Thứ Hai, 29 tháng 12, 2008

Sóc Trăng: Các chùa Khmer đều có tủ sách pháp luật


Hiện 92/92 chùa Khmer ở Sóc Trăng đã có tủ sách pháp luật kết hợp với thư viện sách để bà con Khmer tìm hiểu chính sách pháp luật, kỹ thuật nông nghiệp, hướng dẫn cách chăn nuôi, trồng trọt, chăm sóc cây trồng, vật nuôi phù hợp với địa phương.

Tủ sách pháp luật ở các xã và trong chùa Khmer luôn được trao đổi sách hàng tuần, hàng tháng phục vụ bà con những tài liệu mới để đọc.

Ở các xã thuộc chương trình 135 và ở các chùa Khmer, tủ sách còn được trang bị thêm tài liệu được in bằng chữ Khmer.

Nhờ những tủ sách này, bà con ở vùng sâu vùng xa, đặc biệt là vùng đồng bào Khmer Sóc Trăng ngày càng am hiểu hơn về chính sách pháp luật của Nhà nước, nâng cao trình độ dân trí, có thêm kiến thức mở rộng sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác./.

(Theo TTXVN)

Hội nghị thẩm định, nghiệm thu, chỉnh sửa Bộ tài liệu dạy tiếng dân tộc Khmer trên địa bàn thành phố Cần Thơ


Ngày 13/11/2008, Hội đồng thẩm định nghiệm thu, chỉnh sửa Bộ tài liệu dạy tiếng dân tộc Khmer đã tổ chức Hội đồng thẩm định nghiệm thu, chỉnh sửa thống nhất thông qua Bộ tài liệu dạy tiếng dân tộc Khmer để đưa vào giảng dạy cho cán bộ, công chức công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

Đến dự hội nghị: Ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó vụ trưởng - Vụ Đào tạo, bồi dưỡng công chức - Bộ Nội vụ, Ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch UBND thành phố, Chủ tịch Hội đồng và các thành viên Hội đồng.

Theo Quyết định số 110/QĐ-BNV ngày 15 tháng 02 năm 2008 của Bộ Nội vụ về việc 15 tỉnh tổ chức chỉnh sửa 19 bộ tài liệu tiếng dân tộc thiểu số đào tạo cho cán bộ, công chức công tác ở các vùng dân tộc, miền núi; Thành phố Cần Thơ được Bộ Nội vụ giao chỉnh sửa, bổ sung bộ tài liệu đào tạo tiếng Khmer trên cơ sở khung của bộ tài liệu do tỉnh An Giang biên soạn để đưa vào giảng dạy cho cán bộ, công chức công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn thành phố Cần Thơ trong thời gian tới. Sau gần 5 tháng (từ tháng 6/2008) tổ chức nghiên cứu, khảo sát tại vùng đồng bào có nhiều đồng bào dân tộc Khmer sinh sống để thu thập thông tin, những từ ngữ phổ thông có tính phổ biến nhất, có liên quan đến các lĩnh vực như: truyền thống văn hoá, phong tục tập quán, an ninh quốc phòng, trật tự trị an xã hội, lao động sản xuất, giáo dục, y tế…nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt chủ trương, chính sách của đảng, pháp luật của Nhà nước của địa phương một cách thiết thực hơn.

Tại Hội nghị Ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch UBND thành phố, Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo:
- Giao Sở Nội vụ tiếp tục hoàn chỉnh nội dung, chỉnh sửa bộ tài liệu theo hướng đóng góp ý kiến của Hội đồng, trình UBND thành phố phê duyệt.

- Để có cơ sở thực hiện việc học tập tiếng Khmer cho cán bộ, công chức, đề nghị Sở Nội vụ:
+ Tổng hợp nhu cầu, đội ngũ cán bộ, công chức hiện đang công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer 02 quận, huyện (Ô Môn, Cờ Đỏ) để có kế hoạch triển khai trước, trong đó ưu tiên những cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác liên quan đến chính sách về dân tôc.

+ Phối hợp các cơ quan, đơn vị, Trường PT Dân tộc Nội trú Ô Môn để nắm nguồn giáo viên làm cơ sở cho việc mở lớp.

3. Đưa kế hoạch giảng dạy vào năm 2009 để thí điểm và sau đó nhân rộng.

Văn Trúc-Phòng Đào tạo, Sở Nội vụ.

Kiên Giang giải quyết đất ở, đất sản xuất cho các hộ đồng bào Khmer nghèo



(SGGP 12G).- Đó là một trong những nội dung chính trong Đề án 2950 về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất và việc làm cho đồng bào dân tộc Khmer nghèo, đời sống khó khăn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2008-2010 vừa được UBND tỉnh phê duyệt.

Theo đó, đến năm 2010, toàn bộ số hộ dân tộc thiểu số trong tỉnh có đất ở; trên 80% số hộ trong diện nghèo, đời sống khó khăn có đất sản xuất hoặc có việc làm tạo thu nhập ổn định; trên 50% lao động trong độ tuổi có điều kiện học nghề được đào tạo nghề.

Trên 21.500 hộ nghèo được trợ giúp nhà ở

(PL)- Đến nay, tỉnh Trà Vinh đã xây dựng hơn 21.500 căn nhà giúp hộ nghèo dân tộc Khơme có nơi ở khang trang, ổn định cuộc sống.
Ông Thạch Dư, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh, cho biết mỗi căn nhà được tài trợ 5-7,8 triệu đồng. Trong số này có trên 11.500 căn nhà xây dựng bằng vốn Chương trình 134 của Chính phủ, gần 10.000 căn nhà xây dựng theo Đề án 01 của UBND tỉnh đầu tư về nhà ở cho đồng bào dân tộc nghèo. Tỉnh đã vận động các nhà hảo tâm đóng góp trên 16 tỷ đồng cải thiện nhà ở hộ nghèo. (T.PHÚC)

Sóc Trăng: Trên 122,2 tỷ đồng hỗ trợ đồng bào Khmer



(SGGP- 12G).- Trong năm 2008, tỉnh Sóc Trăng đã hỗ trợ trên 122,2 tỷ đồng cho các hộ Khmer nghèo trên địa bàn với các hợp phần: Hỗ trợ nhà ở, nước sinh hoạt, đào tạo nghề và giải quyết việc làm và đất ở.

Tại các xã vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu vùng xa, các ngành chức năng đã xây dựng thành công 26 mô hình trình diễn giúp bà con ổn định và phát triển sản xuất như: Nuôi cá lóc, ba ba, trùn quế, nghêu, cá kèo, bò lai Sind, trồng hành tím, nấm rơm, nấm mèo...

Ông Nguyễn Hữu Tám, Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết, đến nay tỷ lệ hộ nghèo ở các xã bình quân giảm 2%/năm, tỷ lệ huy động học sinh tiểu học đến trường đạt trên 95%, trên 75% hộ nông thôn được sử dụng nước sạch và 100% xã đều có trạm y tế để chăm sóc, khám chữa bệnh cho bà con.

Trong năm nay tỉnh đã xây dựng và bàn giao 8.496 căn nhà tình thương, đào tạo trên 22.000 lao động nông thôn và giải quyết việc làm cho 20.236 lao động người dân tộc.

Khắc Lê

Sóc Trăng: Vùng đất đậm sắc màu văn hóa cộng cư ba dân tộc Kinh - Khmer - Hoa


Nguồn: Báo Cần Thơ

Lâu nay, khi nói đến tỉnh Sóc Trăng, nhiều người nghĩ đến các chùa Khmer nổi tiếng như chùa Chén Kiểu, chùa Dơi hay chùa Đất Sét, hoạt động lễ hội Chol Chnam Thmay, Ok-om-bok, đua ghe ngo vào dịp rằm tháng 10 âm lịch, lễ hội sông nước miệt vườn cồn Mỹ Phước, huyện Kế Sách… Song, vùng đất này còn có điểm đặc sắc là sự cộng cư và giao thoa của ba nền văn hóa dân tộc Kinh - Khmer - Hoa.


Theo tiến sĩ Trịnh Công Lý, nhà sử học, người có nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử vùng đất Sóc Trăng, thì nơi đây là một vùng đất mới được các cư dân người Việt đến khẩn hoang chỉ trong vòng 300 năm trở lại đây. Cùng với các biến động lịch sử trong thời kỳ này, các dân tộc như Chăm, Hoa và Khmer bản địa trong quá trình cộng cư đã hình thành nên một nét văn hóa đặc sắc và khá riêng biệt và có thể gọi là “Văn hóa xứ Giồng”. Nét văn hóa này, ngày nay vẫn còn tồn tại khá rõ nét nếu du khách có dịp đi ngang qua con đường Giồng Cát từ xã Vĩnh Châu đến xã Lai Hòa, huyện Vĩnh Châu. Bên cạnh các phum sóc của đồng bào dân tộc Khmer, du khách sẽ dễ dàng nhận thấy những ngôi nhà tường khá khang trang, bên ngoài có dán “giấy hồng”, đặc trưng của người Hoa, nằm trong các khu vực tập trung đồng bào Khmer có nơi lại có những ngôi đình, chùa mang đậm kiến trúc Trung Hoa. Nhiều nơi còn có cả những ngôi trường do người Hoa lập ra để dạy tiếng Hoa cho con em họ. Ông Sơn Dêm, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Châu, dẫn chứng: Chỉ riêng xã Vĩnh Châu, tỷ lệ hộ dân người Khmer chiếm 77%, người Hoa chiếm 21,3%, còn lại là dân tộc khác. Chính vì nét đặc thù này đã tạo nên nét văn hóa pha trộn giữa ba dân tộc Kinh- Khmer-Hoa, hiện được xem là “đặc sản” của huyện Vĩnh Châu nói riêng và tỉnh Sóc Trăng nói chung.

Theo tài liệu tra cứu được tại Thư viện tỉnh Sóc Trăng, kể từ khi những người Minh Hương đến cư ngụ tại tổng Khánh Hưng, đã có sự giao hòa trong cuộc sống với người Khmer bản địa qua giao tiếp, qua ngôn ngữ và cả quan hệ huyết thống. Nhiều địa danh còn lưu giữ ở Sóc Trăng ngày nay đã phản ánh phần nào mối quan hệ này như làng Xoài Ca Nả, làng Bố Thảo,... Đặc biệt, kiến trúc của chùa Xà Lôn (chùa Chén Kiểu )ở Đại Tâm, Mỹ Xuyên cũng thể hiện sự pha trộn văn hóa này. Nếu xem xét kỹ thì hình rồng được đắp trên các cột của chính điện Chùa Chén Kiểu đã không còn là “rồng truyền thống” trong hình ảnh dân gian Khmer mà có sự ảnh hưởng của người Hoa. Chín đôi cột cũng đã có cách giải thích khá lý thú về đặc thù cộng cư của các tộc người trong vùng, gắn liền cách lý giải về sông Cửu Long của người Việt.

Từ thực tế đó, ngày nay, không ít người dân, đặc biệt là những hộ kinh doanh, mua bán nhỏ, để tiện giao dịch, làm ăn, họ phải nói được cả 3 thứ tiếng Việt – Khmer - Hoa. Một điều khá thú vị là không ai có thể nhớ ra rằng, là cả ba dân tộc sinh sống trên vùng đất này đều xem lễ, tết của dân tộc nhau như của dân tộc mình từ lúc nào. Trong đó, không ít người Việt lẫn người Hoa đã trở thành phật tử của chùa Khmer - Hòa thượng Tăng Nô, trụ trì chùa Khleang, đã khẳng định như thế.

Sự giao thoa giữa ba nền văn hóa này còn hiện diện trong những món ăn thường nhật. Có những món đã trở thành đặc sản của Sóc Trăng ngày nay như bún nước lèo. Món “bún nước lèo” đặc sắc của Sóc Trăng từng đạt giải nhất tại Liên hoan du lịch Mekong cũng chính là món ăn mang nặng tính “giao thoa” giữa các khẩu vị, món ăn của cả ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa ở Sóc Trăng. Vị ngọt bùi của trứng và ruột cá lóc, hương vị mặn mà, đậm đà của mắm Pro-hốc của người Khmer được ăn kèm với bắp chuối non, rau muống thái sợi, giá sống thì đích thị là cung cách của người Kinh, nhưng vài miếng bì heo quay giòn giòn, dai dai, béo béo lại đúng là của người Hoa.

