phấn đấu trở thành chủ kinh tế trang trại. Hộ anh Sơn Thủy ở Khóm 1, phường 7, thị xã Trà Vinh, áp dụng mô hình V.A.C khép kín, mỗi năm thu nhập hơn 40 triệu đồng và hiện nay gia đình anh đã mua thêm được 29 công vườn.

Không riêng gì anh Sơn Thủy, mà nhiều hộ nông dân người dân tộc Khmer khác ở Trà Vinh đã có cuộc sống khấm khá và trở thành những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh, góp phần giảm tỉ lệ số hộ nghèo toàn tỉnh từ 43% (năm 1992) xuống còn 13,4% (năm 2005) và có 8/38 xã đặc biệt khó khăn đã hoàn thành cơ bản mục tiêu chương trình.

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chăm lo cho đồng bào Khmer nghèo, Trà Vinh đã thực hiện đề án xây dựng 20.660 căn nhà ở cho hộ dân tộc Khmer với tổng số vốn đầu tư hơn 186,3 tỉ đồng. Đến nay, sau hơn 3 năm thực hiện đã xây dựng được 12.851 căn, mỗi căn trị giá hơn 5,5 triệu đồng. Thực hiện Quyết định 134 của Chính phủ về hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số, đến nay tỉnh đã xây dựng hoàn thành 5.636 căn nhà bàn giao cho các đối tượng, xây dựng hệ thống cấp nước sạch sinh hoạt với hơn 14,5 tỉ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 584 triệu đồng đã triển khai xây dựng hoàn thành được 4.554 lu chứa nước, xây dựng được 22/80 trạm cấp nước, lắp đặt 2.000 đồng hồ nước cho 2.000 hộ dân...

Nguyễn Tân

Thứ Ba, 15 tháng 7, 2008

Lễ hội của người Khmer

1. Bonh Chôl Chnam Thmây:

Lễ vào năm mới, mang ý nghĩa là mừng thêm một tuổi, tương tự như Tết Nguyên đán của người Việt, với hy vọng năm mới đến sẽ đem lại những điều may mắn. Được diễn ra vào giữa tháng 4 dương lịch (tháng 3 âm lịch), không cố định ngày, hàng năm đều do các nhà thiên văn bói toán ấn định, tính theo vòng quay trái đất quanh mặt trời trong một năm sẽ định ra được ngày, giờ cụ thể trong năm đó. Đến khi có được ngày, giờ cụ thể và tới thời gian đó, bà con ăn mặc đẹp, đem nhang đèn đến chùa làm lễ đón Giao thừa, sau giờ phúc đó sẽ bước vào năm mới và được tổ chức đón tết trong 03 ngày cụ thể như sau:
- Ngày thứ nhất gọi là Thngay Chôl Chnam Thmây (ngày vào năm mới), bà con làm cơm đi chùa vào buổi sáng và buổi trưa để dâng đến các vị Sư, được nghe các vị chúc tụng năm mới. Đêm lại, nghe các vị Sư tụng kinh Cầu an năm mới, cầu cho “Quốc thái dân an” và hưởng được 4 pháp của đức Phật (sống lâu, sắc đẹp, an vui và sức mạnh), rồi được nghe các vị thuyết pháp về ý nghĩa của lễ Chôl Chnam Thmây và sau đó thanh niên nam nữ cùng nhau múa hát trước sân chùa.
- Ngày thứ hai gọi là Thngay Von-boch cũng giống như ngày thứ nhất vẫn làm cơm đi chùa dâng đến các vị Sư và lắng nghe các vị chúc tụng, cầu an, thuyết pháp giảng đạo, rồi các thanh niên nam nữ vui chơi trước sân chùa.
- Ngày thứ ba gọi là Thngay Lơn-săk (ngày thêm tuổi), mới chính là ngày chánh cũng là ngày cuối tết, tương tự như hai ngày đầu, nhưng ngày này bà con đều đến đông đủ để làm lễ Cầu siêu cho người thân đã quá cố, để vong linh của họ sớm được siêu thoát. Chiều mọi người cùng nhau làm lễ tắm tượng Phật để tỏ lòng tưởng nhớ và biết ơn đức Phật, đồng thời cũng để rửa những điều không may của năm cũ để sang năm mới vạn sự như ý. Tết Chôl Chnam Thmây được kết thúc.

