Chủ Nhật, 28 tháng 3, 2010

Dạy chữ Khmer trong các chùa ở Kiên Giang

Kiên Giang là một trong những tỉnh ở vùng Tây Nam Bộ có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Những năm qua, phong trào dạy chữ Khmer ở Kiên Giang phát triển mạnh, mà những ngôi chùa là trường học còn những vị sư kiêm vai trò những người thầy.

Chúng tôi về huyện Giồng Riềng, một huyện có phong trào dạy chữ Khmer phát triển mạnh trong các chùa. Theo các cán bộ làm công tác dân tộc ở huyện thì phong trào đã được duy trì hơn năm năm. Chỉ tính riêng xã Bàn Thạch - một xã có đông đồng bào dân tộc Khmer nhất huyện Giồng Riềng, hằng năm duy trì đến năm lớp với hàng trăm học sinh theo học. Ngoài những lớp dạy tiếng Khmer vỡ lòng cho các em nhỏ, năm nay một số chùa ở huyện Giồng Riềng còn tổ chức thêm từ một đến hai lớp nâng cao dành cho người lớn và các em học sinh phổ thông để các học sinh này vững vàng khi bước vào năm học mới tại các trường phổ thông dân tộc nội trú. Ðại đức Danh Nol, trụ trì chùa Giồng Ðá, xã Bàn Thạch cho biết: "Do lượng học viên ngày càng tăng cho nên ngoài việc bố trí những phòng học gần chùa như những năm trước, nay chùa Giồng Ðá đã tận dụng cả những Sa La trong chùa để làm phòng học". Do phong trào hình thành khá lâu và tổ chức đều đặn cho nên năm nay lượng học viên đến chùa Giồng Ðá theo học các lớp tiếng Khmer nâng cao cũng nhiều hơn so với những năm trước. Ngoài con em, phật tử trong vùng, chùa Giồng Ðá còn thu hút đông đảo các em ở những xã lân cận đến học tập.

Là xã có hơn 57% dân số là người dân tộc Khmer cho nên những lớp dạy chữ Khmer như thế này ở Bàn Thạch là vô cùng bổ ích và rất có ý nghĩa. Bí thư Ðảng ủy xã Bàn Thạch, huyện Giồng Riềng Lê Quang Sang cho biết: "Xã rất hoan nghênh và luôn tạo điều kiện để các lớp dạy chữ Khmer được duy trì. Xã còn khuyến khích, vận động và tạo mọi điều kiện để đội ngũ cán bộ xã, ấp, con em người dân tộc được theo học xuyên suốt và phát triển đảng viên người dân tộc nhiều hơn nữa". Ngoài việc giúp con em đồng bào Khmer được học tốt tiếng mẹ đẻ, các lớp học chữ Khmer còn giúp cho cán bộ vùng đồng bào dân tộc biết được tiếng dân tộc. Không những vậy, các lớp học còn phát huy tốt nhu cầu, phong trào học tập nâng cao kiến thức văn hóa cho toàn xã hội. Cái hay của lớp học này là người dạy học là những vị sư dạy học bằng tấm lòng không nhận thù lao, người học không phải đóng học phí. Không những vậy, nhà chùa còn lo luôn việc ăn, việc nghỉ cho những người hoàn cảnh neo đơn, ở xa nơi học tập. Sư Danh Sương, giáo viên dạy chữ tại chùa Giồng Ðá cho biết: "Sư rất thích dạy chữ của dân tộc mình và rất hạnh phúc khi người đến học luôn đông đúc".

Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa phong trào học chữ Khmer trong những vùng dân tộc, thì ngoài sự nỗ lực của các nhà chùa, chính quyền và ngành giáo dục - đào tạo cần hỗ trợ về cơ sở vật chất, chuyên môn để những lớp học này được nâng lên cả chất và lượng.

(Theo trang tin điện tử Ủy Ban dân tộc)


Sóc Trăng hỗ trợ 38.688 căn nhà cho đồng bào dân tộc Khmer

Tỉnh Sóc Trăng là một trong 13 tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, với khoảng 400 nghìn người người Khmer đang sinh sống, chiếm khoảng trên 30% dân số toàn tỉnh và chiếm trên 32% tổng số người Khmer của cả nước, đông nhất trong số các địa phương có người Khmer sinh sống.

Quán triệt Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh uỷ Sóc Trăng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ đối với công tác vùng đồng bào dân tộc Khmer giai đoạn 2006 – 2010, ngoài việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của Chương trình 134, Chương trình 135, Quyết định 32... về đầu tư, hỗ trợ trong vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo cho các Sở, ban ngành, địa phương, các cấp phối hợp, lồng ghép với các nguồn vốn từ các chương trình khác như: Quyết định 167/TTg, Quyết định 74/TTg, Dự án Cung cấp điện cho các hộ dân chưa có điện chủ yếu là đồng bào Khmer, Chương trình nước sạch vệ sinh môi trường cho đồng bào Khmer, .... Theo số liệu thống kê của tỉnh, trong thời gian qua đã hỗ trợ 38.688 căn nhà ở cho người Khmer. Trong đó, từ năm 2005 – 2008 đã xây dựng được 33.154 căn nhà theo Quyết định số 134/TTg, với tổng giá trị trên 212.322 triệu đồng (bình quân từ 6 – 7,2 triệu đồng/ căn); năm 2009 đã xây dựng được 5.534 căn nhà ở theo Quyết định 167/TTg, với tổng giá trị trên 99.796 triệu đồng (trị giá 16,8 triệu đồng/căn, trong đó nhà nước hỗ trợ 8,4 triệu đồng/căn; Ngân hàng CSXH cho vay hỗ trợ không lãi suất 8 triệu đồng/căn); giải quyết các chính sách theo Quyết định 74/TTg: cấp đất ở cho 1.393 hộ, tổng giá trị 13.930 triệu đồng, cấp đất sản xuất cho 360 hộ, tổng giá trị 7.020 triệu đồng; chuyển đổi, mua sắm nông cụ cấp cho 3.895 hộ, tổng giá trị 11.685 triệu đồng; đào tạo nghề cho 1.718 lao động, tổng giá trị 3.542 triệu đồng....

Ngoài ra, Dự án Cung cấp điện cho các hộ dân chưa có điện chủ yếu là đồng bào Khme: đã kéo điện cho 20.388 hộ trên địa bàn 85 xã, phường của Tỉnh; đã đầu tư xây dựng các lò hoả táng cho các chùa Phật giáo Nam tông Khmer từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Trung ương, nhằm đáp ứng nhu cầu tính ngưỡng của đồng bào Khmer, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường. Tính đến nay, trên địa bàn Tỉnh có 92 chùa đã được đầu tư 68 lò, với tổng giá trị trên 24.004 triệu đồng, trong đó có 14 lò được Dự án Bảo vệ và Phát triển những vùng đất ngập nước ven biển hỗ trợ đầu tư.

Từ những chính sách an sinh xã hội mà Đảng và Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện đặc biệt đối với đồng bào dân tộc cả nước nói chung và đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng nói riêng, cùng với sự “chung tay, chung sức” của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội của địa phương và việc tự vuơn lên của bà con, mong rằng trong thời gian sắp tới, đời sống của đồng bào Khmer trong Tỉnh sẽ được khởi sắc hơn nữa./.

Nguồn Trang tin điện tử Ủy Ban dân tộc