Những năm gần đây, Sở Văn hóa thông tin (nay là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều cố gắng trong việc duy trì và phát huy bản sắc văn hóa của từng dân tộc, như đầu tư phục dựng và bảo tồn nghệ thuật dù kê, Rôbăm của đồng bào dân tộc Khmer. Phòng Văn hóa các huyện thường xuyên tổ chức và hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các đội ca múa nhạc, các nghệ nhân người Hoa, có điều kiện tập luyện, duy trì hoạt động. Trong đó, hội thi trang phục 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa là hoạt động điển hình để phát huy và khơi dòng cho sự giao thoa này thăng hoa. Hoạt động này, năm nay đã được tổ chức lần thứ tư. Trong dịp lễ hội Ok-om-bok năm nay, hoạt động này sẽ được tiếp tục diễn ra ở với qui mô thật hoành tráng. Nếu một lần được chứng kiến, chắc chắn bạn nhận ra rằng: “Bấy lâu nay mình chỉ thấy được một Sóc Trăng và bây giờ mới thật sự biết”.


Phong phú ẩm thực của đồng bào dân tộc Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long



Mặc dù cộng cư lâu dài với các dân tộc Việt, Hoa, Chăm anh em, nhưng đồng bào dân tộc Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn bảo tồn, phát huy được những nét đẹp văn hóa truyền thống. Bên cạnh nghệ thuật sân khấu, âm nhạc, lễ hội, trang phục... thì tập quán cư trú, văn hóa ẩm thực cũng là một khía cạnh của văn hóa đặc biệt của bà con Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long.


Trong một thời gian dài người Khmer đã cộng cư với các dân tộc Việt, Hoa, Chăm trên cùng một địa bàn cư trú nên văn hóa có sự tiếp xúc và giao thoa là điều tất nhiên. Người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay không chỉ có các món ăn truyền thống của dân tộc mình mà còn ăn các món của các dân tộc khác - làm phong phú thêm cho văn hóa ẩm thực. Tuy vậy, trong sinh hoạt đời thường, cũng như trong sinh hoạt lễ hội truyền thống, người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn có ý thức giữ gìn và phát triển những món ăn mang tính đặc trưng của dân tộc.

Văn hóa ẩm thực của người Khmer hết sức phong phú và đa dạng. Từ các món ăn trong sinh hoạt thường ngày, đến các món ăn trong các dịp lễ Tết, giỗ chạp của người Khmer đều thể hiện được sự ứng xử của con người đối với môi trường thiên nhiên. Họ lựa chọn các thức ăn có nguồn gốc từ tự nhiên, chế biến và sáng tạo ra nhiều món ăn khác nhau. Đến nay, đồng bào Khmer đã có được một danh sách dài về các món ăn đặc trưng. Trong đó, có các món tiêu biểu như: mắm bò hóc, canh chua, canh som lo, bún nước lèo, cốm dẹp, bánh thốt nốt, nước thốt nốt,v.v...

Tập quán của người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long là cư trú ở nông thôn, trên những giồng đất cao. Phần lớn bà con Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long chuyên sống bằng nghề nông, chủ yếu là sản xuất lúa gạo, hoa màu, đánh bắt thủy hải sản với quy mô nhỏ.

Đặc biệt, đối với người Khmer, mắm không chỉ là một món ăn thường dùng trong bữa cơm, mà nó còn là một thứ gia vị đặc biệt, đôi khi mang tính bắt buộc trong việc chế biến nhiều món ăn. Chỉ riêng mắm cũng có nhiều loại, loại nào cũng đòi hỏi sự khéo léo, công phu và kỹ thuật chế biến. Mắm bò hóc là một ví dụ điển hình.

Mắm bò hóc (Pro-hốc) là món ăn khá đặc trưng của người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long... thể hiện công phu, sáng tạo và đôi tay khéo léo bà con ta. Mắm bò hóc có thể được làm từ nhiều loại cá nhỏ, như: cá sặc, cá chốt, cá lòng tong... đến những loại cá lớn như: cá trê, cá lóc.... Sau khi đánh bắt về, bà con lựa những con cá còn tươi đem đánh vẩy, mổ bụng ra rồi rửa cho sạch, đem phơi nắng cho ráo nước. Khi cá đã ráo nước thì ướp muối, trộn với cơm nguội, cho vào hũ, hoặc khạp, rải muối hột vào rồi gài cứng, đậy nắp lại, để khoảng từ bốn tháng đến sáu tháng là ăn được. Muốn ăn, người ta vớt con mắm ra, để nguyên con đem kho, thêm một ít gia vị chứ không cần chế biến gì thêm. Ăn mắm sống thì kèm chanh, ớt với khế, chuối chát, rau sống... Hoặc chưng mắm thì cho vào ít lá chanh, lá gừng xắt nhỏ, ớt, đường và chanh. Ngoài ra, người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long còn có loại mắm chua gọi là Pò ót (Pro ot), được làm từ tép bạc mòng - một loại tép nhỏ rất phổ biến ở Đồng bằng sông Cửu Long. Khi chế biến, người ta trộn với đu đủ, riềng hoặc gừng non, để khoảng 10 ngày là ăn được.

Ngoài dùng làm món ăn chính, người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long còn dùng mắm bò hóc để làm gia vị chính trong việc nêm nếm các món ăn khác, như: nêm vào canh som lo, bún nước lèo, nước bún cà ri, hoặc đôi khi dùng làm nước chấm cho các món cá nướng, rắn nướng...

Canh som lo cũng là một món canh tiêu biểu trong kho ẩm thực của người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long. Nó khác với tất cả các loại canh của người Việt hay người Hoa. Cách nấu món canh này cũng rất công phu: người ta dùng thịt, cá tươi nấu với rau ngổ, chuối ghém, hoặc trái đu đủ non và được nêm bằng mắm bò hóc. Ngay cả món canh này, người Khmer cũng có nhiều loại khác nhau. Như: som lo mít, som lo bình bát... Mỗi loại canh đều thể hiện sự phong phú, tài khéo léo khác nhau của người nấu. Đầu tiên, người ta lấy mắm bò hóc cho vào nồi nước nấu nhừ, lược bỏ xương để lấy nước. Sau đó cho vào ba, bốn gốc sả đập dập. Khi cần nấu với mít non thì người ta cho mít non vào, cần nấu với bình bát thì cho bình bát vào. Nếu nấu với cá lóc thì cá lóc được lọc lấy thịt, bỏ xương, cho thêm ít tép vào nấu chung. Món này đã được bà con người Hoa, người Việt tiếp thu và chế biến lại cho hợp với khẩu vị của mình.

Đặc biệt, món bún nước lèo của người Khmer được cả người Việt và người Hoa ưa thích và đã trở thành một đặc sản ẩm thực chung của cư dân Đồng bằng sông Cửu Long, được nhiều du khách phương xa ưa chuộng . Món này, người nấu dùng tôm, cá nấu nhừ lấy nước cốt, đem cá ra rút hết xương, nước cốt của cá được nêm muối ớt, sả... bên cạnh hai món không thể thiếu là ngải bún giã nhỏ và mắm bò hóc. Đây là một thứ nước lèo rất tuyệt hảo.

Cốm dẹp thường được người Khmer làm trong dịp lễ cúng trăng (Ok-om-bok). Hằng năm, cứ vào ngày 15 tháng 10 âm lịch, đồng bào Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu vào lễ hội cúng trăng. Lúc này, ngoài đồng, lúa nếp cũng đã bắt đầu chín, vẫn còn thơm mùi sữa. Người ta gặt những hạt lúa nếp đó đem về rang nóng rồi giã dẹp trong cối để tạo thành một món cốm dẹp vàng thơm, vừa béo vừa thơm và ngọt lịm trong đêm lễ hội cúng trăng. Cốm dẹp thường được ăn bằng cách trộn với dừa, đường cát tạo thành một hỗn hợp các hương vị làm ấm lòng thực khách trong đêm lễ hội chờ trăng lên.

Cũng như các dân tộc khác ở Đồng bằng sông Cửu Long, người Khmer có nhiều món bánh đặc trưng của mình. Trong đó, phổ biến nhất là các loại bánh ngọt, bánh tét Bánh ngọt, bánh tét có mặt gần như hầu hết trong các dịp lễ hội của người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tiêu biểu có các loại bánh: bánh Cô Nóc, bánh củ gừng, bánh tai yến... nhưng tiêu biểu hơn cả có thể nói là bánh thốt nốt. Nguyên liệu làm bánh từ trái thốt nốt- trái thốt nốt có nhiều ở những khu vực đông đảo người Khmer sinh sống. Đúng như tên gọi của nó, bánh được làm từ trái thốt nốt. Để làm món bánh này, người ta bẻ trái thốt nốt xuống, đem chà vào rổ để lấy bột, đem bột này trộn với bột gạo, thêm chút dừa nạo, sau đó lấy lá thốt nốt gói lại, rồi đem hấp cho bánh chín nở lên. Bánh thốt nốt hấp chín có màu vàng ươm với mùi thơm hết sức đặc trưng của trái thốt nốt không lẫn vào đâu được. Cắn vào bánh, cảm nhận có vị ngọt tinh khiết, cộng với vị béo của dừa làm cho người ăn cảm thấy ngon vô cùng.

Nhìn chung, thức uống của người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long không khác mấy so với các dân tộc khác. Duy chỉ có nước thốt nốt là loại thức uống mang tính đặc trưng của dân tộc này. Cây thốt nốt được trồng nhiều ở vùng có đông đảo người Khmer sinh sống. Thân như cây dừa nhưng lá như lá cọ. Trái thốt nốt có rất nhiều công dụng, nào uống tươi, ăn cái, làm đường, và làm cả bia chua. Đặc biệt, nước thốt nốt uống tươi là một thứ nước giải khát tuyệt vời cho du khách gần xa. Nước thốt nốt có hương vị rất đặc biệt, không lẫn với bất cứ hương vị của thức uống nào khác. Uống vào làm mát rượi cả cuống họng, ngọt lịm, thơm lừng nhưng lại ngọt thanh chứ không gắt cổ, làm tan đi bao nỗi mệt nhọc sau những ngày lao động vất vả.

Trước đây, nước thốt nốt được người ta để trong ống tre, gánh đi bán. Khi có khách, người bán sẽ dừng quang gánh lấy ra từng ống tre cho khách uống. Ngày nay, cảnh đó ít thấy, mà thay vào đó, người ta bổ trái thốt nốt ra, nạo những muối cùi trắng muốt cho vào ly, cho nên du khách có thể vừa uống nước vừa ăn cái. Cái thốt nốt rất bùi và béo hòa quyện với mùi thơm của nước thốt nốt làm cho ly nước giải khát của người uống có hương vị lạ, ngon tuyệt vời.

Nhìn chung, các món ăn của đồng bào dân tộc Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long tuy không cầu kỳ, nhưng nó phản ánh khá rõ nét khía cạnh văn hóa trong ẩm thực của cộng đồng này: phong phú, đa dạng và mang bản sắc riêng.

Theo website báo Cần Thơ

Về xứ Bạc Liêu


Bạc Liêu nằm gần cuối vùng đất phía Nam Tổ quốc. Những dòng hải lưu Bắc - Nam tích tụ phù sa bồi lắng, đã hình thành nên vùng đồng bằng màu mỡ, phì nhiêu, cò bay thẳng cánh giáp với biển Đông mênh mông lộng gió. Bạc Liêu cách TP Hồ Chí Minh 300km, TP Cần Thơ 120km về phía nam theo Quốc lộ 1A trên đường đi Cà Mau.

Tháp cổ và chùa

Đến Bạc Liêu thăm những di tích và danh thắng của vùng đất có nhiều giai thoại hấp dẫn đối với du khách sẽ rất thú vị.

Ở phường 3, thị xã Bạc Liêu có chùa Quan Đế nằm ven sông Bạc Liêu mang đậm dấu ấn kiến trúc văn hóa của người Hoa. Được biết vào năm 1835, ông Châu Quai đứng ra vận động đóng góp xây dựng chùa. Trong chánh điện chùa thờ tượng Quan Vân Trường (Quan Công) mặc giáp trụ uy nghi, hai bên là hai tướng Quan Bình và Châu Xương cùng với nhiều vị thánh linh, thánh mẫu theo truyền thuyết của người Trung Hoa. Chùa Ông (tên gọi tắt của chùa Quan Đế) là nơi người Hoa xưa nay hay đến cầu khẩn và có khi giao kèo làm ăn với nhau qua chữ tín. Nghệ thuật kiến trúc ở đây từ xưa đã đạt độ tinh xảo với những hoa văn và đường nét chạm trổ sắc sảo, giàu bản sắc văn hóa của vùng Hoa Nam (Trung Quốc).