2. Bonh Đôl-ta:

Lễ ông bà, được tổ chức hàng năm vào ngày 29-30 tháng 8 âm lịch, nhằm tưởng nhớ công ơn cha mẹ, họ hàng và người thân đã quá vãng. Lễ được diễn ra trong 02 ngày:
- Ngày thứ nhất gọi là Sên Đôl-ta (cúng ông bà), vào ngày 29/8 âl, tại mọi gia đình làm một mâm cơm tươm tất, thấp nhang đèn, mời anh em họ hàng bạn bè lại cùng cúng, khấn vái, mời những linh hồn người thân đã vãng về ăn uống.
- Ngày thứ hai gọi là Bonh Phchum Banh (lễ hội linh) vào ngày 30/8 âl, ngày này là ngày hội của những linh hồn người thân đã quá cố đều hội tụ về chùa. Vì thế tất cả gia đình người Khmer đều làm cơm đi chùa, mời các vị sư tụng kinh cầu siêu và nhận hồng phúc mà chúng con dâng cúng hôm nay để sớm được siêu thoát. Lê Đôl-ta được kết thúc tại đây.

3. Bonh Oc-om-bok:

Lễ đút cốm dẹp, có nghĩa là người ta lấy cốm dẹp trộn với đường, dừa rồi vắt thành cục nhỏ kèm theo một trái chuối đút vào miệng các trẻ em từ 2 năm tuổi trở lên và để cho trẻ cầu nguyện những ước mơ của mình. Ngoài ra còn mang ý nghĩa mừng cơm mới vào những ngày trăng sáng mưa gió chấm dứt, nước từ từ rút xuống, mở đầu cho một mùa khô. Đồng thời cũng để tưởng nhớ đến công ơn Mặt trăng, được người dân Khmer coi như là một vị thần điều tiết mùa màng nên còn gọi là “lễ cúng trăng”, được tổ chức hàng năm vào ngày 15 tháng 10 âm lịch. Trong đó có tổ chức các môn thể thao giải trí như đua ghe Ngo, thuyền bầu,…

Ngoài ra còn nhiều lễ hội khác như: Lễ Dâng y cà-sa, lễ Cầu an, lễ chúc thọ, lễ Phật định, Phật đản,…

Người Khmer Có Họ Từ Khi Nào?


Dưới triều Nguyễn, tổng số người Việt gốc Miên chưa tới 150.000 người, nhưng vẫn được coi là một sắc dân có đủ quyền lợi như người Việt. Vua Gia Long đặt 5 nhánh họ: KIM, THẠCH, SƠN, LÂM, DANH để người Khmer đặt tên con cháu hầu dễ tra tầm gia phả. Trước đây người Khmer không có họ, người cha đặt họ cho con bằng tên của mình và đứa con sau này lấy tên của nó làm họ cho con nó. Năm họ trên đây được người Khmer gìn giữ cho đến ngày nay. Sau này người Khmer còn có thêm họ CHÂU do họ CHAU của Cao Miên mà ra. ( Lê Hương) Trong quyển sách "Người việt Gốc Miên" thì nhà khảo cứu Lê Hương đã cho biết nguồn gố "họ" của người Khmer do đâu mà có! Như vậy theo ông, họ người Khmer là do Vua Gia Long đặt ra từ 5 chữ "KIM, THẠCH, SƠN, LÂM, DANH" và sau này có thêm họ "CHÂU" là từ họ "CHAU" bên Cao Miên mà ra. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Đầu thì người Khmer không phải chỉ có 6 họ như trên mà họ người Khmer trong sổ bộ triều đình có là:
1. Hoa
2. Đôn
3. Thạch
4. Cần
5. Tầm
6. Hòa
7. Sơn
8. Giáp
9. Nam
10. Tham
11. Sa
12. Ngãi
13. Trà
14. Trác
15. Côn
16. Lộc
17. Thuận
18. Nhượng
19. Mậu
20. Dương
Như vậy số liệu của 2 nhà khảo cứu này đưa ra không khớp với nhau. Có thể mỗi người dựa trên một nguồn sử liệu khác nhau mà đưa ra số liệu. Đối với bản tổng kết của nhà giáo Nguyễn Đình Đầu thì số liệu có lẽ là xác thực vì đó là những con số do ông biên dịch lai từ hệ thống "Châu Bản Địa Bạ" triều Nguyễn. Còn đối với số liệu của Lê Hương thì có thể đây là nguồn tài liệu cũ chưa được cập nhật ( 1969 đến nay) chăng? Hoặc là đã có cập nhật nhưng bản thân tôi chưa có được những tài liệu mới? Kính mong quý vị nào am hiểu chỉ giáo cho. Cảm ơn!
Melbourne 17/06/2004
Khoa Nam - STO