Tháp cổ Vĩnh Hưng ở huyện Vĩnh Lợi có niên đại từ thế kỷ thứ 9, được các nhà khảo cổ phát hiện vào năm 1911. Tháp có chân nền hình chữ nhật, dài 6,9m, rộng 5,6m và cao 8,9m. Kiến trúc khá đơn giản gồm một gian hình chữ nhật, tường dày, nóc cao cuốn cong thành vòm nhưng đặc biệt trong tháp có những tượng thần bằng đá xanh, đầu tượng Phật bằng đồng, tượng nữ thần Brahma mặt đồng và nhiều tượng cổ khác. Tháp cổ Vĩnh Hưng còn có tên là tháp Lục Hiền, tháp Bhad Dhat... Điều thú vị ở đây là trong những năm đầu của thế kỷ 20, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra tấm bia có khắc chữ Phạn ghi thời điểm năm 892 sau Công nguyên. Xuất xứ tấm bia này và con đường nó đến đây vẫn còn là những bí ẩn cùng với nhiều giả thuyết.

Hằng năm nhân dân địa phương tổ chức lễ cúng lớn tại tháp cổ vào ngày 15 tháng giêng âm lịch...

Chùa Khmer Xiêm Cán thuộc ấp Biển Tây, xã Hiệp Thành cách thị xã Bạc Liêu hơn 6km trên đường về Vĩnh Châu (Sóc Trăng) là một công trình kiến trúc hoành tráng với các nhóm chùa, tháp, mộ táng có nhiều hoa văn, phù điêu, họa tiết rất chi li, với những gam màu sặc sỡ, thể hiện phong cách văn hoá Phật giáo Tiểu thừa của đồng bào dân tộc Khmer. Chùa nằm trong một khuôn viên rất rộng rãi, chia làm nhiều khu vực như chánh điện, sa la, am cốc, nhà ở các sư sãi, mộ táng, lò thiêu, tháp tro cốt. Trên các vách bên trong nội thất, chánh điện của chùa và các am cốc có nhiều bức bích họa vẽ theo trình tự kể về cuộc đời của Đức Phật Thích Ca từ lúc giáng sinh đến khi xuất thế, nhập Niết Bàn. Khuôn viên thoáng đãng của chùa có nhiều cây thốt nốt lâu năm đứng trầm tư, hoa hướng dương, hoa lài trồng ở đây làm cho cảnh vật thêm u nhã, thanh tịnh. Nhiều nhất là hoa hướng dương và hoa lài.

Chùa Xiêm Cán còn là một trung tâm văn hóa, giáo dục của đồng bào dân tộc Khmer ở khu vực. Nơi đây có trường dạy chữ Khmer, chữ Ba-li, dạy kinh Phật... Các lễ hội truyền thống thường được tổ chức trang nghiêm và long trọng với rất nhiều nhân dân địa phương và khách các nơi về tham dự.

Nhà Công tử Bạc Liêu

Người ta truyền miệng rằng, đến Bạc Liêu mà không ghé tham quan nhà công tử Bạc Liêu kể như là chưa đến xứ này.

Rạch Bạc Liêu gần cầu Cao Văn Lầu ngày nay là một dải quần thể “nhà Tây”. Ở đây còn có các cụm biệt thự, nhà cổ, dinh thự, công sở được xây dựng từ những năm đầu của thế kỷ 20. Nhiều vật liệu xây dựng được đem qua từ Pháp quốc như: thép đúc sẵn, cửa lá sách, gạch lót nền...

Nhà của “công tử Bạc Liêu” Trần Trinh Huy do cụ thân sinh là ông Trần Trinh Trạch xây dựng năm 1919 trên một khu đất rộng rãi, thoáng đãng, kiến trúc cân đối, hài hòa mang phong cách Tây phương cuối thế kỷ 19 bước sang đầu thế kỷ 20. Tầng trệt có 2 phòng ngủ, 2 đại sảnh. Tầng trên có 3 phòng ngủ, 2 đại sảnh. Ngày nay trải qua những thăng trầm, biến động của lịch sử, khu nhà cổ này được Công ty Du lịch Bạc Liêu sử dụng làm nhà hàng khách sạn “Công tử Bạc Liêu” từ năm 2003. Bạn có thể thuê phòng ở đây nghỉ đêm và ăn uống, sinh hoạt tại nhà công tử với giá từ 200.000 đến 240.000 đồng/phòng/ngày đêm. Riêng phòng của “công tử” số 101 có giá đặc biệt là 340.000/ đồng/ngày đêm. Thức ăn thì có lẩu hải sản với cá kèo, tôm, mực, cá vò viên có giá từ 80.000 đến 150.000 đồng/cái lẩu. Những vật dụng trong khu nhà cổ còn lại rất ít, người ta đã phục chế lại khá nhiều hạng mục và bảo tồn những gì còn giữ được, mang dấu ấn của một gia đình đại phú thời Pháp thuộc. Không chỉ nhà của Công tử Bạc Liêu, thị xã Bạc Liêu có hơn 30 căn nhà cổ như thế. Có thể nói đây là một di sản văn hóa quý giá đặc trưng của Bạc Liêu trong thời kỳ Pháp thuộc, phản ánh một giai đoạn lịch sử có nhiều thăng trầm, biến động trên vùng đất này.

Khi màn đêm buông xuống, khách quây quần bên chiếc bàn mà công tử Bạc Liêu ngày xưa tiếp khách, nấu và ăn chè đậu xanh bằng những tờ giấy bạc 10 đồng Đông Dương hình bộ lư khách có thể ngồi nghe các cô gái xinh xắn, duyên dáng trong bộ áo bà ba phục vụ đàn ca tài tử... Trong tiếng đàn nguyệt rưng rưng thánh thót, tiếng đàn tranh réo rắt du dương, tiếng ngân nga não nuột của người “ca nữ” hát khúc “Dạ cổ hoài lang”, khách sẽ bồi hồi thấy mình như ngược dòng quá khứ của vùng đất phương Nam nhiều huyền thoại...

(Theo Báo Cần Thơ)

Kiên Giang: Giảm nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer


Những năm qua, tỉnh luôn làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2000, toàn tỉnh có 12.205 hộ dân tộc Khmer nghèo, đến cuối năm 2007 còn 9.483 hộ , mỗi năm giảm khoảng 1,85%.

Theo báo cáo của Tỉnh ủy, hiện nay kinh tế trong vùng đồng bào dân tộc Khmer ở tỉnh Kiên Giang phát triển còn chậm, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội còn thấp kém so với mặt bằng chung của tỉnh. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong vùng đồng bào dân tộc còn ít và hầu hết hộ dân tộc Khmer sống chủ yếu bằng nghề nông. Tuy nhiên, nhờ những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, của các tổ chức từ thiện xã hội nên số hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer đã giảm đáng kể. Năm 2005, toàn tỉnh có 12.205 hộ dân tộc Khmer nghèo (chiếm 26,1% so với hộ dân tộc Khmer) đến cuối năm 2007 còn 9.483 hộ (chiếm 22,35%). Mỗi năm giảm khoảng 1,85%. Nhưng nếu tính chung cả số hộ cận nghèo (gần 4.500 hộ) thì cả hai diện lên đến gần 14.000 hộ (chiếm đến 32,85%). Nếu so với số hộ nghèo toàn tỉnh, thì đồng bào dân tộc Khmer chiếm đến 30,35%, nhưng nếu tính trên số khẩu thì chiếm gần 42%, trong khi đó số hộ nghèo toàn tỉnh chỉ chiếm 8,98% tổng số hộ toàn tỉnh.

Điều này cho thấy, bình quân số khẩu trong mỗi gia đình người Khmer cao hơn số khẩu bình quân chung trong mỗi gia đình và bình quân số khẩu trong hộ nghèo lại cao hơn số khẩu của những hộ không nằm trong diện nghèo. Nếu bình quân mỗi hộ nghèo của người Khmer có 5 khẩu, thì toàn tỉnh có gần 50.000 người Khmer có mức thu nhập dưới 200 ngàn đồng/tháng. Theo ông Danh Ngọc Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang, mỗi năm số hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer giảm đáng kể, nhưng số hộ tái nghèo cũng chiếm tỷ lệ không nhỏ. Nếu như năm 2007, có 3.156 hộ thoát nghèo, thì lại có 1.758 hộ nghèo mới phát sinh. Điều này chứng tỏ, công tác xóa đói giảm nghèo của ta đang thực hiện chưa mang tính bền vững.

Cũng theo ông Danh Ngọc Hùng, hiện tình trạng cầm cố, sang bán đất đai trong đồng bào dân tộc Khmer vẫn tiếp tục diễn ra. Và theo khảo sát của chính quyền các địa phương, hầu hết hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer không còn đất sản xuất, nghề nghiệp mưu sinh của bà con là làm thuê mướn nhưng không ổn định vì là lao động thủ công làm theo mùa vụ, nhưng con đông nên cuộc sống thiếu thốn trăm bề. Một bộ phần khác khá đông được vận động, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, như đưa đi lao động ở các khu công nghiệp… thì có cuộc sống tương đối hơn. Nhưng trong số này, có một bộ phận không nhỏ khác không hoặc chậm thích nghi với tính kỹ luật lao động công nghiệp, làm được một thời gian thì bỏ việc nên rơi vào tình trang thất nghiệp, phải trông chờ vào sự giúp đỡ của chính quyền, xã hội.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang gần 3 năm qua Nhà nước đã đầu tư hơn 46 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng cho những xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh; cất 7.200 căn nhà cho đồng bào dân tộc Khmer ngheo với tổng trị giá 567 tỷ đồng. Nhưng nếu tính từ khi thực hiện Chương trình 134 đến nay thì đã cất 12.252 căn (gần 817 tỷ đồng) đạt gần 29% so với số tổng hộ dân tộc Khmer toàn tỉnh (42.413 hộ). Đến nay tỉnh ta đã có 24/42 xã của 9 huyện đã thoát khỏi Chương trình 135 và hiện toàn tỉnh còn 18 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn.

Có thể nói, công tác xóa đói giảm nghèo của tỉnh ta phát huy hiệu quả chưa cao là do nhiều nguyên nhân hợp thành. Dễ thấy nhất, là việc sử dụng các nguồn vốn chưa đúng mục đích, trong khi đó việc hướng dẫn quản lý của chính quyền, mặt trận, các đoàn thể ở địa phương có nơi chưa làm tốt. Một bộ phận người dân chưa tích cực trong lao động sản xuất, còn trông chờ hoặc ỷ lại vào các chính sách của Nhà nước, sự giúp đỡ của xã hội nên chưa quyết tâm tự lực vươn lên.

Để giảm nghèo, nâng cao đời sống, làm thay đổi bộ mặt nông thôn trong vùng đồng bào dân tộc, trước mắt cần tập trung nhiều nguồn vốn để đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc, các xã đặc biệt khó khăn nhằm hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng. Triển khai các chính sách hỗ trợ của Chương trình 135, 134 mà nhất là đến năm 2010, tỉnh ta phải cơ bản thực hiện đạt theo Quyết định 74 của Thủ tướng Chính phủ “về một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn, vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2008-2010”-theo Nghị quyết Tỉnh ủy.

Tuy nhiên, theo ông Danh Ngọc Hùng, sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện Quyết định 74. Ông Hùng lý giải, về giải quyết đất ở thông qua việc vận động bà con, thân nhân cho đất và đưa vào các cụm, tuyến dân cư vượt lũ xem như cơ bản hoàn thành. Riêng về hỗ trợ đất sản xuất, thì tỉnh ta không còn đất để cấp cho đồng bào, còn mua để cấp thì không thể thực hiện được. Do mức hỗ trợ từ Trung ương chỉ 10 triệu đồng/hộ, mỗi hộ vay thêm tối đa không quá 10 triệu đồng. Tính theo giá hiện tại, 20 triệu đồng chỉ mua được khoảng 1 công đất và nguy cơ bà con sẽ sang bán. Theo đó, ông Danh Ngọc Hùng đề xuất, chỉ giải quyết đất cho những hộ hiện đang cầm cố, có nhu cầu chuột lại để sản xuất. Số còn lại nên chuyển đổi ngành nghề khác, học nghề để làm công nhân, xuất khẩu lao động…

Tại Hội nghị kiểm điểm giữa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết Đại hội VIII Đảng bộ tỉnh, Đại tướng Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng, công tác xóa đói giảm nghèo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của mỗi bản thân người nghèo. Vì vậy, các cấp các ngành cần quan tâm chỉ đạo cho các đoàn thể cùng tham gia trong việc quản lý, hướng dẫn cung cách làm ăn, giáo dục ý thức vượt khó vươn lên cho bà con và phải thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình.