Xin xem chi tiết tại đây

Thứ Hai, 14 tháng 7, 2008

Nghệ nhân Thạch Suôl

Nghệ nhân Thạch Suôl – Người giữ hồn văn hóa Khmer Nam bộ

Từ chất liệu gỗ, da, đồng, sắt... nghệ nhân “bất đắc dĩ” Thạch Suôl đã thổi hồn mình vào những thứ vô tri vô giác ấy, để rồi cho ra đời những loại nhạc cụ trong đó có dàn nhạc ngũ âm dùng trong các nghi lễ Phật giáo, đám cưới, đám tang và lễ hội văn hóa dân gian của người Khmer Nam bộ.

Nghệ nhân Thạch Suôl bên bộ trống Sakhô – Somphô


Gọi là nghệ nhân “bất đắc dĩ”, là vì cách đây hơn 30 năm, nghệ nhân Thạch Suôl là một thanh niên có tính cương trực, rất bảnh trai, lại mê tiếng nhạc từ bộ ngũ âm mỗi khi vang lên trong dịp tết, lễ hội. Mê đàn, nghệ nhân Thạch Suôl tìm đến gia đình chị Na Ry (vợ anh Thạch Suôl) và được nghệ nhân Trương Đen (ba của chị Na Ry) dạy đàn. Thấy chị Na Ry rất giỏi về dàn nhạc cụ dân tộc, mỗi khi tiếng đàn ngân lên đã làm cho Thạch Suôl mê mẫn, đến nổi anh đã xin ở rể luôn bên vợ (nhà ở ngay cổng Tam quan, khóm I, phường 8, thị xã Trà Vinh).
“Nhập gia tùy tục”, nghệ nhân Thạch Suôl được bố vợ dạy đàn, dạy hát và không lâu, anh và chị Na Ry trở thành một đôi tài tử có tiếng trong làng. Có nghề, anh thường theo bố vợ đi dạy đàn, lúc rảnh anh tiếp tay nhạc gia làm mới hoặc sửa lại một số nhạc cụ dân tộc. Thấy chàng rể có năng khiếu lại siêng năng, nghệ nhân Trương Đen quyết đem những bí quyết kinh nghiệm nghề nghiệp truyền lại cho con rể, để nối nghiệp ông sau này. Theo lời chị Na Ry thì anh là người “ngoài” duy nhất được truyền nghề và từ đó hai người đã sáng tạo ra nhiều loại nhạc cụ dân tộc Khmer.

Gia đình nghệ nhân Thạch Suôl bên nhạc cụ truyền thống do chính mình làm ra


Gia đình chị Na Ry là gia đình làm nghệ thuật truyền thống, tính ra cũng bốn đời nối nghiệp. Nghề lại truyền nghề đã giúp anh chị Thạch Suôl am hiểu tường tận về các loại nhạc cụ dân tộc. Ngoài anh chị Thạch Suôl, gia đình có nhiều nghệ nhân tham gia các đoàn văn công, đoàn ca múa nghệ thuật quần chúng Khmer ở các tỉnh. Riêng chị Na Ry sau khi rời bức màn nhung, chị trở thành một cánh tay đắc lực giúp chồng gắn bó với nghề chế tạo nhạc cụ.
Tham quan phân xưởng của gia đình anh, tôi rất khâm phục. Một không gian nhỏ chỉ vài mét vuông, với những dụng cụ thô sơ như cưa, búa, đục... vậy mà nghệ nhân Thạch Suôl đã nghiên cứu sáng tạo ra nhiều nhạc cụ có âm thanh độc đáo từ những thứ tưởng chừng là vô hồn, vô tri, vô giác như gỗ, mây, tre đồng sắt... mà không dễ mấy ai làm được.
Trên 30 năm tuổi nghề, nghệ nhân Thạch Suôl làm được bảy trong chín loại nhạc cụ dân tộc như: Rô-niêt-ek, Rô-niêt-đek, Rô-niêt-thung, Côn-tuôt, Côn-thôm, Sakhô-thôm, Sakhô-somphô cho đến cây đàn Tà-khê, đàn Khưm, đàn Cò và bộ trống Sa-dăm... được trong và ngoài nước biết đến, và anh còn chế tạo hơn một trăm bộ nhạc cụ, trong đó có nhiều dàn nhạc ngũ âm xuất khẩu sang tận trời Tây như Úc, Pháp, Mỹ... được khách hàng đánh giá cao về chất lượng âm thanh và kiểu dáng nghệ thuật truyền thống. Phần lớn sản phẩm anh làm theo hợp đồng của cá nhân, các nhà bảo tàng văn hóa, các đoàn nghệ thuật quần chúng, các chùa Khmer Nam bộ. Anh rất tự hào khi dàn nhạc ngũ âm mang nhãn hiệu “made in Thạch Suôl” được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mua về trưng bày, giới thiệu khách tham quan về các loại nhạc cụ truyền thống Khmer Nam bộ.
Hiện nay có rất nhiều đoàn nghệ thuật Khmer đã sử dụng bộ nhạc cụ của anh để phục vụ công chúng. Anh Lâm Vĩnh Phương - Trưởng Đoàn Nghệ thuật Khmer Sóc Trăng đang sở hữu dàn nhạc cụ của nghệ nhân Thạch Suôl cho biết: “Dàn nhạc do nghệ nhân Thạch Suôl chế tạo, có sáng tạo và nghiên cứu cải tiến một số chi tiết từng loại nhạc cụ, trong dàn nhạc ngũ âm có nhiều “cung”, “quãng” làm cho tiếng vang ngân xa hơn, so với các nhạc cụ nhập ngoại nhưng vẫn giữ được âm sắc chuẩn và hình dạng nghệ thuật cổ truyền như lưu giữ được cái hồn, cái bản sắc văn hóa của người Khmer Nam bộ”.
Để sản phẩm đảm bảo đạt chất lượng tốt, từng nhạc cụ làm ra có âm thanh chuẩn, nghệ nhân Thạch Suôl dùng thanh bằng gỗ thay thanh tre: “Với đàn Rô-niêt-ek thì 21 thanh tre được thay bằng 21 thanh gỗ tốt cắt đoạn sao cho phù hợp theo từng âm sắc, (đàn có 21 thanh, căn theo hình bán nguyệt). Còn đàn Rô-niêt-đek thì phải rèn rồi mài 21 thanh sắt để từng thanh sắt có độ mỏng thích hợp, thanh ngắn nhất 21 cm và thanh dài nhất 30 cm. Riêng loại trống Sakhô-somphô và Sakhô-thôm thì làm bằng loại gỗ bình linh cắt khúc, để cây khô tự nhiên, đục rỗng lỗ; dùng da trâu hoặc bò làm mặt trống, nhưng phải là da trâu cái mới có độ bền, theo lý giải của anh, trâu cái da có độ mỏng thích hợp và không tỳ vết, còn trâu đực da dày, hay chém lộn, da bị rách khó kiểm tra.
Có một thanh trong nhạc cụ mà anh phải thừa nhận không chế tạo được, đó là thanh phek-côn (dùng làm bộ Côn-thôm và bộ Côn-tuôt, mỗi bộ có 16 cái phek-côn) do loại này được đúc bằng đồng pha thau, nên phải nhập ngoại từ Campuchia. Bộ Côn-thôm, cái phek-côn nhỏ nhất có đường kính 13 cm và cái lớn nhất có đường kính 17 cm, khi dạo qua tạo nên thanh trầm. Còn bộ Côn-tuôt, cái phek-côn nhỏ nhất có đường kính 11 cm và cái lớn nhất 14 cm có tiết tấu âm vực cao hơn”.