Theo VIỆT TIẾN(CTV)
(Báo Điện tử Đảng Cộng sản)

Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ:Tổ chức tuyên truyền về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước



Từ ngày 20 đến ngày 24/10/2008, Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp với Thường trực Tỉnh ủy Trà Vinh, tổ chức đợt tuyên truyền về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên; các vị chức sắc, sư sãi của 141 chùa phật giáo Nam tông Khmer; học sinh, sinh viên và đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh.

Đồng chí Sơn Song Sơn, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ phát biểu tại buổi họp mặt.

Nội dung tuyên truyền chủ yếu là các chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước; Về lược sử vùng đất Nam bộ và những cơ sở pháp lý khẳng định vùng đất Nam bộ thuộc chủ quyền của Việt Nam; Vị thế của nước ta ngày nay trên trường quốc tế; Những âm mưu, ý đồ của các thế lực thù địch, nhất là các tổ chức phản động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, lợi dụng tranh chấp, khiếu kiện để kích động gây chia rẽ đoàn kết dân tộc, làm mất an ninh, trật tự; Trách nhiệm của cán bộ, sư sãi và đồng bào đối với Tổ quốc, đối với địa phương và dân tộc.

Đợt tuyên truyền này nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, sư sãi và đồng bào dân tộc Khmer. Qua đó, nâng cao ý thức cảnh giác trước âm mưu, ý đồ của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để tuyên truyền, kích động gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tin, ảnh: Hồng Phượng – Trần Phương
Báo Trà Vinh


Tỉnh ủy họp đóng góp dự thảo kế hoạch xây dựng hệ thống chính trị ở vùng đồng bào dân tộc Khmer



Sáng nay (05/12), Tỉnh ủy Vĩnh Long tổ chức họp triển khai thông báo kết luận số 29 của Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, đồng thời lấy ý kiến đóng góp dự thảo kế họach xây dựng hệ thống chính trị ở vùng đồng bào dân tộc Khmer. Tham dự cuộc họp có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo huyện ủy huyện Trà Ôn, Tam Bình, Bình Minh, Vũng Liêm và một số ngành liên quan. Đồng chí Trương Văn Sáu - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy - chủ trì hội nghị.


Quang cảnh cuộc họp.
Thông báo số 29 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của đồng chí Nguyễn Sinh Hùng - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ - nêu rõ: “Các tỉnh, thành trong khu vực phải đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, và đặc biệt là phải chú trọng xây dựng hệ thống chính trị ở vùng đồng bào dân tộc Khmer”.

Thực hiện chỉ đạo trên, Tỉnh ủy Vĩnh Long xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp đến năm 2010 trên các lĩnh vực ở khu vực đồng bào Khmer. Trong đó, phấn đấu tăng cường công tác xây dựng Đảng, công tác qui hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ, phát triển đảng viên người dân tộc; nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên vùng đồng bào dân tộc.

Toàn tỉnh hiện có trên 24.000 người Khmer, tập trung ở 11 xã của 4 huyện và hầu hết sống bằng nghề nông. Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào Khmer. Song công tác xây dựng hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc còn chưa được quan tâm đúng mức. Toàn tỉnh mới chỉ có 370 cán bộ, đảng viên Khmer, chiếm chưa đến 1% so tổng số đảng viên trong tỉnh.

Các đại biểu kiến nghị: Song song với việc hỗ trợ về vốn, đào tạo nghề cho các hộ Khmer phát triển kinh tế gia đình, cần có sự qui hoạch đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ cơ sở Khmer ngay từ cấp trung học cơ sở; mở nhiều lớp dạy tiếng Khmer và tăng cường chế độ chính sách cho cán bộ vùng dân tộc.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Trương Văn Sáu nhắc nhở các ngành, địa phương phải triển khai, quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, trước mắt tiến hành khảo sát toàn diện thực tế vùng đồng bào Khmer, thành lập bộ phận tham mưu ở các xã, huyện về công tác dân tộc; tăng cường tuyên truyền, vận động bà con Khmer tiếp tục phát huy ý chí tự lực, tự cường vươn lên cải thiện cuộc sống. Đặc biệt, cần chú trọng công tác qui hoạch, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Khmer từ cấp cơ sở; phát triển đảng viên Khmer làm nòng cốt cho các phong trào hành động cách mạng ở địa phương.

Ánh Tuyết

BẢO TỒN, PHÁT HUY VÀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ, MỘT NĂM NHIỀU ẤN TƯỢNG

(ĐCSVN)- Đất nước ta có tiềm năng văn hoá vô cùng to lớn bởi các giá trị văn hoá của mỗi dân tộc góp vào tạo nên. Những hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tổ chức những năm gần đây và trong năm 2008 này là minh chứng cho quan điểm sáng suốt của Đảng, chính sách văn hoá đúng đắn của Nhà nước ta về xây dựng và phát triển văn hoá.

Năm 2008 tổ chức hoạt động giao lưu văn hóa cho các dân tộc thiểu số đã tạo được ấn tượng tốt, có sức lan tỏa và cổ vũ tích cực các nhiệm vụ chính trị trên phạm vi cả nước. Chỉ trong quý IV, trên cả nước đã diễn ra 3 hoạt động văn hóa lớn được các cơ quan thông tấn, báo chí tuyên truyền khá đậm nét. Mở màn cho chuỗi các hoạt động văn hóa nói trên là “Ngày hội giao lưu bản sắc văn hóa vùng miền toàn quốc hướng tới 1000 năm Thăng Long” tổ chức tại Hà Nội vào dịp tháng 10/2008. 5 nội dung chính với nhiều tổ hợp họat động văn hóa như giới thiệu nét đặc trưng văn hóa các vùng, miền, dân tộc (triển lãm); giao lưu văn hóa nghệ thuật truyền thống; trình diễn trang phục; giới thiệu lễ hội và trò chơi dân gian; giới thiệu ẩm thực truyền thống đã được hàng nghìn nghệ nhân, nghệ sỹ, hạt nhân văn nghệ quần chúng, sinh viên, học sinh văn hóa nghệ thuật của hơn gần 30 tỉnh, thành phố, đơn vị, đoàn nghệ thuật, trường văn hóa nghệ thuật trình diễn phục vụ hàng vạn người dân thủ đô và du khách nước ngoài trong suốt một tuần lễ. Tập trung vào chủ đề mà Ban Chỉ đạo đã lựa chọn, những giá trị văn hóa đặc sắc nhất của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Đông Bắc, vùng Tây bắc, vùng Đồng bằng Bắc Bộ, vùng Bắc Trung Bộ, vùng Tây Nam Bộ, khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ, vùng Tây Nam Bộ; một số đơn vị nghệ thuật, trường văn hóa nghệ thuật ở thủ đô Hà Nội có nhiều nghệ sỹ, sinh viên, học sinh người dân tộc thiểu số đã đan xen nhau tỏa sáng, tạo ra những “bữa tiệc” văn hóa cực kỳ hấp dẫn, phong phú. Bên cạnh những hiện vật như tranh, ảnh, sách, nhạc cụ truyền thống, sản phẩm nghề thủ công truyền thống, trang phục, mô hình kiến trúc của đồng bào dân tộc từng vùng được trưng bày công phu, sáng tạo trong suốt quá trình diễn ra giao lưu, người xem còn được thưởng thức những âm thanh, điệu múa, lời ca hết sức lôi cuốn của các làn điệu dân ca như hát Then, đàn Tính (Cao Bằng); hát Sli, hát Lượn (Lạng Sơn); múa Xòe Thái (Yên Bái); múa khèn, múa ô của người Mông, múa truyền thống của người Dao đỏ (Lào Cai); múa hát, hoà tấu Cồng Chiêng (Hòa Bình); hát Quan họ (Bắc Ninh); hát Chèo, ca Trù, múa Giảo Long, hát Dô, hát Chèo Tàu… (Hà Nội); diễn trò xuân Phả, múa đèn Đông Anh, hò sông Mã (Thanh Hóa); dân ca xứ Nghệ (Nghệ An); dân ca Cơ Tu, hát Lý, dân ca bài Chòi (Quảng Nam); dân ca, dân vũ dân tộc Pacô, Bru – Vân Kiều; Cồng Chiêng, múa Xoang (Đắc Lăk); múa, hòa tấu nhạc cụ dân tộc M’nông (Đăk Nông); dân ca, dân vũ, hòa tấu nhạc cụ dân tộc (Kon Tum); hát Bội, Cải lương (thành phố Hồ Chí Mnh); dân ca, dân vũ dân tộc S’tiêng (Bình Phước); đờn ca tài tử, hát Lý nam Bộ (Cà Mâu) hát Aday, múa Rôbăm (An Giang); Múa Sarăm, múa gáo, rom vông (Kiên Giang)…Tuy chưa có nhiều lễ hội (do yếu tố địa lý) được giới thiệu tại giao lưu nhưng một số lễ hội như lễ hội Cầu Ngư, lễ hội Ka Tê của tỉnh Ninh Thuận; lễ hội Phù Đổng, lẽ hội Vinh quy bái tổ của Hà Nội đã thực sự gây được sự chú ý của người xem, sự quan tâm của những người làm công tác văn hóa, lịch sử, sư phạm. Trình diễn trang phục truyền thống là một nội dung có đầy đủ các địa phương tham gia và là một điểm nhấn của hoạt động giao lưu.

Ở khu vực có đông đồng bào Khmer sinh sống, ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch vùng đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ IV cũng được tổ chức trang trọng, hoành tráng, có nhiều nét sáng tạo, đậm đặc văn hoá vùng sông nước... 12 tỉnh, thành phố đã hội tụ về đây với hàng nghìn nghệ nhân, nghệ sỹ, hạt nhân văn nghệ, vận động viên của phong trào thể dục, thể thao quần chúng. 4 ngày liên tục diễn ra các hoạt động văn hoá, thể thao sôi động, hấp dẫn. Đồng bào Khmer cùng đồng bào các dân tộc Kinh, Hoa, Chăm... đã được thưởng thức những nét đặc sắc nhất của văn hoá Khmer trong cộng đồng các dân tộc anh em vùng Nam Bộ. 12 chương trình nghệ thuật kết hợp trình diễn trang phục truyền thống; các lễ hội Oóc Bom Bóc (cúng trăng) của đồng bào Khmer Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Hậu Giang; lễ hội Linh của Cà Mau; lễ dâng y (kathina) của Cần Thơ; lễ đút cốm dẹp của Vĩnh Long; lễ hội dâng cơm bát và từ thiện; lễ cưới truyền thống của đồng bào Khmer Tây Ninh...; ẩm thực trong đó chủ yếu là trình diễn, giới thiệu cách bảo quản, chế biến, thưởng thức đậm phong cách truyền thống, và đặc biệt là các trò chơi dân gian, thể thao truyền thống mang đậm tính cộng đồng, đặc thù địa lý và tinh thần thượng võ như đua ghe Ngo, kéo co, đẩy gậy, cờ ốc, thả diều, thả đèn trời... đã làm tưng bừng, náo nhiệt cả một khu vực rộng lớn tại các trung tâm, tụ điểm văn hoá suốt từ thành phố Cần Thơ đến thị trấn Ô Môn, trên sông Hậu, các điểm du lịch như chợ nổi, các danh thắng, di tích lịch sử - văn hoá. Ngoài ra những nét văn hoá đặc sắc của đồng bào Khmer còn được hai đơn vị thuộc Bộ Văn Hoá, Thể thao và Du lịch là Trung tâm triển lãm văn học nghệ thuật Việt Nam, Bảo tàng các dân tộc Việt Nam chọn lọc giới thiệu một cách khoa học, công phu và hấp dẫn.