Chị Na Ry trao đổi với P.V về cách làm ra chiếc khăn truyền thống Khmer trong trang phục lễ cưới

Ở tuổi 61, vậy mà nghệ nhân Thạch Suôl vẫn miệt mài chế tạo nhạc cụ góp vui cho đời và quan trọng hơn, anh muốn giữ cái hồn văn hóa của dân tộc mình, quyết không để mai một. Tre già và măng đã mọc. Các con anh đều theo nghiệp tổ, trong đó có anh Thạch Anh Xuân, tốt nghiệp Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng, hai đứa con gái hiện là giáo viên dạy thanh nhạc trong các trường nội trú và trường THPT trong tỉnh. Với kinh nghiệm truyền thống và sự am hiểu về nhạc lý của các con, sản phẩm làm ra được cải tiến rất nhiều từ thang âm từng nhạc cụ dân tộc – nhất là bộ ngũ âm. Một vài nghệ nhân chuyên nghiệp cho biết, dàn nhạc ngũ âm của nghệ nhân Thạch Suôl có thể chơi được hầu hết các loại nhạc từ cổ điển đến hiện đại như nhạc lễ cung đình, nhạc dân gian, nhạc múa Romkabak, Saravanh...
Hiện nay nghệ nhân Thạch Suôl cùng chị Na Ry và các con thường xuyên đi dàn dựng chương trình cho nhiều sự kiện lễ hội của đồng bào Khmer ở các tỉnh, được thu sóng phát PTTH phục vụ cho đồng bào dân tộc. Để góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, nghệ nhân Thạch Suôl có một ước muốn truyền đạt những gì đã biết cho thế hệ trẻ, không chỉ là người thân trong gia đình, mà kể cả những ai quan tâm và nhiệt huyết với nghề để cùng nhau bảo tồn giá trị truyền thống và phát triển văn hóa nghệ thuật Khmer Nam bộ.

Lược sử vùng đất Nam Bộ

Lược sử vùng đất Nam Bộ - Giai đoạn từ thế kỷ VII đến thế kỷ XVI

Sau khi Chân Lạp đánh bại Phù Nam, trong một số sách Trung Quốc đã xuất hiện tên gọi "Thủy Chân Lạp'' để chỉ phần lãnh thổ phù Nam trên vùng đất Nam Bộ và phân biệt với vùng đất “Lục Chân Lạp”, tức là vùng đất gốc của Chân Lạp.-->
Sau khi Chân Lạp đánh bại Phù Nam, trong một số sách Trung Quốc đã xuất hiện tên gọi "Thủy Chân Lạp'' để chỉ phần lãnh thổ phù Nam trên vùng đất Nam Bộ và phân biệt với vùng đất “Lục Chân Lạp”, tức là vùng đất gốc của Chân Lạp. Từ đây vùng đất Nam Bộ được sáp nhập vào lãnh thổ Chân Lạp. Nhưng trên thực tế, việc cai quản vùng lãnh thổ mới này đối với Chân Lạp gặp nhiều khó khăn. Trước hết, với truyền thống quen khai thác các vùng đất cao, dân số còn ít ỏi, người Khmer khi đó khó có khả năng tổ chức khai thác trên quy mô lớn một vùng đồng bằng mới bồi lấp, còn ngập nước và sình lầy. Hơn nữa, việc khai khẩn đất đai trên lãnh thổ của Lục Chân Lạp đòi hỏi rất nhiều thời gian và sức lực. Việc cai trị xứ Thủy Chân Lạp vì vậy vẫn phải giao cho những người thuộc dòng dõi Vua Phù Nam. Theo những tài liệu bi kí còn lại có thể thấy rằng, vào thế kỷ thứ VIII tại vùng trung tâm của Phù Nam trước đây vẫn còn tồn tại một tiểu quốc tên là Aninđitapura, do một người dòng dõi Vua Phù Nam tên là Baladitya trị vì. Khi Phù Nam tan rã là lúc nhiều vương quốc nhỏ vốn là thuộc quốc hoặc chư hầu cũ nổi lên thành những nước mạnh. Trong số đó có Srivijaya của người Iava. Vào nửa sau thế kỷ VIII, quân đội nước này đã liên tục tiến công vào các quốc gia trên bán đảo Đông Dương. Kết cục là Thủy Chân Lạp bị quân Iava chiếm. Cả vương quốc Chân Lạp gần như bị lệ thuộc vào Srivijaya. Cục diện này mãi đến năm 802 mới kết thúc. Trong vòng gần một thế kỷ, vùng đất Nam Bộ lại nằm dưới quyền kiểm soát của người Iava. Một trở ngại trong việc cai quản và phát triển vùng Thủy Chân Lạp là tình trạng chiến tranh diễn ra thường xuyên giữa Chân Lạp với Chăm pa. Trong khi đó, chính quyền Chân Lạp chỉ dồn sức phát triển các vùng trung tâm truyền thống của mình ở khu vực Biển Hồ, trung lưu sông Mê Kông và hướng nỗ lực mở rộng ảnh hưởng sang phía Tây, vùng lưu vực sông Chao Phaya. Trong khoảng thời gian từ thế kỷ IX đến cuối thế kỷ XI, Chân Lạp trở thành một quốc gia cường thịnh, tạo dựng nên nền văn minh Angkor rực rỡ, đồng thời mở rộng .lãnh thổ lên tận Nam Lào và trùm lên cả lưu vực sông Chao Phaya. Căn cứ vào những kết quả nghiên cứu gần đây nhất có thể thấy những di tích khảo cổ học mang dấu ấn Chân Lạp trên đất Nam Bộ trước thế kỷ XVI không nhiều và ảnh hưởng văn minh Angkor ở vùng này cũng đậm nét. Cho đến thế kỷ XIII, cư dân ở vùng đất Nam Bộ còn thưa thớt Chu Đạt Quan, một người Trung Quốc có dịp đến Chân Lạp vào năm 1296 - 1297, đã mô tả vùng đất như sau: “Từ chỗ vào Chân Bồ trở đi, hầu hết là rừng thấp cây rậm.Sông dài cảng rộng, kéo dài mấy trăm dặm cổ thụ rậm rạp, mây leo um tùm, tiếng chim muông chen lẫn nhau ở trong đó. Đến nửa cảng mới thấy ruộng đồng rộng rãi, tuyệt không có một tấc cây. Nhìn xa chỉ thấy cây lúa rờn rờn mà thôi. Trâu rừng họp nhau thành từng đàn trăm ngàn con, tụ tập ở đấy. Lại có giồng đất đầy tre dài dằng dặc mấy trăm dặm. Loại tre đó, đốt có gai, măng rất đắng”. Bắt đầu từ cuối thế kỷ XIV, Chân Lạp phải đối phó sự bành trướng của các vương triều Xiêm từ phía Tây, đặc biệt là từ sau khi Vương triều Ayuthaya hình thành vào giữa thế kỷ XIV. Trong suốt 78 năm (từ 1353 đến 1431), Ayuthaya và Chân Lạp liên tiếp có chiến tranh trong đó chủ yếu là những cuộc tiến công Chân Lạp từ phía người Thái. Trong thời kỳ đó, có lúc kinh thành Angkor đã bị quân đội Ayuthaya chiếm đóng. Sang thế kỷ XVI, và nhất là từ thế kỷ XVII, do sự can thiệp của Xiêm, triều đình Chân Lạp bì chia rẽ sâu sắc.Vương quốc này dần bước vào thời kỳ suy vong. Trong bối cảnh như vậy, Chân Lạp hầu như không có khả năng kiểm soát đối với vùng đất còn ngập nước ở phía Nam, vốn là địa phận của Vương quốc Phù Nam. Trên thực tế khả năng kiểm soát và quản lý vùng đất này của vương triều Chân Lạp giảm sút dần.
(Theo sách lược sử vùng đất Nam Bộ Việt Nam- NXB Thế Giới)