Không kém về quy mô, sự hoành tráng và chất lượng nghệ thuật, ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch vùng Đông Bắc lần thứ VI cũng được tổ chức ngay sau đó đã để lại dấu ấn khó quên. Có thể nói đó là khúc “Coda” huy hoàng của bản Giao hưởng lớn về hoạt động giao lưu văn hoá các dân tộc thiểu số của năm 2008. 10 tỉnh vùng Đông Bắc đã hội tụ về thành phố kinh Bắc, góp mặt với hàng nghìn nghệ nhân, hạt nhân văn nghệ, nghệ sỹ, sinh viên, học sinh các trường văn hoá nghệ thuật cùng thêu dệt nên bức tranh khổng lồ, rực rỡ những tinh hoa văn hoá các dân tộc Đông Bắc. Ngoài những nội dung thường thấy ở các hoạt động trên như trình diễn nghệ thuật và trang phục truyền thống, giới thiệu ẩm thực, thi đấu thể thao, các trò chơi dân gian, trưng bày triển lãm, giới thiệu lễ hội, lễ cưới truyền thống..., nét mới của ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch vùng Đông Bắc lần này là giới thiệu các trại văn hoá. Đây thực sự là sáng tạo cần được phát huy của Ban tổ chức qua quá trình chỉ đạo, hướng dẫn các hoạt động văn hoá, thể thao diễn ra những năm vừa qua, từ đó suy ngẫm, tìm cách thể hiện mới nhưng phù hợp với điều kiện địa lý, đặc trưng văn hoá các dân tộc trong vùng. Những nhà nghiên cứu văn hoá, lịch sử, cán bộ tham mưu, quản lý, giảng dạy, sinh viên các trường văn hoá nghệ thuật thực sự bị cuốn hút bởi những kiểu giáng kiến trúc, vật liệu, tài hoa từ bàn tay, sự tinh tế trong thẩm mỹ, trong lối ứng xử với thiên nhiên của ông cha ta. Từ ngôi nhà của một gia đình dân tộc kinh bậc trung nông trước năm 1945 (Bắc Giang) đến nhà sàn của gia đình đồng bào Dao (Vĩnh Phúc), nhà sàn của người Mường (Phú Thọ), nhà lợp ngói ống của đồng bào dân tộc tỉnh Hà Giang, nhà sàn của người Tày (Lạng Sơn).... Mỗi dáng vẻ, cách bố trí sinh hoạt khác nhau nhưng tất cả đã cho người xem thấy được sự khác biệt, tính đa dạng, sự sáng tạo của mỗi dân tộc trong tiến trình tồn tại, phát triển của dân tộc mình. Những sáng tạo đó đã làm nên bức tranh văn hoá nhiều màu sắc nhưng thống nhất của nền văn hoá Việt Nam, làm nên sức mạnh tiềm ẩn bên trong tâm hồn mỗi con người, mỗi cộng đồng và toàn dân tộc.

Thực hiện thắng lợi chủ trương xây dựng, phát triển văn hoá của Nghị quyết Đại X của Đảng, trong những năm tới, ngành văn hoá, thể thao, du lịch cần có kế hoạch nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng về văn hoá; chiến lược, chính sách cụ thể để chăm sóc nghệ nhân, tài năng trẻ của văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao truyền thống. Đó chính là điều kiện cơ bản, quyết định sự thành công đối với nhiệm vụ bảo tồn, phát huy, phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số.

Vũ Việt Hùng

Tp. Rạch Giá: Tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc


Chào mừng kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2008 ), từ ngày 13/11 đến 23/11/2008, UB Mặt trận Tổ quốc Tp Rạch Giá đã hướng dẫn 68 khu dân cư trên địa bàn thành phố tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ngày Hội đã ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam; vị trí vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay và sơ kết 01 năm thực hiện cuộc vận động: "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ở khu dân cư và cuộc vận động xây dựng "Quỹ ngày vì người nghèo".

Các đại biểu ở khu dân cư đã tọa đàm ôn lại truyền thống Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam và đóng góp nhiều ý kiến cho những việc đã thực hiện được trong năm 2008 cũng như phương hướng nhiệm vụ năm 2009. Trong năm 2008, toàn thành phố đã vận động được trên 1,7 tỷ đồng giúp người nghèo, đạt 125,92% so kế hoạch, đã sửa và cất mới 115 căn nhà, đạt 115% so chỉ tiêu đề ra; hỗ trợ cất nhà theo Chương trình 134 của Chính phủ cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo 60 căn, với số tiền 180 triệu đồng.

Trong các Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư, ngoài phần lễ, còn tổ chức thi đấu cờ tướng, kéo co, đập nồi, khiêu vũ, múa Lân-Sư-Rồng, văn nghệ, đàn ca tài tử... tạo được sinh khí vui tươi trong ngày hội, thu hút nhiều người tham gia. Cũng trong dịp này, Mặt trận 02 cấp đã bàn giao nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo; trao Giấy công nhận đạt danh hiệu Khu dân cư tiên tiến 03 năm liền (2006-2008); biểu dương, khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích đóng góp tích cực trong các phong trào hành động cách mạng ở địa phương.

Trần Trung Dũng


Xây dựng trạm cấp nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc Khmer vùng xa


Tại ấp Núi Trầu thuộc xã Hòa Điền huyện Kiên Lương, nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, Công ty Cấp thoát Nước và Vệ sinh môi trường Nông thôn tỉnh Kiên Giang sẽ đầu tư xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch cho 486 hộ dân trong khu vực

Quy mô dự án: Xây dựng trạm cấp nước sinh hoạt công suất 20m3/h; bao gồm trạm bơm cấp I, cụm xử lý, bệ đỡ thiết bị cụm xử lý, bể chứa nước sạch, đài nước, nhà quản lý, phòng bơm hóa chất, hệ thống điện… Tổng mức đầu tư dự án 6,8 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 4 tỷ đồng, chi phí thiết bị 1,4 tỷ đồng còn lại là các chi phí khác. Nguồn vốn xây dựng từ Chương trình 134, sẽ thực hiện trong năm 2008.

Nguyễn Đình Dũng


An Biên: Tổ chức học tiếng Khmer và tin học cho cán bộ công chức


Cuối tháng qua, huyện An Biên đã tổ chức khai giảng lớp ngữ văn Khmer và lớp tin học B cho cán bộ công chức trên địa bàn hai huyện An Biên và An Minh…

Tham gia học lớp ngữ văn Khmer có 47 học viên và lớp tin học B có 29 học viên, thời gian dự học xuyên suốt trong 28 tuần. Tất cả học viên đều là cán bộ công chức đang sinh hoạt và làm việc trên địa bàn hai huyện.

Lớp ngữ văn Khmer và tin học nhằm trang bị thêm một số kiến thức cơ bản, nâng cao về trình độ năng lực; giúp cho cán bộ làm công tác vận động quần chúng hiểu phong tục, tập quán trong đồng bào dân tộc Khmer được thuận lợi hơn, tạo điều kiện cho các đồng chí thực hiện tốt nhiện vụ ở từng địa phương, đơn vị mình phụ trách.

Q.T


Đa dạng hóa hoạt động văn nghệ-thể thao vùng đồng bào Khmer


Đua ghe ngo
Trên mảnh đất Kiên Giang có ba dân tộc Kinh, Hoa, Khmer cùng sinh sống và gắn bó lâu đời. Đồng bào dân tộc Khmer có trên 200 ngàn người, chiếm trên 14% dân số toàn tỉnh. Những năm qua, đời sống vật chất nói chung, đời sống tinh thần nói riêng trong đồng bào dân tộc Khmer tiếp tục khởi sắc. Hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào Khmer được tăng cường tổ chức, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.

Phong phú sắc màu văn hóa văn nghệ

Phong trào văn hóa văn nghệ trong đồng bào Khmer ngày càng phát triển. Các huyện, thị, thành phố nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer như huyện Kiên Lương, Hòn Đất, Gò Quao, Giồng Riềng, Châu Thành, thị xã Hà Tiên và thành phố Rạch Giá luôn quan tâm đến việc hình thành và duy trì hoạt động của các đội văn nghệ quần chúng Khmer. Có nơi như huyện Hòn Đất đã thành lập được đội văn nghệ Khmer ở các xã. Ngoài việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt, vui chơi giải trí của bà con trong phum sóc, một số đội văn nghệ đã tổ chức các hoạt động biểu diễn, giao lưu trong và ngoài huyện vào những dịp lễ, tết. Riêng đội văn nghệ Khmer xã Bình An huyện Kiên Lương còn tổ chức biểu diễn văn nghệ phục vụ khách du lịch. Đồng thời huyện còn tổ chức giao lưu văn nghệ với huyện Compongtrach tỉnh Cămpốt- Campuchia.

Múa cúng trăng - Ảnh: BCB
Từ hình thức sinh hoạt cộng đồng thường xuyên, các huyện đầu tư tổ chức liên hoan, hội thi, hội diễn nhằm tạo ra sân chơi lành mạnh, bổ ích vừa góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của bà con, vừa giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa Khmer Nam bộ.

Vào những ngày vui đón tết Cholchnamthmay, Đôlta hay Ók om bok ở những vùng quê Giồng Riềng, Gò Quao, Châu Thành, Hòn Đất, Kiên Lương, An Biên…thường rộn rã, sôi động với dàn nhạc ngũ âm và lời ca, điệu múa ngọt ngào của các chàng trai, cô gái Khmer. Đã bốn năm nay, năm nào huyện Gò Quao, Kiên Lương, Hòn Đất, Châu Thành cũng tổ chức rất thành công Liên hoan Văn nghệ dân tộc Khmer. Đặc biệt, năm 2008 này các huyện đều có sự chuẩn bị để mở rộng quy mô và tạo ra nhiều nét mới lạ, hấp dẫn. Về Kiên Lương vào những ngày cuối tháng Tư, đúng vào dịp kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước để hòa vào cái không khí rộn ràng của ngày hội mới thấm hết niềm vui khó tả của bà con Khmer. Không chỉ có Liên hoan Văn nghệ quy tụ 175 diễn viên của 7 xã, thị trấn mà còn có hoạt động chế tác sản phẩm, văn hóa ẩm thực và trưng bày triển lãm hình ảnh, hiện vật. Nét mới trong Liên hoan Văn nghệ của huyện Gò Quao là việc tổ chức thi diễn thành cụm ở hai xã Thới Quản và Định An quy tụ 11 xã, ấp tham dự. Ngoài việc tổ chức hội diễn văn nghệ Khmer và Liên hoan tiếng hát các khu phố văn hóa, huyện Châu Thành còn phối hợp với Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Cần Thơ thực hiện chương trình văn nghệ bản sắc phum sóc do ca sỹ, nhạc sỹ không chuyên của Gò Quao, Châu Thành và Giồng Riềng biểu diễn. Để mang đến liên hoan, hội thi, hội diễn những tiết mục đặc sắc của phum sóc mình, các xã, ấp tự dàn dựng, tập dợt chương trình biểu diễn từ 30 đến 45 phút với chủ đề ngợi ca Đảng, Bác Hồ kính yêu, ca ngợi quê hương đất nước và con người Kiên Giang trên bước đường đổi mới và tuyên truyền thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tại Ngày hội Văn hóa-Thể thao dân tộc Khmer tỉnh lần thứ II, cùng với Đoàn Nghệ thuật Khmer, đội văn nghệ huyện Châu Thành và Gò Quao cùng tham gia biểu diễn giao lưu phục vụ hàng chục ngàn lượt người xem.

Sôi nổi hoạt động thể dục thể thao

Hòa cùng với điệu múa uyển chuyển, giọng ca ngọt ngào trong những dịp lễ, tết, không thể không nhắc tới các hoạt động TDTT. Từ nhiều năm nay đua thuyền, đua ghe ngo là những môn thể thao truyền thống của đồng bào Khmer, nay có thêm những môn mới như đua xuồng, đẩy gậy, bóng chuyền, bóng đá… Chỉ tính riêng năm 2008, từ nguồn kinh phí do nhà nước hỗ trợ và bà con đóng góp khoảng trên 700 triệu đồng, các chùa trong tỉnh đóng mới được 06 chiếc ghe ngo. Từ Kiên Lương tới thị xã Hà Tiên, huyện Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao, Hòn Đất đều tổ chức tốt giải đua xuồng, đua ghe ngo, đua vỏ. Riêng Hòn Đất lần đầu tiên tổ chức giải đua xuồng đã nhận được sự quan tâm và tham gia đầy hào hứng của các tay đua đến từ các xã, ấp. Hội thao dân tộc Khmer lần II của huyện Kiên Lương tổ chức tại xã Phú Lợi vào dịp Lễ Ók om bok với nhiều hoạt động đa dạng như đua xuồng, nhảy bao bố, bóng chuyền, thả đèn gió và đêm giao lưu văn nghệ với lực lượng văn nghệ sỹ tỉnh nhà. Huyện Giồng Riềng tổ chức hội thao nông dân thu hút được gần 2.500 vận động viên của 138 đội tham gia thi đấu các môn bóng đá, bóng chuyền, đua ghe ngo, cầu lông và cờ tướng.

Đỉnh cao của các hoạt động thể thao trong đồng bào dân tộc Khmer được tập trung tổ chức tại Ngày hội Văn hóa- Thể thao dân tộc Khmer tỉnh Kiên Giang lần thứ II diễn ra vào đúng dịp Lễ Ók om bok. Giải bóng đá có 4 đội trong và ngoài tỉnh tham dự; bóng chuyền có 13 đội của huyện Gò Quao; thi làm giàn thủy lục đẹp có 08 chùa tham gia. Các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, ném bóng vào rổ, đập nồi, chọi gà như điểm tô thêm cho Ngày hội những nét chấm phá đầy thi vị. Đặc biệt vào những ngày này trên cả một khúc sông Cái Lớn của huyện Gò Quao tưng bừng náo nhiệt với Giải đua ghe ngo. Có lẽ chưa bao giờ giải đua ghe ngo lại quy tụ đông vận động viên tham gia đến vậy (trên 1.500 người). Ngày hội không chỉ tạo ra sinh khí vui tươi phấn khởi trong đồng bào dân tộc Khmer mà còn là dịp giao lưu thắt chặt tình đoàn kết gắn bó keo sơn giữa ba dân tộc Kinh, Hoa, Khmer trên mảnh đất tận cùng Tây Nam của Tổ quốc. Mai sau này nếu được tỉnh và Trung ương đầu tư xây dựng Trung tâm đua thuyền tại Gò Quao thì chắc chắn Kiên Giang sẽ phát huy hơn nữa tiềm năng và thế mạnh ở những bộ môn này.

Lê Diệp


Dấu ấn Kiên Giang trong Ngày hội VHTT&DL vùng đồng bào Khmer Nam bộ


Không khí nô nức của ngày hội - Ảnh: BCB
Từ ngày 5 - 9/12/2008 tại huyện Ô Môn- thành phố Cần Thơ đã diễn ra “Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch (VHTT&DL) vùng đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ IV”. Đây là sự kiện lớn do Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch phối hợp với các bộ ngành và 12 tỉnh, thành phía Nam có đông đồng bào dân tộc Khmer tổ chức…

Ngày hội đã quy tụ hơn 2 ngàn diễn viên, nhạc công, vận động viên và hơn 30 ngàn đồng bào các dân tộc trong khu vực về dự. UBND tỉnh Kiên Giang đã cho phép Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cử đoàn cán bộ, vận động viên, diễn viên, nghệ nhân… tham gia ngày hội này và đạt thành tích xuất sắc xếp thứ nhất toàn đoàn về thể thao, xếp thứ nhì toàn đoàn về văn nghệ.

Một góc triễn lãm văn hóa Khmer

Mở đầu đêm khai mạc diễn ra tối ngày 5/12 tại Trung Tâm Văn hóa quận Ô Môn- thành phố Cần Thơ là tiết mục ca múa “Đón chào ngày hội” của đoàn Cần Thơ với ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa để giúp cho đời sống của người dân được sung túc. Sau lời khai mạc của Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái, là các tiết mục văn nghệ Khmer đặc sắc. Lời ca tiếng hát hòa trong tiếng nhạc nghi lễ, sắc phục rực rỡ của đồng bào Khmer càng làm cho sân khấu đêm khai mạc sôi động hẳn lên. Tiếp tục chương trình là một màn nghệ thuật tổng hợp nói về cuộc sống hôm nay của đồng bào Khmer Nam bộ đang hằng ngày sát cánh cùng các dân tộc anh em khác trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam để xây dựng cuộc sống mới. Chương trình nghệ thuật chào mừng ngày hội còn nhiều tiết mục hấp dẫn như Ngày hội Đoàn kết, Mekong - Cần Thơ mời gọi... đã mang đến cho đêm hội không khí rộn ràng, lung linh sắc màu.

Đặc biệt, trong 4 ngày mở hội tại Trung tâm Văn hóa quận Ô Môn còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa truyền thống, như: biểu diễn trang phục dân tộc, giao lưu văn hóa nghệ thuật và thả đèn gió... lôi cuốn được đông đảo bà con Khmer, đồng bào người Kinh, người Hoa, người Chăm... ở Đồng bằng sông Cửu Long về dự.

Tiết mục văn nghệ của đoàn Kiên Giang

Đại Đức Hòa thượng Lý Long Công Danh –Trụ trì chùa Thủy Liễu huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang không dấu nổi niềm vui và sự xúc động khi đến với ngày hội lần này: “Tôi rất mừng vì đời sống vật chất, tinh thần vùng Đồng bào Khmer được Nhà nước quan tâm nên ngày càng tiến lên. Điều này được thể hiện rất rõ thông qua hoạt động triển lãm hình ảnh, hiện vật phong phú trong ngày hội lần này. Trong niềm vui ngày hội tôi cũng không quên điện thoại về bổn sóc thông báo cho bà con phật tử ở xã Thủy Liễu huyện Gò Quao mở đài lên xem các chương trình phát thanh truyền hình của VTV và đài Cần Thơ phản ánh về lễ hội”.

Trong ngày hội, các chương trình văn hóa nghệ thuật vừa đậm bản sắc Khmer vừa có sự giao lưu văn hóa với các dân tộc Kinh, Hoa, Chăm càng tôn thêm sự độc đáo và tạo nên sự gắn bó đoàn kết giữa các dân tộc trong quá trình hội nhập. Lần này ngoài sự tham gia của các nghệ nhân có tuổi, thì đội ngũ nghệ nhân trẻ chiếm phần đông. Ông Đào Chuông – Đoàn Nghệ thuật Khmer Kiên Giang phấn khởi nói: “Lực lượng diễn viên tỉnh Kiên Giang tham gia lần này cũng khá đông, lực lượng trẻ, điều kiện tham gia luyện tập cũng thuận lợi. Các tiết mục của đoàn mình gồm: múa trống Sadam, song ca nữ Bài ca ơn Bác, trình diễn trang phục dân tộc và trang phục lễ cưới, tiết mục múa Hương đồng thốt nốt... Khi trình diễn trên sân khấu, khán giả cổ vũ rất nhiệt tình cho đoàn Kiên Giang”.

Về thể thao những tiếng reo hò của người xem các cuộc thi đấu vang dội từng chập khiến không khí như nóng lên. Trong đó các môn thi đấu như kéo co, đẩy gậy.vv… luôn thu hút được người xem cổ vũ nồng nhiệt. Trong ngày hội, giải đua ghe ngo được nâng thành giải Quốc gia, 900 vận động viên của 13 đội đua (9 đội nam và 4 đội nữ) thuộc 8 tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã náo nức bước vào cuộc đua. Không khí tưng bừng náo nhiệt cả khúc sông Hậu từ cầu Cần Thơ đang thi công kéo đến sát phà Cần Thơ, tiếng trống lệnh cổ vũ tưng bừng, tiếng reo hò chen lẫn tiếng còi bắt nhịp trên mỗi chiếc ghe của các đội làm huyên náo cả một vùng sông nước. Đoàn Kiên Giang đã xuất sắc thể hiện được đẳng cấp của mình khi đoạt 02 giải nhất ở cự ly 1000m nữ và 800m nam.

Ông Võ Đồng Lập – Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng đoàn Kiên Giang cho biết: “Về kết quả thi đấu, sau khi tổng kết, đoàn Kiên Giang đạt hạng nhất toàn đoàn về thể thao với 6 HCV, 3 HCB, 3 HCĐ. Các huấn luyện viên, vận động viên đã áp dụng tốt chiến thuật và kỹ thuật, biết gìn giữ sức khỏe để đạt thành tích cao như môn đua ghe ngo, đẩy gậy …”.

Không gian khu triển lãm cũng nằm trong khuôn viên Trung tâm Văn hóa quận Ô Môn. 12 gian triển lãm của 12 tỉnh thành đều thể hiện những nét đặc trưng chung nhưng vẫn có bản sắc riêng của từng vùng. Chẳng hạn như gian trưng bày của thành phố Cần Thơ nổi bật với mô hình các nhà sư, achar và phật tử chuẩn bị nước thơm tắm Phật tại chính điện trong dịp Tết mừng năm mới. Nếu như khu trưng bày của đoàn An Giang khiến mọi người thán phục bởi sự trình diễn các loại nhạc cụ dân tộc của những “nhạc công” nhỏ tuổi thì gian trưng bày của tỉnh Kiên Giang lại nổi bật với các sản phẩm thủ công truyền thống. Ông Nguyễn Hữu Phương – Phó Giám đốc Bảo tàng Kiên Giang giới thiệu: “Gian triển lãm hình ảnh, hiện vật văn hóa Khmer của tỉnh Kiên Giang có diện tích khoảng 54 m² giới thiệu với bạn bè và du khách 4 nội dung, đó là: Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang. Thứ hai là nét đặc trưng văn hóa, tâm linh Khmer tỉnh Kiên Giang. Chủ đề thứ ba là một số hoạt động kinh tế. Cuối cùng là giới thiệu một số hoạt động về văn nghệ thể thao của đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang. Khách tham quan rất thích các sản phẩm nghề thủ công truyền thống như: nón, chiếu, đan bàng và sản phẩm nghề gốm…”.

Hấp dẫn du khách hơn cả có lẽ là khu ẩm thực giới thiệu những món ăn tiêu biểu, độc đáo, được rất nhiều phụ nữ quan tâm. Tại khu ẩm thực, các đơn vị tham gia đã mang đến lễ hội những món ăn độc đáo trong văn hóa ẩm thực của đồng bào Khmer... của từng vùng. Cốm dẹp là một đặc sản chung của bà con Khmer được hầu hết các đoàn đều trưng bày và giới thiệu, trong đó nổi bật nhất là đoàn Vĩnh Long có thêm phần tái hiện các công đoạn làm cốm dẹp, có nhân viên phụ trách giới thiệu minh họa cho mô hình. Tỉnh An Giang giới thiệu các món ăn chế biến từ trái thốt nốt như: đường, bánh bò, thạch... Riêng tỉnh Kiên Giang giới thiệu các món đặc sản như: mắm bò hóc, rượu sim Phú Quốc, chuột đồng nướng.vv…

Về thành tích chung cuộc, đoàn Kiên Giang đã xếp thứ nhất toàn đoàn về thể thao, tổng cộng 12 huy chương các loại (gồm 06 HCV, 03 HCB, 03 HCĐ). Về văn nghệ, Kiên Giang xếp thứ nhì toàn đoàn với 9 giải. Trong đó có 03 giải nhất về các nội dung thi trang phục truyền thống, tiết mục múa Hương đồng thốt nốt, Ngày hội đua thuyền. 03 giải nhì về đơn ca và tốp ca, 2 giải ba về song ca và 01 giải nhất về văn hóa ẩm thực. Về trưng bày triển lãm Bảo tàng Kiên Giang đạt giải khuyến khích.

Theo các nhà chuyên môn đánh giá thì “Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ IV” bên cạnh những thành công vẫn còn những hạn chế, đó là công tác quảng bá trước và trong ngày hội chưa mạnh, công tác xã hội hóa còn yếu, sự kết hợp với du lịch chưa rõ nét. Đối với đơn vị đăng cai có nhiều cố gắng và được chuẩn bị khá chu đáo, song do địa điểm tổ chức khá xa trung tâm, thời tiết xấu, làm hạn chế sự quan tâm của nhân dân. Tuy vậy, thành công của ngày hội vẫn là lớn nhất, nó sẽ góp phần đáng kể để ngày hội kế tiếp và năm 2011 tại tỉnh An Giang thêm hương sắc. Sau 4 ngày đêm hoạt động sôi nổi, đêm 8.12, Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào Khmer Nam bộ đã chính thức khép lại với ấn tượng khó phai về một ngày hội hoành tráng, đậm đà bản sắc Khmer, khẳng định tình đoàn kết giữa các dân tộc ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Bùi Công Ba


Chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn


Ngày 18/12/2008, UBND tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt Đề án 2950 về thực hiện một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2008-2010.

Theo Đề án, mục tiêu đề ra là giải quyết đất sản xuất, đất ở, chuyển đổi ngành nghề tạo việc làm tăng thu nhập và đào tạo nghề cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào Khmer nghèo không đất, thiếu đất sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo, giảm bớt khoảng cách về mức sống giữa người Khmer với người Kinh và người Hoa. Đến năm 2010, toàn bộ số hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh có đất ở; trên 80% số hộ trong diện nghèo, đời sống khó khăn có đất sản xuất hoặc có việc làm tạo thu nhập ổn định; trên 50% lao động trong độ tuổi có điều kiện học nghề được đào tạo nghề.