Thứ Tư, 9 tháng 7, 2008

Có một triệu phú nông dân Khmer

Vợ chồng anh Thông xây căn nhà cho con trai thứ tư vào năm 2007.
Ở ấp Bưng Thum, xã Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng có anh nông dân Khmer Kim Thái Thông, 47 tuổi, đạt danh hiệu SXKDG trong nhiều năm liền. Cái hay của gia đình anh Thông là đã biết ứng dụng kỹ thuật mới vào mô hình canh tác hiệu quả cao.
Long Phú là xã nghèo thuộc Chương trình 135 của huyện Long Phú (Sóc Trăng). Phần lớn người dân trong xã sinh sống bằng nghề nông với diện tích đất canh tác 2.200ha.
Thế mạnh của Long Phú là sản xuất nông nghiệp nên lãnh đạo xã chú trọng vận động nông dân phát triển kinh tế - xã hội. Thông qua phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG) của Hội Nông dân, các mô hình sản xuất như hai lúa một màu, lúa - cá, VACR và nuôi tôm sú công nghiệp được các hội viên thực hiện có hiệu quả.
Ở ấp Bưng Thum, có anh nông dân Khmer Kim Thái Thông, 47 tuổi, đạt danh hiệu SXKDG trong nhiều năm liền. Cái hay của gia đình anh Thông là đã biết ứng dụng kỹ thuật mới vào mô hình canh tác hiệu quả cao.
Lúc bắt đầu cơ nghiệp, anh Thông luôn nghĩ người nghèo cần phải "có gan mới làm giàu", chỉ biết "làm lúa thất một năm phải trả nợ ba năm, hoặc thất hai năm thì phải trả nợ tới sáu năm", gia đình anh đã nỗ lực nhiều năm thực hiện mô hình sản xuất tổng hợp, nên mới có được cuộc sống sung túc như hôm nay.
Để chia sẻ kinh nghiệm thành đạt của mình, anh Thông kể lại: "Lúc đầu, gia đình tôi cũng nghèo lắm. Sau khi cưới vợ, tôi lao vào công việc đồng áng, còn nội trợ và nuôi heo, gà, vịt do vợ tôi làm hết.
Nhà nước chia đất cho tôi 13 công đất vào năm 1985, sau này chia cho các em sáu công, còn lại phần tôi bảy công đất. Từ khi vùng này hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi nội đồng, tôi mạnh dạn canh tác hết số đất của mình, trong khi những người hàng xóm chỉ xuống giống 1-2 công để có lúa ăn.
Vụ hè thu năm 1986, mỗi công lúa tôi thu hoạch gần 30 giạ, làm 13 công ruộng mỗi năm còn dư 3-4 triệu đồng, nên vốn liếng ngày càng tích lũy thêm. Sang năm sau, tôi mở rộng quy mô sản xuất bằng cách vay thêm vốn ngân hàng mua máy cày tay, chiếc máy cày lớn, máy tuốt lúa và xây lò sấy lúa.
Những dịch vụ kinh doanh này giúp gia đình tôi thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm. Nhờ biết cách làm ăn, chi tiêu tiết kiệm, thuê và mua thêm đất đai nên gia đình tôi có 44ha sau 22 năm". Trong 88 nông hộ đạt tiêu chuẩn cấp Trung ương, có 10 hộ đạt danh hiệu SXKDG được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Với mô hình sản xuất tổng hợp hiệu quả cao, từ hộ nghèo khó vươn lên làm giàu chính đáng, triệu phú nông dân Khmer Kim Thái Thông là một trong bốn đại biểu của tỉnh Sóc Trăng đi dự Hội nghị Nông dân SXKDG toàn quốc vào quý III năm nay