Mục tiêu cụ thể là giải quyết hỗ trợ hộ không có đất ở: 1.314 hộ; Giải quyết hỗ trợ hộ không đất và thiếu đất sản xuất: 9.870 hộ, bằng các phương thức hỗ trợ cho chuộc lại đất sản xuất 4.806 hộ; Hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề 5064 hộ. Trong đó hỗ trợ mua sắm nông cụ làm dịch vụ cho các hộ sản xuất, chăn nuôi, mua bán nhỏ 3.464 hộ; Hỗ trợ làm ngành nghề khác cho 2.361 lao động; Đào tạo nghề cho 1.001 lao động; Hỗ trợ cho vay tín chấp để xuất khẩu lao động 68 lao động.

Theo đó, đối tượng áp đụng là hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo (kể cả hộ có vợ hoặc chồng là người dân tộc thiểu số) được xác định theo tiêu chí hiện hành do UBND xã, phường, thị trấn quản lý tại thời điểm ngày 31/12/2007, nhưng chưa có đất hoặc chưa đủ đất sản xuất, chưa có đất ở, đời sống khó khăn nhưng chưa được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về đất ở, đất sản xuất; hộ có lao động trong độ tuổi cần vốn để học nghề, chuyển đổi ngành nghề, đi xuất khẩu lao động, cần vốn để sản xuất, kinh doanh thêm ngành nghề trong nông thôn.

Phạm vi áp dụng hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn thường trú ổn định từ 01 năm trở lên trong tỉnh và mỗi đối tượng chỉ được hưởng chính sách một lần.

Bùi Thị Phương


Thứ Năm, 25 tháng 12, 2008

CHÂU THÀNH - TRÀ VINH: QUAN TÂM ĐỜI SỐNG VÀ TÍN NGƯỠNG ĐỒNG BÀO KHMER

Sala gắn liền với đời sống văn hóa của đồng bào phật tử Khmer từ rất lâu đời, ngoài chùa chiền, thì sala là trung tâm thứ hai phục vụ cho việc sinh hoạt tôn giáo của đồng bào phật tử tại địa phương. Nhưng sala thường được dành cho tổ tín đồ nhỏ sinh hoạt. Ngoài ra, sala còn được dùng để dành cho những người lỡ đường có thể nghỉ ngơi, hoặc dùng để trú mưa, trú nắng cho khách thập phương. Vì vậy, trong các sala, ngoài nơi thờ cúng, người ta thường bố trí một lu nước nhỏ có thể dùng để rửa mặt hoặc uống được. Chính vì thế, không biết tự bao giờ, sala đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng gắn bó với người dân Khmer, cùng đồng bào Khmer tồn tại theo dòng lịch sử. Xã hội ngày càng phát triển nhưng những sala vẫn còn đó như muốn khẳng định sự hòa nhập của cái cổ xưa vào xã hội hiện đại, những sala vẫn giữ bản sắc riêng trong sự đa dạng của nền văn hóa dân tộc. Với ý nghĩa to lớn đó nên Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa mang tính bản sắc, bảo vệ không chỉ cho đồng bào Khmer mà còn là bảo vệ cho tính đa dạng của nền văn hóa dân tộc.
Cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nông thôn là vấn đề mà Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Nằm trong chương trình hiện đại hóa giao thông nông thôn, con đường nối liền hương lộ 16 tới cổng chùa Sóc Nách ở ấp Thanh Trì B, xã Đa Lộc được UBND huyện Châu Thành đầu tư nâng cấp để bà con trong vùng đi lại dễ dàng. Công trình đang thi công thì có một vấn đề nảy sinh là do con đường được mở rộng hơn trước nên có một sala nằm trong phần mặt bằng thi công của công trình, để đảm bảo cho công trình thi công được như thiết kế đảm bảo an toàn giao thông, hơn nữa sala đã xuống cấp (sala này được xây dựng năm 1970) nên đơn vị thi công đã bàn bạc với tổ tín đồ và chính quyền địa phương đập bỏ sala cũ để xây dựng lại sala mới ngay vị trí cũ nhưng lùi lại khoảng 1m, đơn vị thi công sẽ hỗ trợ 3,5 triệu đồng kinh phí xây dựng, số tiền còn lại do bà con trong vùng quyên góp ủng hộ. Vì thế, vào ngày 01/11/2008, được sự thống nhất của đồng bào Khmer nơi đây, sala cũ đã được phá bỏ, 03 ngày sau, sala mới được chính bàn tay những người thợ hồ trong phum sóc xây dựng lại và hiện nay đã hoàn thành.

Người dân lại có niềm vui nhân đôi khi vừa có con đường mới, vừa có sala mới khang trang để đồng bào Khmer nơi đây quây quần trong mỗi mùa lễ hội. Giọt mồ hôi của những người thợ hồ đổ xuống để sala mới được mọc lên trong sự mong đợi của mọi người, để hằng ngày người dân qua lại con đường này có thể nhìn thấy một sala màu xanh nho nhỏ ven đường như thắp lên hy vọng vào sự bình an, vào đất trời tạo mưa thuận gió hòa, để người người chung vui hưởng ấm no, hạnh phúc.

Vậy mà lại có những người cố tình hiểu sai lệch về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Thậm chí còn thể hiện sự sai lệch đó trên các phương tiện truyền thông hiện đại. Báo Preynokor của KKF số 46 ra ngày 10/11/2008 trên internet có bài “Trà Vinh: Một Sala của Khmer Krom đã bị chính quyền Việt Nam phá bỏ” của tác giả Ônnothi Chey. Trích lược nội dung bài báo như sau: “nhiều đồng bào phật tử cùng Ban quản trị chùa đã khiếu kiện, tố cáo chính quyền Việt Nam tại sao phá bỏ sala là nơi thờ cúng, để phật tử sử dụng trong mùa lễ hội… không ai biết nguyên nhân chính quyền Việt Nam phá bỏ sala của đồng bào phật tử và việc phá bỏ nhằm mục đích gì. Nhưng họ điều tra thấy rằng, sala này nằm ở trước trụ sở mới xây dựng của chính quyền Việt Nam… Việc phá bỏ này cũng giống như là giải tán phật giáo Khmer…”.

Không thể hiểu nỗi những thông tin hoàn toàn sai lệch kiểu như vậy có thể lừa mị được ai, phải chăng đó cũng chỉ là những người không thấy hoặc cố tình không nhìn thấy những thành tựu về kinh tế, văn hóa, xã hội… mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã đạt được hôm nay. Với những chính sách đúng đắn về dân tộc, tôn giáo, tự do tín ngưỡng… Đảng và Nhà nước Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Đó là đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer ở Nam bộ nói chung, Trà Vinh nói riêng ngày càng được nâng cao. Đó là những nét văn hóa truyền thống quý báu riêng có của đồng bào dân tộc Khmer ngày càng được bảo tồn và phát huy. Đó là từ giữa năm 2005 đến giữa năm 2008, riêng tỉnh Trà Vinh đã xây dựng và trao tặng 13.330 căn nhà cho các hộ Khmer nghèo… Đặc biệt, thành tựu to lớn nhất mà Đảng, Nhà nước Việt Nam đạt được là ngày nay, là các dân tộc anh em luôn vui sống hòa thuận như chung một mái nhà, luôn đoàn kết cùng nhau chung vai xây dựng quê hương, đất nước ngày càng ấm no, giàu đẹp.

Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán chính sách bình đẳng, đại đoàn kết các dân tộc, luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân. Những luận điệu xuyên tạc, những thông tin sai sự thật về tình hình trong nước đều cần phải bị lên án và xóa bỏ. Ai đó, dù đang ở đây hay ở bên ngoài biên giới, cũng đừng vì sự nhận thức không đúng đắn, đừng vì lợi ích riêng tư mà đi ngược lại lợi ích chung của mọi người. Và ai đó cũng đừng vì “lý tưởng” sai lệch của mình mà làm ảnh hưởng đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của cả dân tộc./.

T.V.T

Lễ hội Đua ghe Ngo ở Trà Vinh

Cuộc thi đua ghe Ngo là một sinh hoạt văn hóa, thể thao có sức thu hút hàng vạn người tham gia, không chỉ có đồng bào Khmer mà còn có đông đảo người Kinh, Hoa cũng hưởng ứng cuồng nhiệt. Ghe Ngo thường là thuyền độc mộc làm bằng loại gỗ tốt, ra đời từ nhiều thế kỷ trước đây. Người Khmer coi ghe Ngo không như các ghe thông thường mà như là một vật thiêng. Vì vậy trước khi đem ghe đi thi, họ thường làm lễ tạ thần, thắp hương cúng vái. Đội quân để bơi ghe được chọn lựa kĩ càng, họ đều là những trai tráng khỏe mạnh, có kinh nghiệm, biết phối hợp động tác chặt chẽ. Người ngồi đầu chỉ huy là người có uy tín và am hiểu sông nước. Theo nhịp thúc quân của người đứng ở giữa ghe, cả mấy chục chiếc dầm giơ lên, bổ xuống nước rập ràng, tiếng hò reo cổ vũ náo nhiệt vang dội cả một khúc sông.Hàng năm, ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có đông người Khmer sinh sống thì vào dịp lễ Ok om Bok đều có tổ chức đua ghe Ngo như một sinh hoạt văn hóa - thể thao truyền thống không thể thiếu.
Ngày nay, ngoài sự quan tâm phát triển về mọi mặt như hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng sơ sở hạ tầng, hỗ trợ các dịch vụ cải thiện đời sống và trợ giúp pháp lý cho đồng bào nghèo… Đảng, Nhà nước ta còn đặc biệt chú trọng chăm lo đời sống tinh thần cho đồng bào các dân tộc nói chung, đồng bào Khmer nói riêng. Nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần của người Khmer được nâng lên rõ rệt. Với chủ trương đó, ngày lễ Ok Om Bok ngày nay ở Trà Vinh được Sở VH-TT-DL tổ chức với quy mô lớn thu hút không chỉ người Khmer mà còn cả người Kinh, người Hoa trong và ngoài tỉnh đến tham dự. Hòa nhập cùng xã hội hiện đại, lễ hội Ok Om Bok vẫn bảo tồn và phát huy được những yếu tố truyền thống đặc sắc của mình. Bên cạnh đó, những yếu tố hiện đại như lễ hội được tường thuật trực tiếp trên phương tiện truyền thông đại chúng, lễ hội có nhà tài trợ… càng làm cho lễ hội thêm long trọng, hấp dẫn hơn. Vào ngày rằm tháng Mười Âm lịch năm nay (ngày 12/11/2008), dòng sông Long Bình hiền hòa (F5-thị xã Trà Vinh) lại vui mừng chào đón hàng vạn người dân đến cổ vũ các đội đua ghe ngo ở các huyện, thị trong tỉnh về tham dự, đặc biệt năm nay có 03 đội ghe ngo của các tỉnh bạn là Cần Thơ, Vĩnh Long và Hậu Giang cùng tranh tài. Người dân lại có dịp thưởng thức những sải chèo nhịp nhàng, mạnh mẽ. Toàn đội như hòa làm một, thống nhất một ý chí cùng lao về phía trước. Kết quả chung cuộc không còn quan trọng, sự đoàn kết cống hiến hết mình của mỗi người là điều họ muốn đạt được sau giải đấu. Cũng có lẽ là vì thế, là vì đội chiến thắng chỉ có thể là đội thể hiện được sự đoàn kết cao nhất, nên giải đấu ngày càng hấp dẫn, thu hút người xem. Lễ hội kết thúc cũng là lúc họ lại trở về với cuộc sống thường ngày. Ra về, họ lại mang theo hình ảnh về những mái chèo, về sự rực rỡ cờ hoa, về sự náo nhiệt… Nhưng phía sau những hình ảnh đó là bài học quý báu về sự đoàn kết. Đoàn kết để cùng nhau vượt qua những lúc khó khăn, đoàn kết để đấu tranh chống lại thiên tai… Đoàn kết để cùng nhau về đích sớm dù đang xuôi hay ngược dòng, họ hiểu rằng nếu có một ai đó lạc tay chèo cũng ảnh hưởng đến sự cố gắng chung của mọi người. Và đoàn kết cũng là điều kiện để đập tan mọi ý đồ chia rẽ, phá hoại của kẻ địch. Các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam nói chung, dân tộc Kinh, Khmer, Hoa ở Trà Vinh nói riêng như đang cùng ngồi trên một chiếc ghe Ngo, cùng đoàn kết, thống nhất chung vai xây dựng quê hương, đất nước ngày càng hòa bình, ấm no dưới sự quan tâm và lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Đua ghe Ngo chào mừng lễ hội Ok Om Bok thực sự đã trở thành một sinh hoạt văn hóa bổ ích không thể thiếu trong đời sống đồng bào người Khmer. Cùng với các ngày lễ như Chol Chhnam Thmay, Sent Dolta… Lễ hội Ok Om Bok là một lễ hội truyền thống quý báu cần được bảo tồn và phát huy./.
T.V.T

CHÍNH SÁCH DÂN TỘC NHẤT QUÁN CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

Đảng Cộng sản Việt và Nhà nước CHXHCNVN luôn thực hiện nhất quán những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề dân tộc. Trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần II (năm 1951) đã viết: “các dân tộc Việt Nam đều được bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, phải đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau để kháng chiến và kiến quốc”. Đại hội IX của Đảng (năm 2001) cũng đã nêu nguyên tắc cơ bản về chính sách dân tộc là “đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển…” có bình đẳng thì mới thực hiện đoàn kết dân tộc; có đoàn kết giúp đỡ nhau cùng phát triển thì mới thực hiện bình đẳng dân tộc. Việt Nam có 54 dân tộc anh em đã và đang thực hiện sự bình đẳng và đoàn kết thống nhất vì tất cả cùng chung một tổ quốc Việt Nam. Bình đẳng giữa các dân tộc xuất phát từ quyền cơ bản của con người: Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1946 ghi rõ: "tất cả quyền bình đẳng trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo…”; “ngoài sự bình đẳng về quyền lợi, những quốc dân thiểu số được giúp đỡ về mọi phương diện để chóng tiến kịp trình độ chung…” Những lần công bố năm 1959, 1980, 1992 Hiến pháp Việt Nam đều long trọng tuyên bố quyền bình đẳng giữa các dân tộc, mọi hành vi khinh miệt, áp bức, chia rẽ dân tộc đều bị luật pháp nghiêm cấm. Quyền bình đẳng của các dân tộc về mặt pháp lý và việc thực hiện quyền bình đẳng trên thực tế vẫn còn một khoảng cách bởi điều kiện và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của các dân tộc không đồng đều, đó là một thực tế khách quan, chính vì vậy mới cần có sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc. Cụ thể là các dân tộc đa số có trình độ phát triển cao hơn có trách nhiệm giúp đỡ các dân tộc thiểu số, chậm phát triển và ngược lại. Chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước Việt Nam là một hệ thống các chủ trương, giải pháp nhằm thực hiện quyền bình đẳng về chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội giữa các dân tộc, trong đó quan tâm đến các dân tộc thiểu số có trình độ phát triển kinh tế - xã hội còn thấp (trong đó có dân tộc Khmer).
Lịch sử nước ta đã ghi nhận những đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số (trong đó có Khmer) trong sự nghiệp đấu tranh đánh đuổi kẻ thù xâm lược bảo vệ tổ quốc. Đồng bào các dân tộc thiểu số đã không ngại hy sinh xương máu để che chở bảo vệ cách mạng, hăng hái theo Đảng trong cuộc trường chinh kháng chiến cứu nước. Ngày nay dân tộc thiểu số vì nhiều lý do còn nghèo nàn, lạc hậu và chậm phát triển thì các dân tộc đa số phải tương trợ giúp đỡ. Thông qua Nhà nước các dân tộc thiểu số được giúp đỡ bằng việc thực hiện chính sách dân tộc, ưu đãi đặc biệt tập trung phát hiện về con người, phương tiện để các dân tộc thiểu số vươn lên, phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, tiến kịp trình độ chung của cả nước và cũng chính từ sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc anh em mà tính đoàn kết dân tộc được hình thành và phát triển ngày càng bền chặt. Phát triển kinh tế ở vùng đồng bào dân tộc là một bộ phận hữu cơ của chiến lược phát triển kinh tế quốc dân. Vùng miền núi và đồng bào dân tộc ở Việt Nam có nhiều tiềm năng, điều kiện để phát triển kinh tế nhưng do nhiều nguyên nhân mà đồng bào các dân tộc chưa khai thác được; đó là nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú như: khoáng sản, lâm nghiệp, công nghiệp, trang trại, chăn nuôi… chính vì vậy, mà Nhà nước đã đầu tư hỗ trợ, kết hợp áp dụng các cơ chế khuyến khích nhằm phát huy ý thức tự lực, tự cường, năng lực sáng tạo của đồng bào các dân tộc thiểu số để khai thác mọi thế mạnh, tiềm năng của miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Hội nghị TW 7 (khóa IX) về công tác dân tộc đã cụ thể nhiệm vụ phát triển toàn diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và ANQG trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi; gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, thực hiện tốt chính sách dân tộc; quan tâm phát triển, bồi dưỡng nguồn nhân lực, châm lo xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số; giữ gìn và phát huy những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiếu số trong sự nghiệp phát triển chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam thống nhất”.
Thực tế đã cho thấy, thông qua các chương trình quốc gia xóa đói giảm nghèo, chương trình 135, 134 đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc, miền núi đã có bước phát triển rõ nét. Những con đường bê tông nhựa đã xây dựng tới tận các phum sóc, giao thông phát triển tất yếu kéo theo sự phát triển nhiều mặt mà trước tiên là phục vụ đi lại của bà con, vận chuyển hàng hóa, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Những công trình thủy lợi đưa nước chủ động bơm tưới cho vùng đất cao để nâng vòng quay của đất từ 1 vụ năng suất bấp bênh lên 2, 3 vụ, năng suất, sản lượng đèu vượt lên gấp 2, 3 lần. Những công trình cung cấp nước phục vụ sinh hoạt, tạo điều kiện về vệ sinh, môi trường, bảo vệ sức khỏe của bà con dân tộc thiểu số, nhiều công trình cung cấp điện góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số với sự đa dạng phong phú của các loại hình vui chơi, giải trí và phương tiện thông tin đại chúng. Đảng và Nhà nước Việt Nam đã thực hiện nhiều chính sách ưu tiên đặc biệt phát triển giáo dục và đào tạo, coi trọng đào tạo cán bộ và đội ngũ trí thức người dân tộc thiểu số (có dân tộc Khmer). Nhiều ngôi trường Dân tộc nội trú dạy chữ dân tộc và chữ phổ thông thu hút con em đồng bào dân tộc vào học tập và rèn luyện có học bổng của Nhà nước, giảm gánh nặng cho gia đình, người thân. Nhiều chính sách cử tuyển đưa học sinh Dân tộc thiểu số đi đào tạo các ngành học, các cấp học theo qui hoạch, bố trí cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển của vùng đồng bào dân tộc miền núi. Đã có nhiều cán bộ người dân tộc thiểu số được cơ cấu vào hệ thống chính trị Nhà nước Việt từ cơ sở đến TW. Nhiều hoạt động vui chơi giải trí, lễ hội đậm nét bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số được giữ gìn và phát huy, phục vụ cho đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc và tạo điều kiện giao lưu văn hóa giữa các dân tộc anh em. Đảng và Nhà nước Việt Nam có những chính sách tạo điều kiện để nhân dân các dân tộc thiểu số vươn lên mạnh mẽ, phát triển kinh tế, văn hóa, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, coi trọng đào tạo cán bộ dân tộc, tôn trọng và phát huy những phong tục tập quán và truyền thống văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc. Là dân tộc Việt Nam dù sống ở Việt Nam hay ở nước ngoài chúng ta cần luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, kịp thời đánh bại mọi âm mưu và hành động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc (trong đó có dân tộc Khmer) để chống phá chế độ, chống phá Đảng và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
L.T.S

Thứ Hai, 22 tháng 12, 2008

Họp mặt chức sắc, sư sãi 141 chùa Phật giáo Nam tông Khmer tỉnh Trà Vinh



Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đánh giá cao bà con Khmer tích cực tham gia thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để góp phần xây dựng quê hương, đất nước

Ngày 22/10, Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ (BCĐ TNB) do ông Sơn Song Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ TNB làm trưởng đoàn, đã có buổi gặp mặt nói chuyện thân mật với 350 chức sắc, sư sãi của 141 chùa Phật giáo Nam tông Khmer của tỉnh Trà Vinh. Tham dự buổi họp mặt có ông Thạch Hel, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trà Vinh, Hòa thượng Thạch Sóck xane- Phó Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh.

Tại buổi họp mặt, ông Sơn Song Sơn nêu bật sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta trong việc thực hiện các chính sách dân tộc, tôn giáo, tạo điều kiện cho các tôn giáo phát triển. Nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh Trà Vinh và các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long không ngừng được nâng cao. Từ 2005 đến giữa năm 2008 tỉnh Trà Vinh đã xây dựng và trao tặng 13.330 căn nhà cho hộ Khmer nghèo.

Riêng năm 2008, Chương trình 134, 135 giai đoạn II, tỉnh Trà Vinh được Trung ương đầu tư 55, 3 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển sản xuất; phát triển cơ sở hạ tầng; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở; hỗ trợ các dịch vụ cải thiện đời sống và trợ giúp pháp lý cho đồng bào nghèo...

Nói chuyện thân mật với đông đảo chức sắc, sư sãi trong tỉnh Trà Vinh, ông Sơn Song Sơn nêu rõ, vị thế của Việt Nam ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế sau gần hai năm gia nhập WTO. Giới thiệu các chính sách dân tộc, tôn giáo, tự do tín ngưỡng của Nhà Nước ta, ông Sơn Song Sơn kêu gọi các vị chức sắc, sư sãi cộng đồng trách nhiệm tăng cường công tác vận động tuyên truyền trong đồng bào Khmer, cảnh giác trước những âm mưu xuyên tạc, bịa đặt, lôi kéo, chia rẽ đoàn kết của các thế lực thù địch. Bà con cần tiếp tục tích cực tham gia thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để góp phần xây dựng quê hương, đất nước, vun đắp tình hữu nghị đoàn kết giữa hai nước láng giềng Việt Nam - Campuchia ngày càng phát triển bền vững.

Trước đó, ngày 21/10, ông Sơn Song Sơn cũng đã có buổi họp mặt thân mật với gần 500 cán bộ chủ chốt người Kinh và Khmer đang làm việc tại các địa bàn có đông đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh Trà Vinh. Ông Sơn Song Sơn lưu ý tỉnh Trà Vinh chú trọng quy hoạch, đào tạo nguồn cán bộ dân tộc Khmer đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sắp tới./.

TTXVN

Trà Vinh: Gặp mặt sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer

Trà Vinh (TTXVN) - Ngày 22/10, đoàn công tác của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đã có buổi gặp mặt thân mật với 350 chức sắc, sư sãi của 141 chùa Phật giáo Nam tông Khmer của tỉnh Trà Vinh.

Tại buổi họp mặt, ông Sơn Song Sơn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, nêu bật sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện các chính sách dân tộc, tôn giáo, tạo điều kiện cho các tôn giáo phát triển.

Trong năm 2008, Trung ương đã đầu tư 55,3 tỷ đồng cho tỉnh Trà Vinh để hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo và bồi dưỡng năng lực cho cán bộ cơ sở, hỗ trợ các dịch vụ cải thiện đời sống và trợ giúp pháp lý cho đồng bào nghèo.

Ông Sơn Song Sơn cũng giới thiệu sơ lược về các chính sách dân tộc, tôn giáo tự do tín ngưỡng của Nhà nước và kêu gọi từng vị chức sắc, sư sãi các chùa tăng cường công tác vận động tuyên truyền trong đồng bào Khmer hết sức cảnh giác trước những âm mưu xuyên tạc, bịa đặt, lôi kéo, chia rẽ đoàn kết của các thế lực thù địch.

Ông cũng đề nghị đồng bào dân tộc Khmer tích cực tham gia thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để góp phần xây dựng quê hương, đất nước, vun đấp tình hữu nghị đoàn kết giữa hai nước láng giềng Việt Nam-Campuchia ngày càng phát triển bền vững.

Trước đó, ngày 21/10, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ Sơn Song Sơn cũng đã có buổi gặp mặt với gần 500 cán bộ chủ chốt người Kinh và Khmer đang làm việc tại các địa bàn có đông đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh Trà Vinh./.