Triệu phú người Khmer

Xã Tân Lộc, huyện Thới Bình là một trong những xã có đông đồng bào Khmer sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc chủ yếu tập trung ở ấp 7 của xã. Nhiều năm trở lại đây, sự trợ lực từ phía Đảng và Nhà nước địa phương không những giúp cải thiện đời sống đồng bào Khmer mà còn tác động vào ý thức tự thân vận động vươn lên của bà con. Nhiều nông dân Khmer ở ấp đã quyết tâm thoát nghèo và làm giàu từ trong cơ cực. Điển hình, người được khẳng định là giàu nhất ấp 7 này chính là một nông dân Khmer, ông Hữu Nhơn, năm nay vừa bước vào tuổi 60. Sản nghiệp ngày hôm nay là kết quả gần ba mươi năm ông làm nghề nông, vất vả đi lên từ bàn tay trắng.



Ngày trước vợ chồng ông chỉ có 7, 8 công đất ít ỏi, mà hồi đó chỉ làm lúa một vụ, nhà lại đông con (6 đứa con), phải đi hỏi mượn tiền tháng của người khác để có cái ăn. Không suy nghĩ theo kiểu sống ngày nào qua ngày nấy, trước mắt ông cái nghèo đói, vất vả càng nhắc ông cố gắng lao động nhiều hơn nữa và suy tính chuyện lâu dài về tương lai của các con. Từ nhịn đến kiêng luôn cả thuốc, rượu, ông chỉ tập trung vào một chuyện duy nhất : mần ăn để thoát nghèo. Nhờ Nhà nước cho vay vài triệu đồng, ông mua được chiếc xuồng làm phương tiện kiếm sống. Làm lụng quanh năm không nghỉ, từ đuổi cá phi, kéo tép mòng, đến giăng lưới, đặt trúm…, cộng thêm cần kiệm trong chi tiêu, mỗi năm dư được bao nhiêu là ông để dành cả. Rồi ông mua một con trâu với giá 70 giạ lúa vừa để kéo lúa vừa nuôi cho nó sanh con đẻ cái. Từ từ, bầy trâu nhà ông ngày một đông lên, mỗi năm ông bán được một, hai con, tiền bán trâu ông cũng để dành. Biết đất là vàng, có đất và có sức lao động thì không sợ cái nghèo nữa, dành dụm được kha khá, ông mua thêm đất của người ta sang lại, dần dần ông có gần trăm công đất, sau này ông cho khoảng 50 công cho các con khi chúng lập gia đình ra ở riêng. Khi Nhà nước có chủ trương chuyển dịch, cùng với làm lúa, ông đào vuông nuôi tôm, cua, cá… Đến nay, tính luôn cả tiền trâu kéo lúa mướn cho người ta khoảng 10-15 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân mỗi năm của gia đình ông lên đến 70-80 triệu đồng. Trong căn nhà khang trang cất trên 100 triệu đồng, cuộc sống gia đình ông khá sung túc với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. Mấy người con của ông đều có công ăn việc làm ổn định.

Người nông dân Khmer nghèo năm xưa nay đã trở thành triệu phú, tuy nhiên, ông vẫn giữ nếp tằn tiện và bản tính hay làm của một thời khốn khó. Từ những gian nan của cuộc đời mình, ông luôn dạy các con trai không nên hút thuốc và rượu chè, đó là hai thứ có hại, phải cố gắng làm ăn mới không sợ cái nghèo. Quá trình tự lực thoát nghèo và nhận thức đúng đắn về lao động của ông Hữu Nhơn xứng đáng là tấm gương cho mọi người, nhất là nơi cuộc sống của đồng bào dân tộc Khmer còn nhiều khó khăn như ở ấp 7, xã Tân Lộc.

Ông là nông dân sản xuất giỏi của xã nhiều năm liền. Hiện ông còn tham gia sinh hoạt trong các đoàn thể của ấp, xã và trong Ban quản trị chùa Cao Dân.